<Tờ Economist September 5 – 11ᵀᴴ 2020 đã có nhiều bài viết (5 bài) dành để nói về thủ tưởng Shinzo Abe và những câu chuyện về cuộc đời và di sản mà ông để lại sau khi ông tuyên bố từ chức thủ tướng Nhật Bản vào cuối tháng 8 vừa rồi. Loạt bài này xin phép dịch lại nội dung của những bài viết trên cho những độc giả quan tâm tại Việt Nam.>
Khi còn là một cậu bé, Shinzo Abe đã có ước muốn trở thành một nhà làm phim. Tuy nhiên, với tư cách là cháu nội của một Thủ tướng và là con trai của một Bộ trưởng Ngoại giao, truyền thống gia đình đã dẫn cậu bé Shinzo Abe đi theo một con đường khác. Và khi đã trở thành một chính trị gia, ông mang trong mình khát vọng thay đổi “kịch bản” của Nhật Bản. Sau khi nhậm chức Thủ tướng lần thứ hai vào năm 2012, ông đã nói như thế này: “Có một thứ duy nhất mà Nhật Bản cần vào lúc này, đó là sự tự tin – cái khả năng mà chúng ta có thể hướng trực diện về phía mặt trời, giống như những bông hoa hướng dương nở rộ vào mùa hè”.
Đáng tiếc là dòng thời gian không đi theo kịch bản mà ông đã vạch ra. Thủ tướng Abe đã tuyên bố từ chức vào ngày 28/8 vừa rồi, bởi căn bệnh mãn tính viêm loét đại tràng. Thay vì có thể từ nhiệm sau ánh hào quang của kỳ Olympic Tokyo, thì ông phải từ nhiệm khi mà đất nước vẫn đang trong cơn đại dịch. Người kế nhiệm ông sẽ kế thừa trận chiến với virus corona, và kèm theo đó là nhiều mặt trận khác: nền kinh tế bị tổn hại nghiêm trọng vì Covid-19, dân số giảm, sự bành trướng của Trung Quốc và đồng mình Mỹ ngày một khó đoán định. Thế nhưng, dù sao đi chăng nữa thì nhiệm kỳ của ông Abe sẽ luôn được nhớ tới như một thời kỳ của sự dịch chuyển, từ một khoảng thời gian dài giảm phát, kinh tế đình trệ, sang một thời kỳ đầy niềm hi vọng rằng Nhật Bản sẽ khắc phục được những vấn đề còn tồn tại. Có người nói rằng: “Abe đã thay đổi câu chuyện”. Mặc dù tín nhiệm vào chính phủ của ông đang không như ý muốn, nhưng có đến 74% cử tri đã đồng ý trao sự tin tưởng của họ vào chính phủ của ông sau khi từ chức.
Lần nhậm chức thủ tướng đầu tiên của Shinzo Abe bắt đầu vào năm 2006, kéo dài hơn 1 năm và cũng kết thúc vì lý do sức khỏe của ông. Trong 5 năm tiếp theo đó, Nhật Bản đã trải qua 5 đời Thủ tướng. Trong khoảng thời gian đó, Đảng Dân chủ tự do (LDP) của ông đã đánh mất sự cầm quyền, đây là lần thứ hai kể từ khi Đảng này được thành lập vào năm 1955. Khi lần thứ hai quay trở lại chức vị Thủ tướng, Shinzo Abe hiểu được rằng, cái ông cần là một lộ trình chấn hưng nền kinh tế mạch lạc để nhận được nhiều sự ủng hộ từ cử tri, rồi sau đó lấy đó làm bệ phóng cho các quyết sách về đối ngoại và an ninh của mình.
Chính trị
Ngay khi lên nắm quyền, Thủ tướng Abe đã chủ động tập trung bộ máy chính quyền. Ông đã thành lập các cơ quan nhân sự nhằm giúp chính trị gia có thể bổ nhiệm quan chức của mình, và thành lập một Ủy ban An ninh quốc gia. Ông cũng mở rộng số lượng nhân viên, thư ký cho nội các lên hơn gấp rưỡi. Từ năm 1989 đến 2012, 16 bộ trưởng của Nhật Bản có thời gian tại chức khoảng 538 ngày, con số này trong nhiệm kỳ thứ hai của Thủ tướng Abe là 2800. Khả năng cân bằng các bè phái trong nội bộ đảng và tài năng chỉ huy các công chức đã giúp ông có được thời gian tại chức dài lâu, tạo được tín nhiệm cả trong và ngoài nước.
Ngoại giao
Niềm tin mà Thủ tướng Abe tạo dựng được trong ánh mắt các nhà lãnh đạo quốc tế đã giúp Nhật Bản có một vai trò ngày một quan trọng hơn trên thế giới, trong khi vẫn giữ vững sự dân chủ và trật tự kể từ sau Thế chiến thứ hai, thứ đã giúp Nhật Bản đạt đến thịnh vượng như hiện tại. Ông bỏ qua những sức ép rất lớn từ “cánh” nông trại để tham gia vào Hiệp định TPP, một hiệp định thương mại khu vực rất lớn, và vẫn tiếp tục ủng hộ TPP ngay cả khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận này. Không những thế, chính ông cũng đã hiện thực hóa Hiệp định đối tác kinh tế EU-Nhật Bản (EU – Japan Economic Partnership Agreement) và một thỏa thuận song phương với Hoa Kỳ. Cùng với rất nhiều buổi chơi golf và những lời nói có cánh, đã giúp ông Abe có được cái nhìn đầy thiện cảm từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. “Nếu không nhờ ông Abe, chắc chúng ta (Nhật Bản) sẽ bị đối xử như Moon Jae-in hay Merkel vậy”, một cựu cố vấn đã phát biểu như vậy.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (phải) tổ chức cuộc họp báo chung sau Hội nghị thượng đỉnh EU – Nhật Bản tại Brussels, Bỉ vào ngày 06 tháng 7 năm 2017 | Người chụp: DURSUN AYDEMIR — ANADOLU AGENCY VIA GETTY IMAGES | Nguồn: Fortune
Ông Abe cũng đã xử lý rất khéo léo các vấn đề liên quan tới Trung Quốc. Vào thời điểm nhậm chức, hai quốc gia đang có một số mâu thuẫn liên quan đến một số hòn đảo đang tranh chấp. Ông Abe cũng rất kỳ vọng vào chuyến thăm Nhật Bản của ông Tập, nếu như Covid-19 không xảy ra. Mặc dù vậy, ông vẫn ủng hộ các nước lân cận đối diện với Trung Quốc. Dưới khẩu hiệu “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mở và Tự do”, Nhật Bản đã có nhiều động thái ủng hộ tự do hàng hải tại châu Á và các quy tắc tự do, dân chủ tại thị trường Châu Á. Ông Abe đã thiết lập các quan hệ an ninh với Australia, Ấn Độ và các nước khu vực Đông Nam Á. Chiến thuật của ông là các dự án hỗ trợ từng giai đoạn được tài trợ bởi chính phủ Nhật Bản, âm thầm thúc đẩy “cơ sở hạ tầng chất lượng” như một đối trọng với các dự án Vành đai và Con đường do Trung Quốc lập nên. Một nhà cựu ngoại giao, ông Miyake Kunihiko đã nhận xét, “Chưa có một chính trị gia Nhật Bản nào lại có một giác quan thứ sáu về các chính sách ngoại giao như ông Abe”.

Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do | Sách xanh về ngoại giao, Bộ ngoại giao Nhật Bản
Mặc dù thủ tướng Abe đã thất bại trong việc sửa đổi Hiến pháp có phần thiên về chủ nghĩa hòa bình do Mỹ lập nên tại Nhật Bản sau khi kết thúc Thế chiến thứ hai, nhưng chính ông đã tăng cường sức mạnh cho lực lượng phòng vệ và vũ trang của Nhật Bản, bằng cách diễn giải lại Hiến pháp, ông đã thông qua luật an ninh quốc gia và luật bí mật quốc gia, giúp Nhật Bản, trên thực tế, có khả năng cử các “lực lượng phòng vệ” tham gia vào các chiến dịch ở nước ngoài. Ông Micheal Green, cự giám đốc các vấn đề châu Á – Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ đã cho biết “Bây giờ nếu tấn công Đài Loan, Trung Quốc sẽ buộc phải tính đến mặt trận liên minh Mỹ-Nhật”.
Kinh tế
Những thay đổi này mặc dù gây ra nhiều tranh cãi, nhưng đã làm hài lòng đại đa số cử tri. Về mặt kinh tế, sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng Abe đã bổ nhiệm ông Haruhiko Kuroda làm thống đốc mới của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, người một mực ủng hộ và đã thi hành các chương trình “nới lỏng tiền tệ” được ví như những phát súng thần công. Những chính sách này đã góp phần đưa Nhật Bản thoát khỏi một thời gian dài giảm phát, mặc dù mục tiêu lạm phát 2% chưa đạt được. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hàng thập kỷ. Thuế doanh nghiệp giảm và một đồng Yên yếu đã giúp các doanh nghiệp Nhật Bản làm ăn phát đạt hơn. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản giờ đây đang giữ ở mức mà lần gần đây nhất chứng kiến được đã cách đây hơn 2 thập kỷ.

Chỉ số giá tiêu dùng của Nhật Bản sau khi ông Abe nhậm chức | Nguồn: Economist
Chính quyền của Thủ tướng Abe đã đem đến một số quy tắc quản lý chung chính phủ-doanh nghiệp (Japan Corporate Governance) mới, dẫn đến việc nhiều giám đốc bên ngoài được bổ nhiệm vào Hội đồng quản trị (của một số tổ chức tư nhân nhưng phục vụ lợi ích công). Nicholas Benes là người đã góp phần soạn thảo nên chúng, và đã gọi đây là sự chuyển dịch “không thể dừng lại”. Quỹ hưu trí quốc gia của Nhật Bản, cũng là quỹ hưu trí lớn nhất thế giới, đã chuyển từ chỉ đầu tư vào Trái phiếu chính phủ sang đầu tư vào cổ phiếu. Chỉ số mới JPX400, chuyên tập trung vào các cổ phiếu được quản lý tốt và trả cổ tức cao, đã thúc đẩy các hoạt động cải cách đổi mới trong các doanh nghiệp Nhật Bản. “Có rất nhiều công ty blue-chip của Nhật Bản đều hết sức phản đối”, bà Kathy Matsui của Goldman Sachs cho biết. (Có lẽ việc cải cách và thay tướng ở HĐQT không phải là điều mà các doanh nghiệp lớn muốn thay đổi). Nhưng các nhà đầu tư lại tỏ ra hoàn toàn tría ngược. Morgan Stanley đã ví di sản của ông Abe tương đương với di sản của các chính trị gia nổi tiếng như Ronald Reagan hay Margaret Thatcher.
Ông Abe cũng có các chính trách làm giảm thiểu thiệt hại gây ra bởi sự già hóa dân số nhanh chóng ở Nhật Bản. Chính phủ của ông đã kéo dài thời gian nghỉ làm trông con và mở rộng các dịch vụ trông trẻ. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào thị trường lao động twang từ 63% lên 71%, cao hơn cả nước Mỹ. “Chính Abe là người phổ biến phong trào đa dạng giới tính (tại nơi công sở), chuyển cách nhìn (đối với phụ nữ) từ ‘chú trọng vào quyền con người’ sang ‘chú trọng phát triển kinh tế’ “, bà Matsui cũng cho hay. Ông Abe cũng cho phép nhiều lao động nhập cư hơn sang Nhật Bản, bằng chứng là số lượng lao động nước ngoài đã tăng hơn gấp đôi trong suốt những năm ông cầm quyền.

Nguồn: Economist
Có khá nhiều lời chỉ trích đã được đưa ra đối với các chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe. Đáng chú ý, trước khi covid-19 hoành hành, nền kinh tế của ông gần như không phải chịu bất kỳ cú sốc ngoại sinh nào. Những vết thương thực tế chủ yếu đến từ các yếu tố nội sinh: 2 lần tăng thuế tiêu thụ dưới danh nghĩa chấn hưng thâm hụt ngân sách, mà cả 2 lần đều đưa nền kinh tế xuống 1 thời gian ngắn giảm phát. Vì lý do đó, trong 8 năm qua, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản có phần hạn chế với mức 1.1% hằng năm, thay vì 2% như ông đã hứa. Nhiều công ty chứng kiến lợi nhuận tăng mạnh, nhưng cũng có không ít công ty vẫn đang ì ạch. Phụ nữ làm việc nhiều hơn, nhưng cơ hội thăng tiến dành cho họ là không đủ. Lương trung bình sau khi trừ đi các yếu tố lạm phát thực chất lại giảm đi.
Bất chấp những nỗ lực cải thiện ngân sách thông qua tăng thuế tiêu thụ, Thủ tướng Abe vẫn để lại sau đó khoản nợ công tương đương 238% GDP. Trong bối cảnh lãi suất cực thấp, thậm chí trái phiếu chính phủ cũng đạt mức lãi suất âm như hiện giờ, thị trường có vẻ không mấy lo lắng. Nhưng nói gì thì nói, khoản nợ khổng lồ này vẫn ít nhiều là một gánh nặng đối với thế hệ tương lai. Một cựu quan chức tại NHTW Nhật Bản đã nói rằng “Mọi người cho rằng khoản nợ này là hoàn toàn miễn phí, nhưng thực chất thì không phải như vậy; nó sẽ quay lại, hoặc thông qua thuế suất cao hơn, hoặc thông qua cắt giảm các dịch vụ công mà thôi”.

Nợ công của Nhật Bản và một số nước khác so với quy mô GDP | Nguồn: Nikkei Asian Review
Covid-19
Liên quan đến tình hình đại dịch, mặc dù Nhật Bản không có nhiều ca tử vong như Mỹ và các quốc gia châu Âu, nhất là nếu xét trên tỷ lệ quy mô dân số, nhưng người dân Nhật Bản vẫn chưa thật sự hài lòng với cách xử lý của chính quyền của Thủ tướng Abe. Chính phủ đã có phần chậm chạp trong việc áp dụng các biện pháp nhằm làm giảm sự lây lan, buộc các thống đốc tỉnh, như bà Koike, thống đốc Tokyo phải tự mình hành động. Một loạt các bê bối xì-căng-đan cũng làm lung lay chiếc ghế của ông. Không lâu trước khi tuyên bố từ chức, mức độ tín nhiệm vào chính quyền của Thủ tướng Abe chỉ ở mức 34%, mức thấp nhất kể từ thời điểm ông nhậm chức. Ông một mực nhấn mạnh rằng, điều đáng tiếc này xuất phát từ việc không không thể sửa đổi Hiến pháp cũng như không giải quyết được triệt để những tranh chấp thổ quyền với Nga. Nhưng nhiều người dân Nhật Bản cho rằng, những động thái này chỉ cho thấy rằng ông đã quá chú tâm đến việc lật ngược những di sản của Thế chiến thứ hai đạt được, thay vì dành những sự quan tâm này cho phát triển kinh tế.

Khảo sát tín nhiệm của người dân với nội các của Thủ tướng Abe | Nguồn: Economist
Người kế nhiệm
Người kế nhiệm của ông được kỳ vọng sẽ mang ít hơn tham vọng vào các mặt trận kể trên. Đối với Thủ tướng mới, kiểm soát Covid-19 sẽ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, bởi nền kinh tế đa tiếp tục có pha sụt giảm kỷ lục 7.8% vào quý hai của năm 2020. Sự cần kíp phải chấn hưng nền kinh tế cũng tương đương vời thời điểm ông Abe nhậm chức vào năm 2012. Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng (với việc phát tiền mặt cho người dân cách đây không lâu), số lượng doanh nghiệp phá sản cũng đã giảm. Nhưng “vũng lầy mang tên Covid-19 vẫn còn đó, và những cải cách cấu trúc dù đau đớn nhưng có thể vẫn phải được thực hiện”, giáo sư kinh tế Hoshi Takeo của Đại học Tokyo cho biết.
Nhật Bản rất cần một cuộc cách mạng về năng suất lao động. Những đặc điểm về thị trường lao động và thuế đang gây cản trở tới đổi mới công nghệ và hoạt động khởi nghiệp. Chính phủ vẫn đang sử dụng những hệ thống máy tính đã lỗi thời. Nhiều người dân Nhật Bản vẫn chấp nhận và không cảm thấy có gì ngạc nhiên với việc kết quả xét nghiệm Covid-19 của họ sẽ được fax tới nhà. “Chúng ta phải xóa bỏ tất cả những gì thừa thãi và kém hiệu quả (như vậy)”, một thành viên trong hội đồng cố vấn kinh tế cho chính phủ cho hay.

Kinh tế Nhật Bản bước vào quý giảm thứ hai liên tiếp, chính thức vào thời kỳ suy thoái | Nguồn: BBC
Người kế nhiệm ông Abe, tất nhiên, cũng không thể lơ là về mặt đối ngoại. Trung Quốc vẫn đang tiếp tục bành trướng sức mạnh trên biển. Nhật Bản vẫn còn thấy khó xử với Hàn Quốc. Ông Abe đã không thể kiên nhẫn được với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in như cái cách ông đã làm với Tổng thống Trump. Sự đóng cửa hệ thống điện hạt nhân sau sự cố và thảm họa kép năm 2011, cùng với cái nhìn ủng hộ năng lượng than đá, đang trì hoãn các kế hoạch chống biến đổi khí hậu, chuyển sang hoàn toàn năng lượng sạch tại Nhật Bản.
Ngày hôm nay, đảng LDP sẽ chọn ra gương mặt mới đại diện cho Đảng và đất nước Nhật Bản. Ứng cử viên sáng giá nhất và được kỳ vọng sẽ thắng cử là ông Yoshihide Suga, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản (Tại thời điểm viết bài, ông Suga đã chính thức được bổ nhiệm làm tân chủ tịch Đảng LDP). Với chiến thắng này, ông sẽ giữ chức Thủ tướng ít nhất là cho đến hết nhiệm kỳ còn lại của ông Abe, tức là tháng 9 năm 2021. Sau đó, một cuộc tổng tuyển cử mới sẽ diễn ra.

Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga sau khi ông được bầu làm chủ tịch mới của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền ở Tokyo vào ngày 14 tháng 9 (Ảnh: Kotaro Ebara) | Nguồn: The Asahi Shimbun
Ông Suga là con trai của một nông dân tại tỉnh Akita, miền bắc Nhật Bản. Ông nổi tiếng là một người chăm chỉ, cần cù trong công việc (không quá kỳ lạ tại một đất nước như Nhật Bản) và là bậc thầy về quản lý bộ máy hành chính. Ông có cái nhìn ít đậm màu sắc chủ nghĩa dân tộc hơn ông Abe. Ông cũng tỏ ra là một người ủng hộ nhập cư và tự do thương mại. Vào năm 2013, chính ông là người đã thúc giục ông Abe nên “chú tâm nhiều hơn vào phát triển kinh tế” thay vì đi thăm đền Yasukuni, một bước đi mang nhiều tính biểu tượng hơn là những lợi ích thiết thực mà nó có thể mang lại.
Đổi lại, ông Suga không phải là người có nhiều kinh nghiệm trên trường quốc tế. Ông cũng không thật sự được lòng các thành viên nội bộ đảng LDP hay phần lớn dân chúng Nhật Bản, do đó, ông có thể sẽ phải đối mặt với nhiều đối thủ đến từ chính bên trong đảng. Sheila Smith, một chuyên gia nghiên cứu chính trị Nhật Bản thuộc Hội đồng các quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ (CFR) cho rằng: “Rất nhiều người trông đợi vào sự chuyển giao này. Bởi lẽ thông thường, mỗi lần một vị Thủ tướng đã tại vị lâu năm rời nhiệm sở, thì theo sau đó sẽ là một loạt những chính phủ mới không được lòng dân và bị thay thế rất nhanh chóng”.
(còn tiếp)
Pingback: Di sản của Shinzo Abe – Người đàn ông thay đổi nước Nhật – Nippon Kiyoshi