Shinzo Abe đã thay đổi Nhật Bản như thế nào? (Bài 3/5) | Abenomics

<Tờ Economist September 5 – 11ᵀᴴ 2020 đã có nhiều bài viết (5 bài) dành để nói về thủ tưởng Shinzo Abe và những câu chuyện về cuộc đời và di sản mà ông để lại sau khi ông tuyên bố từ chức thủ tướng Nhật Bản vào cuối tháng 8 vừa rồi. Loạt bài này xin phép dịch lại nội dung của những bài viết trên cho những độc giả quan tâm tại Việt Nam.>

Thế giới học được những gì từ Abenomics?

Sự thành công một cách đầy bất thường của Abenomics là một bài học về xây dựng thương hiệu chính trị (political branding). Khi ông Shinzo Abe trở lại nắm quyền thủ tướng Nhật Bản vào tháng 12/2012, ông nói rằng ông sẽ hồi sinh lại nền kinh tế thông qua 3 “mũi tên”. Mũi tên thứ nhất là nới lỏng chính sách tiền tệ, nhằm ngăn chặn giảm phát. Mũi tên thứ hai là chính sách tài khóa linh hoạt, nhằm hạn chế nợ công mà không làm ảnh hưởng đến quá trình phục hồi. Mũi tên thứ ba là tiến hành các cải cách cơ cấu, nhằm phục hồi năng suất lao động và nâng cao tốc độ tăng trưởng. Ngay cả khi chính phủ có phần “nản” vì 3 mục tiêu này, nhưng hình ảnh và tác động mà nó mang lại vẫn còn rất sống động.

Tài “bắn cung” của ông Abe, không những thế đã kích thích sự quan tâm sâu sắc ở những nơi khác. Xét cho cùng, các nền kinh tế già cỗi khác trông cũng không khác Nhật Bản là bao. Dân số già tăng nhanh, tăng trưởng kinh tế chậm, nợ công cao, lạm phát thấp bất chấp lãi suất đã ở rất thấp. “Vâng chúng ta bây giờ đều là người Nhật hết.”, ông Jacob Funk Kirkegaard, chuyên gia người Mỹ của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson đã kết luận như vậy hồi năm ngoái. Tình trạng này đã diễn ra thậm chí trước cả khi đại dịch covid-19 làm cho nó ngày càng trầm trọng thêm với sự gia tăng của nợ nần, giảm phát và sự tuyệt vọng. Sau 8 năm, bây giờ ông Abe đã chính thức rời nhiệm sở, chúng ta có thể rút ra được những bài học gì?

Bài học số 1: Chính sách tiền tệ

Bài học đầu tiên là các Ngân hàng trung ương không đầy sức mạnh như chúng ta vẫn tưởng. Trước Abenomics, nhiều nhà kinh tế học tin rằng xu hướng giảm phát kéo dài của Nhật Bản bắt nguồn từ một sai lầm vốn có thể được đảo ngược bởi Ngân hàng Nhật Bản (BOJ). Ở đây, NHTW bị đổ lỗi là đã quá rụt rè và chính sách tiền tệ nới lỏng được thực hiện một cách quá hời hợt, cộng với các tác nhân ngoại sinh nằm ngoài tầm kiểm soát của Ngân hàng. Năm 1999, ông Ben Bernanke, sau này là chủ tịch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã kêu gọi BOJ phải thể hiện một “quyết tâm như Roosevelt đã làm (Rooseveltian resolve)”, được lấy theo tên của vị tổng thống thứ 32 của Mỹ, người đã chỉ huy trận đánh của nước Mỹ với cuộc Đại suy thoái 29-33.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) | Ảnh: Wikipedia Commons

Hẳn vậy, vào tháng 4/2013, BOJ đã thể hiện một quyết tâm mới, ồ ạt mua lại các tài sản tài chính, bao gồm cả trái phiếu chính phủ và cổ phiếu tư nhân, với mục tiêu tăng lạm phát lên 2% trong vòng khoảng hai năm. Năm 2016, NHTW Nhật Bản đưa vào thêm chính sách lãi suất âm, đặt mức trần lãi suất cho trái phiếu kỳ hạn 10 năm (0%) và cam kết để lạm phát vượt quá mục tiêu 2% đã đặt ra (học theo những gì mà Fed đã thực hiện vào tháng trước). Những nỗ lực này đã phần nào chặn đứng giảm phát, và tạo ra cú hích đối với chỉ số lạm phát, một kỳ tích của kinh tế Nhật Bản trong những năm qua nhưng lại thường bị lãng quên. Tiếc rằng, BOJ không thể đẩy lạm phát lên gần với mục tiêu 2% của mình.

Lý giải cho việc này, có thể đến từ đặc thù nền kinh tế của Nhật Bản: công nhân như thể có một quan hệ “hôn nhân” với công ty của mình vậy, tức là một khi đã vào công ty, họ sẽ gắn bó lâu dài với duy nhất một công ty đó. Họ gần như không thể bị sa thải, mà cũng rất khó để mời họ chuyển sang công ty khác. Do đó, mặc dù Abenomics đã giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống chỉ còn 2.2% vào cuối năm ngoái, những người lao động thông thường gần như không được hưởng lợi gì trong việc “đấu giá” tài năng của họ. Các công ty thay vào đó chi nhiều hơn cho nhân viên bán thời gian. Tuy nhiên, vì thu nhập của những nhân viên thời vụ kiểu này chỉ chiếm một tỷ lệ tương đối rất nhỏ trong mức tổng tiền lương của đất nước, nên dù mức lương của họ được cải thiện, nó không gây ra áp lực tăng giá, và như vậy không ảnh hưởng đến lạm phát.

Ngoài ra, hiệu quả của NHTW Nhật Bản cũng chịu tác động rất lớn từ các yếu tố khác. Giảm phát kéo dài quá lâu khiến công chúng Nhật Bản quen với việc giá cả không thay đổi, và như thế kỳ vọng giá cả tương lai cũng sẽ giống như bây giờ. Giả định đó định hình các cuộc đàm phán về lương giữa các công đoàn và chủ lao động, và vì thế từ giả định biến thành sự thật (self-fulfilling). Đây là một di sản khó khăn mà Abenomics phải vượt qua. Những người ủng hộ chủ nghĩa tiền tệ chủ động (monetary activism) đã đúng khi chỉ trích BOJ vì đã không có những động thái chống lại tâm lý này sớm hơn. Họ đã lầm khi nghĩ rằng những bước đi sai lầm trong quá khứ có thể dễ dàng đảo ngược một khi Abenomics bắt đầu. “Tôi dường như đã quá lạc quan và chắc chắn rằng
Ngân hàng trung ương nếu quyết tâm có thể vượt qua giảm phát một cách dễ dàng.”, chủ tịch Fed, ông Bernanke đã kết luận như vậy vào năm 2017.

Bài học số 2: Nợ công

Giống như việc chính sách tiền tệ tỏ ra kém hiệu quả hơn mong đợi, Abenomics cũng đã chỉ ra rằng nợ công cao thật ra ít nguy hiểm hơn so với ta tưởng. Tổng nợ công của Nhật Bản là gần 230% GDP khi ông Abe nắm quyền và thậm chí bây giờ còn cao hơn. Nhưng chi phí vay nợ của chính phủ vẫn không đáng kể. Thực chí, trên thực tế, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm của trái phiếu chính phủ còn đang ở mức âm.

Nợ công của Nhật Bản và một số nước khác so với quy mô GDP | Nguồn: Nikkei Asian Review

Đã có nhiều ý kiến chỉ trích chỉ ra rằng lãi suất trái phiếu thấp là vì Ngân hàng trung ương đang mua lại rất nhiều trái phiếu: Lượng tài sản mà BOJ nắm giữ hiện nay lên tới 99% GDP, trong khi đó, lượng tài sản này tại Fed chỉ chiếm khoảng 20% ​GDP​. Thuật ngữ “áp chế tài khóa” đã được dùng miêu tả tình trạng này, khi mà NHTW Nhật Bản đang “âm mưu” giúp đỡ chính phủ chi tiêu nhiều hơn mức cần thiết, trong khi người chịu thiệt thòi là khu vực tư nhân (Trong thuật ngữ “áp chế tài khóa”: “tài khóa” nhằm chỉ chính sách tài khóa. Chính phủ cần tiêu nhiều vào chính sách tài khoản, và khi NHTW tiếp sức bằng cách mua lại rất nhiều trái phiếu chính phủ sẽ làm cho lãi suất trái phiếu chính phủ giảm mạnh, bằng 0%, và sẽ làm lãi suất chung giảm, khiến lợi tức từ tiết kiệm của người dân giảm, và từ đó vô hình chung, nó đang “áp chế”, gây ra áp lực lên khu vực tư nhân). Nhưng thực tế tại Nhật Bản lại diễn ra hoàn toàn khác. Ngân hàng trung ương đang làm mọi cách để thúc đẩy chi tiêu tư nhân (cầu). Tuy nhiên, cho đến khi điều này đạt thành công, chính phủ phải khỏa lấp khoảng trống của tổng cầu, nếu không thì tổng cung sẽ giảm và nền kinh tế sẽ lại rơi vào giảm phát. Sự thiếu hụt chi tiêu tư nhân trong tổng cầu khiến cho thâm hụt ngân sách của chính phủ trở nên cần thiết. Và cũng chính vì thiếu hụt cầu nên chi phí của chính sách tài khóa này mới rẻ như vậy.

Còn mũi tên thứ ba của Abenomics thì sao? Trước giai đoạn “thập kỷ mất trắng” (lost decade: thời kỳ mà kinh tế Nhật Bản tăng trưởng gần như không đáng kể từ 1991-2001), Nhật Bản đã dạy cho thế giới cách nâng cao năng suất doanh nghiệp thông qua “sản xuất tinh gọn” (lean manufacturing), giao hàng đúng hạn, v.v.. Thật không may, chính Nhật Bản cũng cho thấy rằng năng suất lao động tại các doanh nghiệp nhỏ có thể bị tụt hậu nhiều đến chừng nào. Phần nhiều trong số này hoạt động trong các ngành dịch vụ, nơi năng suất lao động nổi tiếng là thấp. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, ngay cả trong sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ cũng có năng suất lao động thấp hơn 40% so với các doanh nghiệp lớn.

Nguồn: Economist, 2020.

Doanh nghiệp nhỏ không có nghĩa là nó phải mới hay có tính khởi nghiệp. Theo số liệu của OECD, tại Nhật Bản, có đến 3/4 doanh nghiệp nhỏ hiện nay đã trên 10 năm tuổi và 2/3 số chủ sở hữu các doanh nghiệp nhỏ và vừa này sẽ sang tuổi 70 tuổi hoặc cao hơn vào năm 2025. Chính phủ đã hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp nhỏ, như cung cấp các khoản vay trị giá 4.4% GDP trong năm 2016, so với mức trung bình chỉ 0.1% trong nhóm các nước OECD, bao gồm hầu hết các quốc gia giàu có. Trong một báo cáo năm ngoái, OECD đã bày tỏ lo ngại rằng những sự đùm bọc như vậy từ chính phủ có thể làm suy yếu động cơ để các ngân hàng giám sát kỹ khách hàng của họ, mà như vậy thì rất khó để thúc đẩy các doanh nghiệp này cải thiện.

Đối với nhiều quốc gia đã cung cấp các khoản bảo lãnh, hỗ trợ tương tự để đối phó với đại dịch covid-19, Nhật Bản đã cho thấy một bài học xương máu. Các chính phủ phải cẩn trọng nhằm đảm bảo rằng các khoản hỗ trợ trong ngắn hạn này sẽ không trở thành tiền đề gây ra sự đình trệ của các doanh nghiệp này trong dài hạn.

Abenomics gần như chắc chắn sẽ vẫn tồn tại, ngay cả khi vị thủ tướng đề xướng ra nó không còn tại vị. Trong số những người kế nhiệm tiềm năng của ông Abe, bao gồm Kishida Fumio, người đứng đầu hoạch định chính sách của đảng (LDP), Ishiba Shigeru, một cựu Bộ trưởng Quốc phòng, hay Chánh văn phòng nội các Suga Yoshihide, không một ai có đủ khả năng từ bỏ Abenomics. Tuy nhiên, rebrand (tái thương hiệu) thì hoàn toàn có thể, Suganomics chẳng hạn.

(còn tiếp)

Advertisement

One thought on “Shinzo Abe đã thay đổi Nhật Bản như thế nào? (Bài 3/5) | Abenomics

  1. Pingback: Di sản của Shinzo Abe – Người đàn ông thay đổi nước Nhật – Nippon Kiyoshi

Để lại bình luận

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.