Có rất nhiều người mong muốn được làm việc tại Nhật Bản vì có môi trường làm việc tốt, hưởng nhiều trợ cấp xã hội… Tuy nhiên sẽ không tránh khỏi việc bị shock văn hóa, khi mà văn hóa công sở và tác phong làm việc tại Nhật Bản cũng như của người Nhật rất khác với người Việt Nam. Qua một số đặc điểm làm việc dưới đây của người Nhật, chúng ta hãy cùng học hỏi những điều tốt của họ và tìm cách vận dụng chúng.
Genki và Gambatte
Đây là hai từ ngữ quan trọng và xuyên suốt trong văn hóa làm việc của người Nhật và góp phần lớn vào thành công của họ.
Genki (元気)có nghĩa là khỏe mạnh, vui vẻ, đầy nhiệt huyết và đó là những gì bạn cần phải thể hiện ở nơi làm việc, luôn có thái độ săn sàng, luôn đầy năng lượng để làm việc thay vì lười biếng và than phiền. Không chỉ ở chỗ làm, ở đâu người ta sẽ luôn hỏi bạn “Genkidesuka?” (Bạn khỏe không?), những lúc đó hãy nở một nụ cười và “genkidesu! “.
Gambatte (頑張って)có nghĩa là “Cố lên”, “Chúc may mắn”, “Đừng bỏ cuộc”. Đây là một từ dùng để động viên. Nếu như học tiếng Nhật, bạn sẽ thường xuyên nghe thấy sensei động viên bạn “gambatte” mỗi khi gặp cấu trúc khó hiểu, mỗi khi ấp úng khi nói chuyện…
Cả 2 từ Genki và Gambatte đi cùng nhau, và là 2 keyword giúp cho bạn sẽ có một ngày làm việc hăng say và hiệu quả. Có thể nói rằng, sự thành công trong phát triển kinh tế và công nghiệp như ngày nay đều đến từ 3 nhân tố chính, đó là: genki, gambatte và “làm việc nhóm”.
Sự đúng giờ
Trong tiếng Nhật, tuân thủ đúng giờ giấc là 時間厳守 (jikangenshu)
Sự đúng giờ cũng như quản lý thời gian là một thành tố vô cùng quan trọng trong văn hóa làm việc của người Nhật. Có một quy luật bất thành văn là bạn phải đến sớm hơn buổi hẹn ít nhất là 5 phút, thông thường là 15 phút. Tuy nhiên cái này còn tùy vào quy định của công sở. Ví dụ tại một trường học, một người Mỹ dạy thêm môn tiếng Anh tại Nhật và ông ta được yêu cầu phải đến trường 45 phút trước khi vào học (!). Ông ta cũng than phiền rằng thời gian biểu thậm chí cũng được lên sớm hơn rồi, nhưng ông vẫn phải đến sớm trước 45 phút như quy định và ngồi không ở đó…
Có lẽ người Nhật rất sợ việc đến muộn. Và tốt nhất là bạn không nên đến muộn chỗ làm, hoặc bất cứ buổi hẹn nào. Đó là một trong những phép tắc tối thiểu cần tuân thủ không chỉ khi làm với người Nhật mà làm việc ở bất cứ đâu cũng vậy.
Giải quyết vấn đề thay vì đổ lỗi
Làm việc nhóm trong tiếng Nhật là チームワーク.
Đây là một đặc điểm trong phong cách làm việc nhóm của người Nhật. Nếu như team của bạn làm việc không hiệu quả, bị thua lỗ, thất bại… Việc bạn cần làm là tập hợp nhóm của mình lại và đi thẳng vào vấn đề. Trong lúc bàn luận về những vấn đề đang gặp phải, có thể ai cũng “mặt không cảm xúc”, cuộc họp được tiến hành trong trật tự tuy nhiên tất cả mọi người đều tin tưởng vào nhau và cùng nhau nghĩ cách giải quyết vấn đề, thay vì tìm một ai đó để đổ lỗi.
Nếu như bạn là leader, họ sẽ không phán xét hay trách móc bạn, đẩy bạn vào thế bị động mà sẽ kể ra những vấn đề team gặp phải và tìm cách tháo gỡ nó. Như vậy, bạn không những có được một tâm trạng thoải mái mà còn có thể cố gắng hết sức suy nghĩ tìm cách giải quyết để không phụ lòng đồng nghiệp và cấp dưới.
Còn với tư cách là một thành viên, bạn cũng nên tìm cách để giải quyết vấn đề, cùng hợp tác với nhóm trưởng và các thành viên khác, thay vì tìm ai đó để đổ lỗi, vì khi đó bạn đã đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích chung, và tư duy đó sẽ không giúp bạn thành công được.
Hết giờ làm
Tại Nhật Bản vẫn còn có quan niệm cho rằng, “Không cần biết bạn làm việc được bao nhiêu, nhưng thời gian bạn ở lại chỗ làm lâu đến đâu mới là điều quan trọng”. Ở lại muộn là một cách để người ta thể hiện sự cống hiến của mình cho công việc đối với đồng nghiệp và ông chủ. Nói cách khác, ai về sớm, ai về muộn người ta đều biết cả, ở lại lâu hơn cho thấy bạn chăm chỉ hơn. Tuy vậy, không phải việc tan ca về nhà đúng giờ là sai hay bị chỉ trích gì cả, chỉ là nếu bạn ở lại thì sẽ được đánh giá tích cực hơn mà thôi.
Trước khi ra về, bạn nên nói với các đồng nghiệp của mình, “osaki ni shitsureishimasu”, có nghĩa là “tôi xin phép về trước”. Điều này không chỉ muốn nói rằng bạn sẽ về trước, mà còn ám chỉ bạn công nhận việc đồng nghiệp của mình ở lại muộn, công nhận họ là một người “chăm chỉ” và “tận tụy với công việc”.
Thông thường để đáp lại, mọi người thường nói: “otsukaresama deshita”, có nghĩa là “bạn đã vất vả rồi”. Ám chỉ rằng bạn đã dành nhiều công sức ra làm việc, và nên về nhà nghỉ ngơi. Câu này cũng thay cho lời chào tạm biệt ở công sở.
Như chúng ta đều biết, “zangyou” (残業) hay làm thêm giờ là một minh chứng cho sự “chăm chỉ” của người Nhật, tuy nhiên cái này có đúng là tốt hay không thì cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Theo cá nhân người viết, nếu như đã hoàn thành công việc trong ngày, bạn hoàn toàn có thể thoải mái ra về, thay vì ngồi lại công sở. Việc bạn không hoàn thành daily task và phải zangyou là do năng suất lao động chưa đạt, nên việc ở lại làm nốt cho xong là cần thiết. Và chúng ta nên cố gắng làm việc như thế nào đó để cải thiện năng suất lao động để không phải “zangyou”, chứ “zangyou” không phải cái gì quá tốt đẹp như người ta tôn vinh, mà còn hại cho sức khỏe.
Giao thiệp với đồng nghiệp
“Làm hăng say, chơi nhiệt tình”. Thông thường sau mỗi giờ làm việc, các đồng nghiệp sẽ rủ bạn đi uống hay đi karaoke, dân tình hay gọi là “nomikai”(飲み会). Đây là một dịp tốt để kết thân với các đồng nghiệp cũng như chia sẻ, nói chuyện riêng tư với nhau – những việc mà bạn khó có thể làm ở công sở khi đang bù đầu vào công việc. Nhất là với những người nước ngoài, kết bạn là một điều nên làm.
Bạn cũng hết sức tránh việc từ chối những lời mời như thế, trừ những trường hợp khẩn cấp hoặc bạn không thể uống đồ có cồn. Tốt nhất là không nên từ chối, vì như ta đã biết, người Nhật có tập quán tặng quà, và từ chối nhận món quà từ tấm lòng của họ là một việc hết sức thô lỗ. Nếu như không thể uống đồ có cồn, bạn cũng cần phải thể hiện cho bạn bè đồng nghiệp biết.
Không chỉ có những ca hẹn sau giờ làm, thỉnh thoảng sếp và đồng nghiệp cũng sẽ hẹn bạn một buổi gặp mặt nho nhỏ, thường là vào thứ sáu. Đó là dịp để các ban, đồng nghiệp gặp nhau, và bạn cũng không nên từ chối những dịp như vậy, nếu như không muốn bạn bè đồng nghiệp xa lánh.
Tóm lại, việc tham gia vào những hoạt động xã giao như vậy không những giúp quan hệ giữa bạn với những người xung quanh, nhất là người cùng chỗ làm thêm khăng khít, bạn cũng sẽ có được nhiều cái nhìn hơn vào văn hóa và tập tục của người Nhật, cũng như tăng khả năng giao tiếp tiếng Nhật của mình,…
Luôn luôn cố gắng
Môi trường làm việc ở Nhật Bản là một môi trường khắc nghiệt, người Nhật Bản cũng nổi tiếng là kĩ tính và khó tính, bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, tác phong,… tuy nhiên hãy luôn luôn cố gắng hết sức mình để làm quen và học, tiếp thu những tinh hoa trong văn hóa làm việc của họ. Chúng ta không cần phải giống hệt như người Nhật 100% nhưng những cái gì tốt của họ, những điều giúp họ thành công thì hãy học lấy 100%.
Shock văn hoá
Sốc văn hoá
Nguồn:
“Working in Japan“, by Mike Jones, transitionabroad.com
“What woking for a Japanese company taught me“, by John E. Rehfeld, Harvard Business Review, September, 1990
“5 Strange Quirks of Working in a Japanese Company“, by Yumi Nakata, GajinPot,