“Tôi là mèo” – Chương 2 (part 5)

Người dịch: Reiko

Hiệu đính: Kiyoshi

Về tới nhà, từ trong zashiki (phòng truyền thống kiểu Nhật trải chiếu tatami), tôi nghe thấy tiếng cười từ ông chủ, sảng khoái lạ lùng, rạng rỡ như mùa xuân. Tò mò lý do, tôi nhảy phốc lên hàng hiên, nhẹ nhàng thả bước đến ngồi cạnh ông chủ, và rồi nhận ra một vị khách lạ mặt.

Tóc tai chải gọn gàng, anh ta mặc một chiếc áo montsuki haori làm bằng cotton, cùng với hakama bằng vải kokura, nom thật ra dáng một anh chàng sinh viên cực kì cực kì nghiêm túc. Nằm cạnh lò sưởi tay của ông chủ tôi, ngay kế bên cái gạt tàn sơn mài, có một tấm danh thiếp ghi mấy dòng sau “Xin được trân trọng giới thiệu cậu Ochi Toufuu. Kí tên: Mizushima Kangetsu”.

(Link tổng hợp)
tiếp theo kì trước ( Chương 2 – part 4)

Vậy là tôi đã biết, cả tên vị khách lẫn việc anh ta là bạn của Kangetsu (học trò của ông chủ). Cuộc trò chuyện giữa 2 người nghe thật khó hiểu, bởi tôi đã bỏ lỡ phần mở đầu. Nhưng theo những gì nắm được, có gì đó liên quan đến nhà mỹ học Meitei, người mà tôi từng nhắc đến trước đây.

“Thầy Meitei hối thúc em cùng tham gia, kể rằng thầy có một ý tưởng vô cùng tài tình.”, vị khách bình tĩnh nói.

“Gì?”, Ông chủ thốt lên và rót trà cho vị khách,”Đừng nói cái ý tưởng đó là đi ăn trưa ở một nhà hàng Tây đấy nhé?”

“Dạ, thì lúc ấy em còn chưa hiểu cái ý tưởng tài tình đó có thể là gì, nhưng vì là thày Meitei nên em nghĩ hẳn phải thú vị lắm. Và thế là …”

“Thế là em đi cùng hắn hả?”

“Dạ phải, và quả thực em đã bị bất ngờ”.

Ông chủ tôi, như thể sắp thốt lên “Tôi đã bảo mà”, cốc mạnh một cú vào đầu tôi. Cũng đau đấy.

“Ta chắc rằng ý tưởng tài tình đó sẽ rất khôi hài cho mà xem. Kiểu của ông ấy là vậy mà.” Ông chủ vừa nói vừa nhớ lại vụ Andrea del Sarto.

“Thế ạ? Vâng, sau khi vào nhà hàng, thầy ấy gợi ý ngay “Hãy thử mấy món đặc biệt xem sao.”

“Thế hai người đã ăn gì?”

“Dạ đầu tiên lúc ngâm cứu thực đơn, thầy ấy đã kể cho em nghe rất nhiều về ẩm thực”

“Trước khi chọn món sao?”

“Vâng.”

“Sau đó thì sao?”

“Sau đó thầy ấy quay sang cậu bồi bàn mà than rằng, ‘Chẳng có món gì đặc biệt trên thực đơn này hết.’ Cậu bồi bàn, tỏ ra không phục, liền gợi ý vài món như ức vịt và thịt bê. Nhưng thày Meitei chỉ gọn ghẽ đáp lại rằng “Chúng tôi cất công vượt cả quãng đường xa đến đât không phải để ăn ba cái món tsukinami tầm thường đó. (trong tiếng Nhật tsukinami nghĩa là thông thường, hàng tháng, định kì. Trong bối cảnh này có thể hiểu là bình thường cân đường hộp sữa, rất tầm thường, không có gì đặc biệt). Cậu bồi chắc không hiểu được tsukinami có nghĩa là gì, đành đứng chôn chân, miệng không thốt lên lời”.

“Cũng không có gì lạ.” Ông chủ bình luận.

“Sau đó thầy Meitei quay sang em, nói tiếp rằng ‘Ở Pháp hay Anh quốc, người ra có thể thỏa sức ăn những món nấu kiểu à la Tenmei, hay là kiểu à la Manyou (đây là tên 2 phong cách thơ của Nhật Bản, nhưng được nói như thể là cách nấu món ăn). Thế nhưng ở Nhật Bản, đi đâu cũng độc chỉ có một loại thực đơn, làm người ta thậm chí còn chẳng muốn bước vào cái nơi tự xưng là nhà hàng Tây này nữa’. Rồi còn nhiều nhiều nữa, thày ấy cứ thao thao bất tuyệt mãi. Nhưng cho em hỏi, rốt cuộc thầy ấy đã từng ra nước ngoài lần nào chưa ạ?”

“Meitei? Nước ngoài á? Hẳn nhiên là chưa rồi. Mặc dù đúng là Meitei có dư thời gian và tiền bạc, thích là đi được ngay. Chắc lại tự ý chuyển từ thể ý định “sẽ xuất ngoại” sang thể quá khứ “đã xuất ngoại “ đi rất nhiều nơi để lòe thiên hạ đây mà.” Ông chủ lấy làm đắc ý với những lời nghe chừng rất khôn ngoan vừa nói ra nên cứ thế cười hết sức sảng khoái. Vị khách của ông chủ trái lại tỏ ra hơi tiu nghỉu.

“Ra thế. Lúc đó em cứ đinh ninh là thầy ấy đã từng xuất ngoại rồi cơ. Phần vì em cũng rất coi trọng những lời thầy ấy nói. Hơn nữa, thầy ấy còn miêu tả những món Tây như là súp ốc sên hay ếch hầm kỹ như thể đã từng tận mắt nhìn thấy chúng rồi vậy.”

“Chắc được nghe ai đó kể lại thôi. Ông ấy giỏi mấy khoản thêm mắm thêm muối cho các câu chuyện lắm mà.”

“Chắc thế thật,” anh chàng Toufuu cúi đầu nhìn chằm chằm vào lọ hoa cúc. Trông có vẻ thất vọng.

“Thế hóa ra cái tài tình của ông ấy nằm ở việc đó hả?”, ông chủ tôi cất tiếng băn khoăn hỏi.

“Không, không đâu ạ, đấy mới chỉ là mở đầu thôi. Phần chính còn ở đằng sau.”

“Ồ!” Ông chủ thốt lên một tiếng xuýt xoa đầy tò mò.

“Khép lại bài nghị luận về ẩm thực và Âu Châu, thầy ấy liền đề xuất ‘Có vẻ như dù muốn đến đâu cũng không thể nào kiếm được ốc sên hay ếch ở đây được rồi. Vậy thì ít nhất cũng nên thử món Tochimenbou vậy nhỉ. Em thấy sao?’ Chưa kịp nghĩ ngợi gì, em vô tư trả lời luôn ‘Vâng, thế cũng được ạ.’”

“Tochimenbou à, nghe cứ kỳ lạ thế nào ấy nhỉ.”

“Vâng, quả đúng là nghe thì rất kỳ, nhưng cách thầy Meitei giải thích về nó rất nghiêm túc nên em cũng không nhận ra sự kỳ lạ trong đó.” Anh ta nói như thể đang phân trần với ông chủ bỏ quá cho sự bất cẩn của mình.

“Rồi sao?” Ông chủ hỏi với vẻ thờ ơ, chẳng tỏ ra bất cứ sự cảm thông nào cho cậu khách.

“Dạ sau đó thầy ấy yêu cầu bồi bàn ‘Cho hai suất Tochimenbou’. Cậu bồi bàn hỏi lại rằng ‘Ý ngài là menchibou (thịt viên sốt) đúng không thưa ngài?’ ‘Không, không phải menchibou!’ Thầy Meitei, khuôn mặt thậm chí còn đáng sợ hơn trước, gắt lên  ‘là Tochimenbou kia!’.”

“Thật sao? Nhưng làm gì có món nào tên là tochimenbou đâu?”

“Em cũng ngờ ngợ có gì đó không đúng, nhưng lúc đó thầy Meitei tỏ ra vô cùng quả quyết, cộng với việc thầy ấy có vẻ rất am hiểu về phương Tây, hơn nữa hãy nhớ rằng lúc đó em cực kì tin tưởng việc thầy ấy từng xuất ngoại đi nhiều nơi, thế là em cũng tin răm rắp và hùa theo nhắc lại cậu bồi bàn ‘Tochimenbou, anh bạn thân mến, tochimenbou ấy’.”

“Thếcậu bồi đáp sao??”

“Cậu bồi à, giờ nghĩ lại em thấy cũng ngộ ngộ, cậu ta suy nghĩ mất một lúc, rồi nói, ‘Rất xin lỗi thưa ngài, nhưng thật đáng tiếc là hôm nay chúng tôi không phục vụ món Tochimenbou. Thay vào đó liệu ngài có thể cân nhắc dùng món menchibou được không ạ? Nếu là món đó thì nhà hàng có thể phục vụ ngay lập tức được ạ.’ Thầy Meitei lúc bấy giờ cực kì tức giận và nói ‘Vậy là chúng tôi đi cả quãng đường xa tới đây thành công cốc à? Thật sự nhà hàng này không thể làm nổi tochimenbou ư? Phiền cậu hỏi lại nhà bếp xem.’ Rồi thầy dúi vào tay cậu ta 20 Sen. Cậu bồi nói sẽ hỏi lại cánh đầu bếp một lần nữa xem sao rồi nhanh chóng chạy vào bếp.”

“Chao ôi! Tay này đến chết với cái món Tochimenbo nhỉ!.”

“Được một lúc, cậu bồi bàn quay lại, cúi đầu lễ phép nói rằng nếu được yêu cầu đặc biệt thì họ có thể phục vụ món Tochimenbo được thôi nhưng sẽ mất khá nhiều thời gian’. Thầy Meitei tỏ ra bình tĩnh, nói ‘Đang là đầu xuân năm mới, chúng tôi chẳng có gì phải vội vàng cả. Vậy ta đợi chứ?’ Dứt lời, thày lôi từ trong chiếc áo vest kiểu Tây của mình một điếu xì gà, châm lửa và bắt đầu nhả ra những tràng khói đầy khoan khoái. Em thấy mình cũng nên làm gì cho ăn khớp, thế là lấy tờ Nhật báo cất trong túi ra đọc. Cậu bồi sau đó vội vã thoái lui chạy đi chỗ khác.

“Đúng thật là phiền phức! “Ông chủ nhoài người về phía trước, tỏ vẻ não nề chẳng kém lúc đọc tin chiến trận trên nhật báo là mấy.

“Cậu bồi bàn chẳng mấy chốc lại xuất hiện, cùng một lời xin lỗi, thú nhận là nguyên liệu để làm món tochimenbou đang thiếu, không thể mua được ở Kameya hay thậm chí là ở 15 Yokohama. Cậu nói là rất tiếc, nhưng chắc chắn là nguyên liệu cho món tochimenbou sẽ chưa thể mua được ngay trong khoảng thời gian sắp tới. Nghe thế thầy Meitei quay sang em và cứ lặp đi lặp lại ‘Tiếc quá tiếc quá, cất công đến tận đây chỉ để ăn cái món đó thôi mà.’ Em cũng hùa theo ‘Vâng, đúng là đáng xấu hổ quá! Tiếc thật là tiếc!’”

“Có vẻ thế thật” Ông chủ tôi tỏ ra đồng cảm, dù chính tôi cũng không hiểu tại sao.

“Chứng kiến cảnh này chắc cậu bồi bàn cũng thấy có lỗi lắm, thế nên cậu ấy còn nói ‘Nếu trong vài ngày tới mà nhà hàng có đủ các nguyên liệu cần thiết, chúng tôi rất vui nếu ngài lại lui tới ạ, thưa ngài, và bữa đó coi như nhà hàng mời.’ Nhưng khi thầy Meitei hỏi tiếp là nhà hàng dùng nguyên liệu gì để nấu, cậu bồi bàn chỉ cười trừ không đáp lại. Thầy Meitei lại tiếp tục gặng hỏi xem nguyên liệu chính có đúng là “Haijin”của Nhật Bản không (Haijin là từ để chỉ các nhà thơ haiku của Nhật); rồi thầy biết không, cậu bồi bàn đáp: ‘Vâng, đúng thế thưa ngài. Và đó chính xác là lý do tại sao nguyên liệu cho món này ngay cả ở Yokohama cũng không có.’ Rồi đế thêm ‘Tôi thực lòng rất xin lỗi thưa ngài.’”

“Hahaha! Ra đó là mấu chốt câu chuyện hả? Thật hài hước quá đi!” ông chủ cười nghiêng ngả, không giống với bình thường chút nào. Đầu gối ông rung mạnh tới nỗi tôi suýt ngã xuống đất. Chẳng màng để tâm tới mèo tôi, ông chủ cứ cười mãi cười mãi. Dường như rất khoái chí khi nhận ra không chỉ bản thân mình từng bị “Andrea del Sarto” Meitei chơi xỏ.

“Rồi ngay khi chúng em rời khỏi nhà hàng, thầy ấy nói ‘Chúng ta đã làm rất tốt đấy chứ. Ai mà ngờ cái tên vô nghĩa Tochimembo ấy lại tạo ra được cú lừa ngoạn mục đến thế’. Trông thầy Meitei vẻ mãn nguyện lắm ạ. Em cũng phải thú nhận là em rất ấn tượng và ngưỡng mộ thầy ấy sau vụ đó. Sau đó chúng em chào nhau ra về. Cơ mà lúc đấy cũng đã quá giờ ăn trưa từ lâu mất rồi, nên em thấy đói rã rời .”

“Tội nghiệp, em vất vả rồi.” Ông chủ nói vẻ tỏ ra cảm thông, lần đầu tiên, còn tôi thì hoàn toàn đồng tình. Cuộc trò chuyện dừng lại trong chốc lát khi cả chủ lẫn khách nghe thấy tiếng rên hừ hừ do cái bụng đói của tôi.


<còn tiếp>

4 thoughts on ““Tôi là mèo” – Chương 2 (part 5)

  1. Pingback: “Tôi là mèo” – Chương 2 (part 6) – Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi

  2. Pingback: “Tôi là mèo” – Natsume Souseki, Người dịch: Reiko – Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi

Gửi phản hồi cho Kiyoshi Hủy trả lời

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.