Mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa đều có các quan niệm khác nhau về những con số xui xẻo. Ở nước Mỹ hay phương Tây, đó là số 13. Ở Việt Nam có lẽ là số 7 (thất), các bạn có thể liệt kê ra một đống từ xui xẻo bắt đầu bằng từ “thất”: “thất bát”, “thất bại”, “thất nghiệp”, “thất đức”, “thất học”, “thất vọng”, “thất tình”,… Còn với người Nhật , đó là con số 4 (四). Tại sao?
Số 4 – số tử
“Đừng mua 4 lon bia, mua thêm 1 lon đi !”, “Ôi không! Nhà tôi ở tầng 4”, “Đừng đưa tôi 4 mớ rau, 3 là đủ rồi !” …
Tại sao người Nhật lại sợ số 4 đến thế, rất đơn giản.
Số 4 có cách đọc đồng âm với từ “tử” (死/し/shi) nghĩa là “chết”. Nếu chỉ có thế thì chưa ăn nhằm gì, người ta đã phát triển “số 4” lên thành nỗi sợ như sau:
- 24 là “nishi”, có nghĩa là “chết cặp” (二死) hay hai người cùng chết , cái này chắc mấy đôi tình nhân sợ lắm.
- 42 là “shini” , trong tiếng Nhật, “shinigami” có nghĩa là “thần chết”. Ngoài ra, động từ “shinimasu” cũng có nghĩa là “chết”. Từ 敷く phát âm là “shiku” có nghĩa là “nằm xuống” ,a.k.a chết.
Tử thần Ryuk (Death Note)
- 43 là “shisan” (死産), chỉ những trường hợp “trẻ chết trong bụng mẹ” 😦
- 45 là “shigo” (死後) nghĩa là “sau cái chết” (chắc là địa ngục).
- 49 là “shiku” bắt nguồn từ câu “shinu made kurushimu”, có nghĩa là “khổ sở cho đến chết”.
- 42-19 đọc giống “shini iku” (死に行く), có nghĩa là “đi chết đi”.
- 42-56 đọc giống “shini goro” (死に頃), có nghĩa là “đến lúc phải chết”, “tới số”.
Tin chắc rằng ngoài ra sẽ có nhiều cách suy diễn khác về số tử này, nhưng chắc cái list trên đã là quá đủ ! Năm 42 tuổi chắc là năm mà người Nhật kiêng cữ kinh lắm, mà sau đó 2 năm đến tuổi 44, xong 1 năm sau là 45, rồi thì 49, cứ như thể rủa người ta vậy.
Số tử bắt nguồn từ đâu ?
Hẳn nhiều người cũng dễ dàng đoán được ra, đó chính là Trung Quốc, nơi sản sinh ra chữ Hán.

Quốc kì Trung Quốc với 4 ngôi sao nhỏ (!)
Hiển nhiên người Trung Hoa là người đầu tiên phát minh ra nỗi sợ con số 4 này. Sau đó các nước châu Á lấy tiếng Hoa làm gốc cũng dính luôn căn bệnh này, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, và cả Việt Nam nữa. Và tất cả cách đọc số 4 và chữ “chết” của các nước này đều giống hệt nhau (trừ Việt Nam hơi chại một tí). Không hiểu sao.
Ngôn ngữ | 四 (số 4) | 死 (chết) |
---|---|---|
Tiếng Quan Thoại | sì | sǐ |
Tiếng Thượng Hải | sy2 | sy2, shi2 |
Tiếng Quảng Đông | sei3 | sei2 |
Tiếng Đài Loan | sì,sù | sí,sú |
Tiếng Hàn | sa | sa |
Tiếng Việt | tứ | tử |
Tiếng Nhật | shi | shi |
Trung Quốc, tất cả là từ Trung Quốc mà ra.
Ảnh hưởng
Nỗi sợ số 4 là “số tử”, “số xui xẻo” hiện diện rất nhiều trong đời sống thường nhật không chỉ ở Nhật mà còn ở nhiều quốc gia châu Á khác.
- Tetraphobia là một thuật ngữ chỉ “nỗi sợ con số 4”, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, tetras là “4” và phobos là nỗi sợ.
- Hầu hết quà tặng của người Nhật, đặc biệt là dao, dĩa phải là số lượng 3 hoặc 5, không được là số 4. Người Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc… cũng vậy, không bao giờ tặng quà liên quan đến số 4.
- Rất nhiều thang máy ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,… không có “tầng 4”, “tầng 14” hay những tầng khác có số 4. Trong một số trường hợp, ở những tòa nhà chọc trời thì cả 10 tầng từ 40 – 49 sẽ không có mặt trong thang máy, và bạn phải tự cuốc bộ lên đó.
Một thang máy “không có số 4” ở Trung Quốc
- Ở Hàn Quốc, đôi khi tầng 4 được đánh dấu là “F” thay vì “4”.
- Nhiều bệnh viện, khách sạn ở Nhật Bản không có phòng số 4.
- Trong những năm 2000, hãng xe Alfa Romeo đã phải đổi nhãn hiệu xe 144 của mình ở Singapore nếu không sẽ chẳng ai mua nó cả. Tương tự như vậy, Nokia chưa bao giờ cho ra mắt các mẫu điện thoại mang nhãn hiệu bắt đầu bằng “4”. Kể từ năm 2008, Samsung cũng ngừng cung cấp các mẫu điện thoại có nhãn 4 chữ số hay chứa chữ số 4.
Một bãi đỗ xe ở Shizuoka không có số 4
- Ở Bắc Kinh, người ta không cấp biển số xe có chữ số 4.
- Không một sản phẩm nào của Canon có chữ số 4….
Qua đó, các bạn có thể thấy ảnh hưởng của chữ số 4 tới đời sống lớn đến mức nào.
Có thật vậy không ?
Cứ liên quan đến số 4 là chết ngay được chắc, sao mê tín quá vậy?
Đừng vội khẳng định…
Theo một báo cáo của Tạp chí Y khoa Anh quốc nghiên cứu về ảnh hưởng của tâm lý đến thời điểm tử vong tại Hoa Kì trong vòng 25 năm cho thấy, người Trung Quốc và người Nhật có tỉ lệ tử vong vì trụy tim vào ngày mùng 4 hằng tháng cao hơn 13% so với ngày thường. Riêng tại bang California, người Trung Quốc và người Nhật có tỉ lệ này lên đến 27 %.
Có vẻ nỗi sợ hãi số 4 là có cơ sở đấy nhỉ.
Kết
Số 4 có đúng như những gì người ta đồn đại hay không thì không biết. Mọi người cũng đừng mê tin quá, hãy cứ coi trường hợp trên là trùng hợp ngẫu nhiên đi, kiêng thì cứ kiêng nhưng cũng đừng để số 4 làm bạn stress và lo nghĩ quá nhiều.
Dù sao thì cỏ 4 lá cũng là một điều may mắn phải không 🙂
—
Nguồn:
“Growing up with an Irrational Fear of the Number Four“, by Koichi, Tofugu, March 27, 2013
“Why the number Four is considered unlucky in some Asian cultures“, by Julia, todayifoundout.com, January 20, 2011
“The number of death: Lucky and unlucky numbers in Japan“, by Philip Seifi, blog.lingual.com, June 7, 2013
“Bí ẩn những con số xui xẻo trên khắp thế giới“, khoahoc.tv, December 14, 2013
“Tetraphobia“, Wikipedia