Mùa hè tại Sendai năm nay rất kỳ lạ. Tất cả mọi thứ kết hợp lại nhằm buộc bản phải ở nhà. Sau Olympics, Covid đã lan mạnh hơn tại đây, rồi thì nghỉ hè, rồi thì những trận mưa đã kéo dài suốt hai tuần nay (và dự kiến sẽ tiếp tục trong nhiều ngày tới). Trong thời gian này, may mắn làm sao, các loại game liên tục giảm giá, và mình đã quyết định mua Civilization VI về chơi với cái giá rẻ bất ngờ. Mặc dù không liên quan đến những chủ đề quen thuộc như mọi khi, nhưng quả thực, đây là một tựa game tuyệt vời mà bạn không nên bỏ qua. Trong mùa dịch thế này, đây là tựa game vừa mang tính giải trí, đồng thời cũng mang tính giáo dục rất cao.
Gameplay
Civ 6 cho phép bạn vào vai một nền văn minh, trở thành lãnh tụ của người dân và lãnh đạo nền văn minh của bạn trở thành quốc gia hùng mạnh nhất. Bạn bắt đầu với 1 Settler (Người định cư) và 1 Warrior (Chiến binh). Settler có vai trò tạo ra thành phố cho đế chế của bạn còn Warrior sẽ bảo vệ nó khỏi Barbarians (lũ mọi rợ) luôn nhăm nhe cướp bóc và tàn phá thành phố.

Trò chơi tiêu chuẩn diễn ra trong vòng 500 lượt, kéo dài từ năm 1000 TCN cho đến 2050 SCN, mô phỏng lại những tiến trình của loài người trong lịch sử, từ thời Tối cổ, cho đến thời Phong kiến, cách mạng Công nghiệp, cách mạng Hạt nhân cho đến thời kỳ công nghệ thông tin. Theo năm tháng, bạn dần dần mở rộng thành phố, xây các toà nhà chuyên chính, thiết lập quân đội, quản lý tôn giáo và các chính sách công, nghiên cứu khoa học công nghệ (Science & Technology) cũng như phát triển con người và xã hội (Civic).

Việc xây dựng và nghiên cứu đòi hỏi một số lượng lượt (turn) nhất định mà bạn phải đợi để nó hoàn thành. Trong thời gian đó, bạn sẽ cần tính toán xem nên làm gì tiếp theo, phân bổ dân cư như thế nào cho hợp lý, đem quân đội đi chinh phạt các quốc gia khác hay sử dụng sức mạnh hải quân để đi khám phá những miền đất mới. Bạn cũng sẽ gặp những nền văn minh khác, thiết lập quan hệ ngoại giao, rồi thông thương với họ và thậm chí tiến hành chiến tranh.

Có nhiều cách để chiến thắng, phổ biến nhất là chiến thắng thông qua vũ trang, nghĩa là đi xâm chiếm toàn bộ thủ phủ các nền văn minh khác. Bên cạnh đó là chiến thắng về mặt Văn hoá (xây được nhiều Di sản văn hoá, thu hút khách du lịch nhiều nhất), chiến thắng về Khoa học (là nền văn minh đầu tiên đưa con người lên mặt trăng và sao Hoả).

Những điểm tuyệt vời của trò chơi
Dành cho những ai yêu thích lịch sử chính trị thì đây là một trò chơi tuyệt vời. Khác với các game Đế chế hay Warcraft là những game chiến thuật thời gian thực, Civ 6 với thiết kế chiến thuật theo lượt cho phép các bạn có thời gian suy tính, bày mưu, cân nhắc thận trọng hơn. Mình cũng có nhiều thời gian hơn ngắm nghía các hạng mục công trình cũng như nghiên cứu cây Science và Civic để xem nên đưa quốc gia theo đường lối nào.

Mình cũng đánh giá rất cao Civ 6 về tính giáo dục của trò chơi, nó mô phỏng thế giới thực của chúng ta chính xác đến không ngờ.
Kinh tế vĩ mô
Mỗi một ô trong game có điểm Nông nghiệp (nông nghiệp tốt thì dân số tăng nhanh -> nhiều lao động -> làm được nhiều việc hơn) và điểm Công nghiệp (công nghiệp tốt thì xây dựng nhanh -> đỡ tốn lượt). Xuyên suốt cả game, bạn sẽ phải suy tính cân nhắc đánh đổi giữa hai con số này. Dân số ít quá thì không làm được nhiều việc, khó bành trướng, nông nghiệp nghèo nàn thì dân đói, nổi loạn. Dân số nhiều nhưng công nghiệp không phát triển thì xây dựng rất mất thời gian, nhà không xây kịp cho dân ở, đó là còn chưa nói đến sản xuất công nghiệp và quân đội. Đó là còn chưa kể đến điểm Ngân khố. Nếu quốc gia của bạn giàu, bạn có thể mở rộng địa phận, mua binh chủng bảo vệ thành phố và duy trì các đơn vị thiết yếu.

Buổi đầu học kinh tế, chắc các bạn biết về “sự khan hiếm”. Bản chất của kinh tế học, suy cho cùng, là tối ưu hoá lợi ích (vô tận của con người) trong điều kiện khan hiếm. Ở tầm vĩ mô, tài nguyên thiên nhiên và nhân lực là có hạn, vậy nên tận dụng, phân bổ như thế nào cho hợp lý nhất. Có lẽ không ở game nào ngoài Civ 6 mà bài toán này lại thường trực đến vậy. Thưở sơ khai, dân số còn nhỏ, bạn cần phân bổ nhiều cho nông nghiệp để có đông dân hơn, lấy số lượng bù chất lượng. Đến thời kỳ công nghiệp, bạn biết xây trang trại, đồn điền, nên không cần nhiều nông dân đến vậy. Lúc này, phát triển công nghiệp lại là mũi nhọn để tiến hành xây dựng được nhanh hơn, nào là nhà máy, khu công nghiệp, quân đội, xe tăng, máy bay, khí tài, v.v..

Quản lý quốc gia
Tất nhiên, game chỉ cung cấp cho ta cái nhìn đơn giản và khái quát nhất, nhưng phản ánh khá đúng sự thật. Thứ nhất, không có khoa học công nghệ, quốc gia không thể phát triển được. Trong game, không đầu tư vào khoa học, xây học xá, thư viện, các trường đại học thì làm sao quốc gia của bạn chế tạo ra được xe tăng, máy bay ném bom, và thậm chí bom nguyên tử.
Đã có lần mình chơi, khi đó mình là Rome, có chia sẻ biên giới với Ấn Độ, lãnh đạo bởi Gandhi. Họ mở rộng lãnh thổ nhanh hơn mình, và bao ôm lấy đế chế La mã của mình, khiến mình không tài nào phát triển đường biển được. Với thế kẹt, mình yêu cầu họ tránh xa lãnh thổ của tôi ra, nhưng họ không nghe mà ngày càng bành trướng thêm. Cực chẳng đã, mình tuyên chiến với Gandhi, đem quân, chiến xa và máy bay ném bom đi đòi lãnh thổ. Bạn biết Gandhi làm gì không? Ổng ném nguyên một quả bom nhiệt hạch vào thủ phủ của mình, giết chết tất cả dân số và khiến cả thành phố bị nhiễm xạ trong 20 lượt (coi như thành phố chết). May mà mình đã chú trọng vào khoa học và có cả kho vũ khí hạt nhân nên đã tiến hành trả đũa, tiêu diệt các tàu ngầm hạt nhân của địch và buộc Ấn Độ đầu hàng. Thử tưởng tượng nếu không có trình độ khoa học phát triển, chắc chắn cục diện đã khác và game over là điều chắc chắn. (Trong Civ VI, Gandhi còn có biết danh là Nuclear Gandhi, bởi ông ta trong suốt cả game chỉ chú trọng vào tuyên giáo và phát triển khoa học, không đi xâm lăng, nhưng cứ bị xâm lược và cuốn vào chiến tranh là gần như chắc chắn sẽ dùng NUKE)

Thứ hai, là ngoại giao. Nếu bạn bị kẹt giữa hai cường quốc, thì cần khôn khéo không gây hấn với bất kỳ bên nào, thành lập Alliance (liên minh), cử đại sứ và mở Đại sứ quán nhằm lấy lòng bên kia. Trong khoảng thời gian êm đềm đó, bạn phải tích cực phát triển khoa học công nghệ và vũ khí, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Bạn còn có thể đào tạo gián điệp để đánh cắp công nghệ hay làm chậm sự phát triển ở thành phố của địch. Tóm lại, nếu phát triển quá chậm hay thiếu cân bằng, bạn có rất ít cơ hội chống lại sự xâm lấn của các nền văn minh khác.

Thứ ba là thể chế chính trị. Ồ, bạn học được rất nhiều thứ. Nhờ vào sự phát triển của Civic, con người đi từ chính phủ Chuyên quyền (Autocracy) / Đầu sỏ (Oligarchy) thuở sơ khai của chính trị luận, cho đến Quân chủ (Monarchy), Thần quyền (theocracy) ở thời Trung cổ, và tiến đến chủ nghĩa Phát-xít, Cộng sản hay Dân chủ ở thời hiện đại. Mỗi chế độ có một trọng tâm nhất định (như Phát-xít thì sẽ cộng điểm tấn công cho quân đội, Cộng sản thì cộng điểm Sản xuất còn Dân chủ thì thưởng rất nhiều vàng từ thông thương).

Phức tạp nhưng không khó
Không thể phủ nhận Civ 6 là một trò chơi khá phức tạp, game lại kéo dài nữa. Nhưng bù lại, cơ chế chơi không hề khó, suy cho cùng thì nó không đòi hỏi kỹ năng bấm chuột nhanh, thao tác nút bấm mau lẹ, bạn chỉ cần nhấn để lựa chọn (xây gì, phân bổ dân vào đâu, v.v..) rồi qua lượt. Đây là điểm mình thích nhất, game cho tôi thời gian suy tính và lên kế hoạch dài hơi (kiểu như khi nào nên xâm chiếm, nên nuke quân nào). Nhiều quốc gia phát triển quân đội rất mãnh liệt, hay có nền khoa học đi trước bạn, nên đôi khi phải đi xâm chiếm hay tạo ra các xung đột nhỏ để làm phân tán sự phát triển của các quốc gia đó.
Tựu chung lại, đây là tựa game rất hay và bổ ích cho mùa dịch khi các bạn phải ở nhà. Bên cạnh đó, Đế chế Việt Nam (với thủ lĩnh là Nữ tướng Bà Triệu) cũng đã được bổ sung vào DLC mới nhất, nên chúng ta có thể “thể hiện” lòng yêu nước bằng cách ở nhà cách ly chơi game.
Nhạc hiệu của game cũng epic không kém.