Nhật ký Sendai (P11): Chào mừng đến với trường Tohoku

Đã 3 năm kể từ bài viết Nhật ký Sendai cuối cùng, nhiều sự kiện đã xảy ra trong 3 năm đó và bây giờ mình lại đang có mặt tại Nhật Bản (một lần nữa). Kiyoshi sẽ tiếp tục học tập tại Nhật Bản trong vòng 2 năm tới cũng tại trường Đại học Tohoku, nhưng không phải dưới tư cách học sinh trao đổi như cách đây 4 năm mà sang học lấy bằng Thạc sĩ (cũng như thực hiện đề tài nghiên cứu liên quan đến Nhật Bản). Như các bạn đã biết thì mùa lá đỏ đã về, hãy cùng dạo quanh một vòng các campus khác nhau của trường Tohoku để xem phong cảnh đã thay đổi như thế nào nhé.

Đôi chút về trường Tohoku

– Tên tiếng Nhật: 東北大学 (còn được biết đến với nickname là Tohokudai hoặc Tompei)

– Thành lập: Năm 1907 (một trong 7 trường Đế quốc của Nhật Bản)

– Địa chỉ: ở thành phố Sendai, tỉnh Miyagi, Nhật Bản. Hiện tại trường đang có 4 Campus chính, được phân tuỳ theo ngành nghiên cứu.

Trường Tohoku rất nổi tiếng ở Nhật Bản, và cũng là một trường có thứ hạng cao. Năm 2019, theo QS Top Universities thì trường đứng thứ #5 Nhật Bản, thứ #23 Châu Á và thứ #83 toàn thế giới; trong khi theo Times Higher Education Ranking thì trường đứng thứ #3 Nhật Bản, thứ #31 Châu Á và thứ #61~70 toàn thế giới. Vào được trường này thì cũng có quyền hãnh diện một chút 🙂

Cơ sở vật chất khá hiện đại.

Trường Tohoku cũng luôn luôn nhắc đến những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử từng học tập tại trường, như Lỗ Tấn (người từng học ở Học viện Y khoa Sendai (nay thuộc trường Tohoku), Junichi Nishizawa (người phát minh ra rất nhiều các thiết bị vi điện tử như bán dẫn tính, laser bán dẫn, truyền tin qua sợi quang học,… có công lớn trong việc phát triển kỷ nguyên internet và bán dẫn, được mệnh danh là “Cha đẻ của ngành vi điện tử Nhật Bản”), Koichi Tanaka (nhận giải Nobel hoá học năm 2002).

Kawauchi Campus

Được chia làm hai khu. Kawauchi North Campus và Kawauchi South Campus.

Về cơ bản thì các môn general (dành cho sinh viên năm nhất tất cả các khối ngành) và các môn tiếng Nhật (dành cho người nước ngoài) sẽ được dạy tại North Campus. Còn Kawauchi Campus là campus của khối ngành khoa học xã hội (như Kinh tế, Xã hội học, Tâm lý học, Giáo dục, Văn học, Ngôn ngữ học, Luật, v.v..). Mình học kinh tế nên hầu như chỉ học tại đây.

Dưới đây là khu North Campus.

Biển trường

Đây là các khu bên phía Kawauchi South Campus. Nằm cách khu North Campus 1 ngã tư.

Đây là thư viện. Mở cửa tất cả các ngày trong tuần kể cả thứ bảy và chủ nhật. Là một nơi vô cùng lý tưởng để ngồi học.

Bên trong thư viện trông sẽ như thế này. (nguồn: https://nosumi.exblog.jp/26638307/)

Nơi học nhóm ở bên trái và khu tự học ở bên phải. Có máy tính windows 10 hoành tráng.

Gì chứ sách thì thư viện không thiếu

Khu tự học riêng từng người. Trong này thì yên tĩnh hơn.

Thực ra thiết kế của thư viện cũng ko có gì quá đặc sắc, thật ra là hơi đơn điệu, nhưng mà không gian để ngồi học thì luôn luôn có đủ.

Toà bên trái là khoa Kinh tế (nơi mình đến gần như thường xuyên), còn toà bên phải là khoa Giáo dục.

Mùa thu nè. Đẹp chưa 🙂

Trường không bao giờ thiếu cây 🙂

Nằm đối diện với Kawauchi South Campus là Hagi Hall (萩ホール ).

Đây là một quần thể bao gồm một vườn cây cực rộng và một nhà hát. Các sự kiện liên quan đến nhạc kịch hoặc nhạc giao hưởng sẽ được tổ chức tại đây. Không gian vườn bên ngoài có thể được dùng để tổ chức các bữa tiệc ngoài trời nữa.

Hagi Hall

Một hình ảnh trong một buổi hoà nhạc tổ chức tại đây.

Với khuôn viên vườn rộng. Hằng năm thỉnh thoảng cũng có nhiều hoạt động giao lưu văn hoá quốc tế tổ chức ở đây.

Aobayama Campus

Theo mình đánh giá là campus đẹp nhất trong cả bọn.

Chuyên dành cho khối khoa học tự nhiên (Vật lý, hoá học, sinh học) và kỹ sư (kỹ sư dân dụng, công nghệ thông tin)… Đặc biệt, đây là đại bản doanh của Khoa nông nghiệp với đầy đủ vườn cây ăn trái, nhà lưới, trang trại chăn nuôi cho các sinh viên tha hồ làm thí nghiệm.

Một khu học xá trên Aobayama

Đang mùa lá đỏ

Đặc biệt, ở Aobayama Campus còn có nguyên 1 bảo tàng lịch sử tự nhiên, bên trong trưng bày rất nhiều hoá thạch khủng long và các loài động vật tiền sử.

Lần đầu tiên được nhìn thấy xương khủng long

Với những người yêu thích khủng long từ bé như tui thì đây là thiên đường.

Kết nối Kawauchi Campus với Aobayama Campus là … một khu vườn bách thảo (Botanical Garden) rộng khoảng 50 hecta. Không khí mát mẻ, trong lành, dễ chịu, nhiều cây xanh. Đặc biệt rất đẹp vào mùa lá đỏ. Hẹn hò trong này cũng là một ý tưởng không tồi chút nào, các bạn có thể tha hồ lăn mình trên đồng cỏ và cùng nhau ngắm nhìn bầu trời xanh.

Bên trong Botanical Garden. Khu này rất rộng, như một khu rừng thu nhỏ ấy. Thỉnh thoảng sẽ thấy cảnh báo có gấu nhưng mình chưa gặp bao giờ.

Vào đây chơi thì tha hồ lăn lộn cùng “gấu” :”>

Katahira Campus

Là campus đầu tiên của trường, cũng là nơi mang đậm phong cách cổ kính của phương Tây nhất.

Đây là cổng chính. Mặc dù vậy, rất khó để nhìn thấy biển tên trường ở bên ngoài.

Những cái cây này có tuổi đời cũng ngang ngửa với tuổi của trường.

Nơi đây cũng chuyên dành cho khối khoa học tự nhiên (có cả khoa Kế toán). Khoa Material Science của trường Tohoku cũng luôn nằm trong top hàng đầu thế giới.

Seiryou Campus

Là campus của Khoa Y.

Ngay cạnh đó là Bệnh viện Đại học Tohoku luôn. Mình chưa vào đây bao giờ và cũng mong là sẽ không phải vào 🙂

Bệnh viện Đại học Tohoku

Các bạn thấy sao? Trường Tohoku rất đẹp đúng không?

Ngoài ra, còn gì nữa?

Đầu tiên, đó là chi phí sinh hoạt và học tập tương đối rẻ. Sau khi vùng Tohoku bị thảm hoạ kép động đất – sóng thần tàn phá hồi năm 2011, nhiều du học sinh cũng hơi e ngại. Tuy nhiên, yên tâm là trường không hề bị ảnh hưởng gì, trái lại môi trường cũng như thực phẩm rất an toàn. Nằm trong chính sách khuyến khích sinh viên quốc tế nên khi có quyết định nhập học, các bạn còn được miễn phí visa nữa (610k thì phải). Vật giá và tiền nhà của vùng cũng dễ thở hơn Tokyo hay những nơi đô thị khác nhiều.

Môi trường học tập và nghiên cứu của trường cũng rất tuyệt vời. Thư viện mở cửa mọi ngày trong tuần từ 8h sáng đến 22h tối (trừ thứ bảy và chủ nhật thì mở muộn hơn vào lúc 10h). Thư viện chung của trường của khá nhiều các đầu sách quan trọng, thư viện của từng khoa thì còn nhiều sách báo, tạp chí chuyên khảo hơn. Nếu sách thư viện mà không cung cấp được thì sinh viên hoàn toàn có thể dễ dàng mua sách tham khảo trên amazon (hoặc nếu không ngại sách cũ thì có thể ghé qua mercari.jp với giá cực hời). Các giáo sư (ít nhất ở khoa Kinh tế) hầu hết đều nói được tiếng Anh và có thể trao đổi chủ đề với sinh viên qua tiếng Anh, trường Tohoku cũng là một trong số những trường hiếm hoi ở Nhật có nhiều chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh.

Đặc biệt, số sinh viên quốc tế tại trường hiện nay là khoảng hơn 3000, đến từ mọi quốc gia, chiếm gần 12% (đứng thứ 19 Nhật Bản, nhưng nếu xét trong số 7 trường quốc lập thì chỉ đứng sau trường ĐH Tokyo), con số này là không hề nhỏ. Các chương trình hỗ trợ sinh viên quốc tế hướng nghiệp, thực tập, tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp, các chương trình giao lưu trao đổi văn hoá cũng được phát huy rất mạnh mẽ tại trường Tohoku.

 

Đặc biệt, quanh trường và quanh ký túc xá có rất nhiều mèo. Nếu đang cân nhắc chọn trường nào nên học tại Nhật Bản, hãy tham khảo trường Tohoku nhé 🙂

*** Với những ai muốn học cao học về kinh tế bằng tiếng Anh tại trường có thể tham khảo chương trình GPEM (Global Program in Economics and Management).
Link: https://www.econ.tohoku.ac.jp/english/page-gpem.html

Advertisement

6 thoughts on “Nhật ký Sendai (P11): Chào mừng đến với trường Tohoku

  1. Pingback: Nhật ký Sendai (P12): Hoa anh đào mùa Covid-19 – Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi

Để lại bình luận

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.