Điểm lại một số bài blog posts nổi bật về kinh tế trên không gian mạng trong ngày.
- A Central Bank Digital Currency?
- Workers can unlock the artificial intelligence revolution
- Inaugural FT-IGM survey of academic macroeconomists
- Forecasting in Unprecedented Times
- Eurozone fiscal rules should be based on national macroeconomic stabilisation, not national debt stabilisation
NHTW có nên phát hành Tiền kỹ thuật số?
Tựa gốc: A Central Bank Digital Currency?
Báo Viettimes hôm qua có đăng tin Thủ tướng giao NHNN nghiên cứu, thí điểm tiền ảo. Mình đã kiểm tra Quyết định trên và đúng là chính phủ đang sử dụng từ “tiền ảo” thật. Thực chất việc nên gọi nó là tiền ảo (virtual money) hay tiền kỹ thuật số (digital money) thì cũng có nhiều tranh luận, tuy nhiên, nếu đặt trong văn cảnh là “tiền kỹ thuật số sử dụng công nghệ blockchain do NHTW phát hành” thì nhất thiết phải sử dụng từ “tiền kỹ thuật số” (chứ không phải “tiền ảo”) cho đúng với thông lệ quốc tế. Bởi lẽ, năm 2014, Cơ quan Ngân hàng châu Âu (EBA) đã định nghĩa “Tiền ảo là một vật có giá mà không được phát hành bởi NHTW hay các cơ quan công quyền, và không nhất thiết phải neo giá trị vào một loại tiền tệ nào đó, nhưng được chấp nhận (theo lẽ tự nhiên hay bởi các pháp nhân) làm công cụ thanh toán, có thể được chuyển giao, lưu trữ hoặc trao đổi theo phương thức kỹ thuật số”. Như vậy, “tiền ảo” (virtual currency) thực chất là một loại “tiền kỹ thuật số” (digital currency), nằm ngang hàng với “tiền mã hoá” (cryptocurrency) và “tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành” (central bank digital currency, hay CBDC). Tiếng Việt đã quy ước “virtual” là ảo còn “digital” là kỹ thuật số rồi, nên sử dụng “tiền kỹ thuật số” khi ám chỉ CBDC là chính xác nhất.
Quay trở lại với bài viết chính.
Thực chất thì phần lớn tiền đã nằm ở dạng kỹ thuật số rồi. Lương mà các bạn nhận được chuyển vào tài khoản ngân hàng, hay mỗi khi chúng ta thanh toán thông qua chuyển khoản, thẻ tín dụng, v.v.. đều là các giao dịch kỹ thuật số. Những giao dịch này đi qua các ngân hàng. Để hiểu cho rõ hơn thì việc NHTW phát hành CBDC, không có nghĩa là họ sẽ cạnh tranh trực tiếp với Bitcoin, Ethereum hay các đồng tiền mã hoá khác. Thay vào đó, CBDC sẽ là một dạng mới của đồng nội tệ. Giống như tiền giấy, xu mà chúng ta đã biết, thì nay sẽ có thêm một phương tiện trao đổi nữa là CBDC. Điểm khác biệt so với các giao dịch điện tử mà chúng ta nói ở trên, đó là việc giao dich CBDC có thể sẽ không cần thiết phải đi qua ngân hàng nữa. (giống như tiền giấy hay tiền xu vậy).
Suy nghĩ về CBDC theo hướng này sẽ làm dấy lên câu hỏi: Ồ, vậy thì đồng tiền này sẽ nằm ở dạng nào? Làm sao để sử dụng nó trong mua bán? Phương thức bảo mật là gì? Làm sao người ta truy vết được đồng tiền đó, hay nó sẽ ở dạng “nặc danh”? Chúng ta sẽ được hưởng lợi gì từ CBDC?
Điểm lợi đầu tiền có thể nghĩ đến là việc cải thiện hệ thống thanh toán. Các hệ thống thanh toán kỹ thuật số hiện nay đều phải đi qua hệ thống các ngân hàng (gọi là “bank-railed system”) và tất nhiên, vì là dịch vụ do các ngân hàng cung cấp nên người dùng sẽ phải trả phí. Đôi khi “chi phí” nằm ở dạng tiền, ví dụ như ở Vietcombank, chuyển khoản cùng NH mất 2000 VND hay 7000 VND nếu “ngoài hệ thống” (đắt ngang cỡ ở Nhật Bản). Đôi khi “chi phí” lại nằm ở mặt thời gian, bởi vì nhiều khi tiền mất 2 đến 3 ngày làm việc để đến được tài khoản đích. Ở nhiều nơi, chi phí cho việc giao dịch có thể chiếm đến 1% GDP hoặc nhiều hơn thế. Các bạn có thể thấy từ hình dưới đây (số liệu từ BIS)

Ngay cả ở Hoa Kỳ, chi phí giao dịch cũng là một vấn đề nhức nhối. “Thường phải mất đến hơn 1 ngày để các thương nhân ở Mỹ có thể nhận được tiền giao dịch. Theo số liệu của McKinsey, người Mỹ phải trả khoảng 2.3% GDP cho các dịch vụ thanh toán, cao hơn cả châu Âu. Lý do có lẽ là bởi thẻ tín dụng tính phí rất cao (cột xanh lá cây ở hình trên). Điều này không có nghĩa là người Mỹ được hưởng dịch vụ tốt hơn (mà chủ yếu là do độc quyền). Vấn đề càng trở nên trầm trọng khi mà lãi suất của các khoản tiền gửi (không kỳ hạn) ở Mỹ vốn có lãi suất khá là thấp, trong khi đây vốn là nguồn cung chủ yếu của các dịch vụ thanh toán cơ bản tại Mỹ.” (theo Darrell Duffie – một nhà kinh tế học người Canada). Có khá nhiều nghi ngại về các khoản chi phí này. Nếu như có quá ít công ty cung cấp các dịch vụ thanh toán, biểu phí có thể bị đẩy lên cao bởi vì không có quá nhiều cạnh tranh trong thị phần. Không chỉ là về mặt chi phí, người dân còn tỏ ra lo ngại về các vấn đề phát sinh liên quan đến bảo mật dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư.
CBDC được cho là có thể giải quyết vấn đề này. Điều này đặt ra câu hỏi rằng người dân và doanh nghiệp lúc đó sẽ phải đăng ký tài khonar cá nhân ở NHTW hay sao? Điều này tất nhiên sẽ giúp chúng ta bỏ qua các ngân hàng hay tổ chức tín dụng trung gian, nhưng nó sẽ tạo nên một thay đổi rất lớn trong cách mà NHTW hoạt động. Bởi lẽ từ trước tới giờ, NHTW không thực chất là một ngân hàng, mà giống một người giám sát hệ thống ngân hàng hơn. BIS mô tả phương thức hoạt động của CBDC có thể sẽ như sau:
Retail CBDC (tạm gọi là CBDC cấp độ bán lẻ) ở 2 dạng. Dạng đầu tiên sẽ có thiết kế giống như tiền mặt, tiền nằm ở dạng “nặc danh” (giống như trong giao dịch hằng ngày, đồng tiền chúng ta giao dịch không hề chứa bất cứ thông tin cá nhân nào). Để xác minh giao dịch, có thể dùng đến công cụ mã hoá “private-public key cryptography”, nhờ đó mà không cần đến thông tin cá nhân. Dạng thứ hai là dạng truy cập thông qua tài khoản, thông qua nhận dạng người dùng. Khá là giống với các phương thức hiện tại như OTP, vân tay, v.v… Thông tin cá nhân và giao dịch có thể được bảo vệ khỏi các bên thứ ba, các đơn vị quảng cáo chẳng hạn, thậm chí là khỏi chính cơ quan công quyền nếu được thiết kế hợp lý. Công chúng quan tâm tới ảnh hưởng của việc phát hành và sử dụng CBDC lên giám sát dữ liệu, cũng như đến thị trường dịch vụ thanh toán nữa.
Theo như tác giả (tại Mỹ) thì các phương tiện truyền thông hiện nay đều khá “lạc đề” khi đề cập đến CBDC. Chúng ta thường nghe đến việc Fed (NHTW Mỹ) cần tiền kỹ thuật số để cạnh tranh với các đồng tiền mã hoá khác như Bitcoin hay Ethereum. Tuy nhiên, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại, không hề có dấu hiệu rằng các đồng tiền này có khả năng thay thế hoàn toàn (hay một phần đáng kể) đồng USD trong các giao dịch thanh toán. Bản thân việc cạnh tranh với Bitcoin cũng không phải là công việc của Fed. Bất chấp việc một số NHTW khác, điển hình như PBC đang thử áp dụng CBDC, Fed dường như chưa có động thái nào mạnh mẽ về vấn đề này. Tất nhiên, CBDC vẫn đang và sẽ là một chủ đề nóng hổi và Fed sẽ dành nhiều thời gian nghiên cứu vấn đề này.
Công nhân có thể sẽ làm nên một cuộc nổi dậy chống AI ?
Tựa gốc: Workers can unlock the artificial intelligence revolution
Trí tuệ nhân tạo (AI) có tiềm năng cải thiện năng suất lao động của các hãng thêm khoảng 3 đến 4%, như vậy, nó có tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế của châu Âu. Tuy nhiên, chỉ có 40% các doanh nghiệp tại châu Âu đã áp dụng các cải tiến đến từ AI, và chủ yếu trong các lĩnh vực như quản lý kho bãi hay phát hiện lừa đảo.
Một trong những lý do chính cho sự “chậm trễ” có thể đến từ việc các công nhân tỏ ra do dự và chần chừ trong việc chấp nhận AI và các công nghệ thông minh khác tại nơi làm việc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân lý giải cho “nghich lý năng suất lao động”. Bất chấp việc công nghệ được cải tiến ngày một nhanh chóng và mạnh mẽ, nhưng mà năng suất lao động vẫn đình trệ, chủ yếu là do nó chưa được tận dụng tối đa. Chỉ đơn thuần cung cấp công nghệ không đồng nghĩa với việc người ta sẽ sử dụng nó nhiều hơn trong công việc. Tại châu Âu, tỷ lệ công nhân “cảm thấy thoải mái khi có robot hỗ trợ họ trong công việc” đã giảm từ 47% trong năm 2014 xuống còn 35% trong năm 2017. Bên cạnh đó, 74% người dân châu Âu dự đoán rằng AI sẽ phá huỷ nhiều công việc hơn là số công việc mới nó tạo ra, 44% thì nghĩ rằng công việc của họ sẽ bị thay thế (ít nhất là một phần) bởi robot hoặc AI. Những lo lắng này xuất hiện nhiều nhất ở những lao động trình độ thấp.

Số liệu dưới đây cho thấy mối quan hệ giữa sư chấp nhận của công nhân và việc áp dụng công nghệ vào nơi làm việc. Công nhân tại những quốc gia nào có tỷ lệ chấp nhận robot hỗ trợ công việc cao, thì cũng là những nơi có tỷ lệ áp dụng công nghệ, tiến bộ trong AI nhiều nhất. Tính nhân quả (causality) có lẽ mang tính 2 chiều (nơi nào áp dụng công nghệ AI nhiều thì sẽ khiến công nhân của họ dễ chấp nhận hơn thông qua quá trình học hỏi, huấn luyện), nhưng số liệu này cho thấy thái độ của công nhân với AI có một sự ảnh hưởng nhất định tới khả năng công nghệ đó được phổ dụng. (độ tương quan là 0.47)

Việc công nhân chấp nhận công nghệ đến đâu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: nó có hữu ích không? và có dễ sử dụng không? Nếu như công nghệ đó rất có ích, mà lại dễ học để sử dụng, nhiều khả năng công nghệ đó sẽ nhận được nhiều hưởng ứng. Trong nhân tố đầu tiên, nếu như công nghệ đó liên quan mật thiết đến công việc của họ, thành quả của công nghệ có thể dễ dàng được biểu thị, thì nhiều khả năng công nhân sẽ đánh giá cao tính hữu ích của nó. Mặt khác, nếu như cấp trên, đồng nghiệp kỳ vọng một công nhân sử dụng công nghệ mới thì nhận thức về tính hữu ích cũng sẽ tăng lên. Về nhân tố thứ hai thì có nhiều thứ để nói hơn. Tuỳ vào trình độ tin học, tuổi tác, cơ chế huấn luyện của công ty, động lực, v.v.. dẫn đến những nhận thức khác nhau về tính dễ sử dụng.
Một điểm quan trọng hơn trong thời đại ngày nay là thuật toán. Về bản chất, thuật toán ở nơi làm việc không có gì là mới, chúng là bộ não của AI và được áp dụng để tối ưu hoá hệ thống (kho bãi, lịch làm việc) và tính chính xác (dự báo, phân tích, cá nhân hoá marketing). Nhưng trong quá khứ, những tác vụ này chủ yếu do những nhân viên, kỹ sư máy tính ở back-office đảm nhiệm, còn front-line worker (nhân viên tiền tuyến) thì chỉ có nhiệm vụ áp dụng chúng thôi. Nhiều người còn không biết rằng có những công nghệ như vậy tồn tại. Ngày nay thì các công nghệ AI đòi hỏi chính những front-line worker này trực tiếp thao tác và điều khiển các thuật toán, trên máy tính, smart phone hay thiết bị thông minh đeo trên người. Giống như Uber, AI hiện nay cũng cho ra kết quả nhanh hơn, và thường xuyên tương tác với công nhân. Điều này khá là khác biệt so với các công nghệ thời kỳ trước. Nó cũng mang lại không hẳn toàn những điều tích cực. Tiêu biểu như một số công nhân cảm thấy khối lượng công việc trở nên nhiều hơn, bị giám sát nhiều hơn hay có quá nhiều thông báo/tin nhắn. Một vấn đề khác liên quan nằm ở sự tin tưởng. Trong một số ngành đặc thù như chăm sóc sức khoẻ, nếu như những đề xuất của hệ thống AI khác với ý kiến của y tá hay bác sĩ, họ sẽ tránh sử dụng nó trong những công việc hằng ngày. Nhiều khi chính vì không nắm rõ nguyên lý đằng sau các thuật toán, hay những công việc có tính trách nhiệm cao (kê nhầm thuốc do AI nhưng người chịu trách nhiệm vẫn là các bác sĩ) sẽ gây ra cản trở đến việc công nghệ đó có thể được áp dụng rộng rãi hay không.
(lược dịch)
Khảo sát ý kiến các nhà kinh tế học vĩ mô về nền kinh tế
Tựa gốc: Inaugural FT-IGM survey of academic macroeconomists
FT-IGM là viết tắt của Financial Times – Initiative on Global Markets, thuộc trường Đại học Chicago. Năm nay thì cuộc khoả sát này đã phỏng vấn 52 nhà kinh tế học (hàn lâm) về chính sách lãi suất của Fed. Trong bối cảnh lạm phát có dấu hiệu tăng tốc tại Mỹ, nhiều khả năng Fed sẽ nâng lãi suất, ít nhất là 2 lần từ giờ cho đến năm 2023. Tác giả của blog Econbrowser có đưa ra một số điểm thú vị đến từ kết quả cuộc khảo sát như sau.

Về tăng trưởng GDP (thực tế) của Mỹ trong 1 năm tới được dự đoán thấp nhất là khoảng 4%, cao nhất là 7.5%, trung vị khoảng 6.5%. Có lẽ một phần đến từ những tín hiệu lạc quan trong tình hình kiểm soát dịch bệnh. Nhưng độ dispersion (chênh lệch trong khoảng dự đoán là khá lớn), có thể đến từ việc nền kinh tế chịu ảnh hưởng từ các nhân tố bên ngoài như các nền kinh tế khác, chủng delta diễn biến như nào chẳng hạn.

Lạm phát trong 4 quý sắp tới được hầu hết các chuyên gia nhận định ở mức 3%. Có vẻ khá là cao. Nhiều khả năng đến từ các yếu tố ngắn hạn trong nguồn cung, ví dụ như sự khan hiếm chip đẩy giá đầu vào lên cao, hoặc Covid tiếp tục làm nhiễu loạn nguồn cung thế giới.

FT-IGM cũng đặt ra câu hỏi: Ở thời điểm ngày 18/06, lạm phát kỳ vọng (5 năm) ở khoảng 2.18%. Liệu nó có vượt mức 3% vào năm 2022 hay không? Câu hỏi này nhằm khảo sát nhận định về lạm phát trong dài hạn. Hầu hết cho rằng lạm phát như hiện tại đã được “neo” khá tốt (nếu bám theo tuyên bố của Fed về mức lạm phát mục tiêu nhỉnh hơn 2% trong trung hạn), và đà tăng của lạm phát nhiều khả năng sẽ không kéo dài.
Dự đoán trong thời kỳ chưa từng có tiền lệ
Tựa gốc: Forecasting in Unprecedented Times
Tác giả đưa ra một số dự đoán nhanh về nền kinh tế. Tất nhiên, đây là mô hình dự đoán kinh tế lượng không quá phức tạp, nhanh gọn và chỉ dựa vào các thông tin sẵn có về GDP.

SPF là Survey of Professional Forecaster, ARIMA đỏ sử dụng số liệu từ 1986-2014Q4 trong khi ARIMA xanh sử dụng số liệu từ 1986-2021Q1. Ai học kinh tế lượng chắc cũng nhớ về ARIMA, mô hình hồi quy có dựa vào biến lag (AR) và MA (moving average). NBER dự báo rằng tình hình suy thoái (vùng in đậm) sẽ kéo dài đến hết 2020Q2 (tức là bây giờ). Giờ là lúc đưa ra các dự báo xem nền kinh tế sẽ quay trở lại như thế nào. Tuỳ vào sự lựa chọn mẫu quan sát, các giả thiết đặt ra (Covid (chủng mới) có thể lây lan mạnh như trước hay không? Có đưa vào kế hoạch 1.2 nghìn tỷ USD nâng cấp cơ sở hạ tầng của chính quyền Biden vào không?) mà cho ra kết quả tương đối khác biệt.
Thời đại Covid đặt ra một bài toán hóc búa cho các nhà kinh tế lượng dự báo liên quan đến vấn đề nhận định. Chúng ta nên nhận định Covid-19 đơn thuần là một thời kỳ bất ổn nhưng sẽ nhanh chóng qua đi, hay nó sẽ có những tác động kéo dài và nặng nề tới nền kinh tế? Và vì chưa từng có tiền lệ, người ta chưa biết được rằng liệu các biến số kinh tế có phục hồi giống như các cuộc khủng hoảng trong lịch sử hay không. Chưa thể có số liệu chính xác để trả lời cho những câu hỏi này, nhất là khi Covid vẫn chưa kết thúc, và xem cái cách chủng mới đang lây lan, có lẽ nó sẽ không thể kết thúc trong một sớm một chiều.
Trong bối cảnh đó, khi mà thiếu các tiền lệ, các dữ kiện trong quá khứ làm chỗ dựa, thì các nhà phân tích cần phải sử dụng đến các lý thuyết kinh tế, và vận dụng chúng vào trong các mô hình vốn thuần về “thống kê và ước lượng” của mình. Có như vậy thì các mô hình sử dụng mới có chỗ dựa vững chắc về mặt lý luận. Cách thứ hai là sử dụng các nguồn thông tin khác (phi kinh tế) vào trong các mô hình truyền thống. Chẳng hạn như các số liệu về dịch bệnh. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải biết được những biến số mới này có ảnh hưởng thế nào tới các biến số kinh tế và tác động qua lại giữa chúng.
Chính sách tài khoá ở châu Âu nên tuân theo cơ chế “bình ổn vĩ mô” thay vì “bình ổn nợ”
Tựa gốc: Eurozone fiscal rules should be based on national macroeconomic stabilisation, not national debt stabilisation
Quy tắc tài khoá tại Eurozone đã “tạm dừng” nhờ có Covid. Ngay cả trước khi đồng EURO được ban hành, tác giả đã ủng hộ quan điểm cho phép Eurozone sử dụng các chính sách tài khoá nhằm bình ổn nền kinh tế vĩ mô thay vì hoạt động dựa trên các quy tắc bình ổn nợ công như hiện hành. Điều này nhằm đảm bảo các chính sách tài khoá tuân theo các quy tắc kinh tế vĩ mô. Khi nền kinh tế của một quốc gia thành viên tăng trưởng nhanh hơn các quốc gia EU khác thì cần phải thắt chặt tài khoá, trong khi nếu nó tăng trưởng chậm hơn thì cần phải mở rộng tài khoá. Điều này nhằm đảm bảo sự công bằng khi mà các quốc gia thành viên đã từ bỏ quyền tự quyết về chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, khi khu vực Eurozone được thành lập, các quy tắc tài khoá lại tuân theo bình ổn nợ công thay vì bình ổn kinh tế vĩ mô. Đây là một thảm hoạ. Cho đến khi trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC), các nền kinh tế nhỏ tại châu Âu được dịp “nở rộ” bởi vì lãi suất của họ được cột chung với khu vực Eurozone, dẫn đến thặng dư tài khoá và đó là lý do để họ ngày càng chi tiêu công nhiều hơn. (Ý muốn nói là các nước nhỏ trước đây có lãi suất cao nên trong balance sheet thì interest payment của nợ công cũng cao, nhưng sau khi được neo chung vào Eurozone, lãi suất giảm nên trên giấy tờ, interest payment giờ giảm xuống, kéo theo thặng dư tài khoá, việc này giúp họ có thể chi tiêu nhiều hơn, kích thích nền kinh tế. Nếu như áp dụng “bình ổn vĩ mô” mà tác giả đề cập, thì các nước này thay vì chi tiêu nhiều hơn, sẽ bị buộc phải thắt chặt chi tiêu). Trong khi đó, nếu như Đức gặp giảm phát, họ không thể dùng chính sách tài khoá mở rộng được (vì trần nợ công). Với việc là nền kinh tế lớn nhất Eurozone, không khó để thấy giảm phát ở Đức dần dần lây lan sang các quốc gia khác trong khu vực. Chúng ta lại một lần nữa thấy được sự việc này trong đợt khủng hoảng nợ công vừa rồi. Mặc cho các quốc gia chỉ vừa mới hồi phục lại sau GFC, Đức cho rằng căn bệnh của Eurozone là chi tiêu công quá mức và tiếp tục siết chặt chính sách thắt lưng buộc bụng, khiến khủng hoảng càng thêm trầm trọng.
Tác giả cho rằng nếu như Eurozone cho phép chính sách tài khoá hoạt động theo nguyên tắc bình ổn kinh tế vĩ mô, thì hậu quả đã không nặng nề đến như vậy. Để hiểu tại sao, chúng ta sẽ coi lại các kiến thức kinh tế vĩ mô. Một quốc gia với lãi suất cố định và sử dụng chính sách tiền tệ để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát. Đây là cách mà các quốc gia hoạt động thời tỷ giá cố định Bretton Woods. Nếu như hoạt động theo quy tắc bình ổn kinh tế vĩ mô thì nợ công sẽ tự khắc ổn định. Và lý do đằng sau nó là quy luật “booms and recessions” (tăng trưởng rồi giảm tốc) của nền kinh tế, mà ngày nay gọi là Business Cycle. Khi xảy ra tăng trưởng nóng, chính phủ thắt chặt chi tiêu, nợ công giảm, còn khi xảy ra giảm phát, chính phủ tăng chi tiêu, nợ công lại tăng. Về dài hạn, chúng tiêu trừ lẫn nhau, và nợ công sẽ trở nên ổn định.
Tại Euro thì có thể sử dụng lạm phát chung làm chỉ số để xem nền kinh tế đang tăng trưởng nóng hay không. Trước khi lãi suất ở mức cận-zero như hiện nay, ECB chủ yếu điều chỉnh lạm phát trung bình của cả Eurozone. Chính sách tài khoá ở mỗi quốc gia sẽ hoạt động bằng cách so sánh chỉ số lạm phát nội địa so với chỉ số lạm phát chung của khu vực. Nếu lạm phát lớn hơn trung bình, quốc gia đó sẽ cần thắt chặt tài khoá, và ngược lại.
Trước khủng hoảng

Theo biểu đồ trên, lạm phát tại các quốc gia “sẽ lâm nguy” như Tây Ban Nha, Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp là khá cao, trong khi giảm phát lại xảy ra ở Đức. Nếu Eurozone hoạt động đúng theo các quy tắc kinh tế vĩ mô thông thường, thì lẽ ra chúng ta phải thấy chính sách tài khoá được thắt chặt tại các quốc gia “lâm nguy”, còn tài khoá mở rộng tại Đức mới đúng. Nếu như vậy, nợ công sẽ không xuất hiện kinh khủng đến vậy, và giảm phát tại Đức sẽ không lan ra các quốc gia thành viên và làm giảm mức lạm phát chung của khu vực.
Sau khủng hoảng
Việc tập trung vào lạm phát tương đối (nội địa vs trung bình Eurozone) chỉ có tác dụng nếu ECB có thể chủ động kiểm soát lạm phát thông qua điều hành lãi suất. Khả năng này sẽ biến mất khi lãi suất chạm đáy (zero lower bound) nhưng nền kinh tế vẫn cần được kích thích. Khi đó, theo kiến thức kinh tế vĩ mô thông thường, chính phủ nên sử dụng chính sách tài khoá mở rộng để đưa lạm phát trở lại. Nhưng trên thực tế thì sao?

Chúng ta dễ dàng nhận thấy lạm phát của Đức và các quốc gia “lâm nguy” đều thấp hơn 2%. Và chúng kéo dài cho đến tận 2016 (trong khi khủng hoảng nợ công bắt đầu từ 2011). Chính sách tài khoá mở rộng đã không được thực hiện, trái lại, thắt lưng buộc bụng khiến cho các quốc gia như Hy Lạp, TBN còn chìm sâu hơn trong suy thoái.
Không chỉ vậy, bản thân các khía cạnh khác liên quan đến kinh tế vĩ mô cũng cần được điều chỉnh. Ví dụ như chỉ số lạm phát tốt nhất làm mỏ neo cho chính sách là gì? Câu trả lời là giá cả chung nhưng hãy trừ đi giá cả hàng hoá mậu dịch vì chúng biến động rất nhanh. Hay chúng ta có cần can thiệp lên các quốc gia có lạm phát (hay giảm phát) liên tục hay không? Tất nhiên là có. Đây là lúc mà các can thiệp về mặt chính sách nhằm bình ổn kinh tế vĩ mô phát huy tác dụng. Ngay cả khi nhiều quốc gia không thể bắt kịp với lạm phát chung của toàn khu vực, thứ mà Uỷ ban kinh tế châu Âu hay ECB nên bàn đến là làm sao để cải thiện tính cạnh tranh của quốc gia đó, thay vì nhìn vào các khoản nợ.
Tác giả cũng cho biết, trong một nghiên cứu mô phỏng lại tình hình kinh tế, nếu như Eurozone can thiệp khác đi thì đã có thể giảm thiểu một nửa thiệt hại do các cú sốc kinh tế gây ra. Cuộc khủng hoảng vừa qua đã cho thấy sự thất bại của việc neo chính sách tài khoá vào nợ công. Ông cũng nhớ lại mình đã có một số cuộc đối thoại với các đồng nghiệp ở Tây Ban Nha ngay trước GFC. Khi ông nói rằng họ cần phải thắt chặt tài khoá, ông chỉ nhận được những phản ứng và chỉ trích. Họ nói rằng, họ đang thặng dư, và những gì ông đề xuất thật là nực cười. Nhưng GFC đã cho họ thấy sự đúng đắn trong điều ông cảnh báo. Khó có thể nói rằng Eurozone có học được bài học gì không, nhưng ít nhất, những quy tắc tài khoá cơ bản về kinh tế vĩ mô cần được xem xét một cách nghiêm túc hơn.
Series Nhật báo Vienna lấy cảm hứng từ app Vienna – một app đọc RSS Feeds mã nguồn mở trên MacOS. Nipponkiyoshi tổng hợp lại các tin tức liên quan đến kinh tế vĩ mô và lượng, từ blog của các giáo sư, nhà quan sát đầu ngành về kinh tế học. Mình sẽ cố gắng thường xuyên đăng tải lên blog.
