Thần đạo Shinto (P7): Thần đạo và Nhật Bản thời cận đại (1868 – 1945)

Thời kì sụp đổ của chế độ Mạc phủ, quyền lực khôi phục vào tay Thiên hoàng, Thần đạo trở thành quốc giáo. Thời kì Nhật Bản mở cửa, hiện đại hóa và trải qua 2 cuộc đại chiến thế giới.


Vào giữa những năm 1800, Nhật Bản đã thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng” với bên ngoài được hơn 200 năm, xã hội Nhật Bản vẫn là một xã hội phong kiến với người đứng đầu là một vị tướng – Shogun, người nắm quyền hành cao nhất. Sau họ và các lãnh chúa daimyo dưới trướng Shogun, tầng lớp samurai sinh ra để bảo vệ cho các chủ tướng của mình, nông dân chỉ biết làm đồng để “nuôi” các lãnh chúa, các võ sĩ và một phần nhỏ cho bản thân họ. Hoàng tộc mà đứng đầu là Thiên hoàng thực chất không có thực quyền nào mà chỉ đơn thuần là nơi lưu giữ, bảo tồn những nét văn hóa nghệ thuật, hoặc có chút ảnh hưởng đến tôn giáo khi nguồn cội của họ gắn liền với các vị thần. Ở phương Tây và Hoa Kì, sự phát minh ra động cơ hơi nước đã thúc đẩy cách mạng công nghiệp. Mọi người tập trung sản xuất hình thành nên các nhà máy, các đường ống và đường ray giúp kết nối các thành phố lại với nhau. Tuy nhiên cánh cửa vào Nhật Bản vẫn đóng kín với những người ngoại quốc cùng những thay đổi họ có thể đem lại cho Nhật Bản. Trên thực tế, có rất ít người Nhật thời bấy giờ biết đến sự tồn tại của thế giới bên ngoài. Các học giả, trí thức chỉ quan tâm nghiên cứu một chút văn học phương Tây, thực vật học, thuốc, chiến thuật quân sự và toán học, mặc dù vậy, văn học không được phép phổ biến. Nhiều người đã cố gắng đem các cải tiến tìm được đem ứng dụng vào nông nghiệp và thủy lơi nhưng đều không đem đến nhiều kết quả.

Nhật Bản mở cửa

Cho đến những năm 1850, thế giới đã chứng kiến rất nhiều sự thay đổi. Các con tàu hơi nước liên tục được tạo ra và du hành đến khắp nơi. Súng đạn đã nâng chiến tranh lên một tầm cao mới. Sự phát minh ra máy dệt là điểm khởi đầu cho sự bùng nổ các nhà máy dệt, và xa hơn nữa trong các ngành sản xuất khác, trong khi đó thì Nhật Bản vẫn đang sống trong cái bóng phong kiến của Mạc phủ, các samurai trong thời bình, vô chủ, không có việc gì khác ngoài việc hoài niệm về quá khứ của mình và chính phủ từ chối mọi sự xâm nhập từ nước ngoài. Với vị trí nằm trên vành đai Thái Bình Dương, và là một trong số những quốc gia có vị trí thông thương kinh tế trọng yếu, không ngạc nhiên khi Nhật Bản là một trong những mục tiêu lớn của các tàu trao đổi hàng hóa của nước ngoài, bởi lẽ nếu Nhật Bản mở cửa cho phép các tàu lớn của nước ngoài neo lại đất nước, các thủy thủ có thêm một trạm dừng chân để buôn bán và mua thêm lương thực và nước uống. Tuy nhiên, chính sách bế quan tỏa cảng của Nhật Bản lại ngăn cản những hoạt động trên diễn ra. Trên thực tế, các thủy thủ sẽ nhận được sự giúp đỡ từ người dân nếu họ bị cướp biển tấn công hay tàu của họ bị đắm và bị trôi dạt vào bờ, còn lại các trường hợp khác sẽ bị giam, bị cầm tù hoặc tệ hơn là bị giết. Trao đổi hàng hóa càng ngày phát triển, các tàu hoạt động và neo đậu gần biên giới Nhật Bản ngày càng tăng, và việc Nhật Bản có các chính sách đối xử không công bằng với người ngoại quốc là một vật cản với thương mại quốc tế. Năm 1853, tổng thống Mỹ Franklin Pierce khởi động đàm phán một hiệp định thông thương với Nhật Bản, ông muốn Nhật Bản mở cửa cho các tàu lớn của Mỹ neo đậu. Ông cử Đô đốc Matthew C.Perry đến Nhật Bản nhằm tìm kiếm một sự đồng thuận từ chính phủ Nhật Bản.

tàu của đô đốc Perry dưới góc nhìn và minh họa của một người Nhật

Sau nhiều nỗ lực đàm phán không thành công với cả Nhật hoàng và Shogun, Perry rời đi và nói rằng ông mong sẽ trở lại. Tháng 2 năm 1854, Perry tiến vào cảng Tokyo với một hạm đội gồm 9 chiếc tàu chiến và 1600 thủy thủ đoàn. Ông gửi “tối hậu thư” đến chính quyền Nhật Bản và yêu cầu mở cửa cảng thông thương với nước ngoài và đề nghị các thủy thủ Mỹ sẽ được đối xử tốt hơn. Với quyền uy và sức mạnh áp đảo của Perry cùng hạm đội của ông, Nhật Bản không còn cách nào khác là phải mở cửa cho phái đoàn của Perry cập cảng. Sau đó, 2 cảng nữa được mở cửa với bên ngoài, các thủy thủ bị đắm tàu được chăm sóc và đối xử tử tế, một tòa nhà đại sứ Hoa Kì cũng được xây dựng tại Nhật Bản, và như vậy, Nhật Bản cuối cùng đã kết thúc chính sách bế quan tỏa cảng của minh và mở cửa với thế giới bên ngoài sau hơn 2 thế kỉ. Các quan hệ với Hoa Kì dần dần làm yếu đi quyền lực của Shogun. Các nhà cầm quyền và các viên tướng thì một mực phản đối các yêu cầu từ phía Mỹ, trong khi một số khác như các thương nhân và các nhà tri thức thì lại ủng hộ quan hệ với Mỹ, điều này gây ra một mâu thuẫn dai dẳng trong chính trị Nhật Bản và dần dần dẫn đến sự sụp đổ của Mạc phủ Tokugawa, đem quyền lực trở lại tay Thiên hoàng.

Cải cách Minh Trị

Năm 1868, Thiên hoàng Mitsuhiko, khi đó mới 16 tuổi, lên ngôi. Ông lấy hiệu là Minh Trị (Meiji) và giống như các đời Hoàng đế trước, đóng vai trò làm bù nhìn cho chính quyền Mạc phủ. Tuy nhiên, thời thế và những nước đi nhằm lấy lại quyền lực từ tay Shogun đã dẫn đến những ảnh hưởng lớn tới Thần đạo, người dân và lịch sử nước Nhật.

Thiên hoàng Minh Trị

Từ bao thế kỉ trôi qua, các đời Thiên hoàng chỉ như những chú chim trong lồng, không có chút tiếng nói chính trị nào, người duy nhất nắm quyền lực đó là các Shogun. Tuy nhiên, gió đã đổi chiều, những luồng gió từ phương Tây đã gián tiếp làm lung lay quyền lực của Shogun. Thông thương với nước ngoài ngày càng phát triển tại Nhật Bản. Thiên hoàng Minh trị và các cố vấn của ông hiểu rằng thời cơ thay đổi đã đến. Ông nhận ra phải kết bạn với Mỹ và châu Âu để thu nhận các tri thức công nghệ từ họ, nhờ đó Nhật Bản mới có vị thế trên trường quốc tế. Nếu không, nước Nhật sẽ nhanh chóng bị phương Tây bỏ xa và rồi sẽ rơi vào ách thống trị của họ. Thiên hoàng Minh Trị theo sát kĩ lưỡng và học hỏi rất nhiều từ phương tây. Điều đầu tiên ông làm là rời thủ đô từ Kyoto về Edo, và đổi tên Edo thành Tokyo. Mục tiêu đầu tiên là khôi phục lại quyền lực thực sự trong tay Thiên hoàng và đưa Thần đạo trở thành tôn giáo quốc gia, tôn giáo của tất thảy người Nhật (vốn đã chịu dưới cái bóng quá lâu của Phật giáo). Cả 2 mục tiêu trên đều được giúp sức thông qua các hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo của Thần đạo, nhấn mạnh đến vai trò của Thiên hoàng, sự liên hệ giữa ông với các vị thần, lòng tự tôn dân tộc. Sự phục hưng của Thần đạo là nền tảng quan trọng của “Nhật Bản mới” dưới thời Minh Trị. Tuyên thệ Vị hoàng đế trẻ tuổi nhanh chóng đặt bút kí vào một bản tuyên thệ gồm 5 chương, trong đó đề nghị lập nên quốc hội và cùng nhau thảo luận với dân chúng trong các quyết sách mang tính quốc gia, tất thảy người dân đều phải lo việc nước, mở ra mọi cơ hội việc làm công danh sự nghiệp cho mọi tầng lớp dân chúng, xóa bỏ những tục lễ lỗi thời và xấu xa tàn bạo trước đây, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Thiên hoàng. Chìa khóa mở ra tương lai phát triển cho đất nước Nhật Bản là nét văn hóa truyền thống, danh dự, lòng tự tôn dân tộc kết hợp với tri thức tiến bộ và hiện đại của nhân loại.

Những mong muốn và lời cầu nguyện được viết vào các tờ giây, gấp lại và treo tại các đền thờ

Những mong muốn và lời cầu nguyện được viết vào các tờ giây, gấp lại và treo tại các đền thờ

Dưới cải cách Minh Trị (Minh Trị Duy Tân), chế độ nhà nước dân chủ đã ra đời thay cho chế độ phong kiến trước đây. Lần đầu tiên, người dân được phép chọn nơi mà mình muốn sinh sống, các công việc trước nay đều “cha truyền con nối” không thay đổi thì nay đã thay đổi, các Shogun từng cai trị Edo một thời cũng biến mất. Năm 1869, 4 vị Daimyo quyền lực nhất đã tự nguyệ trao tài sản của mình cho Thiên hoàng. Các daimyo khác cũng vậy, đổi lại họ được chu cấp và cho nghỉ. Tầng lớp Samurai từ đó cũng biến mất, nhiều người có học vấn nhanh chóng tìm được công việc phù hợp với khả năng, rất nhiều doanh nhân được sinh ra, số còn lại tham gia vào chính trường. Vào thời điếm đó, quốc hội đã ban hành và kí kết nhiều hiệp định thương mại với châu Âu và Hoa Kì, không những vậy, giáo dục cũng được xem là bắt buộc với tất cả trẻ em, mọi đàn ông đều phải tham gia nghĩa vụ quân sự. Đây là thời kì của những thay đổi xã hội quan trọng và là thời kì công nghiệp bắt đầu manh nha phát triển ở Nhật Bản, kèm theo đó, uy tín và quyền lực của vị hoàng đế trẻ tuổi cũng ngày càng được nâng cao.

Sự ra đời của Thần đạo quốc gia

Tại Nhật Bản từ khi lập quốc, đạo Phật chỉ bị trấn áp một cách dữ dội dưới triều vua Minh Trị. Phật giáo vốn một yếu tố nền tảng của chính quyền Mạc phủ – một chế độ đã thao túng triều đình Thiên hoàng trong nhiều thế kỷ, chính vì thế mà sau khi lên ngôi Thiên hoàng Minh Trị đã tỏ ra thái độ phản cảm đối với tôn giáo này. Bước sang thời Minh Trị, người ta xem Phật giáo là một “tôn giáo ngoại lai”,  Thần đạo được lấy làm quốc đạo Nhật Bản, lý tưởng thần thoại được hồi phục, theo đó chủ trương của Thần đạo bao gồm: “ái quốc”, “làm việc hợp với lương tâm, nhân đạo”, “tuân phụng với Thiên hoàng, trung thành với Tổ quốc”. Những chủ trương này cho thấy Thần đạo mang tư tưởng chủ nghĩa yêu nước, cũng như lòng tôn sùng Thiên hoàng – đặt ông như một trong những vị Thần. Ngay sau khi lên ngôi chưa đầy 1 năm, Thiên hoàng ra chiếu chỉ không cho phép Thần-Phật chung sống với nhau như ở trước nữa. Một cơ quan có trách nhiệm đối với tôn giáo được đặt ra, các đền Phật giáo và Thần đạo bị tách biệt trên khắp đất nước còn các giáo sĩ Thần đạo thì được mặc quần áo như xưa. Ngoài ra, người dân không được phép dùng những danh từ có liên quan đến đạo Phật khi nhắc đến Thần, không được sử dụng những đồ vật có liên quan đến đạo Phật (chuông, mỏ,…) tại những ngôi đền Thần đạo, hoặc là không được cúng bái những tượng Thần dễ bị hiểu là Phật hay Bồ Tát… Sau đó, ông cũng đưa ra những đạo luật hết sức oái oăm như mọi tăng ni bị ép buộc phải ăn mặn, không được cạo trọc đầu, lại còn phải kết hôn giống như người bình thường, không cho sư sãi lấy họ “Thích” như sư sãi ở các nước khác, mà phải dùng họ do cha mẹ đặt,… điều này đã gây nên những bức xúc trong xã hội và các vụ bạo động, ám sát mang màu sắc tôn giáo. Nhận thấy những vụ trấn áp dữ dội đối với Phật giáo không đem lại một điều tốt lành gì đối với Nhật mà làm cho đất nước rối bời cả lên cũng như trước sự phản đối mạnh mẽ của tất cả mọi tông phái đạo Phật, cuối cùng triều đình Thiên hoàng đã chấp nhận quyền tự do tín ngưỡng. Đến năm Minh Trị thứ 22 (1889), Thiên hoàng ban hành Hiến pháp Đế quốc Nhật Bản, trong điều 28 của Hiến pháp này có quy định nhân dân Nhật Bản có quyền tự do tín ngưỡng.


Quân sự hóa

Nhật từ lâu vốn là một quốc gia có lòng tự tôn dân tộc rất cao. Thất bại của họ trước sức mạnh và quyền uy của Đô đốc Perry cùng hạm đội của Mỹ năm 1854 luôn canh cánh lực lượng quân sự Nhật Bản và những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Họ sử dụng Thần đạo như một công cụ để thuyết phục Hoàng đế rằng đế chế Nhật Bản phải mở rộng ra các nước châu Á. Chẳng phải Thiên hoàng có tổ tiên là Thần còn gì ? Nếu vậy ông hoàn toàn có quyền uy và sự trợ giúp của các vị Thần để bành trướng lãnh thổ của mình ra ngoài Nhật Bản. Nhật Bản đã có một truyền thống và lịch sử quân sự lâu đời, và dưới thời Minh Trị, nó nhanh chóng thích nghi và ứng dụng các thành tựu khoa học kĩ thuật quân sự hiện đại và bắt đầu dòm ngó sang các nước châu Á khác. Năm 1895, quân đội Nhật Bản tiến đánh Trung Quốc – vốn đã bị suy yếu bởi nội chiến, liên tiếp giành được thắng lợi, chiếm cảng Lữ Thuận, Liêu Đông, tấn công và cướp phá Trung Quốc. Việc chiếm đóng trên bán đảo Đài Loan được củng cố.  Lo ngại trước thế lực đang lên của Nhật Bản, đế quốc Nga cùng với Đức và Pháp đã gây sức ép, buộc Thiên hoàng Minh Trị trả lại các vùng đất đã chiếm đóng cho Trung Quốc, mặc dù không mong muốn một chút nào nhưng vì không muốn gây chiến với người Nga vào thời điểm đó, Thiên hoàng đã miễn cưỡng đồng ý trả lại. 3 năm sau, Nga bao vây Mãn Châu của Trung Quốc, tuy nhiên Mãn Châu cũng là tỉnh mà trước kia Nhật Bản đã chiếm được và bị buộc phải trả lại, hành động xâm chiếm Mãn Châu của Nga làm người Nhật phẫn nộ. Khi đó, đến lượt Nhật Bản đòi Nga trả lại đất cho Trung Quốc, tuy nhiên, người Nga không đáp lại. Năm 1905 Nhật Bản giao tranh với Hải quân Nga tại cảng Arthur. Nhật chiến thắng và trở thành quốc gia châu Á đầu tiên đánh bại một lực lượng của quân đội châu Âu. Điều đáng ngưỡng mộ hơn nữa là tất cả khí tài quân dụng của Nhật Bản đều do nước này một mình chế tạo, chỉ sau một thời gian ngắn chế độ phong kiến sụp đổ và bị thay thế bởi sức mạnh công nghiệp. Năm 1910, Nhật Bản tiến đánh và xâm chiếm Triều Tiên.

Nhật Bản trong Thế chiến thứ I (WWI)

Năm 1914, khi WWI mới nổ ra, Nhật Bản là đồng minh của Anh Quốc, tuyên chiến với Đức. Nhật Bản tấn công Đức ở Bán đảo Sơn Đông ở Trung Quốc và nhanh chóng giành quyền kiểm soát nơi này. Nhật Bản cũng giành được các đảo ở Thái Bình Dương trước đây bị quân Đức chiếm đóng như đảo Mariana, Caroline và Marshall. Khi kết thúc WWI Nhật Bản gia nhập Liên hợp quốc và giành được quyền kiểm soát những hòn đảo họ đã đoạt được từ tay Đức, và có đặc quyền với đảo Sơn Đông của Trung Quốc. Nhật Bản nhanh chóng phát triển sau chiến tranh và được coi là “5 ông lớn” quyền lực nhất trên thế giới. Nhật Bản dành 20 năm tiếp theo để phát triển công nghiệp và thay đổi xã hội. Nhật Bản không chỉ giành được lợi thế về mặt chính trị sau chiến tranh mà còn giành được nhiều lợi thế kinh tế. Nền giáo dục hiện đại đã giúp trí thức người dân Nhật Bản tăng lên đáng kinh ngạc, sách và báo chí được xuất bẩn và được đọc khắp đất nước. Tiềm lực quân sự tiếp tục được củng cố. Thanh niên trai tráng phải thực hiện nghĩa vụ quân sự từ tuổi 14. Rất nhiều người trong số họ xuất thân từ nông dân và họ nhìn thấy gia nhập quân đội là một bước tiến lớn với mình. Cuộc sống của họ ổn định và tốt hơn hẳn so với tầng lớp lao động, các binh sĩ cũng rất được kính trọng thời bấy giờ. Những người lính coi việc phục vụ cho Hoàng đế, hậu duệ của Nữ thần mặt trời là một nghĩa vụ thiêng liêng, “Chết vì Nhật hoàng là một vinh dự”.

Thế chiến thứ II (WWII)

Nhật hoàng Hirohito - hoàng đế của Nhật Bản trong suốt Thế chiến thứ hai

Nhật hoàng Hirohito – hoàng đế của Nhật Bản trong suốt Thế chiến thứ hai

Những năm 1930, lực lượng quân sự của Nhật Bản đã trở nên rất hùng mạnh và ngày càng có nhiều ảnh hưởng đến nền chính trị nước này. Tầng lớp nông dân sống trong nghèo khổ quanh năm khiến họ rời bỏ gia đình để gia nhập quân đội, hơn thế nữa, hầu hết các vị trí trọng yếu trong chính phủ Nhật Bản thời đó đều do các tướng lĩnh đảm nhiệm. Chính vì vậy, họ luôn nung nấu ý định thôn tính toàn thế giới, bắt thế giới phải quy phục trước Thiên hoàng. Bàn đạp của ý định này chính là ý định đưa quân xâm lược châu Á. Năm 1931, Nhật Bản bao vậy và bòn rút tài nguyên thiên nhiên của Mãn Châu, Trung Quốc vì nơi này rất giàu các mỏ quặng sắt và thép. Năm 1937, Trung Quốc suy yếu do nội chiến, Nhật Bẩn chớp thời cơ đưa quân tiến đánh phía Bắc Trung Quốc nhưng vấp phải sự phản kháng của Trung Quốc với sự trợ giúp của liên quân Anh và Mỹ. Chiến tranh Trung-Nhật chính thức nổ ra và kéo dài dai dẳng đến tận năm 1945, khi Nhật Bản thua trận và phải trả lại đất cho Trung Quốc. Nhìn sang phía Tây, ngày 9/1/1939, Đức đánh Ba Lan, Anh tuyên chiến với Đức. Chiến tranh thế giới thứ 2 bắt đầu. Đức sau đó tiến đánh Bỉ và năm 1940 thì chiếm được Pháp. Thừa thắng Đức đã chiếm được Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy đều cùng vào năm 1940. Giữa năm 1941, Đức xâm chiếm Hy Lạp, đảo Kriti và Nam Tư. Tháng 7 năm 1941, Nga tham chiến và tấn công tràn vào lãnh thổ của Đức. Cuối năm 1941 Hitler tuyên bố Đức là đồng minh của Nhật Bản. Và phần đông người Nhật thời đó đều tin rằng Đức sẽ thắng cuộc chiến. Năm 1941 Hội đồng hoàng gia Nhật Bản bí mật bỏ phiếu kín để đánh lại Hoa Kì, vì họ hiểu rằng Mỹ vẫn chưa có động thái gì trước sự bành trướng của Nhật ở Thái Bình Dương.

Trận Trân Châu Cảng

Ngày 7/12/1941 Nhật Bản tấn công Trân Châu cảng ở quần đảo Hawaii, một căn cứ quân sự của Mỹ ở Bắc Thái Bình Dương, và sự việc đó đã kéo Mỹ nhảy vào cuộc chiến. Đối với Nhật Bản mà nói, đây là một quyết định sai lầm. Hoa Kì đáp trả Nhật Bản rất mạnh mẽ sau sự việc trên. Trong 3 năm tiếp sau đó, mọi cảng biển ở Nhật Bản đều bị phá hủy, 3/4 hạm đội hải quân bị đánh bại, 90 thành phố trọng yếu bị đánh bom. Hơn một nửa nền công nghiệp bị tàn phá không thể phục hồi. Tuy nhiên những binh lính Nhật Bản luôn một mực tin vào Thiên hoàng, tin vào gốc gác thần linh của ông mà hết mực phụng sự, coi cái chết cho Thiên hoàng và nước Nhật là danh dự và có thể đưa họ thành thần sau khi chết đi, và hạm đội đánh bom cảm tử Kamikaze (Thần Phong) cũng từ đức tin đó mà ra đời.

Phi công Kamikaze sẽ lái máy bay của mình, thường là chở đầy thuốc nổ, bom, thủy lôi và bình đựng xăng đâm vào tàu địch. Máy bay của anh như vậy có vai trò hỏa tiễn sống trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm tăng tối đa độ chính xác và tổn thất cho địch quân so với bom đạn thông thường. Mục tiêu của các phi công này là đánh phá càng nhiều càng tốt tàu bè của phe Đồng Minh.

Tại hội nghị Potsdam tổ chức ở Đức vào tháng 7 năm 1945, Hoa Kì, Anh và Trung Quốc đề nghị Nhật đầu hàng vô điều kiện nếu không sẽ phải chịu “hậu quả nặng nề và khủng khiếp”. Nhật Bản không trả lời và Hoa Kì đã thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima vào ngày 6/8/1945. 3 ngày sau, quả bom thứ 2 được thả xuống Nagasaki. Ngày 10/8/2945 Nhật hoàng Hirohito chấm dứt sự im lặng trong chính quyền Hoàng gia bằng việc tuyên bố đầu hàng, ngày 14/8/1945 quân Đồng minh xác nhận quyết định đầu hàng vô điều kiện của Nhật Bản và đặt bút kí vào một biên bản thỏa thuận tại hội nghị Potsdam.

quả bom ném xuống thành phố Hiroshima mang tên “Little Boy”

Công viên Hòa bình ở Hiroshima tưởng niệm những nạn nhân của quả bom hạt nhân do Mỹ thả xuống. Từ đây có thể nhìn thấy Vòm nguyên tử Genbaku Dome

Thần đạo thời hậu chiến

Hiến pháp Nhật Bản quyết định từ bỏ mọi nỗ lực sử dụng vũ lực trong các tranh chấp, lập ra lực lượng phòng vệ với mục đích duy nhất nhằm mục đích tự vệ, Thiên hoàng trở thành biểu tượng quốc gia và dần rút lui vai trò khỏi bộ máy chính trị, quốc hội và nghị viện Nhật Bản hình thành và nắm vai trò điều hành đất nước. Trong hiến pháp còn đề cập đến việc tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Chính phủ không bắt buộc người dân phải tuân theo bất cứ một tôn giáo nhất định nào. Thần đạo vẫn tiếp tục phát triển và được duy trì. Vào ngày đầu năm mới năm 1946, Nhật Hoàng Hirohito cũng tuyên bố từ bỏ mọi nguồn gốc liên hệ với thần linh. Không còn là tôn giáo quốc gia, Thần đạo tập hợp lại, các ngôi đền thời và thần chủ tập hợp lại thành lập nen một tổ chức gọi là Jinja Honcho (神社本庁) – Hiệp hội các đền thờ Thần đạo. Tổ chức này đóng vai trò quản lý các hoạt động tín ngưỡng của Thần đạo của hơn 81 000 đền thờ trên khắp Nhật Bản.

Nhật hoàng Akihito đến thăm đền Ise

Làm lễ ở đền Ise

Nhật hoàng vẫn đóng vai trò là thần chủ của các đền thờ Thần đạo Hoàng gia, thực hành các nghi lễ tại 3 ngôi đền chính trong cung điện. Các nghi lễ cổ diễn ra hằng năm tại 3 đền thờ này nhằm cầu sự thịnh vượng cho các vị thần và người dân khắp cả nước, đặc biệt là mối quan hệ đặc biệt với đền Ise, đền thờ Nữ thần Amaterasu. Chính vì thế mặc dù không có nhiều ảnh hưởng trên chính trường nhưng Hoàng gia Nhật bản và Nhật hoàng vẫn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Nhật cho đến tận ngày nay.


(còn tiếp)

Đọc phần 6: Thần đạo thời Mạc phủ                    Đọc phần 8: Nghi thức

——————–

Nguồn:

World Religions – Shinto, by Paula R.Hartz, 3rd Edition, 2009

Thiên hoàng Minh Trị, Wikipedia

Chiến tranh Trung-Nhật, Wikipedia

Chiến tranh thế giới thứ hai, Wikipedia

Bài post được dịch dựa vào cuốn World Religions – Shinto của Paula R.Hartz không vì mục đích thương mại

Advertisement

5 thoughts on “Thần đạo Shinto (P7): Thần đạo và Nhật Bản thời cận đại (1868 – 1945)

  1. Nhật Bản thật may mắn khi sản sinh những con người vĩ đại đúng thời điểm để canh tân và phát triển đất nước. Không cần đọc nhiều về họ, chỉ cần chịu khó quan sát những người Nhật xung quanh, quan sát cơ sở hạ tầng, giao thông, giáo dục… của họ mà thật sự khâm phục.

    Đã thích bởi 1 người

  2. Pingback: Tổng hợp loạt bài viết về Thần đạo | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi

  3. Pingback: Shinto (phần 6): Thần đạo thời Mạc phủ | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi

  4. Pingback: Shinto (phần 8): Nghi thức | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi

  5. Pingback: Shinto (phần 6): Thần đạo thời Mạc phủ | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi

Để lại bình luận

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.