Mạc phủ Tokugawa sụp đổ. Thiên hoàng trở lại nắm quyền.

Sau hơn 200 năm thái bình dưới sự trị vì của Tướng quân, Mạc phủ Tokugawa rốt cuộc cũng phải đầu hàng trước thời thế. Vào những năm cuối cùng của chế độ Mạc phủ, những nạn chết đói, các lãnh chúa bất mãn với chế độ, sức ép từ các quốc gia phương Tây,… đã làm Mạc phủ suy yếu trầm trọng mà đỉnh cao là Cuộc nội chiến Mậu Thìn (Boshin Senso) hay còn được biết đến nhiều hơn dưới cái tên Cuộc chiến Minh trị duy tân. Kết quả của nó là đưa Hoàng đế (Minh Trị) trở lại ngôi vị cao nhất Nhật Bản. Tuy nhiên, vì sao Mạc phủ Tokugawa, từ đỉnh cao quyền lực tưởng chừng như không có đối thủ lại thất bại và sụp đổ trong nửa cuối những năm 1800s?

Mạc phủ đã từng là đỉnh cao của sự hưng thịnh…

Nhờ có sự ổn định chính trị mà nền kinh tế của Nhật Bản dưới thời Mạc phủ Tokugawa đã cất cánh mạnh mẽ. Nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp phát triển rực rỡ trong thời kỳ này. Đường xá, tiền tệ là các chất xúc tác mạnh mẽ cho sự trao đổi hàng hóa. Nhờ đó mà dân số tăng lên ngày một nhanh trong khi tỷ lệ tử giảm mạnh (vì không còn chiến tranh). Đặc biệt, Nhật Bản đã hình thành các vùng đô thị sầm uất như thủ phủ Edo, Osaka, Kyoto, Kanazawa, Nagoya, Nagasaki góp phần củng cố thương mại, là các trung tâm trí thức, nghệ thuật, văn hóa. Các đô thị này lại được kết nối với nhau chặt chẽ hơn nhờ con đường Tokaido (Đông Hải đạo) kết nối Edo với Osaka, đưa kinh tế nội địa cất cánh.

Tokaido đã rút ngắn quãng đường từ Edo về Kyoto xuống còn 14 ngày đi bộ.

Một đặc điểm nổi bật nữa của Mạc phủ Tokugawa là các chính sách bài ngoại. Kể từ thời của Iemitsu, chính quyền thực thi sắc lệnh “Bế quan tỏa cảng” (鎖国 Sakoku) nhằm hạn chế mọi sự can thiệp của người nước ngoài, với lý do sợ rằng tôn giáo ngoại lai được du nhập sẽ làm suy yếu nền tảng của chính quyền. Do đó, mặc dù thời kỳ đầu những năm 1800s, có rất nhiều các thương nhân, đoàn ngoại giao đến ngỏ ý với Mạc phủ mở cửa để thông thương nhưng đều bị từ chối. Chỉ có cảng Nagasaki là được mở để giao thương với Hà Lan, Trung Quốc. Mạc phủ giao cho phiên Tsushima phụ trách giao thương với Triều Tiên, phiên Satsuma giao thương với Vương quốc Lưu cầu (nay là Okinawa), phiên Matsumae giao thương với người Ainu ở Hokkaido. Còn lại cấm tiệt (!)

… Cho đến thời Mạc mạt Bakumatsu (1853 – 1867)

Mặc dù có nhiều cố gắng trong việc hạn chế giao thương với người nước ngoài, nhưng rốt cuộc, Mạc phủ cũng phải đầu hàng trước sức mạnh quân sự của phương Tây. Đó cũng là dấu mốc đầu tiên của thời kỳ Mạc mạt (Bakumatsu) – giai đoạn cuối cùng của chế độ Mạc phủ. Đây là giai đoạn cho thấy rõ ràng nhất sự suy yếu của chính quyền Tokugawa, trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của triều đại này.

Tàu đen, người nước ngoài và những thỏa ước bất công

Năm 1853, Đề đốc Matthew Perry của Hoa Kỳ dẫn theo một hạm đội gồm nhiều tàu chiến hiện đại nhất lúc bấy giờ, được trang bị các khẩu pháo thần công, cập cảng Edo. Ông yêu cầu Nhật Bản phải mở cửa, cung cấp năng lượng và thức ăn cho đoàn, cho phép tàu cá nước ngoài dừng chân ở đây, đồng thời trao đổi hàng hóa. Sự uy hiếp của Đề đốc Perry đến từ các con tàu khổng lồ được sơn đen tuyền, với một thông điệp đầy hăm dọa: “Đồng ý ngoại thương trong hòa bình hoặc nhận trái đắng của chiến tranh”. Tuy vậy, để cho chính quyền có thời gian soi xét, Đề đốc Perry quyết định chỉ gửi đến Mạc phủ một tối hậu thư và hẹn 1 năm sau sẽ quay lại đón nhận câu trả lời.

Con tàu đen của Đề đốc Perry trong con khắc hoạ của người Nhật.

Y hẹn, năm 1854, Đề đốc Perry quay trở lại. Lần này khủng hơn trước, với 9 con tàu lớn, bao gồm 3 tàu chiến bằng hơi nước. Ông đã ép được chính quyền Mạc phủ ký hiệp định Kangawa, cho phép tàu thuyền Mỹ cập cảng Hakodate (ở Hokkaido) và Shimoda (ở Shizuoka) và thành lập một tòa lãnh sự tại Shimoda, với đại sứ đầu tiên là Harris Townsend. Nối tiếp Perry, liên tiếp trong các năm sau đó, các cường quốc Anh, Hà Lan, Pháp, Nga cũng có được những thỏa thuận tương tự.

Trong chuyến thăm của Đề đốc Perry năm 1854, người Nhật định hăm dọa phương Tây bằng cách cho họ xem một buổi biểu diễn Sumo. Tuy nhiên, những người Mỹ tỏ ra không mấy ấn tượng. Họ miêu tả trong nhật ký rằng, Sumo chỉ đơn giản là “xô đẩy, la hét, kéo giật, vặn nhau, dậm chân, uốn éo, trông chả thấy soi ngắm, chiến thuật gì hết” và kết luận rằng “Một cuộc tỉ thí không lấy gì làm ấn tượng, một hai người ngã xuống thì đã làm sao. Đám người (Mỹ) với cơ bắp chỉ bằng một nửa cũng đủ cười vào họ (sumo)”. Bên phía Mỹ còn đem sang phô diễn những công nghệ hiện đại nhất, đó là một đầu máy xe lửa kích cỡ bằng 1:4 đồ thật cùng với hơn 100 mét đường ray. “Hơi nước phụt lên, động cơ bắt đầu chạy, một trong những quan chức (Mạc phủ) ngồi lên toa, tàu chạy với vận tốc khoảng gần 30 km/h. Tay quan chức người Nhật, tà áo phấp phới trong gió,  trông có vẻ đang rất thích thú với những gì mình được trải nghiệm.

Thủy thủ Mỹ hiếu kỳ trước các đô vật Sumo

Nếu chỉ là những thỏa hiệp ngoại thương thông thường thì đã không có vấn đề gì, nhưng đây thực tế là những thỏa hiệp vô cùng bất công dành cho Nhật Bản. Thứ nhất, Nhật Bản đã phải mở tất cả 6 hải cảng để thông thương với nước ngoài (Edo, Kanagawa, Osaka, Kobe, Nagasaki và Niigata). Thứ hai, Nhật Bản không có quyền áp đặt thuế quan lên hàng hóa được trao đổi. Thứ ba, và cũng là nhức nhối nhất, trong số những điều khoản này nằm ở Luật Trị Ngoại Pháp Quyền (tiếng Nhật: 治外法権, tiếng Anh: Extraterritoriality rights), có ý nghĩa rằng: công dân nước ngoài nếu phạm tội ở Nhật sẽ không bị xét xử theo luật pháp nước sở tại (Nhật Bản) mà sẽ bị xử ở tòa đại sứ nước ngoài. Tình cảnh này khiến cho các vụ hiếp dâm, hành hung hay các vụ phạm pháp khác do người nước ngoài gây ra hầu như đều được xử rất nhẹ và không thích đáng.

Những điều trên đã động chạm vào tự hào dân tộc của nước Nhật, và thái độ nhún nhường của Mạc phủ trước những gì người nước ngoài làm đã khiến nhiều Lãnh chúa phật lòng.

Khủng hoảng kinh tế – xã hội

Những thỏa ước kinh tế với người nước ngoài còn gây ra những thay đổi căn bản cho nền kinh tế.

Các nhà buôn nước ngoài sử dụng bạc để vơ vét vàng ở Nhật với giá chỉ bằng 1/3 giá quốc tế. Sau đó Nhật Bản phải hạ tỷ giá vàng so với bạc cho bằng với quốc tế, tức cần nhiều bạc hơn để đổi lấy vàng. Nhưng chính điều này lại làm cho đồng nội tệ (bạc/vàng) bị giảm giá, gây ra lạm phát. Mặt khác, hàng hóa nước ngoài, với thuế rẻ mạt, tràn vào thị trường Nhật Bản đầu những năm 1860 khiến cho các nhà sản xuất điêu đứng, nhất là lụa và hàng may mặc. Họ bất mãn, ra đường biểu tình, đốt phá các nhà buôn trong thành phố. Họ đổ lỗi cho chính quyền Mạc phủ đã không thể làm gì để bảo vệ người dân trước những vấn nạn mà người nước ngoài gây ra.

Những bất mãn này đã càng củng cố thêm cho lực lượng chống đối lại chính quyền Mạc phủ đương thời.

Những biến động chính trị bất lợi

Thứ nhất. Năm 1853, sau khi bị đoàn tàu đen của Đề đốc Perry viếng thăm. Abe Masahiro – Trưởng ban cố vấn cho Mạc phủ, đã hỏi tham khảo ý kiến các lãnh chúa khác xem nên xử lý với tối hậu thư ra sao. Ông ta muốn nhận được sự đồng tình từ các lãnh chúa quyền lực khác. Tuy nhiên, chính điều này lại cho thấy sự suy yếu trong bộ máy Mạc phủ. Nó cho thấy họ không còn sự quyết đoán và óc sáng suốt như trước, và đây là cơ hội lên nắm quyền của các lãnh chúa khác, đặc biệt là các lãnh chúa bị “cho ra rìa”, tức tozama daimyo các phiên Satsuma, Choshu và Tosa vốn đã không ủng hộ chính quyền Tokugawa kể từ những ngày đầu tiên. Trong khi đó, một trong những đồng minh của Tokugawa là Tokugawa Nariaki, lãnh chúa vùng Mito, lại là một con người phản đối kịch liệt người nước ngoài, và đòi hỏi sự thay đổi trong chính sách đối ngoại.

Tozama Daimyo: Choshu, Tosa, Satsuma nằm ở rất xa so với Edo về phía Tây nam nên rõ ràng ít bị chi phối về mặt chính trị hơn.

Thứ hai. Như đã kể trên, các tozama daimyo và một đại bộ phận samurai không đồng ý với những quyết định của Mạc phủ về người nước ngoài kể từ 1853 và tiếp tục lan rộng tư tưởng chống chính phủ đương thời. Nổi lên trong đó là nhà trí thức Yoshida Shoin và tư tưởng của ông. Với lập luận rằng Mạc phủ đã đầu hàng trước “con tàu đen”, do đó không đủ tư cách lãnh đạo đất nước, và đòi trả lại quyền lực cho Thiên hoàng. Ông chính là một trong những người đầu tiên phát động phong trào “Tôn hoàng nhương di” (Sonno Joi 尊王攘夷), tức là “Phò vua đuổi mọi”. (mọi rợ ở đây ám chỉ người nước ngoài). Hai phiên có chủ nghĩa bài ngoại, tôn hoàng nhương di quyết liệt nhất là phiên Satsuma và Choshu. Họ kích động dân chúng chống lại người nước ngoài, đòi đập phá các thương điếm nước ngoài, thậm chí còn đi đến sát hại một số viên chức ngoại quốc. Phong trào này nhận được sự ủng hộ không nhỏ của rất nhiều các samurai có tư tưởng chống ngoại hay các samurai bất mãn với chế độ.

Yoshida Shouin. Được coi như một nhà tư tưởng lớn, cha đẻ của phong trào “Tôn hoàng nhương di”.

Đóng vai trò lớn trong phong trào “Tôn hoàng nhương di” là các chí sĩ (shishi 志士). Họ là những samurai trẻ, mang trong mình nhiều tư tưởng “cấp tiến”, bị cực đoan hóa chống lại Mạc phủ, và đặc biệt là rất tích cực trong những công việc như ám sát, đe dọa vì “chính nghĩa” của mình. Họ thường hoạt động trong bí mật, tổ chức các đợt ám sát lén lút với người của Mạc phủ hoặc người nước ngoài. Đặc biệt nổi lên có những chí sĩ “duy tân” về mặt tư tưởng như Sakamoto Ryouma của phiên Tosa – người mang trong mình tư tưởng cần hiện đại hóa quân đội và học theo phương Tây nếu cần để đạt được mục đích. Đối địch với chí sĩ là quân cảnh sát của Mạc phủ, hay còn được biết đến với tên gọi Shinsengumi, có nhiệm vụ truy quét và tiêu diệt các phần tử cực đoan này.

Chí sĩ là nguồn cảm hứng cho manga nổi tiếng GINTAMA

Tình hình chính trị bất lợi thứ ba liên quan đến người kế vị ngôi Tướng quân (1857 – 1858), khi đó là Tokugawa Iesada, một chàng trai ốm yếu, bệnh tật và không có con. Trùng vào thời điểm đại sứ Harris Townsend đang ép phía Mạc phủ ký thêm một Hiệp ước về thương mại nữa với Mỹ. Những người cố vấn bảo thủ với chế độ, đứng đầu là Abe Masahiro (từ nhiệm năm 1855) và người kế nhiệm ông, Hotta Masayoshi, thì muốn tiến cử lãnh chúa Iemochi phiên Kii (hay Wakayama) – một đứa trẻ 12 tuổi, hoàn toàn không có kinh nghiệm chính trường. Ngay lặp tức, các lãnh chúa hùng mạnh khác như Mito, Satsuma,… tỏ ra rất bất bình trước quyết định này và ra yêu cầu đưa con trai của Tokugawa Nariaki “bài ngoại” là Tokugawa Yoshinobu lên nắm quyền. Đứng trước những quyết định khó khăn này (kế vị Shogun, chính sách đối ngoại), Hotta thực hiện một chuyến đi đến Kyoto với ý đồ nhận được sự ủng hộ từ phía Thiên hoàng. Nhưng trớ trêu thay cho ông. Thiên hoàng Komei có lẽ biết rằng mình đã không còn là con rối của Mạc phủ nữa. Ông từ chối ủng hộ người kế nhiệm mà Hotta đưa ra, và bày tỏ rõ quan điểm bài ngoại của mình, thẳng thừng lên án việc ký kết thêm các hiệp định với nước ngoài mà điển hình là với Mỹ. Nhờ vậy mà Thiên hoàng càng nhận được nhiều sự ủng hộ từ các samurai yêu nước và các lãnh chúa khác.

Iesada (áo đỏ) yểu mệnh và ốm yếu được khắc họa trong drama “Atsuhime”.

Nhân tố thứ tư là Ii Naosuke. Sau khi bị “sỉ nhục” ở Kyoto, Hotta từ chức năm 1858. Nối tiếp công việc của ông là Ii Naosuke – một “phần tử cực đoan”, chủ nghĩa chấn hưng lại Mạc phủ truyền thống. Ii Naosuke phớt lờ ý kiến của Thiên hoàng và các lãnh chúa hùng mạnh khác. Tháng 07/1858, ông ký Hiệp ước Harris với Mỹ và đưa lãnh chúa phiên Kii, Tokugawa Iemochi lên làm Tướng quân. Ông ta nói thẳng với Hoàng thất và các lãnh chúa khác rằng “Đừng xía vào chuyện của Mạc phủ”. Ông ta còn đi xa hơn khi tiến hành Cuộc Thanh trừng Ansei vào năm 1858 buộc nhiều lãnh chúa có tư tưởng trái ngược phải từ chức, giam lỏng Tokugawa Nariaki và tống giam gần 70 samurai chống đối, bắt giữ nhà tư tưởng Yoshida Shoin và xử trảm ông (cùng 3 bằng hữu khác) vào năm 1859. Như giọt nước tràn ly, những hành động cực đoan này từ phía Mạc phủ đã càng làm sục sôi bầu không khí chống đối chính quyền.

Cuộc thanh trừng Ansei do Ii Naosuke đạo diễn

Mâu thuẫn dâng cao (1860 – 1867)

Tức giận trước cách hành xử của Ii Naosuke, năm 1860, một nhóm phiến quân của phiên Mito đã tiến hành ám sát, giết chết Naosuke ngay tại cổng thành Edo. Lý do của cuộc ám sát là vì Naosuke đã có những hành động “phản quốc”, chống lại Thiên hoàng và phản bội lại niềm tin của các lãnh chúa khác. Lên thay cho ông là con trai, Ii Naonori. Rút kinh nghiệm từ cha, Naonori chủ trương hòa giải với các lãnh chúa khác.

Ông đưa ra khẩu hiệu “Công Võ Hợp Thể” (Kobu Gattai 公武合体) với hàm ý “Hoàng thất và Mạc phủ cần hợp sức lại với nhau”. Hợp thể theo đúng nghĩa đen, Naonori chủ định thực hiện bằng cách dàn xếp hôn nhân giữa Shogun với em gái của Thiên hoàng (Kazu-no-Miya). Nhưng câu khẩu hiệu này đối với các phiên Satsuma, Choshu, Tosa thì đó là một sự chuyển dịch về quyền ra quyết sách, giờ đây vị trí của Shogun đã suy yếu về với đúng vị trí vốn có của nó – “trên vạn người, dưới một người”. Nhằm thuyết phục các lãnh chúa khác về phe mình, Mạc phủ còn đi đến bãi bỏ chế độ luân phiên trình diện (sankin-kotai) vào năm 1862. Nhưng trái lại, nó chỉ càng làm tăng sức mạnh quân sự cho các lãnh chúa.

Shogun đến yết kiến Thiên hoàng tại Kyoto (1863)

Năm 1863, dưới sự bảo trợ của các chí sĩ, Thiên hoàng Komei đưa ra yêu cầu chính thức, ra lệnh cho Shogun phải đuổi hết “lũ mọi rợ phương Tây”. Lần này, đích thân Shogun Iemochi phải đi về Kyoto (lần đầu tiên sau hơn 200 năm) để thuyết phục Thiên hoàng và các lãnh chúa cố vấn rút lại đề nghị đó. Bản thân lãnh chúa phiên Satsuma thừa biết, lệnh của Thiên hoàng là “vô cùng phi lý”, nhưng ông im lặng. Rốt cuộc, như các lần trước đây, Thiên hoàng không đồng ý với Tướng quân, và nhất mực đưa ra hạn chót để Tướng quân đuổi hết người nước ngoài ra khỏi quốc gia là 25/06/1863. Mạc phủ thừa hiểu, đó là điều không thể, nhưng vẫn chấp nhận, và hạn chót âm thầm trôi qua. Đáp trả lại động thái này của Mạc phủ, các chí sĩ phiên Choshu đánh bom vào tàu Mỹ nhưng bị quân Mạc phủ thân chinh đánh dẹp. Một năm sau, vẫn lại là các chí sĩ phiên Choshu, mang quân vào Kyoto hòng giải thoát Thiên hoàng khỏi gọng kìm của Mạc phủ, nhưng cũng không thành công. Kế hoạch thất bại, lãnh chúa phiên Choshu bị ép phải xử tử kẻ cầm đầu. Quân đội Mạc phủ thấy thế thì cũng rút quân.

Lúc này, trong Mạc phủ xuất hiện luồng tư tưởng hiện đại hóa quân đội, dẫn đầu bởi Oguri Tadamasa. Kể từ 1865, ông luôn cố gắng tư vấn và kêu gọi cải tổ quân đội theo hướng Tây hóa, nhưng đều bị các quan chức bảo thủ của Mạc phủ từ chối. Bước ngoặt  đến vào năm 1866 khi mà Shogun Iemochi chết ở tuổi 20 (vì bệnh), Tướng quân mới Tokugawa Yoshinobu nhậm chức. Ông đồng ý với Oguri và tiến hành Tây hóa quân đội Mạc phủ. Cùng lúc đó, một cuộc chạy đua vũ trang cũng diễn ra ở các phiên Choshu và Satsuma. Hai phiên này còn kêu gọi cả nông dân tham gia vào tầng lớp kháng chiến của samurai, bản thân Choshu thời bấy giờ đã là một tập hợp của rất nhiều các samurai, ronin chống đối Mạc phủ.

 

Sakamoto Ryoma

Trong mồi lửa chiến tranh này, lịch sử lại nhắc tên nhân vật Sakamoto Ryouma, chí sĩ phiên Tosa. Ông đã bí mật kết nối hai phiên Satsuma và Choshu thành liên minh Satcho vào năm 1866. Lãnh đạo phiên Choshu lúc bấy giờ là Mōri Takachika, trong khi của Satsuma là Saigo Takamori và Ōkubo Toshimichi (2 nhân vật rất quan trọng trong chính quyền Meiji sau này). Hai phiên hứa sẽ bảo vệ lẫn nhau khi một trong hai bị quân Mạc phủ tấn ông. Quả nhiên, đúng như dự tính. Mùa hè năm 1866, quân đội Mạc phủ dẫn quân tiến đánh Choshu (lần này là lần thứ hai), nhưng lần này, với sự hỗ trợ của phiên Satsuma, quân đội Mạc phủ đã thất bại nặng nề.

Hưởng ứng điều này, khắp nơi, nông dân nổi lên chống chính quyền, không chịu nộp thuế và tấn công lại người thi hành công vụ. Cuối năm 1867, suốt chiều dài từ Osaka – Kyoto đến Tokyo, các thị trấn bắt đầu hát vang các bài hát và diễu hành chế nhạo Mạc phủ. Những tiếng “Ee janai ka, Ee janai ka” hô vang khắp thành phố. Chính bản thân chính quyền Mạc phủ thừa biết rõ, ngày tàn đang đến gần.

Tranh minh hoạ cảnh muôn dân hát vang khẩu hiệu “Ee janai ka, Ee janai ka”

Tướng quân đầu hàng, Thiên hoàng khôi phục (1868)

Lại một lần nữa lịch sử lên tiếng khi lãnh chúa phiên Tosa – Sakamoto Ryouma lên tiếng đề nghị một sự chuyển giao quyền lực. Ông khuyến nghị cải cách chính quyền Mạc phủ theo mô hình của Anh quốc, bao gồm hai viện. Một viện gồm hội đồng các lãnh chúa và một nghị viện được đại diện bởi các samurai hay tầng lớp dân thường bên dưới. Tướng quân Yoshinobu được thuyết phục nên chấp nhận phương án này. Ngày 09/11/1867, Tokugawa Yoshinobu đến Kyoto, tuyên bố từ nhiệm để trao trả lại quyền kiểm soát đất nước lại cho Thiên hoàng. Đổi lại, nhà Tokugawa vẫn được giữ lại một số đất đai của mình.

Các samurai phiên Satsuma họp bàn đánh lại quân đội Mạc phủ trong trận chiến Mậu Thìn 1868

Mặc dù thế, Liên minh Satcho vẫn không bằng lòng với liên minh Hoàng thất lúc bấy giờ trong việc “ưu đãi” như vậy với Mạc phủ. Tháng 12/1867, hai phiên này liên quân và tiến đến Kyoto, dành quyền kiểm soát Hoàng thất. Đầu tháng 01/1868, liên minh này đưa Meiji (Minh Trị) lên làm Thiên hoàng mới (sau khi cha ông vừa mới qua đời), và tuyê bố “Khôi phục Thiên hoàng”. Chính quyền Mạc phủ chính thức bị bãi bỏ và thay thế bởi chính quyền mới với các quý tộc và lãnh chúa đứng dưới tư vấn cho Thiên hoàng. Đồng thời Tokugawa sẽ bị tước hết đất đai và danh vị, không có mặt trong chính phủ mới.

Saigo Takamori đang chỉ huy quân đội Hoàng gia

Yoshinobu phản kháng trước những quyết định bất lợi trên. Cuối tháng 01/1868, đội quân tàn dư thời Mạc phủ của Yoshinobu tiến đánh Kyoto, mở đầu cho Chiến tranh Mậu Thìn (Boshin Senso). Tuy nhiên, lực lượng của ông bị quân đội Satcho – nay là quân đội của Thiên hoàng đánh bại thảm hại, buộc ông phải rút chạy về Edo. Sau nhiều nỗ lực kháng cự, tháng 04/1868, Tổng chỉ huy quân đội Mạc phủ lúc bấy giờ là Katsu Kaishu đã đầu hàng quân đội Satcho vô điều kiện, trao trả Edo về lại cho chính quyền mới. Katsu tin rằng, một cuộc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình sẽ tốt hơn là cứ đâm đầu vào chiến trận cho đến chết một cách “vô ích”. Quan đội của Thiên hoàng với sự dẫn đầu của Saigo Takamori tiếp tục áp chế các lãnh chúa phương Bắc vốn trung thành với chế độ cũ. Với vũ khí và pháo, súng tối tân, quân đội Hoàng gia dễ dàng đánh lại những cung kiếm lạc hậu của các samurai phương bắc. Tháng 10/1868, Sendai thất thủ và buộc tàn quân phải tháo chạy về Hokkaido. Lực lượng của Thiên hoàng tuyên bố chiến thắng, đồng thời dời kinh đô từ Kyoto về Edo và đổi tên thành Tokyo như ngày nay vào ngày 26/10/1868.

Cảnh đưa Thiên hoàng Minh Trị lên ngôi năm 16 tuổi từ Kyoto về Edo

Quân tàn dư đóng tại Hokkaido đã tự lập nên Nước cộng hòa Ezo, hiện đại hóa quân đội và vẫn nung nấu ý định chống trả. Tuy nhiên, cũng không kéo dài được lâu. Quân đội hoàng gia tiến đánh Ezo vào tháng 03/1869, buộc lãnh đạo của Ezo phải đầu hàng vào tháng 05, chính thức công nhận Thiên hoàng là “lãnh đạo tối cao”. Cuộc chiến Mậu Thìn kết thúc.

Lúc này, nước Nhật đã chính thức được thống nhất dưới quyền lực của Thiên hoàng Minh Trị. Tư tưởng tiến bộ của Thiên hoàng cùng những cải cách sáng suốt về mặt chính trị đã giúp nước Nhật phát triển thăng hoa và rực rỡ trong suốt những năm sau đó. Minh Trị đã bãi bỏ các chức sắc thời phong kiến, đồng thời đưa quân đội và nền chính trị theo con đường Tây hóa. Ông không chủ trương “bài ngoại” mà khuyến khích học tập theo phương tây. Đặc biệt, những con người có đóng góp cho sự phục hưng của Thiên hoàng như Saigo Takamori và Ōkubo Toshimichi sau này đều giữ những chức vụ chủ chốt trong chính quyền Minh Trị, bất chấp việc trước đây chỉ là những kẻ bị chính quyền Mạc phủ “cho ra rìa”.

Toàn cảnh cuộc nổi dậy của Liên minh Satcho (Bắc tiến)

(còn tiếp)


Nguồn:

Andrew Gordon, 2003, A Modern History of Japan – From Tokugawa Times to the Present, Oxford University Press

4 thoughts on “Mạc phủ Tokugawa sụp đổ. Thiên hoàng trở lại nắm quyền.

  1. Pingback: Minh Trị duy tân (Phần 3) – Nơi chia sẻ kiến thức

Để lại bình luận

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.