Thực tế trước khi xuất hiện cái gọi là ”mùa xuân Ả rập” nổi lên mạnh mẽ từ năm 2011, thì từ trước đó mâu thuẫn chính trị, sắc tộc, các cuộc chiến tranh và nội chiến đã xảy ra từ rất lâu ở các nước Trung Đông, đặc biệt là khoảng thời gian sau hai cuộc Thế chiến. Trên truyền hình, tivi, báo đài ta bắt gặp rất nhiều những cụm từ chỉ những người theo các tôn giáo khác nhau ở các nước Ả rập như người Sunni, Shia, người Kurd, người Druze, v.v… và hình ảnh họ giao tranh với nhau. Nổi bật trong những cuộc xung đột này là mâu thuẫn giữa những người theo dòng Sunni và những người theo dòng Shia. Bài viết dưới đây sẽ nói về nguyên nhân mâu thuẫn thủy tổ giữa hai nhánh Đạo hồi này và xem xét xem liệu những cuộc giao tranh hiện tại chỉ thuần túy mang màu sắc mâu thuẫn tôn giáo, hay có mặt sâu sắc hơn mầu sắc chính trị bên trong nó.
Nguồn gốc ra đời của Đạo hồi
Đạo hồi, ngang hàng với Do Thái giáo và Ki-tô giáo là một trong những nhánh chính của tôn giáo độc thần Abraham. Theo một chừng mực nào đó thì Do Thái giáo (Judaism) xuất hiện sớm nhất, khoảng đầu thế kỉ I TCN, dùng sách kinh Torah và được coi là gần nhất với tôn giáo Abraham. Do Thái giáo coi Moses giống như chúa Jesus, là nhà tiên tri đã ghi lại những lời răn của Chúa.
Sau đó Ki-tô giáo xuất hiện như một hình thức cải cách Do Thái giáo, xuất hiện vào đầu thế kỉ I SCN, sử dụng Kinh thánh Bible. Ki-tô giáo sau này được du nhập vào châu Âu thông qua Đế quốc La Mã và Hy Lạp và phát triển rực rỡ ở các nước này (các nhánh như Đạo Thiên Chúa, Công giáo,…). Ki-tô giáo tôn thờ Jesus như là Thiên Chúa nhập thể, hay là sứ giả diễn giải lời của Chúa.

Người đạo Hồi làm lễ tại một nhà thờ Hồi giáo (mosque)
Trong khi đó Hồi giáo ra đời muộn hơn, vào khoảng thế kỉ VII SCN. Đạo hồi chỉ tôn thờ một Chúa duy nhất, mà họ gọi là Allah. Họ tôn trọng Do Thái giáo và Ki-tô giáo nhưng không thi hành theo hai sách Cựu Ước và Tân Ước, họ coi hai giáo điều này là lệch lạc so với những gì mà Allah truyền lại và chỉ tin vào kinh Koran – sách kinh do nhà Tiên tri Mohammad viết.
Trước Muhammad, đã có hằng trăm ngàn Thiên Sứ giảng lời mặc khải ở trần thế, trong đó có Noah, Abraham (Ibrohim), Moses (Musa), David (Dawud) và Jesus (Ysa)… Tuy nhiên, một là do loài người u mê chưa tỉnh ngộ, hai là do sự ngoan cố, tự cao, tự đại của con người, mà chính đạo vẫn bị bóp méo như thường. Rốt cuộc, đến thế kỷ VII SCN, Thượng đế khải thị cho Muhammad, và biến ông trở thành vị Thiên Sứ hoàn hảo nhất trước nay, hơn hẳn những Thiên Sứ tiền nhiệm. Do đó mà đạo của Muhammad truyền bá cũng là hoàn hảo nhất, không thể bị bóp méo như trước kia.
Nguồn gốc mâu thuẫn giữa người Sunni và Shia
Hồi giáo trên thế giới từ lâu đã bị chia cắt giữa những người Sunni chiếm đa số và người Shia (đôi khi được viết là Shiite nhưng thực chất là một). Vào thế kỉ thứ VII, ngay sau cái chết của Giáo chủ Muhammad – được coi là người sáng lập ra Đạo hồi, một cuộc tranh cãi đã nổ ra về việc ai sẽ là người kế vị Muhammad như là một thủ lĩnh chính trị và tinh thần, còn gọi là Khalip hay Khalifa (Caliph trong tiếng Anh: chỉ vị vua của người theo Đạo hồi).
Một nhóm chiếm đa số cho rằng người kế vị Muhammad phải được lựa chọn thông qua quá trình bầu cử và được sự nhất trí của những bô lão trong cộng đồng, như truyền thống trên sa mạc. Chữ “Sunna” trong tiếng Ả rập có nghĩa là truyền thống và những người theo quan điểm này được gọi là những người Sunni.
Tuy nhiên một phe thiểu số lại cho rằng người kế vị Muhammad phải được lựa chọn từ gia đình và hậu duệ của ông. Họ quyết định rằng Ali, người anh em họ và cũng là con rể của Muhammad phải được chỉ định làm người đứng đầu cộng đồng vì họ cho rằng trong lần cuối cùng Muhammad hành hương về thánh địa Mecca, ông đã trực tiếp chỉ định Ali để kế vị. Những người theo quan điểm này trong tiếng Ả rập gọi là Shia, nghĩa là “Những người ủng hộ Ali” (đôi khi còn gọi là Shia).
Cuối cùng những người Sunni đánh bại được người Shia và đưa Abu Bakr làm Khalip theo lựa chọn của họ (Abu là một người đầy tớ và quân sư trung thành của Muhammad). Người Shia không thích sự lựa chọn này, họ nêu lên việc Abu không đủ tư cách làm Khalip lãnh đạo họ và sự phân hóa giữa người Sunni và Shia từ đó đến nay vẫn tồn tại dai dẳng. Một số học giả cho rằng Hồi giáo của người Sunni và chủ thuyết về sức mạnh và chiến thắng, trong khi dòng Shia, khởi nguồn từ thất bại, là chống lại sự đánh đập và đàn áp, đại diện cho những người bị thua thiệt, người nghèo trong thế giới Hồi giáo.

Harun-Al-Rashid – vị Khalip thứ năm (người Sunni) và những kẻ chống đối
Ngay cả khi dòng Sunni tỏ ra thắng thế áp đảo trong thế giới Hồi giáo, những người Shia vẫn trên con đường đi tìm huyết thống của Ali, người kế vị mà họ coi là hợp pháp. Có một thực tế trong những năm đầu tiên ly khai, một số người Ki-tô giáo và Do thái giáo khi chuyển sang đạo Hồi thì đã chọn theo dòng Shia để phản đối các Đế quốc Ả rập khi mà họ đối xử tệ bạc với những người không xuấ t thân từ giới Ả-rập. Những người này sau khi chuyển đạo cũng đã có một số những ảnh hưởng nhất định đến sự phân hóa của Hồi giáo Shia với Hồi giáo Sunni.
Hồi giáo Sunni phát triển cực thịnh và áp đảo hoàn toàn trong suốt 9 thế kỷ đầu kể từ khi Đạo hồi ra đời, cho đến tận thế kỷ XV với sự ra đời của Triều đại Safavid. Nhà Safavid cầm quyền đã đưa Hồi giáo dòng Shia lên làm tôn giáo chính thống và trong 2 thế kỷ tiếp theo, họ đối đầu trực tiếp với Đế quốc Ottoman hùng mạnh – đất nước của Khalip dòng Sunni. Sau nhiều cuộc giao tranh và thương thuyết, đến thế kỷ XVII, di sản của hai giáo phái thể hiện ở các đường phân chia biên giới của nhà nước Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại. Shia bao gồm phần lớn Iran, Iraq, Azerbaijan, Bahrain và phần lớn Lebanon. Trong khi đó những người Sunni chiếm phần lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Ai Cập, Yemen, Ả-rập Xê-út, Kuwait và Jordan.
Sunni và Shia – xung đột tôn giáo hay chính trị?
Những xung đột kéo dài quá lâu đến nỗi người ta cũng quên đi những lý do ban đầu của việc vì sao họ giao tranh và thù ghét lẫn nhau, như một trích đoạn sau trong tác phẩm “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn” của Mark Twain.
Tôi hỏi:
– Lúc đó mày định giết nó thật à. Buck?
– Tao định thật chứ
– Thế nó làm gì mày?
– Nó ấy à? Nó chẳng làm gì tao bao giờ đâu
– Ơ thế sao mày định giết nó làm gì chứ?
– Đồn điền.
– Đồn điền là cái gì?
– Ô hay, mày sinh trưởng ở đâu mà không biết đồn điền là cái gì ư?
– Tao chả nghe thấy bao giờ cả. Mày thử nói tao nghe nào
– Thế này này, đồn điền là như thế này: Một người có xung đột với một người khác, rồi giết đi. Rồi anh em người bị giết ngươi này. Rồi anh em người này lại giết người kia. Cả hai bên đều cứ giết nhau như thế mãi. Sau rồi đến anh em họ lại cũng dính vào đó nữa, rồi dần dần ai cũng bị giết cả, thế là không còn đồn điền nữa. Nhưng đo là cả một chuyện lâu dài cơ.
– Thế cái chuyện này đã có lâu chưa, Buck?
– Ừ, tao nghĩ có lẽ lâu rồi đấy. Đến ba mươi năm nay rồi, hay hơn thế nữa. Có cái chuyện gì rắc rối ấy, rồi lại có cái chuyện kiện cáo gì đó phải giải quyết, rồi tòa án xử một người trong đám, thế là người này đứng dậy bắn luôn người được kiện kia một phát mà cái đó là cổ nhiên thôi, ai chả thế.
– Cái gì rắc rối hở Buck? Ruộng đất phải không?
– Có lẽ như vậy, tao cũng chẳng biết
– Ừ, thế lúc đó ai bắn?
– Lâu lắm rồi.
– Thế không ai biết à?
– Ồ, có chứ, bố tao biết, tao chắc là thế, và những người trong nhà này biết cả. Nhưng bây giờ họ cũng không biết được rằng từ lúc đầu đánh nhau như thế nào.
Nghĩa là nhiều khi người ta cũng không rõ tại sao lại ghét nhau đến vậy, chỉ biết rằng người từ thời ông cha tổ tiên đã làm vậy nên chỉ biết tuân theo. Trong những năm trở lại đây, chúng ta được biết đến rộng rãi hơn về những xung đột và những cuộc nội chiến ở các quốc gia Hồi giáo qua các phương tiện truyền thông (chủ yếu của phương Tây). Trên thực tế, Hồi giáo tỏ ra khá ôn hòa, không có những sự xung đột nào quá sâu sắc trong quá khứ. Thậm chí, nhiều học giả còn cho rằng kinh Quran chứa đựng trong nó ít hình ảnh bạo lực hơn cả Kinh thánh. Nói cách khác, sự xuất hiện của xung đột sắc tộc hiện nay ở các nước Hồi giáo chủ yếu đến từ các phần tử Hồi giáo cực đoan (Extremists) và Sự trỗi dậy của Chủ nghĩa Sectarianism (tạm dịch là Chủ nghĩa Bè phái).
Bạo lực và sự mô tả quá trình diệt trừ cái ác được viết trong các sách Thánh hầu hết được đặt trong những hoàn cảnh, ngữ cảnh lịch sử cụ thể và chỉ nên được hiểu trong hoàn cảnh đó, việc trích lại các đoạn giáo lý bạo lực đó mà không cần quan tâm đến hoàn cảnh lịch sử cụ thể là một trong những chiêu bài của Chủ nghĩa Bè phái, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Hơn nữa trong khi các tôn giáo khác như Do Thái giáo và Ki-tô giáo, trong quá trình phát triển, thừa nhận những điều bạo lực, không còn phù hợp trong sách kinh và cố gắng đưa những kí ức đó vào quên lãng (mà gọi là Holy Amnesia) để hướng tới những giá trị tốt đẹp khác thì những kẻ Hồi giáo cực đoan lại đi rao giảng những điều bạo lực, không còn phù hợp trong thế giới hiện nay nữa, và sử dụng chúng cho những mục đích chính trị, kêu gọi của mình.
Hiểu một cách đơn giản thì Chủ nghĩa Bè phái cho rằng Tôn giáo hoặc nhánh tôn giáo của mình là nhất, họ phủ nhận, khinh thường, phân biệt đối xử với những người theo các dòng tông phái khác, và gán cho họ những cái tên như “ngoại giáo”, “tà giáo”. Đôi khi những người theo chủ nghĩa Bè phái, có những ảnh hưởng kinh tế và chính trị nhất định sẽ tấn công hoặc sát hại những nhóm người họ muốn bằng cách gán cho họ những cái tên như “ngoại giáo”, “tà giáo”. Họ cũng có thể gia tăng tầm ảnh hưởng bằng cách viết lại những lời răn, những câu chuyện của giáo phái kia và buộc những người đó phải ủng hộ những gì được viết lại, hoặc là chết.

Sự phân bổ Sunni và Shia ở khu vực Trung Á – Bắc Phi
Chủ nghĩa Bè phái mới chỉ thực sự bùng nổ trong những thập niên trở lại đây, và họ lợi dụng những mâu thuẫn trong tư tưởng tôn giáo để làm cái cớ thực hiện các hành vi bạo lực chính trị. Nếu được hỏi những người ở độ tuổi 40 hoặc hơn tại các quốc gia như Ả-rập Xê-út hay Pakistan, họ chắc chắn sẽ nhớ về cái thời mà chẳng bao giờ họ cần quan tâm xem hàng xóm của mình, hay đồng nghiệp của mình là người Shia hay người Sunni. “Sự khác biệt giữa các tông phái Hồi giáo khác nhau là có thật, tuy nhiên nó chỉ đặc biệt nguy hiểm khi người ta sử dụng nó như một công cụ chính trị”, là phát biểu của một nhà kinh tế người Ả-rập Xê-út.
“Những người Hồi giáo, nếu bảo họ chiến đấu vì an ninh quốc gia, chưa chắc họ đã đi; nhưng nếu bảo họ chiến đấu để bảo vệ đức tin, bảo vệ những gì mình vẫn luôn tin tưởng là đúng đắn thì họ chắc chắn sẽ hăng hái tham gia.” Quả thật là từ Yemen cho tới Iraq, Syria và Bahrain, hầu hết các cuộc nội chiến, chiến tranh và xung đột chính trị được cho là xung đột sắc tộc giữa người Sunni và người Shia. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Họ không đấu tranh nhằm phân định xem ai xứng đáng là người kế tục nhà tiên tri vĩ đại Muhammad mà họ đang đấu tranh cho những ảnh hưởng chính trị và kinh tế của đảng phái mình lên chính quốcmà họ đang trị vì, hoặc nhằm lý tưởng hóa lý do họ gây chiến với các quốc gia khác.

Cách mạng Iran 1979 – trong hình là lãnh đạo của phe Cách mạng – Khomeini
Sự chuyển mình của xung đột Sunni-Shia này được thể hiện từ Cuộc cách mạng Iran (Hay còn gọi là Cách mạng Trắng – Cách mạng Hồi giáo) năm 1979. Đây được coi là một trong những cuộc Cách mạng vĩ đại nhất lịch sử nhân loại (Sau Cách mạng Pháp, Cách mạng tháng 10 Nga) vì nó đã lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế bù nhìn do Hoa Kỳ dựng lên ở Iran và lập nên nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Thủ tưởng Iran thân Mỹ là Sheh đã thất bại trong việc quản lý kinh tế và ổn định chính trị, và bị Khomeini sử dụng bạo động chính trị để lật đổ. Khomeini sau khi nắm quyền đã củng cố quyền lực và đưa ra những tuyên bố Tehran sẽ lãnh đạo thế giới Hồi giáo. Với việc hơn 90% dân số là người Shia lúc bấy giờ đã khiến giới bảo thủ Sunni ở Ả-rập Xê-Út e ngại và đã dẫn tới nhiều căng thẳng, giao tranh giữa hai quốc gia.

Lính thủy Mỹ kéo đổ tượng đài Saddam Hussein sau khi đã chiếm thành công thủ đô Baghdad, Iraq ngày 9/4/2003.
Căng thẳng leo thang khi năm 2003 Mỹ xâm lược Iraq. Ở Iraq từ lâu người Sunni chiếm thiểu số, người Shia nghèo, hầu hết ở nông thông lại chiếm đa số và người Kurds. Sadam Hussein, người khống chế tất cả lại là một người Sunni. Cuộc chiến tranh xâm lược của Iraq vào Iran năm 1980 cũng có sự hậu thuẫn rất nhiều của Ả-rập Xê-Út nhờ việc Hussein là một người Sunni.
Năm 2003, cuộc xâm lược của Mỹ nhằm lật đổ Sadam Hussein đã làm giảm sức mạnh của người Sunni. Tận dụng việc đó, nhóm phiến quân mà sau này khét tiếng với cái tên IS đã lợi dụng việc mình ủng hộ Sunni để phát triển chủ nghĩa bài trừ Shia.

Khung cảnh đổ nát do không kích tại Syria
Đỉnh điểm của sự hận thù này đến vào năm 2011 khi nội chiến ở Syria bùng nổ. Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tiếp tục phủ nhận dòng Shia là đạo Hồi và tiếp tục reo rắc nỗi kinh hoàng cho những người Shia: cải đạo hoặc là chết. Chủ nghĩa Bè phái này cũng được nhìn nhận trong cuộc chiến hiện tại ở Yemen, khi mà Ả-rập Xê-út liên kết với các quốc gia đồng minh Sunni khác để đánh lại cuộc nổi dậy do Mohammed Ali al-Houthi cầm đầu với tư tưởng ủng hộ Iran và dòng Shia. Iran ủng hộ phong trào của Houthi ở Yemen không phải vì Houthi là người theo dòng Shia mà thực tế đó chỉ là vỏ bọc bên ngoài. Iran muốn gây ảnh hưởng địa chính trị nhiều hơn ở Trung Đông, và việc có được đồng minh Yemen sẽ giúp cho Iran hạn chế được sức mạnh của Ả-rập Xê-út khi mà 2 quốc gia này vốn đã nằm bao quanh phía Bắc và Nam Ả-rập Xê-út.
Trở lại với sự sụp đổ của Đế chế Ottoman vào năm 1922, mâu thuẫn giữa người Sunni và Shia có phần trở nên lu mờ dưới sự cai quản của các nước Đế quốc là Anh và Pháp sau Thế chiến thứ nhất và sự tiếp quản của Mỹ và Liên Xô lên khu vực này trong thời kì Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên kể từ sau Cách mạng Trắng ở Iran, Ayatollah Khomeini – với đầu óc của một kẻ độc tài theo chủ nghĩa bè phái – đã kêu gọi thanh tẩy sự ảnh hưởng của văn hóa Tây phương lên Iran, đánh đổ Isreal (quốc gia Do Thái) và lật đổ các vương triều phản Shia như ở Ả-rập Xê-út.
“Iran là một đất nước với phần đông là người Shia, trong bối cảnh từ lâu các quốc gia Ả-rập đã bị thống trị bởi người Sunni. Do đó, họ không thể lãnh đạo khu vực này chỉ bằng việc giương cao ngọn cờ Shia được. Họ phải lấy vỏ bọc lật đổ những chính quyền thân phương Tây, thân Mỹ và xóa xổ Isreal nhằm thực hiện điều này.”

Biếm họa giáo dục mang tính tuyên truyền (propaganda) bài Mỹ ở Iran
Và với vị thế là một cường quốc Hồi giáo, Ả-rập Xê-út và các đông minh cũng đáp trả lại bằng cách tập trung căng thẳng vào sự phân hóa giữa Sunni và Shia. Ả-rập Xê-út tự coi mình là lãnh đạo của thế giới Hồi giáo và là đại biểu của người Sunni, do Thánh địa Mecca và Media nằm trên đất của họ. Họ cũng là quốc gia Hồi giáo có tiềm lực kinh tế, chính trị gây ảnh hưởng nhất khu vực Trung Đông, các trường học Hồi giáo ở đây cũng có các tư tưởng chống lại Shia.
Syria và Yemen vẫn được coi là battleground (chiến địa) của người Sunni và Shia.

Dòng người biểu tình phản đối những vụ sát hại người Shia ở Pakistan
Tại Pakistan, quê hương của cộng đồng Sunni-Shia lớn thứ hai trên thế giới, dù không phải là một quốc gia Ả-rập (Arabia) nhưng vẫn là một minh chứng rõ ràng cho sự mâu thuẫn giữa người Sunni và Shia. Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Muhammad Zia-ul-Haq, một người Sunni phái Salafi, một kẻ theo chủ nghĩa Bè phái đã dung túng và ủng hộ những phong trào phân biệt đối xử, tấn công và tiêu diệt những người Shia tại đây. Những kẻ ra tay chính là al-Qaeda và Taliban với rất nhiều những vụ tấn công, kể cả vào dân thường, phụ nữ và trẻ em do bị nghi ngờ hoặc nằm trong cộng đồng người Shia.
Những vụ việc này đã diễn ra từ năm 2000 và vẫn kéo dài cho đến nay, với nhiều sự hậu thuẫn về tài chính và quân sự từ các quốc gia theo dòng Sunni như Ả-rập Xê-út. Nổi tiếng là 13/5/2015 với vụ xả súng trên xe bus ở Karachi khiến 45 người, phần lớn là người Shia thiệt mạng. Gần đây nhất vào ngày 12/12/2016, hơn 45 người, gồm phụ nữ và trẻ em đã bị giết hại và hơn 100 người bị thương trong một vụ nổ bom ở Đền thờ Shah Noorari đông đúc ở Balochistan.
Lời kết
Nếu như các phần tử khủng bố cực đoan như al-Qaeda sử dụng con bài chủ nghĩa dân tộc chống phương Tây và Mỹ làm kim chỉ nam thì hiện nay, điển hình như IS không chỉ tiếp nối những tư tưởng đó mà còn làm gia tăng thêm xung đột bằng cách vận dụng chiêu bài mâu thuẫn về tôn giáo, như Sunni – Shia nói riêng hay Đạo Hồi với các tôn giáo khác nói chung.
Có thể thấy , xung đột sắc tộc Sunni-Shia chỉ là một cái cớ trong sự nổi lên của các phần tử khủng bố cực đoan Hồi giáo hay những nhà độc tài muốn củng cố quyền lực chính trị của mình ở các nước Hồi giáo. Và diễn tiến của nó cũng ngày càng trở nên phức tạp, khó đoán định với nhiều hệ tư tưởng, giáo phái đan xen lẫn nhau.
“Ả-rập ngày nay vừa là anh em, vừa là kẻ thù. Mỗi nhóm nhỏ với nhưng tư tưởng tôn giáo và mục tiêu chính trị riêng đối đầu với các hệ tư tưởng khác dưới danh nghĩa một cuộc Thánh chiến, và kết cục có thể dự đoán được, đây là một cuộc chiến mà không có kẻ nào thắng cuộc cả. Họ sẽ tiếp nối những cuộc nội chiến hoặc chiến tranh với các quốc gia khác, mà một khi đã bắt đầu, người ta chẳng thể dự đoán được kết cục nó sẽ như thế nào, chỉ biết rằng máu của vô vàn dân thường và những người tị nạn vẫn sẽ tiếp tục chảy chừng nào giao tranh xung đột vẫn tiếp tục.”
Nguồn tham khảo
Thomas Friedman, “Từ Beirut đến Jerusalem (1989)” tái bản lần thứ hai, NXB Thế giới, 2014
Yaroslav Trofimov, “Sunni-Shiite Conflict Reflects Modern Power Struggle, Not Theological Schism“, The WSJ, 14/5/2015
Ian Black, “Sunni v Shia: why the conflict is more political than religious“, TheGuardian, 5/4/2015
Julia Ro, “The Sunni-Shia Devide“, CFR (Council on Foreign Relations) Info Guide
Barbara Bradley Hagerty, “Is The Bible More Violent Than The Quran?“, npr.org, 18/3/2010
Đọc thêm:
Ryan Bolh, “The Geopolitics of Syria’s Civil War“, The Geopolitics Made Super (WordPress), 27/7/2015
Anthony Hall, “The New Cold War of the Middle East“, Veterans Today, 12/4/2015
Lydia Smith, “Arab Spring 5 years on: Timeline of the major events and uprisings in the Middle East“, ibtimes.co.uk, 23/1/2016
Douglas Murray, “Iran, Saudi Arabia, and the Middle East’s 30 Year War“, spectator.co.uk, 25/1/2014
Nguyễn Phương Mai, “Con đường Hồi giáo”, NXB Hội Nhà Văn

Feature image: Saudi Arabia and Iran’s flags. Creator: WD Stuart | Credit: Getty Images/ iStockphoto