Tìm hiểu về lí do sinh ra Thần đạo và sự phát triển của nó khi du nhập với các tôn giáo khác như Nho giáo hay Phật giáo.
Đến nay vẫn khó có thể biết được, những người đầu tiên di cư đến quần đảo Nhật Bản để làm nhà thực chất đến từ đâu, có thể là từ Biển phía Nam, từ Trung Quốc hoặc Hàn Quốc,… chỉ biết rằng nơi đầu tiên mà họ đặt chân đến là vùng Yamato, ở phía nam tỉnh Nara, và đây cũng chính là cái nôi của văn hóa Nhật Bản. Tuy vậy, trước khi những người này di cư đến đảo Nhật Bản, thì trên đảo đã tồn tại những người bản địa rồi, và đó là người Ainu. Người Ainu không chào đón những vị khách mới cùng chung sống, và đó là lí do họ vẫn sống tách biệt với người Nhật cổ, thậm chí đến tận ngày nay.

Dân tộc Ainu là những người Nhật bản địa. Năm 660 TCN, Thiên hoàng Jimmu Tenno đã đuổi những người bản xứ này đi. Tuy nhiên, họ vẫn cùng chung sống trê đất Nhật, và hiện nay đang ở Hokkaido, phía Bắc Nhật Bản
Những người Nhật cổ cùng chung sống trên một vùng đất, sinh con đẻ cái và kết hôn, những người có chung huyết thống và có quan hệ hôn nhân tụ tập lại hình thành nên các uji – gia tộc (氏). Họ thường tập trung quây quần trong những dịp lễ đặc biệt như sinh đẻ, hiếu hỉ, những lễ hội quanh năm như lễ hội gieo hạt vào mùa xuân hoặc lễ thu hoạch vào mùa thu. Trải qua những hoạt động làm nông và tác động từ môi trường tự nhiên, Thần đạo dần dần được hình thành.
Khởi đầu của Thần đạo
Các gia tộc luôn tin rằng các thần linh trong tự nhiên sẽ cầu phúc cho con cái và mùa màng của họ, luôn tỏ ra tôn kính đối với các hiện tượng tự nhiên như mặt trời, gió, mưa và thủy triều. Thần đạo từ đó mà sinh ra, và nó được truyền qua các thế hệ trong gia đình, cũng như qua các thần chủ, những người đi cầu thần linh ban phúc. Những lễ hội Thần đạo đều dựa theo lịch nông vụ, đặc biệt là mùa xuân gieo hạt và mùa thu thu hoạch.
Mỗi làng, mỗi gia tộc lại có những vị thần của riêng mình, thường gắn với đặc trưng tự nhiên tưng vùng. Sống gần gũi với thiên nhiên, họ luôn coi rằng Thần linh luôn tồn tại, khi ấy chẳng có gì tách biệt giữa tôn giáo với văn hóa. Mọi người luôn công nhận sự tồn tại của các thần linh, khi họ chứng kiến những chiếc cổ thụ, những khu rừng rậm rạp, những ngọn núi, thác nước hùng vĩ,… Họ luôn tôn kính và tỏ ra sùng bái những sự vật, hiện tượng mà họ thấy bất thường hoặc kì vĩ… và họ tin rằng có thần linh trong những sự vật hiện tượng đó, thần lửa, thần gió, thần mưa, thần sấm, thần suối, thần sông, thần núi, thần gạo, rồi thì thần đá, thần đường, thần biển, thần nhà, thần bếp,… Họ tin rằng thần linh có mặt ở khắp mọi nơi.
Norito

[Norito hay norii được ghi lại trên giấy] Những lời khấn và cầu nguyện cổ được sử dụng trong cách dịp lễ nghi Thần đạo. Trước kia được truyền miệng từ đời cha xuống đời con – người kế thừa ngôi vị tộc trưởng.
Norito là những lời lẽ và lời khấn cổ, chủ yếu được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, về sau vào khoảng thế kỉ thứ 8, giấy được dùng làm công cụ để ghi chép lại những norito. Với niềm tin rằng những câu chữ trong norito có chứa sức mạnh tâm linh nên nó được truyền lại gần như nguyên bản, không có thay đổi gì. Có rất nhiều các norito khác nhau cầu cho vụ lúa bội thu, bởi gạo vẫn luôn là nông sản chính của Nhật Bản.
Đặc điểm của Thần đạo thuở ban đầu

[Đá Thần] Truyện kể rằng nữ Thiên hoàng của Nhật Bản, Jingo (170 – 269 SCN) đang có chửa thì chiến tranh nổ ra giữa Nhật Bản và Triều Tiên. Ngay cả khi sắp đẻ, bà vẫn thấy cần thiết phải ra trận. Bà đã buộc đá quanh bụng để hoãn đứa bé trào đời, hoàn thành cuộc chiến. Những viên đá về sau được coi như những vật linh thiêng để giảm cái đau khi sinh hạ em bé.
Ngoài các vị thần trên thiên giới, các thổ thần – thần địa phương, các vị thần trong tự nhiên, những người xuất chúng, hay trong hoàng thất cũng được coi là thần,.. tựu chung lại đã lên đến khoảng 8 triệu thần linh các loại. Nhiều thần là những thành hoàng, những vị thần bảo hộ cho một khu vực hoặc một gia đình nhất định, và không được biết đến rộng rãi ở bên ngoài. Mỗi ngôi làng đều có những ngôi đền dành cho các gia tộc trong làng đến thờ phụng. Những thổ thần có thể gắn với những địa danh của địa phương như thác nước, núi, sông…
Những chốn linh thiêng
Ban đầu vẫn chưa xuất hiện các đền chùa. Mọi người hay đến những nơi trong tự nhiên mà họ coi là có thần để cầu phúc, như dưới chân thác, đỉnh núi, dưới tán cây, trên bờ biển hoặc bên cạnh những hòn đá thiêng,… và họ bện những sợi thừng bằng rơm, quấn/ đặt cạnh những nơi đó để minh chứng cho sự tồn tại của các thần. Khi mới đầu, người ta thường sử dụng những vật như gương, trang sức, thanh kiếm để làm nơi cho thần linh trú ngụ. Về sau họ xây dựng hững ngôi đền miếu nhỏ để làm nơi ở của thần linh, và hay lui tới để cầu ước. Các đền thờ Thần không phải là nơi để người dân tụ tập cầu nguyện, đó là nhà của riêng các Thần, những nghi lễ đông người được tổ chức bên ngoài ngôi đền, chứ không phải bên trong.
Ảnh hưởng của các gia tộc
Các gia tộc, theo thời gian ngày càng mở rộng và lớn mạnh. Các gia tộc nhỏ hợp lại với nhau (qua hôn nhân) và lập nên các gia tộc hùng mạnh. Khi một gia tộc này thu nạp thêm một gia tộc khác, Thần bảo hộ của làng đó sẽ trở thành Thần bảo hộ chung cho gia tộc mới hình thành. Nữ thần mặt trời Amaterasu được coi là Thần bảo hộ trực tiếp cho gia tộc Yamato, ơi sinh ra Hoàng gia Nhật Bản. Gia tộc này ngày càng lớn mạnh và có uy tín và thần bảo hộ của ho Amaterasu nghiễm nhiên trở thành vị thần đứng đầu của Thần đạo Nhật Bản.
Sự du nhập của nền văn minh Trung Hoa
Không xa về phía Tây của Nhật Bản là Trung Quốc, quốc gia đã có nền văn hiến từ rất lâu đời. Vào thời nhà Hán (206 TCN – 220 SCN ), Trung Quốc đã xâm chiếm và thống trị Triều Tiên, đưa Trung Quốc đến gần hơn với Nhật Bản. Khoảng năm 57 SCN, các học giả và thương nhân Trung Hoa đã đến Nhật Bản thường xuyên hơn qua những lời mời của Triều đình Nhật Bản, mang nền văn hóa, văn minh Trung Hoa du nhập vào đây, phát triển cực kì mạnh mẽ vào khoảng năm 200 SCN.
Nhật Bản thời bấy giờ vẫn còn trong mung muội. Vẫn chưa có chữ viết, nên các ghi chép về văn thơ đều không có, cũng không hề có lấy những họa phẩm nào đáng kể và nhất là chưa có thể chế quân chủ hoàn thiện, những thứ mà người Trung Quốc đã gây dựng được từ hơn 1000 năm.
Chữ viết là một trong những tiến bộ văn hóa quan trọng nhất mà người Trung Hoa đem đến Nhật Bản. Dần dần, Nhật Bản tiếp nhận hệ thống chữ viết của Trung Hoa và biến đổi cho hợp với ngôn ngữ của họ. Tiến bộ này giúp họ có thể ghi lại những lời truyền miệng, những câu chuyện từ xa xưa, lịch sử của đất nước và tất nhiên là cả những điều cơ bản đã làm nên Thần đạo. Tuy nhiên không chỉ có chữ viết, người Trung Hoa còn mang đến Nhật Bản văn hóa của mình, có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa nước Nhật qua Nho giáo và Đạo giáo. Mỗi tôn giáo này lại ảnh hưởng đến Thần đạo theo các cách khác nhau.
Nho giáo

[Nho giáo hay Đạo Khổng] nói rằng mỗi người đều có một nghĩa vụ của mình với người khác. Ví dụ như quan hệ cha – con, cha có nghĩa vụ thương yêu chăm sóc con còn con cái có nghĩa vụ phải nghe lời cha, dù ở thế giới bên kia. Vợ – chồng có nghĩa vụ phải sống hòa thuận cùng nhau, bạn bè có nghĩa vụ phải thành thực và công bằng khi đối xử với nhau
Người Nhật nhận thấy những điều răn dạy trong Nho giáo có nhiều điểm tương đồng với Thần đạo. Trung thực, công bằng, hòa hảo và kính trọng tổ tiên đều là những lý tưởng của Thần đạo. Nho giáo cũng rất nhấn mạnh tới mối quan hệ trong gia đình và giúp củng cố địa vị của những người có quyền như Hoàng đế hay Lãnh chúa. Người Nhật tiếp thu rất nhiều điều dạy của Nho giáo, trong khi đó vẫn duy trì đức tin vào Thần linh và đến cầu nguyện ở các đền thờ Thần.
Đạo giáo
Mặc dù Nho giáo mới là tôn giáo chính và mang đậm nét văn hóa Trung Hoa, thì Đạo giáo lại phát triển mạnh mẽ trong tầng lớp lao động. Đạo giáo cũng dần được du nhập vào Nhật Bản giống như cách mà Nho giáo đã làm. Đạo giáo nhấn mạnh tới sự hòa hợp của con người với dòng chảy của vũ trụ (âm dương ngũ hành). Cũng giống như Thần đạo, Đạo giáo cũng đề cao vai trò của thiên nhiên. Đạo giáo tuy không có những ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đến người Nhật như Nho giáo nhưng nó cũng tác động đến Thần đạo một cách gián tiếp.
Đạo giáo có thể nói là phát triển hơn rất nhiều so với Thần đạo, nó có nhiều nghi thức và nghi lễ hơn Thần đạo. Cũng giống như Thần đạo, Đạo giáo cũng có nhiều Thần, đại diện cho nhiều sức mạnh của thiên nhiên. Đạo giáo cũng quan tâm đến hệ thống lịch, có phân tích ngày nào tốt ngày nào xấu, và hệ thống lịch đó cũng đươc Thần đạo học tập theo.

[Maneki – neko] Chú mèo vẫy gọi. Vào thế kỉ 17, có một vị thầy tu nghèo khổ sống ở một ngôi đền nhỏ tại Tokyo. Dù cuộc sống rất khó khăn, ông vẫn chia sẻ phần ăn ít ỏi của mình cho chú mèo cưng Tama. Một ngày nọ, lãnh chúa Nakaota Ii của quận Hikone trên đường đi săn bỗng gặp cơn mưa bão đã đến trú chân ở một cái cây to gần đền. Ông để ý thấy chú mèo giơ một chân lên như đang vẫy gọi ông vào đền. Tò mò, ông rời chỗ nấp, tiến về phía đền để nhìn cho rõ hơn chú mèo kì lạ kia. Cùng lúc đó, một tia chớp giáng xuống đúng chỗ cái cây mà ông vừa đứng. Mang ơn chú mèo, vị lãnh chúa trở thành người bảo trợ cho ngôi đền, sửa chữa nó trở nên khang trang hơn và đổi tên thành đền Gotokuji vào năm 1697. Khi Tama chết, chú được chôn trong nghĩa địa dành cho loài mèo ở trong đền và bức tượng Maneki Neko được làm để tưởng nhớ chú mèo đặc biệt này đã ra đời từ đó.
Phật giáo
Chính quyền Nhật Bản áp dụng triệt để Nho giáo và sử dụng Nho giáo để trị nước thì Phật giáo, cùng thời điểm đó, cũng du nhập vào Nhật Bản và nhanh chóng trở thành tôn giáo du nhập có ảnh hưởng nhất tới Nhật Bản.
Phật giáo chính thức được truyền bá vào Nhật vào khoảng năm 552 SCN, mặc dù chắc chắn trước đó có không ít nhà sư đã đến đây. Một trong những hình ảnh đầu tiên về nhà sư cửa Phật của người Nhật là khi Vua Triều Tiên cử một phái đoàn sang Nhật Bản, cầu xin Yamato sự trợ giúp về binh lực. Phái đoàn đều là các nhà sư trong áo cà sa đỏ vàng, liên tục gõ mõ, mang theo những lễ vật như ô, tượng Phật bằng vàng,…
Phật giáo ngay lặp tức có ảnh hưởng to lớn đến người dân Nhật Bản. Phật giáo lúc đó đã rất phát triển, có những triết lý sâu sắc và những nghi lễ đã gần như hoàn thiện. Quang cảnh, kiến trúc Phật giáo cũng như những tư tưởng đạo đức tiến bộ của nó đã thu hút cả dân đen và những người quyền lực, Đạo phật nhanh chóng lan truyền đi khắp đất nước. Tư tưởng triết học của Phật giáo, rũ bỏ những khổ đau nơi trần thế để đến với chốn yên bình nơi cửa Phật cũng tác động lớn đến tâm tư của nhiều người dân Nhật Bản.
Mặc dù mới du nhập vào Nhật Bản nhưng Phật giáo có nhiều đặc điểm tương đồng với Thần đạo. Phật giáo cũng có nhiều thần linh và hệ tư tưởng khoan dung, hướng thiện. Phật giáo còn đem đến một hệ thống các lời răn của Đức Phật về nghiệp chướng, luân hồi, niết bàn và con đường giải thoát khỏi khổ ải ( Tứ diệu đế, Bát chính đạo). Việc Phật giáo đề cập đến cuộc sống sau cái chết là điều mới đối với Thần đạo mà họ không tìm thấy ở Nho giáo, vốn nhấn mạnh đến quan hệ giữa người với người trong xã hội và quan hệ vua quân.
Đạo Phật đem đến một tư tưởng mới về cái chết, đó là đầu thai, trong khi Thần đạo lại chấp nhận rằng cái chết là kết thúc vĩnh viễn cho sự tồn tại. Thần đạo quan niệm những người chết phải thanh tẩy cơ thể đễ rũ bỏ mùi thối của tử thi. Nếu như người trong hoàng tộc chết, họ có thể trở thành thần, nhưng sẽ không có lối thoát đến nơi nào tốt đẹp hơn, cụ thể là thiên đàng hoặc được đầu thai. Tuy nhiên, đạo Phật lại có, và nó còn đặt ra những nghi thức tang lễ nhằm an ủi người chết, điều mà Thần đạo không có. Thần đạo đã tiếp nhận những tư tưởng này của Phật giáo, cùng một số nghi thức và tri thức của Đạo Phật.
Thái tử Shotoku và Cải cách Taika
Gia tộc Yamato ngày càng lớn mạnh, càng thu nạp nhiều gia tộc thì mâu thuẫn xích mích càng lớn, chiến tranh giữa các hào tộc với vương tộc Yamato xảy ra càng nhiều. Vào cuối thế kỉ thứ 6, sau khi giành thắng lợi trong một số cuộc phân tranh như vậy, thì Nữ hoàng Suiko, thái tử Shotoku đã xây dựng được một nền tảng chính trị mới, xóa bỏ vương quyền Yamato. KHoảng năm 600 SCN, xung đột nội bộ đã dẫn đến sự phế truất ngai vàng của Nữ hoàng Suiko, cháu trai của bà là Shotoku trở thành người kế vị nhưng vẫn trị vị đất nước dưới tên của bà. Dưới thời Shotoku, văn hóa tôn giáo Nhật Bản và Trung Quốc đã pha trộn vào nhau một cách rất tài tình.
Thái tử Shotoku đã tự tay lập nên hiến pháp 17 điều của Nhật Bản. Văn bản này, viết vào năm 609 kết hợp giữa tư tưởng Phật giáo với cấu trúc trị nước của Nho giáo. Văn bản này giống như một hệ thống các nền tảng đạo đức mà chính phủ tự thi hành. Năm 645, không lâu sau cái chết của Shotoku, Kotoku trở thành Thiên hoàng và thiết lập những thay đổi trong cách vận hành của chính phủ, còn được biết đến là Cải cách Taika, đưa Nhật Bản chuyển dần sang chế độ phong kiến thay cho chế độ thủ lĩnh bộ lạc như trước kia.
Cải cách Taika củng cố quyền lực tập trung vào tay Thiên hoàng đồng thời phân cấp các gia tộc khác. Những hệ thống cấp bậc và luật lệ xã hội này chi phối cuộc sống của người dân Nhật Bản và vẫn còn ảnh hưởng đến tận ngày nay.
Nho giáo và Thần đạo
Triều đình vận hành theo các tư tưởng của Nho giáo, nên các nhà Nho hưởng lợi lớn khi hợp tác với các quan chức triều đình, mà các quan chức này lại theo Thần đạo, Nho giáo và Thần đạo tồn tại hòa hợp với nhau trong xã hội đó. Nho giáo cung cấp hệ tư tưởng giáo dục, quản lý cho triều đình Thiên hoàng để trị nước, trong khi đó Thần đạo lại tạo ra một bức màn thần bí và đem đến những quyền lực vô hình cho Thiên hoàng. Chính quyền chính vì vậy cũng luôn hỗ trợ xây dựng và duy trì các đền thờ Thần.
Năm 673, với sự du nhập của giấy, Thiên hoàng Temmu yêu cầu cho ghi lại sử thi của Nhật Bản lại, vốn từ trước đến nay vẫn luôn truyền miệng. Thực chất, những văn bản đó đã củng cố nguồn gốc thần linh của Thiên hoàng, và việc ghi lại sẽ giúp củng cố quyền lực của các đời Thiên hoàng và tránh những câu chuyện đó bị thất lạc hay thay đổi. Năm 712 cuốn Kojiki ra đời, kể về truyền thuyết sinh ra đảo Nhật Bản và người dân Nhật Bản. Năm 720 cuốn Nihongi ra đời, kể lại truyền thuyết về sự ra đời của Thiên hoàng và những người kế tục.
Kojiki và Nihongi đã chính thức chắp bút cho Thần đạo trở thành tôn giáo của Hoàng gia Nhật Bản và của người dân Nhật Bản, những ảnh hưởng của hệ tư tưởng Thần đạo đã ăn sâu vào tâm thức của người Nhật cho đến tận bây giờ.
(còn tiếp)
Đọc phần 3: Thủy tổ của Thiên hoàng Đọc phần 5: Phật giáo với Thần đạo
——————————–
Nguồn:
World Religions – Shinto, by Paula R.Hartz, 3rd Edition, 2009
“Maneki Neko – chú mèo may mắn”, http://www.duhocnhatban.edu.vn/
Bài post được dịch dựa vào cuốn World Religions – Shinto của Paula R.Hartz không vì mục đích thương mại
Cảm ơn bạn đã viết bài và trích dẫn nguồn đầy đủ. Nó thật sự rất hữu dụng cho bài làm trong trường của mình.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Pingback: Tổng hợp loạt bài viết về Thần đạo | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi
Pingback: Shinto (phần 5): Phật giáo với Thần đạo | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi
Pingback: Shinto (phần 3) – Thủy tổ của Thiên hoàng | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi