tiếp theo kì trước ( Chương 2 – part 1)
CHƯƠNG 2 – QUYỂN I (part 2)
Người dịch: Reiko
____
Một ngày nọ, người bạn học giả của ông chủ, Giáo sư Nanigashi, ghé thăm và đưa ra một lý luận mới lạ rằng người ta đang tranh cãi có thể mọi căn bệnh là hệ quả trực tiếp từ những mầm mống xấu xa của ông cha, cũng như của bản thân người đó. Có vẻ ông đã nghiên cứu vấn đề này khá nhiều, vì lí luận của ông vô cùng rõ ràng, thống nhất và có trật tự. Nói chung thì đó là một giả thuyết rất ổn. Nhưng tôi rất tiếc phải nói rằng ông chủ tôi lại không đủ khả năng cũng như không đủ học thức để bác bỏ được. Tuy nhiên, có lẽ vì bản thân ông cũng đang bị bệnh dạ dày hành hạ, ông cảm thấy mình có nghĩa vụ phải vận dụng mọi biện pháp để giữ thể diện. Ông bẻ cong câu chuyện bằng một cách không liên quan, “Giả thuyết của ông hay đấy, nhưng ông có biết rằng Carlyle cũng mắc chứng khó tiêu không?” như thể khẳng định rằng vì Carlyle mắc bệnh dạ dày, nên ông cũng cảm thấy “tự hào” vì cũng mắc bệnh dạ dày. (Thomas Carlyle (1795 – 1881) là một nhà triết học, nhà văn trào phúng, nhà văn, nhà sử học người Scotland )
Bạn ông đáp lại, “Carlyle mắc bệnh dạ dày, không có nghĩa là tất cả những người mắc bệnh đó là Carlyle.” Ông chủ tôi, bị chỉ trích, nên đành im lặng, nhưng sự việc này cũng cho thấy lòng tự cao đến kì lạ của ông. Mà cũng thật thú vị khi ông luôn muốn bản thân không mắc cái bệnh dạ dày này, vì vừa mới sáng nay ông còn viết trong nhật kí rằng muốn chữa bệnh bằng rượu sa-kê kể từ tối nay. Nghĩ tới điều này, tôi cảm thấy chắc hẳn lượng rượu nhiều bất thường sáng nay ông uống chính là tác hại của bữa rượu tối qua với Kangetsu. Đáng ra tôi phải ăn hết chỗ bánh đó rồi.
Dù chỉ là một con mèo, tôi gần như ăn mọi thứ. Không giống Kurumaya Kuro, tôi không đủ nhiệt tình để lê la khắp các cửa hàng cá xa tít tắp. Hơn nữa, các mối quan hệ xã hội của tôi cũng chẳng tốt tới mức tôi có thể được tận hưởng sự xa hoa như con mèo Mike nhà hàng xóm. Chủ nhân của Mike là một giáo viên dạy đánh đàn hạc 2 dây – một thú vui của những người giàu có nhàn hạ. Và do đó tôi không thể nuông chiều bản thân theo sở thích hay sở ghét như những người khác vẫn làm. Tôi ăn những mẩu bánh mỳ vụn lũ trẻ làm rớt lại, tôi liếm mứt từ những cái bánh mứt đậu. Đồ om muối ăn rất tệ, nhưng để mở mang kinh nghiệm tôi cũng từng thử vài miếng củ cải muối. Một điều lạ lùng là sau khi thử ăn các loại thức ăn khác nhau thì hầu hết mọi thứ lại biến thành “có thể ăn được”. Nói thật, “Tôi không thích cái này” hay “Tôi không thích cái kia” hoàn toàn là một sự bướng bỉnh thừa thãi, thân là một con mèo sống trong nhà một ông giáo nên tránh nói mấy câu ngớ ngẩn như vậy.
Theo như ông chủ tôi, trước đây có một tiểu thuyết gia tên là Balzac, sống ở Pháp. Ông ấy cực kì khoa trương. Ý tôi không phải kiểu khoa trương trong ăn nói, mà ông ấy – một tiểu thuyết gia – là kiểu khoa trương trong viết lách. Một ngày nọ, Balzac đang tìm một cái tên cho nhân vật tiểu thuyết của mình, nhưng không hiểu sao, không cái tên nào làm ông hài lòng. Đến khi một người bạn của ông ghé thăm, Balzac gợi ý họ cùng ra ngoài đi dạo. Và người bạn này đương nhiên không biết lý do chuyến dạo quanh thực chất là để tìm tên cho nhân vật. Qua các con phố, Balzac chỉ nhìn chằm chằm các biển hiệu cửa hàng, nhưng ông vẫn không tìm được cái tên nào phù hợp. Ông cứ đi cứ đi không ngừng, trong khi người bạn mù mờ đi cùng thì vẫn không hay biết mục đích của chuyến đi. Đi khám phá Paris từ sáng tới tối mà không có kết quả, họ đi về và rồi bất chợt Balzac nhìn thấy biển hiệu nhà may tên “Marcus.” Ông vỗ tay và hét lên “Đúng là nó rồi”. “Nhất định là nó rồi. Marcus quả là một cái tên hay, nếu có thêm chữ Z trước Marcus nữa thì quá hoàn hảo. Nhất định phải là Z. Z. Marcus đúng là quá tuyệt. Những cái tên mình tự nghĩ ra thì chẳng bao giờ tốt cả. Dù có suy nghĩ thiết kế thông minh đến đâu thì nghe vẫn không tự nhiên. Nhưng giờ thì, cuối cùng thì, cũng có một cái tên mình thích.” Balzac, đang hài lòng tột độ với khám phá của bản thân, không hề nhận ra sự bất tiện mình gây ra cho người bạn đi cùng. Thật sự quá phiền phức khi một người phải dành cả ngày lang thang vòng quanh Paris chỉ để tìm tên cho nhân vật tiểu thuyết. Sự khoa trương lãng phí mức độ lớn đến vậy, những kẻ dân dã như tôi, một con mèo được nuôi trong căn nhà của một kẻ hướng nội câm lặng, thì chẳng có cả tư cách để ghen tị với những hành động bất thường kia. Còn tôi thì chẳng để tâm nhiều thứ thế, chỉ cần có thứ ăn được, thì tôi sẽ ăn, đó là một chuyện tất nhiên của cơ thể. Cảm xúc bây giờ của tôi chỉ là muốn ăn bánh gạo. Và điều đó chẳng thể nào gọi là khoa trương cả. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là khi có cơ hội thì hãy cứ ăn đi, và rồi chợt nghĩ đến miếng bánh gạo ông chủ bỏ thừa trong bữa sáng có khi vẫn ở trong bếp cũng nên. Vậy là tôi lục cục đi vào bếp.
Cái bánh gạo vẫn còn đó, ở đáy bát, y như hồi sáng tôi nhìn thấy và màu sắc vẫn y chang như vậy. Tôi phải thú nhận rằng trước đây bản thân mình chưa từng được nếm qua cái bánh gạo nào. Tuy có chút nghi ngờ nhưng nhìn cái bánh đó trông có vẻ vẫn còn ăn được. Dùng móng trước thăm dò, tôi thử cào cào vào chỗ rau xanh dính trên bánh. Móng của tôi chạm vào mặt ngoài cái bánh, cảm thấy dính dính. Rồi tôi ngửi móng vuốt, và nhận ra chúng có mùi như thể mùi cơm nguội bị trộn lẫn với cơm chín. Tôi nhìn quanh, tự hỏi, “Mình có nên ăn hay không đây?” May mắn thay, cũng chẳng biết gọi là may mắn có đúng không, chẳng có ai ở đó. O-san, với bộ mặt như vô cảm khi năm hết Tết đến, đang bận chơi đánh cầu lông. Bọn trẻ con ở phòng trong đang hát bài gì đó liên quan đến thỏ và rùa. Nếu tôi có cơ hội được ăn món đặc sản ngày Tết này, thì bây giờ chính là lúc đó. Bỏ lỡ cơ hội này thì có khi tôi phải trải qua thêm một năm trời đằng đẵng nữa mà không biết mùi vị bánh gạo ra sao. Lúc này, dù chỉ là một con mèo, tôi vẫn nhận thức được một sự thật: một cơ hội vàng hiển hiện ngay trước mặt có thể khiến các loài động vật mạo hiểm làm mọi thứ, thậm chí cả những thứ bản thân chúng không muốn làm. Phải nói thật là, tôi cũng không muốn ăn bánh gạo đến thế. Thực ra càng nghiên cứu cái thứ ở đáy bát ấy, tôi càng thấy lo lắng, và ý định ăn nó càng giảm. Giá như O-san mở cửa vào bếp, hay có tiếng lũ trẻ bước đến gần tôi, thì tôi đã không luyến tiếc gì mà rời bỏ cái bát; thậm chí tôi còn sẵn sàng không nghĩ tới bánh gạo trong suốt một năm tiếp theo. Nhưng thực tế chẳng ai đến cả. Tôi cũng do dự rất lâu nhưng cũng không có ai lại gần. Tôi như nghe thấy tiếng ai đó thúc giục liên tục “Ăn nó đi, nhanh lên!” Tôi nhìn vào bát và cầu cho ai đó xuất hiện ngay lúc này. Nhưng không có ai cả. Chắc là tôi phải ăn cái bánh gạo này thôi. Cuối cùng thì, cúi cả người vào đáy bát, tôi cắn một góc chiếc bánh gạo.

hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa]
Hầu hết những thứ tôi cắn được sau khi trải qua một hồi khổ sở như thế, tôi đều sẽ ngấu nghiến hết sạch. Nhưng ngạc nhiên thay, khi cố gắng mở hàm ra để cắn miếng nữa, nó lại không nhúc nhích. Tôi thử một lần nữa. nhưng hai quai hàm vẫn dính chặt vào chiếc bánh. Lúc này tôi mới nhận ra cái bánh gạo đúng là một con quỷ rắc rối, nhưng đã quá muộn rồi. Khi một người bị rơi xuống một vũng lầy, càng cố gắng giãy dụa cựa chân để ngoi lên thì kết quả sẽ chỉ càng chìm sâu hơn mà thôi. Cứ thế, tôi càng cố mở hàm nhưng cái miệng càng trở nên nặng nề khó mở và hàm răng thì bất động. Tôi có thể thấy răng mình cũng cố chống cự, nhưng vô dụng. Meitei, nhà thẩm mỹ bạn của ông chủ, từng miêu tả ông chủ tôi như một người cố chấp và tôi phải thừa nhận rằng đó là một nhận xét chính xác. Cái bánh gạo, cũng giống như ông chủ tôi, cố chấp. Bất kể cố gắng nhai cắn thế nào cũng vô dụng: quy trình cứ lặp đi lặp lại đến vô tận, như thể lấy mười chia cho ba. Giữa lúc đau khổ khốn cùng này, bất chợt tôi lại nhận ra một sự thật thứ hai: mọi loài động vật đều có thể bằng bản năng biết được cái gì tốt hay xấu cho chúng. Mặc dù giờ đây đã nhận ra hai sự thật to lớn, tôi vẫn chẳng lấy gì làm vui vẻ vì cái bánh gạo dính chặt lấy hàm. Hàm răng như bị hút xuống, và trở nên hết sức đau đớn. Trừ phi tôi có thể cắn đứt một miếng ra, rồi chạy đi thật nhanh, không thì O-san sẽ không tha cho tôi mất. Lũ trẻ ngừng hát rồi, và tôi tin chắc là chúng sắp chạy vào bếp đấy. Trong cơn đau thấu xương, tôi cố vẫy đuôi để thoát ra khỏi cái bánh, nhưng chẳng ích gì. Tôi dựng thẳng tai lên rồi duỗi tai ra, nhưng cũng vô dụng. Mà nghĩ đến đây, tai và đuôi thì có gì liên quan đến cái bánh gạo đâu nhỉ. Tóm lại, tôi cứ mất thời gian trong mấy việc vô bổ như lúc lắc đuôi, hay dựng tai lên, duỗi tai xuống. Và tôi dừng lại.
Một lúc lâu sau tôi chợt nảy ra một ý tưởng, rằng tôi có thể kéo cái bánh gạo xuống bằng hai chân trước. Đầu tiên tôi dùng chân phải và vuốt vuốt quanh miệng. Tất nhiên là, chỉ vuốt vuốt thì không ích gì. Tiếp đó, tôi duỗi chân trái và cạo cạo vòng tròn quanh miệng. Hành động bất lực này chẳng đủ để xua đuổi con quỷ tà ma trong cái bánh gạo. Nhưng tôi cũng nhận ra mình cần phải kiên trì làm tiếp, nên tôi cạo cạo lần lượt bằng chân phải rồi chân trái, ấy thế mà hàm răng vẫn dính cứng vào bánh. Bắt đầu mất kiên nhẫn, tôi dùng cả hai chân cùng một lúc. Lúc đó, và cũng phải đến tận lúc đó, tôi mới ngỡ ngàng nhận ra mình có thể đứng bằng hai chân sau. Tôi thấy mình dường như chẳng giống mèo gì nữa. Nhưng lúc đó có ai quan tâm mình còn là mèo nữa hay không, tôi chỉ biết điên cuồng cào cào cái bánh trong quyết tâm hoang dại là phải cào cho đến khi con quỷ trong cái bánh biến đi. Vì hoạt động của chân trước quá mạnh, tôi suýt mất thăng bằng và ngã. Để giữ cơ thể cân bằng, tôi đứng lên hẳn bằng hai chân sau, và bắt đầu nhảy qua nhảy lại từ chỗ này sang chỗ khác, cuối cùng tôi nhảy loạn khắp cả phòng bếp. Việc này làm tôi vô cùng tự hào vì nhận ra mình hoàn toàn có thể khéo léo duy trì trạng thái đứng thẳng người, việc phát hiện sự thật thứ ba này theo đó cũng xác minh cho tôi một điều sau: khi gặp phải mối nguy hiểm đặc biệt, người ta có thể vượt qua giới hạn của bản thân. Đây mới là ý nghĩa thật sự của Bản năng sinh tồn.
Với sức mạnh từ “bản năng sinh tồn”, tôi lại tiếp tục chiến đấu với con quỷ bánh gạo vì mạng sống quý giá của mình, và rồi tôi nghe thấy tiếng bước chân. Hình như có ai đó đang lại gần. Nghĩ rằng mình sẽ chết chắc nếu bị bắt quả tang trong tình trạng này, tôi cố gắng nỗ lực gấp đôi và tiếp tục chạy khắp phòng bếp. Tiếng bước chân ngày càng gần hơn. Trời ạ, cái bản năng sinh tồn đó dường như cũng chẳng kéo dài lâu. Cuối cùng tôi vẫn bị lũ trẻ phát hiện, chúng hét to “Nhìn kìa nhìn kìa! Con mèo ăn bánh gạo và đang nhảy này.” Kẻ đầu tiên nghe thấy tiếng lũ trẻ là bà O-san. Bỏ dở cả trận cầu lông, bà ta bay vào bếp kèm khóc lóc, “Khổ thân tôi!” Và tiếp đó là bà chủ, bình tĩnh đi tới trong bộ kimono lụa trang nhã, thật từ tốn nhẹ nhàng trách, “Thật là một con mèo nghịch ngợm.” Và rồi ông chủ tôi, bị đám đông huyên náo lôi kéo ra khỏi phòng học, hét lên, “Ngu chưa!”. Chắc chỉ có lũ trẻ là thấy hành động của tôi buồn cười, nhưng nói chung là toàn thể gia đình cũng đã có được một trận cười ra trò. Thật là phiền phức, đau đớn nữa, việc nhảy nhót cũng không thể dừng được. Cái bánh đáng nguyền rủa! Sau một tràng cười nhạo tưởng chừng dài như vô tận, đứa nhỏ năm tuổi lại hô to, “Đúng là một con mèo vui nhộn!”, một câu nói lại dấy lên cơn sóng cười mới sau tràng cười tưởng như sắp tắt kia. Mọi người cứ cười, cứ cười, đến mức gần như vỡ bụng. Tôi đã nghe kể và thấy tận mắt khá nhiều hành vi tàn nhẫn của con người, nhưng chưa bao giờ tôi thấy phê phán hành động của họ nhiều như bây giờ. Bản năng sinh tồn đã biến mất vào trong hư vô, tôi lại quay về vị trí bình thường của mình, đứng trên bốn chân, cuối cùng cũng hết cách, và cũng vì chóng mặt và lảo đảo rồi, tôi quyết định chấp nhận dáng bộ kì cục của mình. Ông chủ có vẻ cảm thấy có phần đáng tiếc nếu phải tận mắt thấy tôi chết, nên ông nói với O-san, “Giúp nó bỏ cái bánh gạo ra đi.” O-san nhìn bà chủ như thể muốn nói, “Sao không bắt nó nhảy tiếp đi?”. Bà chủ hẳn là sẽ rất mừng nếu tôi tiếp tục vũ điệu, nhưng bà cũng không cố chấp đến mức bắt tôi nhảy tới chết, nên chẳng nói thêm gì. Ông chủ đột nhiên gay gắt hơn, ra lệnh “Nhanh lên chứ, không giúp nó thì nó chết mất đấy.” O-san, với cái nhìn vô hồn trên khuôn mặt, như thể vừa bị đánh thức thô bạo ra khỏi một giấc mơ ngọt ngào nào đó, tóm chắc cái bánh gạo và giằng ra khỏi miệng tôi. Tôi không phải kẻ có hàm răng yếu ớt như Kangetsu, nhưng tôi cũng thấy như thể toàn bộ răng với lợi như sắp rụng ra đến nơi. Cơn đau thật không tưởng. Răng cắm trong bánh bị giật mạnh ra không thương tiếc. Bạn không tưởng tượng nổi đâu. Và đây cũng là lúc phát kiến thứ tư nảy ra trong đầu tôi: Sự thoải mái chỉ có thể đạt được sau một khoảng thời gian khó khăn. Khi tôi trở lại là chính mình, nhìn thấy thế giới đang dần bình ổn lại về trạng thái thông thường, thì cũng là lúc nhận ra mọi thành viên trong nhà đã đi mất dạng vào phòng từ lúc nào rồi.
(còn tiếp)
Pingback: “Tôi là mèo” – Chương 2 (part 3) | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi
Pingback: “Tôi là mèo” – Natsume Souseki, Người dịch: Reiko | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi
Pingback: “Tôi là mèo” – Chương 2 – Quyển I (phần 1) | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi