Nhật ký Sendai (P14): Tết sắp đến rồi

Mười ngày nữa là Tết rồi các bạn ơi. Năm nay Corona vẫn còn lộng hành quá, muốn về lại Việt Nam ăn Tết mà không được, buồn ghê. Mà sinh viên năm cuối như mình, cũng như bao sinh viên năm cuối khác, luôn luôn bận bịu, tất bật, nào là viết luận văn, nào là chuẩn bị hồ sơ cho công việc/học tập sau khi ra trường, nào là đi làm thêm. Giờ lại thêm chú virus này nữa, mệt mỏi vô cùng. Tuy nhiên, nhìn ở một khía cạnh nào đó thì Covid cũng có mặt tương đối tích cực. Khi mà mọi thứ bị dừng lại, guồng quay của sự sống hối hả bắt đầu chững lại để chờ lên dây cót cho thời kỳ bình thường mới, cũng là cơ hội cho những kẻ luôn tay luôn chân, không có thời gian suy nghĩ ngẫm lại xem đã làm được những gì, ta là ai, ta nên làm những gì tiếp theo đây. Một trong những điều mà khoảng thời gian quý giá này đã cho mình nhận ra, đó là việc viết (blog) tưởng chừng như vô thưởng vô phạt này thật ra quan trọng vô cùng.

Nhớ lại cách đây 6 hay 7 năm, các trung tâm tiếng Nhật chưa nở rộ như bây giờ nên người học cũng không có nhiều lựa chọn. Cả Hà Nội có lẽ chỉ có vừa một bàn tay số trung tâm uy tín (đợt đó muốn học tiếng Nhật ở Núi Trúc phải xếp hàng từ tờ mờ sớm). Mà trung tâm mình học thời đó cũng chỉ dạy đến hết N4 là cùng thôi, chứ làm gì có nhiều học sinh học lên nữa đâu mà dạy tiếp, trừ phi bạn là sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật. Thế nên, sau khi học hết N4 vào khoảng tháng 7/2014, với quyết tâm thi N3 vào tháng 12 năm đó, mình đành phải tự học. Tự học như thế nào? Sách gì? Kế hoạch ra sao? Hoàn toàn không có một chút ý niệm gì hết. Và thế là mình phải hỏi một người bạn thân, đó là chị Google. Các bạn phải tưởng tượng là nếu các bạn search từ khoá ‘sách học JLPT N3’ thời đó, chỉ có mỗi studyjapanese.net là có thôi (Thậm chí tài liệu N1 đến mãi sau này mới có). Mà cũng không có nhiều đầu sách các loại, hầu hết là Shinkanzen và Somatome. Thế cũng chưa đủ, vì mình có độc 4 tháng để ôn, có sách có vở rồi thì học như nào? May sao hồi đó mình tìm được 1 trang blogspot của một anh du học sinh tại Nhật (anh Lê Đình Duy) (trang này giờ không còn truy cập được nữa nhưng vẫn biết ơn ảnh rất nhiều). Mặc dù mình không nhớ cụ thể nội dung cụ thể mà anh đã, nhưng có 1 điều rất ấn tượng mà mình học được. Đó là: trong quá trình ôn luyện, anh thường xuyên viết và ghi chép lại cụ thể hôm nay học gì, làm sai bao nhiêu câu, cần cải thiện cái gì. Đây chính là chất xúc tác giúp Nipponkiyoshi ra đời.

Bài viết đầu tiên được hoàn thành và đăng vào ngày 2014/08/27. Thực lòng mà nói, đây là một bài viết rất nhạt (các cách nói khác nhau của です, dịch từ tofugu.com. (Đây cũng là một trong những trang blog viết rất nhiều bài chất lượng về Nhật Bản. Rất tiếc là hiện nay thì ở trong tình trạng sống thực vật). Bài viết này mang tính chất pilot nhiều hơn vì đang trong quá trình mày mò viết, sửa giao diện, đặt tag, categories, ảnh ọt đủ các kiểu trên WordPress. Chủ yếu thời gian đầu, mình dịch và thêm thắt từ các bài trang nước ngoài, vừa rèn tiếng Anh, vừa rèn khả năng viết lách. Bên cạnh đó thì loạt bài original đầu tiên, học theo anh Duy, là ghi chép lại quá trình học tiếng Nhật rồi đăng lên blog. Mình viết rất chăm, mọi kinh nghiệm mình học mót được từ các trang khác, mình tổng hợp lại và viết hết lên blog. May sao cũng đỗ. Sau đợt thi tháng 12/2014 năm đó, mình nộp đơn xin trao đổi với trường bên Nhật với bằng N3 sáng chói. Hồi đó mới năm hai, mà lại không phải dân chuyên khoa tiếng Nhật nên phải có bằng N3 mới đủ sức cạnh tranh. FTU lúc bấy giờ cũng đâu có nhiều suất trao đổi đâu, mà ai cũng muốn đi. Ban đầu mình phải vào ‘waiting list’ vì GPA cũng không cao lắm nên không được trường tiến cử. May mắn thay, sau đó mấy tuần thì mình nhận được tin là đã được chọn vào chương trình trao đổi “cấp khoa”. Không danh giá như cấp trường, nhưng vẫn được đi. Mình sướng lắm, vui không kể xiết. Kể từ hôm đó, mình càng viết hăng say hơn về Nhật Bản. Sẽ không ngoa khi nói rằng một nửa số bài post từ trước đến giờ được viết trong đúng 1 năm từ cuối 2014 đến cuối 2015. Năm 2014 mình viết 68 bài, và năm 2015 là 103 bài, đủ mọi thể loại có thể nghĩ ra, tiếng Nhật, văn hoá Nhật, sách học tiếng Nhật, tôn giáo, lịch sử,… Một niềm đam mê thực sự mãnh liệt.

Sau khi trở về năm 2016, mình không còn viết được nhiều như vậy nữa. Năm cuối, phải tập trung học hành nâng GPA, làm khoá luận cho tử tế, đi làm kiếm tiền để du học, rồi thi ôn thi, nói chung là cực kỳ bận rộn. Từ thời điểm ấy đến nay, mỗi năm tính ra chỉ ra được không quá 20 bài. Mà mình cũng không có nhiều niềm vui đến từ việc viết lách nữa, thậm chí nhiều bài chỉ mang tính chất ‘cho có, câu view’. Bù lại, chứng kiến những comment nói rằng những gì mình viết ra là có ích, mình cảm thấy rất tự hào và hạnh phúc. Không có gì quý hơn là việc những gì bạn làm được người khác ghi nhận và bạn biết rằng, những sản phẩm của bạn là có ích cho người khác. Bên cạnh đó, mình cũng nghiệm ra được rằng, việc thường xuyên viết lách có ích rất nhiều. Không chỉ ở bề nổi là bạn sẽ rèn luyện được kỹ năng viết, lập luận hay đưa những ý tưởng trong đầu thành chữ. Lợi ích của nó ẩn sâu và trừu tượng hơn thế nhiều. Có thể coi viết ra cũng là một phương pháp học tập tương tự như Feymann’s technique – dạy người khác. Không đơn thuần là ghi lại những gì bạn nghĩ trong đầu, bởi vì sẽ không ai đọc một bài viết lủng củng và thiếu chính xác hết. Để có thể viết ra được một bài đủ sức làm chính bạn hài lòng, não bộ cần sắp xếp lại kiến thức, xem chỗ này đủ chưa, còn thiếu điều gì, những lập luận đã chặt chẽ chưa, kết cấu như này đã hợp logic chưa, v.v… và qua quá trình đó, người viết chắc chắn sẽ học được thêm nhiều thứ, thôi thúc họ tìm tòi và biến những gì trong đầu họ và trên những tờ nháp trở thành một sản phẩm hữu dụng và mang nhiều ý nghĩa.

Vừa viết bài này, mình vừa đọc lại những bài viết trước đây thuở đầu chập chững tập tành viết trên blog. Mình cảm thấy rằng, với tất cả những tình cảm và nhiệt huyết dành cho tiếng Nhật và Nhật Bản suốt từ những năm tháng đầu tiên, sứ mệnh đối với tiếng Nhật của mình đã hoàn thành. Cái tên thì vẫn không đổi, vẫn là ‘nipponkiyoshi’ nhưng sẽ không chỉ còn là trang chuyên về Nhật Bản như trước kia nữa. Giờ đây, mình muốn viết về những thứ khác, những thứ thú vị hơn, có ích hơn. Bấy lâu nay đã lơ là, lười viết mà bỏ quên không chăm lo cho đứa con tinh thần quý giá này. Giờ chính là lúc để tìm lại niềm vui, tìm lại niềm hăng say khi xưa!

Advertisement

4 thoughts on “Nhật ký Sendai (P14): Tết sắp đến rồi

  1. Đợt này ở Việt Nam dịch bùng trở lại, cũng gần Tết rồi nên mọi người rất lo lắng anh ạ. Anh bên đó cố gắng giữ gìn sức khỏe, phòng dịch cẩn thận nha!
    Cảm ơn những bài viết ý nghĩa của anh đã truyền thêm động lực cho độc giả học tiếng Nhật và cố gắng hơn trên con đường phát triển bản thân. Em rất mong đợi được đọc thêm những bài viết chân thành như thế này từ anh!

    Đã thích bởi 1 người

    • Vẫn luôn là một fan cứng của page ạ ❤ Thực ra cho dù là những bài viết trải lòng, chứ không phải chia sẻ kiến thức gì những nó vẫn rất dễ thương và ấm áp theo một cách rất riêng đó ạ.

      Thích

Để lại bình luận

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.