Ai học tiếng Nhật đều biết rằng, chữ kanji mà có 2 chữ Hán đi cùng nhau thì sẽ đọc theo âm On-yomi, còn nếu đi một mình kèm theo chữ mềm, hoặc tên người thì sẽ đọc theo âm Kun-yomi. Ồ, nếu chỉ có như vậy thì tiếng Nhật đã không khó đến mức đấy. Kỳ thực, quy tắc trên chỉ mang tính tương đối và các trường hợp ngoại lệ thì nhiều vô kể. Điển hình nhất, trong thời điểm này, không gì khác ngoài Virus Corona.
Trong chương trình “Đường lên đỉnh Olympia tiếng Nhật”, vòng thi Về đích, một thí sinh được hỏi câu sau:
Diệp Chi: Bạn hãy cho biết cách đọc đúng của từ 新型コロナ・ウイルス
Táo: Ồ, dễ thế. Hai chữ Hán đi cùng nhau, vậy ắt hẳn phải đọc theo âm Hán rồi!
Diệp Chi: Vậy câu trả lời cuối cùng của em là gì?
Táo: Em chọn SHINKEI Corona Virus.
Diệp Chi: ….. Rất đáng tiếc cho Táo, đây không phải câu trả lời đúng. Cơ hội cho các thí sinh còn lại.
Lê: (bấm chuông đầu tiên) Thưa chị, vậy đó chắc hẳn phải là ATARAGATA Corona Virus!
Diệp Chi: … Rất tiếc. Đây vẫn chưa phải câu trả lời đúng.
Diệp Chi: … Đáp án đúng của chương trình là SHINGATA (Corona Virus). Chúng ta phải lấy đầu của bạn Táo ghép với đuôi của bạn Lê mới ra được câu trả lời chính xác nhé.
Táo,Lê: Nhưng… tại sao hả chị?
Diệp Chi: … Để trả lời câu hỏi này, xin mời “chuyên gia” tư vấn của chương trình, bạn Kiyoshi !
Cảm ơn MC Diệp Chi đã trao cơ hội. Dưới đây, tôi rất hân hạnh được đưa ra câu trả lời 😀
Ngôn ngữ luôn bất định
Trừ ngôn ngữ nhân tạo là Esperanto ra, mọi ngôn ngữ, trong quá trình tiến hoá của mình đều là kết quả của một sự thoả hiệp giữa quy tắc và bất quy tắc.
Lúc ban đầu học tiếng Nhật, mình cực kỳ ghét cái sự “lươn lẹo” của Kanji. Một chữ kanji, nhớ nghĩa và cách viết đã khó khăn rồi, lại còn có bao nhiêu là cách đọc. Những chữ nào càng đơn giản, càng phổ thông thì lại càng có lắm cách đọc. Nhìn chữ 生 mà xem.
生:đọc là い trong 生きる, う trong 生まれる, お trong 生う, う trong 生える, hay chẳng đi với ai thì là なま, な trong 生る hay む trong 生す. Đó là chưa kể âm Hán lúc thì đọc là せい(生命)nhưng có lúc lại là しょう(一生)
Còn có rất nhiều ví dụ khác với các chữ 人、下、上、日 mấy chữ này tuỳ từng hoàn cảnh khác nhau thì có đến cả tỉ cách đọc.

Nhưng nhìn rộng ra, chẳng phải ngôn ngữ nào cũng như vậy hay sao?
Hãy nhìn vào tiếng Anh mà xem. Chữ E lúc thì đọc là /i/ trong bit, lúc thì là /ē/ (i kéo dài) trong bee, lúc thì /e/ trong left. Hay các động từ bất quy tắc chẳng hạn O.O”. Tiếng Anh là sự lai giống giữa ngôn ngữ gốc Giéc-manh (tiếng Đức) và Latin và Hy Lạp nên cũng không ngạc nhiên khi nó lại linh hoạt đến vậy?
Thế các ngôn ngữ Latin thì chắc có cách đọc cố định hơn, phải không? Nah. Mình cũng đã học tiếng Pháp, một ngôn ngữ gốc Latin, và cách mà họ phát âm cũng đầy bất quy tắc trong bất chấp việc họ đưa ra vô số các quy tắc . Ví dụ, trong tiếng Pháp, âm “s” ở cuối thường là âm câm. Ví dụ, “vous” (/vu/), “trois“(/tʁwa/), âm “s” ở cuối không hề được phát âm. Nhưng những từ “fils“, “tennis” hay “autobus” thì “s” lại được phát âm. Cũng tiếng Pháp, âm “t” đứng cuối thì cũng thường là âm câm, ví dụ “et“, “salut“, “vingt” nhưng lại được phát âm ở các từ “huit“, “brut“, “direct“, “sept“. Có lẽ, cách tốt nhất để hiểu quy tắc phát âm, ký âm một cách tường tận là thông qua tiếp xúc trực tiếp với từng từ một. 😐 (Xem clip dưới đây để biết rằng tiếng Nhật vẫn thật yasashii chán nếu so với tiếng Pháp 🙂 )
Thậm chí, kể cả tiếng Việt, ngôn ngữ mà theo mình là “ổn định” nhất trong việc phát âm, cũng có một số thứ chạy ra ngoài quy tắc. Ví dụ: “quốc” và “cuốc” viết khác nhau nhưng đọc giống nhau. Hai từ “dạy” và “dậy”, nghĩa khác nhau, cách đánh vần khác nhau nhưng hầu hết chúng ta đều phát âm như nhau (ít nhất là ở ngoài miền Bắc). Cũng nói về miền Bắc, các từ “gia”, “da”, “ra” nghĩa rất khác nhau, nhưng đều được phát âm giống nhau. Trường hợp này cũng không khác mấy so với tiếng Pháp mà mình đã nêu ra ở trên. Còn nữa, hồi tiểu học ai cũng được học là nếu âm /i/ đứng cuối hay đứng một mình, thì sẽ được viết bằng chữ “y”, ví dụ: “ly kỳ“, “y tá”, “nhật ký“, v.v.. nhưng cũng có vô số ngoại lệ, ví dụ: “ví tiền” (vý tiền ✖︎), “hòn bi” (hòn by ✖︎), “y sĩ” (y sỹ ✖︎), “kì vĩ” (kỳ vỹ ✖︎). Hình như là cũng có quy tắc chính thống đó (xem thêm), nhưng ngôn ngữ về bản chất tiến hoá theo thói quen. Mà thói quen, nhất là về khâu phát âm hay biểu ký thì thường khó mà nhất nhất tuân theo mọi quy tắc đề ra được. 😐
Thế nên, tiếng Nhật, cũng không có gì ngạc nhiên nếu bạn nhìn thấy những ngoại lệ trong việc phát âm như này. Hiểu được điều này, mình thấy không ghét tiếng Nhật nữa, mà thậm chí còn thấy nó chứa rất nhiều điều thú vị. Bài viết hôm nay sẽ tìm hiểu về những sự “bất định” này của tiếng Nhật, đặc biệt là liên quan đến Kanji.
混血語 (Konketsugo)
Trong tiếng Nhật, những từ có cách đọc lẫn lộn như vậy được gọi chung là 混血語 (Hỗn huyết ngữ). Trong đó, nếu nói về cách đọc thì có thể chia làm hai, đó là: 重箱読み (Juubako-yomi) = âm On+Kun và 湯桶読み (Yutou-yomi) là ngược lại, âm Kun+On.
重箱 = 重(ジュウ)+ 箱(はこ)
湯桶 = 湯(ゆ)+ 桶(トウ)
Hai từ này cũng ý tại ngôn ngoại đấy chứ, làm mình liên tưởng ngay đến từ Hippopotomonstrosesquippedaliophobia .Trong tiếng Anh, nó có nghĩa là “chứng sợ những từ ngữ dài”.
Lí do cho sự dung hợp này là vì nghĩa gốc của mỗi chữ Kanji đến từ những nguồn gốc khác nhau, cụ thể ở đây là Wago (từ gốc Nhật) và Kango (từ gốc Hán). Thế nên mới gọi là “hỗn huyết” đó, vì từ ngữ đó có “bố mẹ” thuộc hai dòng máu ngôn ngữ khác nhau. Những từ này có mặt ở khắp mọi nơi, nếu mọi người để ý.
Một số Juubako (ON+Kun) điển hình: (âm On-yomi sẽ được viết bằng chữ cứng và Kun-yomi được viết bằng chữ mềm):
- 客間(キャクま): phòng khách
- 金色(キンいろ): màu vàng
- 残高(ザンだか): số dư tài khoản ngân hàng
- 新顔(シンがお): gương mặt mới
- 新型(シンがた): thể mới
- 台所(ダイどころ): nhà bếp
- 団子(ダンご): một loại đồ ăn vặt ở Nhật
- 番組(バンぐみ): chương trình truyền hình
- 本棚(ホンだな): giá sách
- 本屋(ホンや): nhà sách
- 試合(シあい): trận đấu
- 派手(ハで): loè loẹt
- 味方(ミかた): bạn, người ủng hộ

Một số từ Yutou (Kun+ON):
- 時計(とケイ): đồng hồ
- 甘食(あまショク):bánh ngọt
- 梅酒(うめシュ): rượu mận
- 出番(でバン): lượt (chơi), phiên
- 白菊(しらギク):hoa cúc trắng
- 手帳(てチョウ): sổ tay
- 鶏肉(とりニク):thịt gà
- 見本(みホン):vật mẫu (sample)
- 目線(めセン):cái nhìn
- 場所(ばショ):địa điểm
Tình huống này trong ngôn ngữ nào cũng có luôn. Ví dụ tiếng Anh có từ “automobile” là ghép từ gốc Hy Lạp “auto” và Latin là “mobilis”. Tiếng Anh (thường thường) sẽ tôn trọng cách đọc của ngôn ngữ gốc, thế nên từ “mobile” đọc là /mô-biu/ chứ không phải là /mô-bai/. Tuy vậy, từ “mobile phone” lại đọc là /mô-bai-phôn/ giống từ “senile” (gốc Latin, nghĩa là “già yếu”).
Tiếng Việt cũng không ngoại lệ. Nếu như coi hệ Khmer-Mường là thuỷ tổ của tiếng Việt, thì một số từ thuần Việt hiện nay ta vẫn dùng như “mưa”, “ngắn”, “nụ”, “chuột”, … cũng được lai ghép với các từ gốc Hán để nói thêm được nhiều hơn. Ví dụ (chữ nào gốc Hán mình sẽ để in hoa): SÚNG ngắn, nụ HOA, chuột BẠCH, chữ KÝ, v.v..
当て字(Ateji)
Ateji (当て字)là những từ đi mượn nhưng không phải vì trong tiếng Nhật không có từ đó, mà lý do là vì nó CÓ rồi. Vào thuở hồng hoang, tiếng Nhật đã có âm nhưng chưa có chữ viết, do đó mà người Nhật phải đi mượn chữ Hán từ Trung Hoa. Thời đó thì Hiragana chưa ra đời, hoặc chưa được phổ cập thành bảng chữ cái chính thức như bây giờ, nên người ta phải đi mượn Kanji để biểu thị cho những từ thuần Nhật mà họ đã dùng bấy lâu nay. Có 3 cách mượn, một là mượn “cách đọc”, hai là mượn “nghĩa”, ba là mượn cả hai.
Mượn cách đọc
Điểm quan trọng nhất là những chữ Kanji này cho ra cách đọc gần đúng nhất với từ gốc muốn nói. Do đó, nhiều khi nghĩa của chúng chẳng liên quan gì mấy đến từ gốc.
- 寿司(すし): chính là sushi
- 仏国(ふっこく): nước Pháp (không phải Bhutan nhé =)) )
- 沢山(たくさん): nhiều
- 背広(せびろ):bộ com-lê
- 出鱈目(でたらめ):linh tinh, vớ va vớ vẩn
- 滅茶苦茶(): rất (khá tương đồng với từ “cha chả” trong tiếng Việt)
Mượn ý nghĩa
Không thể “nhìn mặt mà bắt hình dong” với những chữ này, vì Kanji chỉ là bề ngoài tượng trưng cho ý nghĩa thôi, chứ cách đọc thì không liên quan lắm, vì nó là từ gốc Nhật, hiện diện trước khi người ta nghĩ đến việc đi mượn chữ Hán.
- 海老(えび): tôm = 海(biển) + 老 (lão) (bởi vì tôm có râu, trông như ông lão)
- 海苔(のり): rong biển = 海(biển) + 苔 (rêu)
- 滅多に(めった): hiếm khi
- 台詞(せりふ): cách nói/ hội thoại thường thấy ở một nhân vật/kịch nào đó. (mình nghĩ tiếng Anh của nó là “catchphrase”) = 台 (đài, bục, sân khấu) +詞 (từ). Ví dụ, serifu của nhân vật Maruo trong phim Maruko là “Zubari … deshou!” (Dịch ra là “Nhất định là … đúng không”)
- 田舎(いなか): nông thôn (xuất phát từ từ gốc là 稲家(稲 đọc là “ine” hoặc “ina” nghĩa là “lúa”, 家 âm Hán là “ka” nghĩa là nhà, “nhà nông”)
Mượn cả cách đọc và ý nghĩa
Một sự giao thoa tuyệt vời phải không nào? Một số ví dụ điển hình có thể kể đến như:
- 可愛い(かわいい): khả ái = 可(có thể) + 愛(yêu), tức là đáng yêu
- 十露盤(そろバン):bàn tính cổ của Nhật xưa (Ngày nay thì từ này được thay bằng 算盤)= 十(bàn tính này dùng hệ đếm thập phân) + 露(giọt sương, ý chỉ mấy hòn bi trên bàn tính) + 盤(bàn tính)
- 頓痴気():thằng ngốc = 頓 (đổ đốn, đình đốn) + 痴 (ngu si) + 気 (tính khí)

Ngoài việc chỉ dùng cho các từ thuần Nhật ra thì Ateji cũng được ứng dụng rất nhiều khi mà Nhật Bản bắt đầu mở cửa đón nhận tiếng nước ngoài (ngoài tiếng Trung).
外来語の当て字(Gairaigo)
Ở các ví dụ trên thì hầu như những Ateji đó được dùng cho các từ thuần Nhật, nghĩa là lấy chữ Hán để bồi cho những chữ Nhật đã có. Vậy những từ mượn nước ngoài (gairaigo) thì sao? Trước khi người Nhật phổ cập một cách triệt để chữ cứng để phiên âm tiếng nước ngoài (Anh, Pháp, Đức, Bồ, …) thì họ cũng đã sử dụng Kanji. Cách mà họ mượn cũng giống như trên.
Mượn cách đọc
- 型録(カタログ): ca-ta-lô
- 瓦斯(ガス): khí ga
- 亜細亜(アジア):châu Á
- 珈琲(コーヒー):cà phê
Ở Truyện kể Kanji số 7: Tên các quốc gia, mình đã kể ra một loạt các chữ Kanji ngày xưa được dùng để đại diện cho tên các quốc gia. Ngày nay thì người ta thay hết bằng Katakana rồi (Việt Nam cũng từ 越南 thành ベトナム đó)
Mượn ý nghĩa
Món này nhiều lắm các bạn ạ.
- 煙草(タバコ):thuốc lá = 煙 (khói) + 草 (cỏ)
- 火酒(ウイスキー): whisky = 火(lửa) + 酒 (rượu)
- 風琴(オルガン): phong cầm, đàn organ (Từ “cầm” 琴 vốn được người Nhật dùng để chỉ đàn koto của Nhật)
- 洋琴(ピアノ):dương cầm
- 頁(ページ): trang (sách)
- 牛酪(バター): bơ = 牛 (bò, vì bơ làm từ sữa bò) +酪 (lạc trong củ lạc, những món béo béo, sản phẩm làm từ sữa)
- 麺麭(パン):bánh mì = 麺(mì trong bột mì) + 麭 (từ kanji cũ của dango, do bánh mì cũng tròn tròn như dango)
Mượn cả hai (hợp nghĩa hợp cách đọc)
- club = 倶楽部(クラブ): câu lạc bộ = 倶 (cùng nhau) +楽 (lạc thú, vui thích) +部 (bộ, ban)
- romantic = 浪漫(ロマン):lãng mạn = 浪(phóng lãng, phóng túng, lãng tử) + 漫(tản mạn, buông tuồng)
- capa (tiếng Bồ) = 合羽(カッパ):áo mưa = 合 (hợp lại, âm か xuất hiện trong từ 合する(がっする)hợp nhất) + 羽 (cánh)
Nếu muốn tìm hiểu thêm nhiều Ateji kiểu này nữa, các bạn có thể tham khảo trang này: Kanjiten.net

Photo by Paul Cusick on Unsplash
名乗り(Nanori)
Thứ khó nhất, ta để cuối cùng các bạn nhỉ.
Đây là lúc để các bạn biết được rằng, Kanji với người Nhật bất định và thiên biến vạn hoá đến cỡ nào. Nanori là cách đọc tên người của các chữ Kanji, và tuỳ vào họ của chủ nhân mà cùng một chữ Kanji nhưng có đến vô vàn cách đọc. Nếu các bạn vẫn không tin, hãy trả lời câu hỏi tiếp theo của “Đường lên đỉnh Olympia tiếng Nhật” sau.
Diệp Chi: Em hãy cho biết cách đọc đúng của người có họ như sau 長谷川
Táo: Ồ, theo như lý thuyết thông thường mà em biết thì tên họ phải đọc theo em Nhật. Như vậy, đáp án của em là “NAGATANIGAWA”
Diệp Chi: Em đã chắc chưa?
Táo: Kể ra thì nghe dài quá chị nhi, em thấy nó cứ sai sai thế nào ấy.
Diệp Chi: Tự tin lên nào.
Táo: Em thấy thỉnh thoảng người Nhật vẫn dùng chữ Hán để đọc tên của mình, như kiểu 公平 đọc là Kouhei này.
Diệp Chi: Thế tóm lại, câu trả lời cuối cùng của em là gì?
Táo: Thưa chị, thôi thì em liều theo âm Hán đi. Câu trả lời cuối cùng của em là “CHOUKOSSEN”.
(Vừa dứt lời, thí sinh Táo liền nhận ra, cái tên mình vừa đọc nghe không hề thuần Nhật tí tẹo nào)
Diệp Chi: Rất đáng tiếc, câu trả lời của chúng ta phải là HASEGAWA.
(cả hội trường im phăng phắc)

Mình nghĩ, ngoài chị Diệp Chi ra, chắc chẳng ai đoán ra được đâu.
Ồ, mà chương trình vẫn còn một câu hỏi cuối.
Diệp Chi: Còn 1 câu hỏi cuối cùng. Táo, em có chọn ngôi sao hi vọng không?
Táo: Vâng, cho em ngôi sao hi vọng đi!
Diệp Chi: Rất tốt. Câu hỏi của chúng ta như sau. Bạn hãy cho biết cách đọc đúng của người mang họ sau 裕仁
Táo: Lại nữa hả chị? Sao chương trình cứ lấy tên người ra để đá xoáy bọn chuyên Nhật như em vậy? 😥
Diệp Chi: Em có ngôi sao hi vọng mà. Cố lên
Táo: Để em phân tích nhé. Chữ 裕 thì là trong từ 裕福(ゆうふく)nghĩa là phong phú, giàu sang. Từ này chỉ có 1 âm On-yomi thôi nên em gần như chắc chắn nó sẽ đọc là YUU. Chữ còn lại là chữ 仁 trong từ 仁智(じんち)nghĩa là lòng nhân từ. Theo như em biết thì âm Hán của nó là JIN hoặc NIN, giống chữ 人. Cũng theo như em biết thì bộ nhân đứng 亻 kia là tượng nghĩa, còn 二 là tượng thanh nên chữ này cũng có thể được đọc là NI, hoặc JIN. Như vậy, các đáp án có thể là YUUNIN, YUUJIN hoặc YUUNI.
Diệp Chi: Em phân tích khá lắm Táo ạ.
Táo: Trong số 3 cái tên này, em thấy YUUJIN là ổn nhất, giống Nhật nhất. Nó lại đồng âm với từ 友人 là “bạn” nữa, nên xét về nghĩa cũng đẹp quá đi chớ.
Diệp Chi: Thế đáp án cuối cùng của em là?
Táo: Đáp án của em là YUUJIN ạ.
Diệp Chi: …..
Táo: ….
Diệp Chi: Rất tiếc cho em. Ngôi sao hi vọng đã làm em phải thất vọng. Đáp án của chương trình đưa ra là HIROHITO.
Táo: … Cái gì kia ạ??? huhu
Diệp Chi: Em có biết HIROHITO là ai không? Chính là Nhật hoàng đó.
Táo: Buồn quá chị ơi. Nhưng tại sao đã đọc là HITO thì ổng không thay chữ 仁 kia bằng chữ 人 đi ạ? Chứ như thế này làm sao mà em đọc được?
Diệp Chi: Sao chị biết được với Nhật hoàng. Mà em cũng đừng buồn, đến cả người Nhật còn không đọc được nữa là.
Chị Diệp Chi nói đúng đó các bạn.
Mình đã từng làm với người Nhật và nhận danh thiếp từ họ. Nhiều khi trên những danh thiếp đó đề tên nhưng không đề Hiragana, mình chịu không đọc nổi. Tra internet thì có đến hàng tá cách đọc. Nếu không tin, mời các bạn xem hình bên dưới. Đó là tất cả những chữ Hán chỉ tên người mà có thể được đọc là AKIRA @@” Bảo sao khi mà đem danh thiếp đến trước mặt sếp người Nhật, hỏi họ người này tên gì, họ cũng chỉ lắc đầu ngao ngán. “Lần sau biết đường mà ghi vào” 🙂
Đã có rất nhiều lần mình đi ăn cùng bạn/đồng nghiệp người Nhật. Vào một quán ăn nào đó mà tên quán chỉ ghi Kanji mà không có Hiragana đi kèm, chắc chắn là chịu, ngay cả người Nhật cũng không đọc được luôn. Nếu muốn biết, chắc chắn các bạn phải hỏi chủ quán. Có khi đây cũng là một cách hay để giao lưu với nhà hàng.
Thay cho lời kết, mình xin gửi các bạn một bức ảnh của quán ăn mình đã từng làm.

Câu hỏi đặt ra là, đố các bạn biết, tên của quán 油食来 đọc là gì.
Thêm nữa, bạn nào mà đoán ra được cả đồ ăn mà quán này phục vụ (qua cái tên trên) thì quả đúng là cao thủ đó.
👉 Đáp án
Nếu các bạn thích những bài viết tương tự như thế này, hãy đọc thêm:
Từ tiếng Nhật mượn nhưng dùng hơi quá đà
Tham khảo:
Weird Kanji, Tofugu (25/08/2014) by Kristen Dexter
Pingback: Truyện kể Kanji (số 15): Thiên biến vạn hoá – My Anything
Câu trả lời tên quán là “オイルショク”, món chính là “串揚げ”.
Cảm ơn bài viết lần này, thêm được nhiều thông tin khá thú vị ( thích nhất là từ cụm từ xuất hiện nhiều nhất hiện nay để dẫn chứng cho bài viết ), cách viết cũng mới hơn rồi. Thanks!
ThíchĐã thích bởi 1 người
Hehe chính xác rồi đó. Cảm ơn bạn rất nhiều nha 🙂
ThíchThích