Shinzo Abe đã thay đổi Nhật Bản như thế nào? (Bài 5/5) | Người đàn ông của gia đình

<Tờ Economist September 5 – 11ᵀᴴ 2020 đã có nhiều bài viết (5 bài) dành để nói về thủ tưởng Shinzo Abe và những câu chuyện về cuộc đời và di sản mà ông để lại sau khi ông tuyên bố từ chức thủ tướng Nhật Bản vào cuối tháng 8 vừa rồi. Loạt bài này xin phép dịch lại nội dung của những bài viết trên cho những độc giả quan tâm tại Việt Nam.>

Bài viết cuối cùng này được dành để nói về thân thế, sự nghiệp và gia đình của ông Shinzo Abe. (theo cuốn The Iconoclast của Tobias Harris, một nhà quan sát và phê bình chính trị lâu năm tại Nhật Bản.

Shinzo Abe chỉ mới lên 5 tuổi vào năm 1960 khi mà những người biểu tình bao vây ngôi nhà của ông nội ông ở Tokyo. Kishi Nobusuke, thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ, đang ở giữa một cuộc tranh cãi gay gắt liên quan đến Hiệp ước an ninh của Nhật Bản với Mỹ. Kishi có được hiệp ước của mình vào năm đó, mặc dù ông đã phải trả giá bằng chính chức thủ tướng của mình sau đó. Đối với một Abe trẻ tuổi, giai đoạn này là “nền tảng hình thành nên bản sắc chính trị của ông ấy”, Tobias Harris lập luận trong “The Iconoclast”, một cuốn tiểu sử viết về vị thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản.

Những thế hệ đi trước của ông Shinzo Abe. Nguồn: https://www.eaglenews.ph/getting-to-know-shinzo-abe/abes-family/

Đường đường là cháu trai của một cựu thủ tướng và con trai của cựu ngoại trưởng, Abe Shintaro, danh tiếng của ông Abe được nhiều người biết đến. Truyền thống gia đình đã ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ và định hình chính tư duy chính trị của ông Shinzo Abe.

Trong cuốn The Iconoclast, Harris cho thấy, ông Abe vừa là hậu thế của Kishi, nhưng cũng thừa hưởng sâu sắc sự chiếm đóng của Mỹ và nhiều thỏa hiệp kỳ lạ mà ông đã góp phần tạo dựng nên. Số phận của ông nội Kishi là một trong những điều nổi bật nhất của gia phả Thủ tướng Abe. Ông Kishi đã tạo dựng nên danh tiếng cho mình khi tham gia điều phối lao động cưỡng bức cho bộ máy chiến tranh Nhật Bản với tư cách là một bộ trưởng ở Mãn Châu (Trung Quốc) do Nhật Bản chiếm đóng vào những năm 1930. Ông phục vụ một cách trung thành trong nội các thời chiến của Nhật Bản và đã bị bắt giữ dưới tội danh “tội phạm chiến tranh” vào năm 1945. Khi chiến tranh lạnh trở nên căng thẳng, Kishi là một trong số các cựu lãnh đạo mà người Mỹ đã cho “tha bổng” để giúp xây dựng lại Nhật Bản trở thành một bức tường thành chống lại chủ nghĩa cộng sản của Liên Xô. Kishi đã leo lên đỉnh cao quyền lực ở Nhật Bản bằng cách góp phần thành lập Đảng Dân chủ Tự do (LDP) với ít nhiều sự hỗ trợ từ CIA.

Kể từ đó, tái thiết lập chủ quyền của Nhật Bản và tìm kiếm sự bình đẳng hơn trong quan hệ đối tác với Mỹ đã trở thành sứ mệnh của Kishi. Nhưng trong sự cạnh tranh của những ý tưởng thời hậu chiến, tầm nhìn của ông đã chịu thua “Học thuyết Yoshida” (được đặt theo tên thủ tướng quan trọng đầu tiên của Nhật Bản thời hậu chiến, Yoshida Shigeru). Dưới học thuyết này, Nhật Bản sẽ dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh trong khi tập trung dồn toàn lực vào phát triển kinh tế. Đến khi Shinzo Abe lên chức thủ tướng, ông đã chiến đấu để đảo ngược “học thuyết đó”, nối gót ông nội mình. Ông muốn thay đổi Hiến pháp thời hậu chiến do Mỹ áp đặt, thay đổi những điều luật đã và đang cấm Nhật Bản sở hữu các lực lượng vũ trang (mặc dù trên thực tế, với sự hỗ trợ của Mỹ, Nhật Bản vẫn duy trì các lực lượng vũ trang hùng mạnh nhằm mục đích tự vệ).

Thủ tướng Shinzo Abe trong phiên họp của Ủy ban ngân sách quốc hội tại Tòa nhà quốc hội. Ảnh: YOSHIO TSUNODA/AFLO/ZUMA PRESS. Nguồn: WSJ. Link: https://www.wsj.com/articles/were-already-doing-it-japan-tests-unorthodox-economic-doctrine-11557912602

Ông Shinzo Abe có thể đã được truyền cảm hứng chính trị từ ông nội của mình, nhưng về cách thức thì ông đã học được nhiều nhất khi ở bên cha mình, Shintaro Abe. Trong thập niên 80, ông Shintaro đã đi thăm tổng cộng 81 quốc gia, với người con trai đóng vai trò thư ký. Harris viết: “Tài ngoại giao với tư duy toàn cầu mang đậm màu sắc cá nhân của cha ông đã gây ấn tượng mạnh lên con trai ông về tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin với các nhà nguyên thủ nước ngoài. Đó là một trong những thành tựu chính của ông Abe trong suốt những nhiệm kỳ qua. Ông Shinzo Abe cũng thừa kế lại sự nghiệp dang dở của cha mình: ông Shintaro qua đời vì bệnh ung thư trong khi đang cố gắng giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Liên Xô vào năm 1991.

Sau khi Shinzo Abe theo cha mình vào nội các, ông đã trở thành lãnh đạo cho một phong trào “bảo thủ mới”. Ông đã kêu gọi về một liên minh bình đẳng hơn với Mỹ, trong đó Nhật Bản muốn chịu nhiều trách nhiệm hơn, đồng thời nhấn mạnh vào những vụ công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc để chứng tỏ lòng trung thành của ông với tư cách là người bảo vệ đất nước. Ông cũng tham gia vào một số hoạt động che đậy, thanh minh cho những hành động tàn bạo thời chiến của Nhật Bản. Sự kiên định của ông Abe đối với những ý tưởng bảo thủ mới đã góp phần đẩy nhiệm kỳ thủ tướng ngắn ngủi đầu tiên của ông vào năm 2006-07 đến hồi kết, vốn đã sa lầy vào các cuộc chiến ý thức hệ trong quá khứ.

Gốc gác chính trị đã mang lại cho ông Abe một sự khởi đầu thuận lợi. Ông thăng tiến nhanh mặc dù từng chỉ là một học sinh trung bình, lượn phố trong chiếc Alfa Romeo màu đỏ và chơi rất nhiều mạt chược. Tuy nhiên, bản thân điều đó cũng là một gánh nặng. Chắc hẳn, bạn đọc sẽ không thể không rung động cùng với ông Abe khi mẹ của ông nói với ông rằng, “LDP được như bây giờ là nhờ cha của mẹ, Kishi Nobusuke tạo ra, và con không bao giờ được phép quên những dấu chân tuyệt vời đó.”

Người mẹ luôn luôn hiện diện cùng với ông: họ sống trong cùng một tòa nhà chung cư, và ngay cả khi đã lên làm thủ tướng, ông và vợ mình, bà Akie Abe, vẫn duy trì thói quen ăn sáng với bà. Những lời nói của mẹ với ông đã giải thích một phần tại sao việc thay đổi hiến pháp của Nhật Bản lại quan trọng đến vậy đối với ông Abe. Ông cho rằng thất bại này là một trong những điều hối tiếc lớn nhất khi ông tuyên bố từ chức vào ngày 28/8.

Thủ tướng Shinzo Abe tham gia lễ kiểm tra Ngày tưởng niệm Lực lượng Phòng vệ được tổ chức tại Bãi tập trận Asaka của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất vào tháng 10/2018. Ảnh: REUTERS / Kim Kyung-Hoon. Nguồn: Business Insider. Link: https://www.businessinsider.jp/post-195044

Tuy nhiên, lịch sử sẽ ghi nhớ ông Abe nhiều hơn vì sẵn sàng hi sinh hệ tư tưởng của mình để ủng hộ cách tiếp cận thực dụng hơn đối với lợi ích quốc gia trong thời gian cầm quyền lần thứ hai. (Chẳng hạn như Tuyên bố hòa giải của Shinzo Abe vào năm 2015 nhân dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai). Nhiều người cũng bắt đầu dùng từ “Học thuyết Abe” khi nói về Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của Shinzo Abe: xây dựng khả năng tự chủ quốc phòng và thắt chặt mối quan hệ với các quốc gia khác, một Nhật Bản có phần thực dụng hơn, và muốn tạo ra nhiều ảnh hưởng chính trị hơn trên trường quốc tế. Có thể nói rằng, ông Shinzo Abe chính là hiện thân của chủ nghĩa dân tộc mới, hiện đại và thực dụng, tại Nhật Bản.

Để hiểu hơn về gia thế của Thủ tướng Shinzo Abe, các bạn có thể tìm đọc cuốn “Shinzo Abe và gia tộc tuyệt đỉnh” của Kenya Matsuda, đã được NXB Trẻ dịch và ấn hành.

Advertisement

One thought on “Shinzo Abe đã thay đổi Nhật Bản như thế nào? (Bài 5/5) | Người đàn ông của gia đình

  1. Pingback: Di sản của Shinzo Abe – Người đàn ông thay đổi nước Nhật – Nippon Kiyoshi

Để lại bình luận

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.