Tính ra Kiyoshi đi dạy cũng ngót nghét được hơn hai năm rồi 🙂
Mặc dù là dạy part-time thôi những cũng đã có nhiều kỷ niệm đẹp và một số kinh nghiệm trong việc dạy. Tiếc là sắp tới, để dành thời gian cho những dự định lớn hơn nên có lẽ mình sẽ ngừng hẳn việc dạy tiếng Nhật. Nhân lúc còn rảnh rỗi xin phép để lại một vài dòng ở trên blog này làm kỷ niệm. Đồng thời nếu có tài liệu gì liên quan đến giảng dạy tiếng Nhật mà share được, mình sẽ up lên series này. Hi vọng nó sẽ có ích cho những người khác !!
Lớp học dành cho người tự học
Tùy vào từng phong cách giảng dạy của từng người và của từng trung tâm tiếng Nhật khác nhau mà cách dạy cũng sẽ khác. Ở trung tâm hiện tại của mình thì có một số đặc điểm như sau:
#1 Học sinh phải chuẩn bị bài ở nhà trước
Nếu chia một bài học tiếng Nhật trong giáo trình Minna ra thì 70% thời lượng là các bạn sẽ đọc từ vựng, học ngữ pháp và làm bài tập cơ bản Renshuu B ở nhà. 30% thời lượng còn lại sẽ được dành ra trên lớp để thực hành và củng cố những gì bạn học. Tất nhiên học sinh cũng sẽ có nhiều thắc mắc, câu hỏi, luyện tập thêm, do đó phần trên lớp cũng rất quan trọng.
#2 Không ghi âm không được
Nếu muốn nói giỏi thì bắt buộc phải nói nhiều. Vì thế mà trong sách có bao nhiêu phần có thể ghi âm được (Kotoba, Reibun, Bunkei, Kaiwa, RenshuuC, Mondai….) là ghi âm hết, luyện sao cho bạn thấy mình nói giỏi như băng CD nói thì thôi.
#3 Hoạt động nhóm
Có thể chia ra làm 2 loại. 1 là Hoạt động nhóm để luyện tập ngữ pháp và từ vựng phục vụ bài học. 2 là hoạt động nhóm theo dạng ngoại khóa với vô vàn các thể loại khác nhau tùy từng sensei nghĩ ra, ví dụ như thu video nói tiếng Nhật về một chủ đề, làm thuyết trình văn hóa, các hoạt động tìm hiểu văn hóa (origami, thư pháp, kimono), hùng biện, tìm hiểu kanji, v.v.. tùy vào trình độ của lớp.
Nhiệm vụ của một sensei
Như vậy, giáo án hoặc cách dạy của mình sẽ bị chi phối bởi 3 yếu tố trên. Tất nhiên sẽ có những cách học hoặc trường phái học khác nữa, nhưng nhìn chung cách học trên có một số ưu điểm như sau:
#1 sẽ nâng cao khả năng tự học và tự suy luận của học sinh. Minna có thể không phải là giáo trình nhiều màu sắc, thú vị và dễ học, nhưng nó là cuốn sách rất tốt cho việc tự học. Mặc dù vậy, người học cần biết cách kết hợp giữa sách giải thích ngữ pháp và sách bài tập (honsatsu). Nhiệm vụ của sensei chính là hướng dẫn học sinh biết cách tự học, hiểu để áp dụng làm bài tập và biết cách vận dụng mà không cần nhiều sự hướng dẫn của sensei. Bạn phải hướng dẫn rất kỹ thời gian đầu về cách học, nếu không học sinh sẽ mất đi thói quen tự học “đúng” và về sau sẽ vô cùng mất thời gian để sửa.
#2 sẽ nâng cao khả năng “nói”. Trong việc học ngôn ngữ thì nghe và nói gần như là yếu tố quan trọng nhất. Tiếng Nhật có ưu điểm là dễ phát âm, các âm cũng rõ ràng (không bị luyến láy nối âm nhiều) nhưng nhược điểm là tốc độ phát âm rất nhanh. Nên người học bắt buộc phải luyện nói nhiều. Tự thu âm, nghe lại, so sánh với băng gốc để cố gắng làm sao bắt chước lại cho đúng, và nhận comment/phản hồi từ người khác là những yếu tố rất quan trọng. Nhiệm vụ của sensei là làm sao thúc được học sinh “chăm chỉ” ghi âm và tự nghiêm khắc với bản thân. Bạn có thể hướng dẫn cách làm sao cho đúng trình tự, khích lệ mỗi khi học sinh làm tốt/chăm chỉ và đốc thúc khi có dấu hiệu lười biếng. Nếu trước đây bạn từng ghi âm như nào thì có thể đưa ra cho học sinh làm mẫu, và chia sẻ những câu chuyện, khó khăn mình gặp phải lúc học để học sinh đỡ “hoang mang”.
(Khi một sensei hướng dẫn được người khác cách tự học thành công, cũng có nghĩa là bớt đi được một phần công việc cho mình nhưng đồng thời cũng giúp ích cho chính các học sinh đó. Do đó nên chú ý làm tốt #1 và #2).
#3 sẽ giúp học sinh vừa yêu thích tiếng Nhật, vừa gắn bó với lớp, lại vừa phát huy được các tài lẻ, khả năng khác. Một bạn học sinh có thể rất ít nói trong lớp, nhưng nếu cứ đề cập đến anime/manga thì lại trở nên “nói nhiều” được ngay. Nếu trên lớp ít có thời gian bàn luận về anime, thì tại sao không dành hẳn một buổi cho các bạn ấy nói trước lớp về những gì mình thích nhỉ? Nhiệm vụ của sensei là cân bằng đừng để suốt ngày học học học mà thiếu đi các hoạt động (ngoại khóa) khác. Các hoạt động cũng cần được thiết kế để vui – dễ hiểu – có ích. Chính vì trên lớp sẽ có tới một nửa hoặc ít nhất 1/3 thời gian phục vụ thực hành nên thực tế cái số #3 này sẽ lấy đi của các bạn nhiều thời gian và chất xám nhất để suy nghĩ.
Những kỹ năng mình thấy quan trọng đối với một sensei
#1 Biết giải thích một cách dễ hiểu
Nếu không phải là một người giỏi nghĩ ra nhiều ví dụ hay cho ngữ pháp, bạn có thể bù đắp bằng việc luyện giải thích một cách dễ hiểu. Nhiều lúc, phần giải thích trong Sách giải thích ngữ pháp của sách Minna-no-Nihongo “quá kỹ càng” và đi sâu vào tiểu tiết nên thành ra gây cho học sinh thấy khó hiểu. Thế nên giáo viên cần nắm được mấu chốt (ý nghĩa – cách dùng) của từng ngữ pháp và nói được cho học sinh hiểu. Đơn giản hơn, bạn hiểu dùng như nào thì nói cho học sinh như vậy (tất nhiên là phải hiểu đúng). Có một trường phái học nữa là giải thích hoàn toàn bằng tiếng Nhật. Lấy thật nhiều ví dụ hoặc tình huống sao cho học sinh dần tự hiểu ra ý nghĩa/công thức của ngữ pháp, sau đó tự vận dụng để lắp ghép, mà không cần dùng tiếng mẹ đẻ. Mặc dù là một phương pháp hiệu quả nhưng cách dạy này khá khó với những người “nghiệp dư” như mình. Bạn cũng sẽ phải đầu tư nhiều thời gian hơn vào việc nghĩ ra thật nhiều ví dụ hay, “đắt”, hợp bối cảnh…
#2 Có khiếu hài hước
Đi dạy nên có tâm lý “vui là chính”. Hồi xưa đi dạy mình hay bị chê là “ít cười”. Quả đúng là nếu giáo viên ít cười, ít đùa, ít nói tếu thì học sinh cũng sẽ không thấy vui vẻ khi đến lớp. Cũng may mà mình đã cải thiện và tập cười nhiều hơn trên lớp học. Một bí quyết là các bạn có thể đưa ra những ví dụ lố bịch, hoặc pha trò khi lấy các ví dụ cho ngữ pháp hoặc đưa ra câu hỏi cho cả lớp trả lời để mang lại tiếng cười. Tất yếu, sau khi nhìn thấy học sinh vui cười thì bạn cũng sẽ tự động cười thôi. Ngoài ra, thường thường sau một hồi giải thích ngữ pháp liên tục, hay sau khi nói gì đó quá nhiều, bạn cũng phải tự tìm cách “nở nụ cười” vô điều kiện để cải thiện không khí lớp học.
Về khiếu hài hước trên lớp thì ngoài bẩm sinh ra cũng phụ thuộc vào khả năng ứng biến của sensei. Như mình thì có thể doodle (vẽ hí họa) lên trên bảng, vừa để “mua vui”, vừa phục vụ việc minh họa. Hoặc chế từ cho vui chẳng hạn. Vừa rồi có dạy từ mới, học từ おります(bẻ/gấp) trong tranh minh họa có “gấp giấy” và “bẻ cành cây” thì mình bảo. おります là gấp, ghép với かみ thành おりがみ – nghệ thuật gấp giấy, suy ra “nghệ thuật bẻ cành” là …おりえだ, nghệ thuật gấp tiền trái tim là おりかね v.v…
#3 Nghĩ ra nhiều hoạt động khác nhau
Càng đa dạng thì càng tốt, và tất nhiên, càng vui càng tốt. Các bài tập phỏng vấn tìm thông tin (cho học sinh hỏi lẫn nhau sử dụng cấu trúc ngữ pháp được học) là dễ nhất. Đuổi hình bắt chữ. Nhập vai. Ai là triệu phú. Nhanh tay nhanh mắt. Học tiếng Nhật qua bài hát. Chia nhóm lớp để phản biện. Chia nhóm để vẽ hình theo yêu cầu tiếng Nhật. v.v.. Gợi ý về các hoạt động trên lớp có thể được tìm thấy trong các sách tham khảo, hoặc xem cách người khác dạy như thế nào, nói chung là vô cùng đa dạng.
#4 Có chế độ khen thưởng “sáng tạo” nhưng cũng cần nghiêm khắc
Phần lớn các lớp hay sử dụng hình thức phạt tiền. Tuy nhiên, mình rất ghét việc đụng chạm đến tiền nong của học sinh nên hay nghĩ ra nhiều cách khác để phạt hoặc khen thưởng, động viên học sinh.
Phạt thì có thể phạt hát, chép phạt, chống đẩy, show ảnh người yêu/crush cho cả lớp xem, post status không làm bài tập lên facebook cho nhớ …
Khen thưởng thì có thể là phát cho học sinh đó một coupon (cho phép 1 lần đi trễ/không làm bài), hoặc các bạn có thể sử dụng các con dấu/phiếu bé ngoan cho mỗi lần làm bài tốt để đổi thưởng (sau khi học sinh thu thập đủ 10 phiếu chẳng hạn) phần thưởng có thể là sách, bưu thiếp, trà sữa, v.v…
Bên cạnh đó, học sinh cũng cần phải tôn trọng giáo viên. Khi một học sinh quá mất trật tự làm ảnh hưởng đến các bạn xung quanh và không chịu ngừng nói ngay cả khi đã bị giáo viên nhắc nhở nhiều lần, những phương pháp phạt truyền thống mạnh tay như đe dọa, cách ly hoặc thậm chí là đuổi ra khỏi lớp học. Nếu học sinh vô lễ với giáo viên hay nói tục chửi bậy ngay trong giờ thì hình phạt cũng cần nghiêm khắc tương xứng với hành vi đó, và đừng dễ dàng bỏ qua vì một lần như vậy sẽ kéo theo những lần tiếp theo.
#5 Trang bị nhiều kiến thức về văn hóa và Hán tự
Có vốn hiểu biết tốt về văn hóa và lịch sử Nhật Bản sẽ là một điểm cộng cực kỳ to lớn trong lớp học tiếng Nhật thông thường. Chúng ta không thể lúc nào cũng chỉ thao thao bất tuyệt về ngữ pháp, từ vựng, v.v.. mà không nói cho học sinh biết về những điều thú vị hoặc ít ai biết tới liên quan đến Nhật Bản, cuộc sống ở đó như thế nào, lịch sử chiến tranh ra sao, chia sẻ những điều bạn biết về văn hóa đại chúng. Đặc biệt là khi dạy về chữ Hán, những câu chuyện được sensei kể ra là những chất kết dính giúp cho các chữ Hán đó dễ dàng được các học sinh tiếp nhận và khơi dậy nhiều cảm hứng học tập hơn.
Trình tự của một buổi học?
Thường thì một bài học sẽ diễn ra theo trình tự như sau:
Dẫn dắt học sinh vào bài học (導入)
↓
Lấy ví dụ (例をあげる)
↓
Giải thích (説明)
↓
Cho luyện tập cơ bản để nắm được cách sử dụng (基本練習)
↓
Luyện tập nâng cao để tự mình sử dụng được (応用練習)
Trình tự có thể thay đổi hoặc giản lược tùy dạng ngữ pháp (ví dụ ngữ pháp dễ nên có thể bỏ qua luyện tập cơ bản luôn) hoặc giải thích cực ít, nhưng chủ yếu sẽ diễn ra theo các bước trên.