Chính trị thời Mạc phủ Tokugawa

Tokugawa là dòng họ Tướng quân (shogun) cuối cùng của Nhật Bản (kéo dài từ 1600 – 1868), trước khi bị phế truất bởi Thiên hoàng Minh Trị, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ phong kiến, mở đường cho nước Nhật hiện đại hóa và đi theo con đường “Tây hóa”. Thời kỳ của Mạc phủ Tokugawa cũng là một trong những thời kỳ đỉnh cao và thịnh vượng bậc nhất của chế độ Mạc phủ – người đứng đầu quốc gia và có thực quyền là Tướng quân trong khi Hoàng đế chỉ là người tượng trưng, không có thực quyền. Điều này có được cũng là nhờ tài lãnh đạo và trị nước hiệu quả của gia tộc Tokugawa, mà nổi bật là tộc trưởng Tokugawa Ieyasu. Trong bài viết này, chúng ta sẽ biết được sự hình thành thú vị của gia tộc Tokugawa, và những sự dàn xếp chính trị tài tình của các đời Tướng quân.

Sự ra đời của Mạc phủ Tokugawa

Người đầu tiên lên ngôi Tướng quân của nhà Tokugawa là Tokugawa Ieyasu. Ieyasu là một người có thái độ cai trị rất hà khắc nhưng đồng thời cũng là một nhà chiến lược thận trọng và kiên nhẫn. Ông luôn luôn ưu tiên gia cố vững chắc cho quân đội của mình, có tài nhìn xa trông rộng, biết chờ đợi để tận dụng cơ hội. Chính nhờ các yếu tố “nhân hòa” kết hợp với “thiên thời địa lợi” mà Ieyasu cuối cùng đã được phong làm “Chinh di Đại tướng quân”(征夷大将軍 SeiiTaishogun) ở tuổi 60 và sinh ra Mạc phủ Tokugawa. Để thấy rõ hơn điều này, phải nhìn vào quá trình Tokugawa Ieyasu vươn lên nắm quyền lực.

Hình ảnh Tướng quân được khắc họa trong game Total War Shogun

Đó là vào nửa cuối những năm 1500s, sau thời điểm Mạc phủ Ashikaga sụp đổ. Khi đó, ngôi vị Shogun bị bỏ trống, các Lãnh chúa (Daimyou) hùng mạnh bắt đầu lao vào các cuộc giao tranh lẫn nhau nhằm chiếm lấy cho mình ngôi vị này (còn được biết là thời kỳ Chiến quốc). Sau một thời kỳ chiến tranh liên miên, Oda Nobunaga đã phần nào thống nhất được nước Nhật vào năm 1575, nhưng Nobunaga lại không xin phong tước hiệu Tướng quân (mặc dù ông vẫn cai trị như một Tướng quân thực sự). Viên tướng cao nhất của ông thời bấy giờ, Hideyoshi tiếp tục đánh bại các gia tộc kháng chiến khác. Tuy nhiên năm 1582, Oda Nobunaga bị ám sát, và người được kỳ vọng sẽ nối tiếp ông là Hideyoshi. Hideyoshi thì rất khao khát chức hiệu Tướng quân nhưng tiếc thay đã không được Hoàng đế ban cho chỉ vì “lai lịch không phù hợp”. Sau nhiều cố gắng nhưng không thành, ông đành chấp nhận một chức gọi là “Quan bạch” (関白 Kanpaku), có nhiệm vụ cố vấn cho Thiên hoàng, và được ban riêng cho một họ hoàn toàn mới là Toyotomi. Hideyoshi Toyotomi tiếp tục con đường thống nhất Nhật Bản và chính thức hiện thực hoá vào năm 1590. Đến năm 1592, Hideyoshi dẫn quân đi đánh chiếm Triều Tiên. Trong khi đó, Ieyasu- cũng là một danh tướng dưới trướng Oda Nobunaga khi xưa, quyết định lại vùng Kanto tiếp tục củng cố quân đội, căn cứ, đồng minh của mình. Rốt cuộc, Hideyoshi không thành công với kế hoạch chinh chiến Triều Tiên và làm mất lòng tin của nhiều gia tộc đồng minh vào tay Ieyasu.

Hideyoshi. Còn gọi là “Tiểu khỉ (Kozaru). Đây là biệt danh do Oda Nobunaga đặt cho Hideyoshi vì khuôn mặt giống khỉ của ông.

Năm 1598, Hideyoshi chết. Người kế vị lúc bấy giờ lẽ ra là con trai của ông, Hideyori, nhưng cu cậu mới tròn 5 tuổi. Trước khi rời trần thế, Hideyoshi đã nhờ nhóm Ngũ Đại Lão, bao gồm 5 lãnh chúa đồng minh thân cận để dạy dỗ Hideyori sao cho khi đến tuổi trưởng thành (15 tuổi) thì đủ để cai trị. Trong 5 người này, có Ieyasu. Trong suốt những năm tiếp theo, Ieyasu ngày một gia tăng ảnh hưởng, củng cố lực lượng và gần như là người có quyền lực nhất trong số 5 vị Ngũ Đại Lão. Nhóm này gần bị tách ra làm hai phe vì tư tưởng và mục tiêu chính trị khác nhau, về cơ bản là “phe Ieyasu” và phần còn lại. Năm 1600, một trong 5 vị Ngũ Đại Lão là Uesugi Kagekatsu, người trung thành với Hideyori, đã lớn tiếng “sỉ nhục” Ieyasu vì những hành động lạm dụng quyền lực của ông ta. Ieyasu nhân nguyên cớ này mà ngay lặp thức đáp trả bằng cách tiến đánh tất cả các lãnh chúa nào trung thành với con trai của Hideyoshi, mở đầu với cuộc tấn công vào lãnh địa của nhà Uesugi, mở màn cho trận chiến Sekigahara nổi tiếng. Ieyasu đã giành chiến thắng thuyết phục sau đó. Vào năm 1603, ông ta đã ép được Thiên hoàng phong cho chức Chinh di Đại tướng quân nhờ việc chứng minh được “lai lịch phù hợp” của mình, mở ra thời kỳ Mạc phủ dưới triều đại của Tokugawa. Ngôi vị Shogun cuối cùng đã thuộc về tay của Ieyasu sau 27 năm “vô chủ”.

Đến đây, nhiều người có thể thắc mắc, “lai lịch phù hợp” là gì? Vì sao lại quan trọng trong việc có được làm Shogun hay không?

Điều này liên quan đến truyền thống trọng lai lịch và dòng dõi của nước Nhật. Vốn dĩ, Hoàng đế (Thiên hoàng) là người đứng đầu nước Nhật, và được coi là hậu duệ của Thần Mặt trời Amaterasu, do đó Thiên hoàng sẽ không có họ. Tuy nhiên, từ gia đình Hoàng tộc lại có phân nhánh ra các gia tộc khác (không thuộc hàng ngũ kế vị mặc dù có gốc gác hoàng tộc), có quyền lấy họ và lập nên gia tộc riêng. Thời kỳ đầu trong sử sách ghi chép thì có tổng cộng 4 gia tộc như thế (gọi là “Tứ đại gia tộc” , đó là Minamoto (còn gọi là Genji), Taira, Fujiwara và Tachibana. Ngoài 4 gia tộc này và chi tộc của họ ra thì các gia tộc khác không được coi là có “gốc gác hoàng thất”.

Trở lại lịch sử Nhật Bản. Trận đại chiến giữa nhà Minamoto và Taira đã mở ra thời kỳ Mạc phủ Kamakura – thời kỳ đầu tiên mà Shogun nắm trung tâm quyền lực của quốc gia. Thời điểm đó, gia tộc Minamoto đã giành chiến thắng và lập nên Chinh di đại tướng quân đầu tiên là Minamoto Yoritomo. Kể từ đó, bất chấp việc thực tế Tướng quân mới là người quyền lực nhất nhưng trên lý thuyết chỉ là một chức danh trong chính quyền Thiên hoàng, do đó mà nó phải được Thiên hoàng phong tặng.

Với tư cách là Shogun đầu tiên, nhà Minamoto đã lập nên một tiền lệ vững vàng. Như một quy luật bất thành văn, để được Thiên hoàng công nhận và phong chức Shogun thì TẤT CẢ các Tướng quân của Nhật Bản đều phải chứng minh là những người có lai lịch, thân thế, gốc gác là họ hàng của nhà Minamoto. Thực tế cũng chỉ ra rằng, tất cả các đời Tướng quân kể từ Yoritomo đều là người nhà Minamoto hoặc là người có họ hàng, quan hệ hôn nhân với người nhà Minamoto.

Trong trường hợp của Hideyoshi, ông ta mặc dù là một võ sĩ kiệt xuất, xứng đáng danh hiệu Shogun nhưng gốc gác chỉ là tầng lớp sĩ nông, từ bé được nhà Oda nhận nuôi. Hideyoshi không có quan hệ gì liên quan đến Minamoto, cũng không phải quý tộc gì, do đó mà bị Thiên hoàng từ chối phong cho tước hiệu Tướng quân cao quý.

Còn Ieyasu thì sao? Trước thời Chiến quốc, Shogun cuối cùng là người tộc Ashikaga (vốn là họ hàng của chi tộc Seiwa Genji thuộc gia tộc Minamoto). Bản thân gia tộc Ashikaga lại là họ hàng của các gia tộc khác như Nitta, Takeda, Hosokawa… Như vậy, chỉ cần chứng minh mình có họ hàng với một trong số các gia tộc trên là coi như thuộc về con cháu lâu đời của Minamoto. Và Ieyasu đã làm chính xác điều đó. Ieyasu sinh ra dưới cái tên Matsudaira Takechiyo của gia tộc Matsudaira, vùng Mikawa. Khi được phong làm Lãnh chúa vùng Mikawa, Ieyasu đổi họ thành Tokugawa – vốn là một gia tộc được thành lập bởi người tộc Nitta vào thế kỷ 13.

Bằng “một cách nào đó” (nhiều người cho rằng Ieyasu đã làm giả giấy tờ), Ieyasu đã chứng minh được rằng đời thứ 8 của tộc Nitta đã dời Kozuke (nay là tỉnh Gunma) về Mikawa (nay là Aichi) và lập nên nhà Matsudaira. Như đã nói ở trên, vì Nitta có họ hàng với Ashikaga có họ hàng với Minamoto nên nghiễm nhiên, Matsudaira và đời ông là Tokugawa cũng thuộc dòng dõi nhà Minamoto, đủ tiêu chuẩn về mặt lai lịch để nhậm chức Shogun. Việc đổi họ của mình thành Tokugawa không gì khác ngoài việc muốn củng cố luận định đó. Mặc dù còn nhiều nghi ngại dấy lên trong Hoàng thất đương thời nhưng Thiên hoàng vẫn phong cho Ieyasu làm Chinh Di Đại Tướng quân.

Tokugawa Ieyasu

Sau một thời gian ngắn cai trị, năm 1605, Ieyasu bất ngờ “nghỉ hưu”. Ông đưa con trai của mình là Hidetada lên làm Tướng quân, tuy nhiên vẫn đứng đằng sau để điều khiển và hướng dẫn cho người con cho đến tận khi qua đời vào năm 1616. Tuy nhiên, Hidetada cũng chỉ nắm quyền được vỏn vẹn 7 năm và mất sớm vào năm 1623. Kế vị ông là người con trai Tokugawa Iemitsu.

Những dàn xếp chính trị tài tình

Tokugawa Iemitsu nắm quyền cho đến năm 1651, và tầm quan trọng cũng ngang ngửa với Ieyasu vì nhãn quan chính trị sắc bén, tạo một cơ đồ bền vững cho nhà Tokugawa cai trị. Điều này thể hiện ở những dàn xếp chính trị tài tình của nhà Tokugawa từ đời ông đến đời cháu.

Đối với các lãnh chúa

Với kinh nghiệm có được sau thời chiến quốc, Ieyasu hiểu rằng việc kìm hãm các lãnh chúa là giải pháp hữu hiệu nhất để tránh chiến tranh giành ngôi lặp lại.

Về mặt kinh tế. Mọi mỏ vàng được tìm thấy phải được bẩm báo về Edo và được coi như là thuộc sở hữu của Mạc phủ. Nhờ đó mà Mạc phủ Tokugawa cũng chiếm luôn quyền kiểm soát tiền vàng. Hơn thế nữa, Ieyasu định kỳ bắt các Lãnh chúa phải cống nạp, đóng góp cho Mạc phủ, trong các dự án xây dựng đường xá, hoặc xây dựng lâu đài ở Edo (Tokyo ngày nay), nơi nhà Tokugawa lấy làm căn cứ. Tuy nhiên, các Lãnh chúa gần như chỉ cần cống nạp có vậy, trong khi vẫn được phép duy trì một sự tự trị nhất định về kinh tế và quyền lực tại lãnh thổ của mình. Ieyasu vẫn cho phép các Lãnh chúa tự chủ về mặt kinh tế và quyết định người nối dõi, miễn sao họ tỏ ra trung thành, kính trọng và tuân theo những chỉ thị của Ieyasu.

Toàn cảnh thành Edo và buổi các Lãnh chúa đến diện kiến.

Về mặt chính trị. Ieyasu yêu cầu tất cả các lãnh chúa chỉ được phép có 1 lâu đài trên lãnh thổ của mình. Nếu lâu đài đổ vì động đất mà muốn xây lại phải được sự đồng ý từ Edo. Ông yêu cầu họ thề độc trung thành với Tướng quân, nghiêm cấm sự liên minh giữa các lãnh chúa với nhau, quân phản nghịch sẽ bị xử tử không tha. Để đảm bảo không xuất hiện mưu đồ làm phản, sẽ luôn luôn có một giám sát viên của nhà Tokugawa ở bên cạnh các lãnh chúa. Ieyasu thậm chí còn kiểm soát sâu hơn bằng việc yêu cầu tất cả các đám cưới của các lãnh chúa phải được ông ta thông qua.

Đến đời Iemitsu, Mạc phủ Tokugawa lại trở nên “rắn tay” hơn. Iemitsu ban hành quyền được phép tịch thu đất của lãnh chúa nào ông ta thấy nguy hiểm và trao lại vào tay người mà ông ta thấy là tin tưởng được. Iemitsu cũng có thể ép các lãnh chúa trao đổi đất với nhau, để làm suy yếu họ. Iemitsu thực chất đã tịch biên rất nhiều lãnh thổ và bổ nhiệm các tướng lĩnh tin cẩn của mình lên làm lãnh chúa thay thế. Những lãnh thổ này được gọi là “Thân phiên nhà Tokugawa”. Ngoài ra, Iemitsu còn lấy đất của những kẻ thù đối với nhà Tokugawa và trao chúng cho những lãnh chúa trung thành nhất với mình, gọi là Fudai Daimyo (譜代大名). Bằng cách đó, Iemitsu đảm bảo uy thế tuyệt đối cho gia tộc Tokugawa và củng cố các đồng minh ở những khu vực khác.

Iemitsu cũng rất khắt khe với những lãnh chúa nào từng đối đầu với ông nội mình trong trận Sekigahara. Ông gọi những lãnh chúa này Tozama Daimyo (外様大名) – những lãnh chúa ngoài cuộc. Iemitsu củng cố thành trì Edo rất vững chãi khi mà xung quanh Edo là sự bảo vệ của các fudai daimyo trung thành cùng với các Thân phiên với nhà Tokugawa. Ông gạt những lãnh chúa ngoài cuộc ra những khu vực xa xôi nhất trên đất nước.

Tranh minh họa một cuộc hành trình Sankin-kotai

Iemitsu còn đi một nước cờ rất cao tay trong việc quản lý các lãnh chúa, đó là hệ thống hóa chế độ sankin-kotai (tạm dịch là: luân phiên trình diện) vốn được các Shogun đời trước sử dụng. Cụ thể, Iemitsu yêu cầu tất cả mỗi lãnh chúa phải xây thêm một căn nhà nữa của mình ở Edo. Cứ định kỳ, cách mỗi năm một lần, các lãnh chúa sẽ phải lên Edo sinh sống, rồi mới được quay trở về phiên của mình. Vợ con của các lãnh chúa sẽ ở lại Edo khi họ quay về. Như vậy, các lãnh chúa vừa bị suy yếu về mặt quyền lực khi không được thường xuyên ở tại phiên của mình, mặt khác vợ con lại bị giữ làm “con tin” ở Edo khi các lãnh chúa này quay vệ, hẳn nhiên các lãnh chúa sẽ không dám mạnh động. Con cái của họ, vì sankin-kotai nên từ bé đến lớn sẽ được nuôi nấng ở tại Edo, chỉ khi nào lên làm lãnh chúa mới trở về quê nhà. Điều này làm suy giảm đáng kể sự gắn kết của chính các lãnh chúa với phiên của mình. Về mặt kinh tế, mỗi lần luân phiên trình diện tương đương với một lần di dân cỡ nhỏ, vì mọi tùy tùng của lãnh chúa cũng phải đi theo lên Edo. Họ vừa phải tốn tiền duy trì người ở chăm sóc nhà trên Edo, vừa tốn rất nhiều tiền bạc cho chuyến đi nếu ở xa. Vì thế, để chuẩn bị cho luân phiên trình diện, các lãnh chúa thường phải chi ra đến 2/3 lượng thuế mà mình thu được. Vì những lý do đó, sankin-kotai chính là cách quản lý về mặt chính trị gần như là hữu hiệu nhất thời Mạc phủ và nhờ thế mà triều đại của của Tokugawa đã kéo dài được hơn 200 năm mà gần như không gặp phải bất cứ trở ngại nào.

Đối với Thiên hoàng

Một dàn xếp chính trị quan trọng nữa là đối đãi với Thiên hoàng. Về mặt hình thức, Thiên hoàng vẫn là người đứng đầu đất nước, nhưng lại không nắm trong tay thực quyền. Tuy nhiên, Tướng quân lại là một tước hiệu phải được Thiên hoàng phong tặng. Do đó, gia tộc Tokugawa rất cẩn thận trong việc đối đãi với hoàng gia, họ tiếp tục ủng hộ về mặt kinh tế, nâng cao uy thế của Thiên hoàng nhưng đồng thời vẫn kiểm soát trong khuôn khổ.

Tướng quân nắm quyền chỉ định các buổi gặp với Thiên hoàng, cung cấp tiền cho hoàng cung và tổ chức một số buổi đón tiếp hoàng gia. Quan trọng hơn, Tướng quân lấy hoàng tử làm “con tin” khi bắt buộc họ phải ở tại Nikko, một ngôi đền của nhà Tokugawa. Nhằm giám sát các hoạt động của gia đình Thiên hoàng, Tướng quân cũng cho người đóng ở Thành Nijo, ngay gần Cung điện hoàng gia (Kyoto).

Ngôi đền của nhà Tokugawa, Nikkou Toushouguu (tỉnh Tochigi)

Thành Nijo, Kyoto

Những dàn xếp chính trị này của Tokugawa là hữu hiệu trong việc ghìm giữ Thiên hoàng và ngày càng củng cố thêm quyền lực cho Tướng quân. Mặc dù trong con mắt của nhiều võ sĩ, người đứng đầu chuẩn mực nhất phải là Thiên hoàng, nhưng trong con mắt của hầu hết mọi người và nhất là các nhà buôn phương Tây, Tướng quân mới thực tế là người đứng đầu và là người có quyền lực cao nhất.


Nguồn:

Andrew Gordon, 2003, A Modern History of Japan – From Tokugawa Times to the Present, Oxford University Press

Micheal Hoffman, 2009, Fake names were to the fore in many a rise from humblest to highest, Japantimes.co.jp đăng ngày 10/11/2009

Morgan Pitelka, 2009, The Empire of Things: Tokugawa Ieyasu’s Material Legacy and Cultural Profile, Japanese Studies, Vol. 29, No. 1, May 2009 Routledge

Minamoto Clan,

<khác>

Thread: From Ieyasu Matsudaira to Tokugawa, e-budo.com

Why did some Daimyos change their names during the Sengoku Jidai? (Particlarly interest in the case of Tokugawa Ieyasu), Reddit.com

Advertisement

2 thoughts on “Chính trị thời Mạc phủ Tokugawa

Để lại bình luận

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.