Shinzo Abe đã thay đổi Nhật Bản như thế nào? (Bài 4/5) | Japan Inc. vs Trung Quốc

<Tờ Economist September 5 – 11ᵀᴴ 2020 đã có nhiều bài viết (5 bài) dành để nói về thủ tưởng Shinzo Abe và những câu chuyện về cuộc đời và di sản mà ông để lại sau khi ông tuyên bố từ chức thủ tướng Nhật Bản vào cuối tháng 8 vừa rồi. Loạt bài này xin phép dịch lại nội dung của những bài viết trên cho những độc giả quan tâm tại Việt Nam.>

Japan Inc., là một thuật ngữ dành riêng cho Nhật Bản, xuất hiện vào khoảng cuối những thập niên 60, khi mà Nhật Bản phát triển thần tốc. Đặc điểm của kinh tế Nhật Bản thời bấy giờ là tư bản chủ nghĩa, thị trường tự do nhưng có sự tập trung và chỉ đạo một cách chủ động từ chính phủ và ngân hàng trung ương. Văn hóa doanh nghiệp cũng hình thành rõ nét nhờ vào giai đoạn này. Với những đặc điểm như vậy, cả nước Nhật giống như một tập đoàn khổng lồ, và thuật ngữ Japan Inc., ra đời từ đó. Trong bài viết này, tờ Economist sẽ cho chúng ta biết những thách thức mà Japan Inc., đang gặp phải trước sự lớn mạnh của “China Inc.”

Khi ông Shinzo Abe trở thành thủ tướng Nhật Bản lần thứ hai vào năm 2012, quan hệ với Trung Quốc lúc đó đang trên đà trượt dốc. Căng thẳng về các hòn đảo tranh chấp đã đưa hai nước đến một số xung đột nhất định. Các đại lý ô tô Nhật Bản ở Trung Quốc đã bị phóng hỏa. Các cuộc biểu tình tại một nhà máy của Panasonic sau đó cũng nhanh chóng trở thành bạo lực.

Sau đó, tình hình có phần dịu xuống và quan hệ ấm dần lên nhờ Thủ tướng Abe. Ông Abe thậm chí đã lên một kế hoạch để tiếp đón Tổng bí thư Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp nhà nước ở Tokyo vào mùa xuân này, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ năm 2008. Thương mại hàng năm giữa Trung Quốc và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, lên tới hơn 300 tỷ USD. Các công ty Nhật Bản thời gian qua cũng đã tích lũy được số lượng tài sản trị giá hơn 130 tỷ USD ở Trung Quốc. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản vào Trung Quốc đạt mức cao nhất mọi thời đại là 14,4 tỷ USD vào năm ngoái.

Nhật Bản là quốc gia nước ngoài đóng góp nhiều nhất vào giá trị xuất khẩu của Trung Quốc. Theo Nikkei Asian Review. Link: https://asia.nikkei.com/Economy/US-China-trade-war-threatens-Japan-s-indirect-exports

Theo Morgan Stanley, một ngân hàng đầu tư tại Mỹ, các công ty niêm yết của Nhật Bản chỉ thu được 4% trong tổng doanh thu đến từ Trung Quốc. Theo tính toán của Jesper Koll, một nhà kinh tế học ở Tokyo, 26% lợi nhuận của họ bị ràng buộc và phụ thuộc vào Trung Quốc thông qua các nhà cung cấp hoặc khách hàng, nhiều hơn phụ thuộc vào Mỹ. Ông ước tính tỷ lệ lợi nhuận này đã tăng vọt lên 63% trong quý thứ hai (2020), khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau Covid-19 nhanh hơn các nền kinh tế khác.

Tình hình hiện giờ đã có nhiều chuyển biến có phần đảo chiều. Covid-19 thì đã làm hỏng chuyến thăm của ông Tập. Cuộc đàn áp của ông Tập đối với nền dân chủ ở Hồng Kông, rồi thì cuộc chiến tranh lạnh kinh tế giữa Bắc Kinh và Washington đã khiến các quan chức cấp cao của Nhật Bản bắt đầu dùng từ “rủi ro” nhiều hơn là “cơ hội” ở Trung Quốc. Đầu năm nay, chính phủ của ông Abe đã phải áp đặt các hạn chế mới đối với đầu tư nước ngoài để bảo vệ một số ngành công nghiệp nhất định khỏi những “tay săn mồi Trung Quốc” (bargain-hunter: nhân lúc bất ổn để thâu tóm công ty với giá rẻ) , vốn bị tổn thương nặng nề bởi Covid-19. Đại dịch, cộng thêm nguy cơ gia tăng các biện pháp trừng phạt hơn nữa của Mỹ nhằm vào các công ty Trung Quốc như Huawei, một gã khổng lồ về thiết bị viễn thông, đang khiến các công ty Nhật Bản phải suy nghĩ lại về sự ổn định của chuỗi cung ứng của họ chứ không đơn thuần chỉ là hiệu quả, ông Ke Long thuộc Tổ chức Nghiên cứu Chính sách Tokyo cho biết. một nhà tư tưởng. Việc ông Abe đột ngột từ chức vào ngày 28/8 vì lý do sức khỏe càng làm tăng thêm sự bất ổn định trong tâm lý doanh nghiệp Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên cạnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G-20 ở Osaka vào tháng 6 năm 2019. © Reuters. Nguồn: https://asia.nikkei.com/Spotlight/Comment/Is-China-following-Japan-into-the-haven-of-Southeast-Asian-nations

Tuy nhiên, nhìn kỹ sẽ cho thấy một bức tranh nhiều sắc thái hơn. Một nguồn tin thân cận với chính phủ cho biết, thực chất mục tiêu của họ là tập trung vào “một số điểm nghẽn chiến lược” tại Trung Quốc (chẳng hạn như nguồn cung cấp y tế), nhưng đồng thời “vẫn giữ cho nhiều khu vực tự do hoạt động thương mại (với Trung Quốc)”. Vì vậy, đây không phải là một sự tách rời tuyệt đối với Trung Quốc, mà đúng hơn là một sự tái cân bằng thầm lặng.

Một trường hợp điển hình là chương trình trị giá 244 tỷ JPY (2,2 tỷ USD) của ông Abe nhằm thu hút các công ty Nhật Bản đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc. Vào tháng 7/2020, 57 công ty, bao gồm Iris Ohyama, một nhà sản xuất nhựa lớn và Sharp, một nhà sản xuất thiết bị điện tử, đã nhận được tổng cộng 57 tỷ JPY để đầu tư vào sản xuất tại nội địa Nhật Bản; những doanh nghiệp khác cũng nhận được hỗ trợ tài chính để xây dựng các nhà máy ở Đông Nam Á. Nhưng trong số 87 dự án được chọn, có đến 60 dự án sẽ tập trung vào sản xuất khẩu trang, chất khử trùng, thuốc hoặc các vật tư y tế khác.

Có làm ăn ở Trung Quốc không phải là điều kiện tiên quyết cho chương trình hỗ trợ này; nhiều công ty, đặc biệt là những công ty vừa và nhỏ, vốn chiếm đa số, có rất ít hoặc gần như không có quan hệ gì với Trung Quốc. Một giám đốc điều hành tại công ty Novel Crystal Technology, một nhà sản xuất vật liệu phụ trợ cho chất bán dẫn, cho biết công ty của ông đã nộp đơn xin trợ cấp để giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ. Onishi Yasuo, một cựu quan chức tại Cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), một cơ quan độc lập của chính phủ, cho biết số tiền trợ cấp của chương trình là quá nhỏ để có thể hoàn toàn tách ra khỏi Trung Quốc.

Ông Ke nói, hầu hết các công ty Nhật Bản mà có quan hệ mật thiết với thị trường Trung Quốc đều đang ở chế độ “chờ và theo dõi”. Mỹ có thể sẽ sớm có một chính phủ mới. Phạm vi và việc thực thi các lệnh trừng phạt của Mỹ (đối với Trung Quốc) hiện nay là rất mơ hồ. Ngay cả khi căng thẳng tiếp tục gia tăng (và xu hướng thoát Trung tăn lên), Japan Inc., vẫn khó có thể hoạt động một cách hoàn toàn độc lập. Các nhà sản xuất các sản phẩm trong thị trường “ngách” (niche market) có thể rút khỏi Trung Quốc nhưng các công ty có hoạt động kinh doanh lớn của Trung Quốc, chẳng hạn như các nhà sản xuất ô tô, sẽ khó có thể thể rời đi.

Các công ty sẽ chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang quốc gia nào? Nhật Bản là một trong những nước dẫn đầu làn sóng “thoát Trung”, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 nổ ra và những động thái bành trướng gần đây của Trung Quốc. Nguồn: Fox Business. Link: https://www.foxbusiness.com/economy/trade-war-companies-fleeing-china

Về lâu dài, rủi ro đối với doanh nghiệp Nhật Bản nằm ở yếu tố cạnh tranh nhiều hơn là so với các yếu tố địa chính trị. Trung Quốc đã một lần chuyển mình, từ một nơi với lao động giá rẻ thành một thị trường tiêu dùng bùng nổ; hơn 70% lượng sản phẩm mà các công ty Nhật Bản sản xuất tại Trung Quốc được bán tại đó. Giờ đây, một sự thay đổi thứ hai đang diễn ra khi Trung Quốc chuyển mình từ thị trường tiêu dùng sang đối thủ cạnh tranh các công nghệ tinh vi. Một cuộc khảo sát hàng năm mới nhất về 74 sản phẩm và dịch vụ công nghệ của Nikkei (một tờ báo kinh doanh Nhật Bản), cho thấy năm ngoái, các nhà sản xuất Trung Quốc đã vượt Nhật Bản về thị phần đối với màn hình tinh thể lỏng lắp trong điện thoại thông minh và chất cách điện cho pin lithium-ion dùng trong xe điện. Theo quan sát của một cố vấn cho một ngân hàng lớn của Nhật Bản, “Đây mới chính là điều thực sự khiến các công ty Nhật Bản phải lo lắng“.

(còn tiếp)

2 thoughts on “Shinzo Abe đã thay đổi Nhật Bản như thế nào? (Bài 4/5) | Japan Inc. vs Trung Quốc

  1. Pingback: Di sản của Shinzo Abe – Người đàn ông thay đổi nước Nhật – Nippon Kiyoshi

Để lại bình luận

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.