Chắc chắn đã có rất nhiều người khi bắt đầu học tiếng Nhật đều tự hỏi vì sao người Nhật lại phải dùng đến 3 bảng chữ cái (chữ mềm, chữ cứng và chữ Hán, đấy là chưa tính đến chữ romaji) mà không chọn một cái mà xài như bao quốc gia khác cho tiện? Để giải thích điều này, chúng ta sẽ cùng quay ngược dòng thời gian về hơn 1000 năm trước tại Nhật Bản, để xem vì sao hệ thống chữ viết của Nhật Bản lại phức tạp đến vậy. Gọi bài này là lịch sử bảng chữ cái tiếng Nhật cũng được 🙂
Trước khi đọc tiếp, có vài điều mà mình muốn chia sẻ về tiếng Nhật.
Trước hết, Nhật Bản là một đảo quốc, nằm trơ trọi độc lập với các quốc gia khác. Nhiều học giả cho rằng tiếng Nhật cực kì độc đáo, thậm chí độc nhất vô nhị chính là bởi, về mặt phát âm và ngữ nghĩa, tiếng Nhật không hề có bất cứ liên hệ nào với các ngôn ngữ khác. Các bạn tưởng tượng tiếng Pháp, Ý, TBN có nguồn gốc từ tiếng Latin, tiếng Séc, Ukraina, Nga thì thuộc hệ Slavic, tiếng Anh có gốc Đức, tiếng Việt có nguồn gốc từ hệ tiếng Mon-Khmer Đông Nam Á (còn hệ chữ viết thì đã được latin hóa) trong khi đó tiếng Nhật thì không có liên hệ gì cả. Nhiều bạn sẽ bảo tiếng Nhật và Hàn gần tương tự nhau, người ta không phủ nhận điều này, chỉ là chưa đủ chứng cứ để đưa cả 2 vào cùng một nhóm. Do là một ngôn ngữ cô lập như thế nên tiếng Nhật có khá nhiều điểm thú vị.
Người ta cũng chưa biết là tiếng Nhật bắt nguồn từ bao giờ và lịch sử hình thành của nó nhưng chỉ biết rằng, khoảng trước thế kỉ thứ 5 SCN, người Nhật vẫn chưa có chữ viết.
Chưa có thì… nhập khẩu từ Trung Quốc !
Lại đá qua một chút về chữ Hán Trung Quốc. Ngày xưa cũng chỉ là những hình vẽ thôi, dần dần thì nó phát triển thành các chữ Hán gần giống như chữ phồn thể. Tuy nhiên, Trung Quốc thời đó, khoảng trước đời nhà Tần, có quá nhiều hệ chữ Hán, cùng một chữ mà mỗi nơi, mỗi vùng “vẽ” một kiểu. Chỉ đến khi mà Tần Thủy Hoàng lên ngôi Hoàng đế (thế kỉ thứ 3 SCN) thống nhất Trung Hoa và qua đó thống nhất luôn hệ thống chữ viết mà hệ thống Hán tự đã được tiêu chuẩn hóa. Tiếng Trung phát triển thịnh vượng về thơ ca và thiện mỹ, và như vậy nó đã sẵn sàng để được “xuất khẩu” sang Nhật Bản.
Đến khoảng thế kỉ thứ 5, đã xuất hiện những nhóm người Trung Quốc di đân đến Nhật Bản qua bán đảo Triều Tiên. Những nhóm người này sử dụng chữ Hán (đương nhiên) và trong khi những người Nhật thời đó chưa có chữ viết, người ta đã nhanh chóng tận dụng ngay hệ thống Hán tự này làm chữ viết cho mình.

Một trang trong cuốn Kojiki
Và như vậy Hán tự được sử dụng để làm chữ viết cho tiếng Nhật. Văn tự đầu tiên còn sót lại được viết hoàn toàn bằng Hán tự là cuốn Kojiki (Cổ sự kí) viết khoảng 712 SCN.
Mỗi chữ Hán sẽ có một âm tiếng Nhật đi kèm. Tuy nhiên, do số lượng âm tiết trong tiếng Nhật không nhiều, mà số lượng Hán tự lại rất lớn nên sẽ xảy ra trường hợp cùng một âm nhưng sẽ có rất nhiều chữ Hán có thể đứng ra làm đại diện phiên âm cho nó. Vào thời này ở Nhật, người ta vẫn dùng y xì các chữ Hán du nhập từ Trung Quốc và sử dụng chúng nhằm mục đích phiên âm nhiều hơn là biểu thị ý nghĩa.
Người ta gọi các chữ Hán này là Manyougana.
Thế việc gì phải phát minh ra thêm chữ mềm nhỉ?
Đúng thế, tại sao người Nhật không tiếp tục sử dụng Manyogana thôi mà phải nghĩ thêm chữ Hiragana làm gì. Lý giải cho điều này, có một vài lý do như sau.
Thứ nhất, Hiragana được phát minh ở khoảng thế kỉ thứ 9. Thực tế Hiragana được phát triển bởi những tiểu thư, công chúa thời xưa để viết thơ phú. Do không được tiếp cận và giáo dục Hán tự tốt như đàn ông nên họ đã tự phát minh ra một dạng chữ mới dựa trên Manyogana, đó chính là Hiragana. Hình thức viết này được các thiếu nữ ưa chuộng để viết những lá thư, kí sự hoặc ghi lại những gì riêng tư thầm kín…
Thứ hai, đây là thời kì phát triển hưng thịnh của nước Nhật, đường xá đi lại khá phát triển, kéo theo việc có càng nhiều người đi du lịch hoặc đi lại trên khắp nước Nhật. Và trong thời đại này sản sinh ra rất nhiều những kí giả, đi khắp đó đây và viết lại về cuộc sống của các vùng đất khác. Và để tiện cho việc tốc kí, Hiragana được xem như là một lựa chọn tối ưu hơn nếu dùng Hán tự không. Hiragana cũng dễ viết và nắm bắt hơn Kanji, do đó mà tầng lớp nông dân có thể dễ dàng đọc và viết được.

Một đoạn văn cổ viết bằng hiragana
Đặc điểm thứ ba là Hiragana rất mềm mại và uyển chuyển. Nó hợp với lối ngâm hát của Nhật Bản thời xưa (ngâm thơ waka) mà nếu sử dụng chữ Hán thì trông sẽ rất cứng mà người ta cảm thấy nó khó truyền tải hết ý vị của những đoạn thơ.
Chính nhờ sự tổng hòa của ba lý do này mà sức lan truyền của Hiragana trở nên ngày càng mạnh mẽ.
Okê… Nhưng vẫn còn chữ cứng nữa
Cũng trong thời điểm thế kỉ thứ 9, một loại chữ nữa cũng được ra đời, đó là katakana.
Loại chữ này cũng được hình thành nhờ vào tối giản các bộ/ hoặc kí tự trong chữ Hán và mang trong mình vẻ ngoài cứng cáp hơn chữ mềm Hiragana.
Ban đầu, các chữ Katakana được các nhà sư phát minh nhằm dịch cách đọc Hán tự trong các sách kinh từ Trung Quốc. Do đó vai trò của nó cũng giống như Furigana bây giờ, dùng để phiên âm.
Cho đến khoảng thế kỷ thứ 16, khi mà nước Nhật bắt đầu tiếp xúc với các quốc gia phương Tây như Pháp, Bồ Đào Nha,… thì các nhà truyền giáo người Pháp, Bồ đã đem theo nhiều thứ mới lạ, và kèm theo đó là ngôn ngữ của họ. Ban đầu người Nhật sử dụng chữ Hán để kí hiệu cách phát âm các từ đó. Ví dụ như từ カステラ (bánh bông lan) thực tế có nghĩa là bánh vùng Castela (BĐN). Cái này cũng khá giống với cách người Nhật từng dùng chữ Hán để phiên âm tên các quốc gia.
Về sau thì Sakamoto Ryouma là người đã cơ bản viết nên một bộ quy tắc phát âm các từ nước ngoài và làm sao để dùng chỉ bằng katakana để phiên âm tất cả chúng. Được người dân nhiệt tình hưởng ứng nên họ sử dụng katakana trực tiếp lên các chữ có nguồn gốc tiếng nước ngoài, thay vì dùng Hán tự như trước.
Katakana vẫn được dùng thuần túy để phiên âm các từ mượn từ nước ngoài. Nhiều từ ban đầu được viết bằng katakana nhưng về sau đã được viết bằng hiragana (một cách Nhật hóa từ mượn), ví dụ như thuốc lá (たばこ và タバコ đều được công nhận)
Ra là thế…
Như vậy là các bạn đã hiểu các loại chữ Nhật từ đâu mà ra và vì sao mà có rồi đúng không.
Thực tế phải đến thời Minh Trị, bộ bảng chữ cái Hiragana và Katakana mới được thống nhất. Còn trước đó thì mỗi âm có thể có rất nhiều các chữ mềm khác nhau đại diện cho nó. Đây cũng được coi là một trong những bước cải cách quan trọng nhất vào thời Minh Trị duy tân.
Ngày nay thì cả 3 bảng chữ này được dùng đan xen nhau. Chữ Hán dùng để kí hiệu cho các danh từ và gốc của động từ, còn chữ mềm thì thực hiện các chức năng ngữ pháp (trợ từ) và là loại chữ quan trọng nhất, được gặp nhiều nhất, và chữ cứng dành cho tên riêng, các từ mượn nước ngoài hoặc dùng với ý nhấn mạnh.
Hẹn gặp lại các bạn vào các số sau!
またね
Nguồn:
“Begin Japanology Hiragana” NHK, Youtube
“The History of Kanji” by Koichi, Tofugu, March 22, 2010
“An Overview of the History of the Japanese language“, by Daniel J.Vogler, March 20, 1998
“Japanese, A Beautifully Complex Writing System“, by Shoko Mugikura, Smashingmagazine.com, March 5, 2012