Vậy là cũng đến ngày cuối cùng tại cố đô Kyoto. Sáng hôm đó, mình đã đến thăm chùa Thanh Thủy (Kiyomizudera) – một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Nhật Bản. Sau đó ghé thăm chùa Tây Honganji – anh trai của đền Đông Honganji. Cuối cùng, rời Kyoto để đến Osaka đi máy bay trở về Sendai, mình đã tranh thủ đi thăm Lâu đài Osaka, một nơi không thể không ghé qua nếu các bạn đến thăm thành phố Osaka.
Chùa Thanh Thủy Kiyomizudera
Chùa Thanh Thủy nằm ở phía đông thành phố Kyoto, mất khoảng 45 phút đi bộ.
Được xây dựng từ năm 778, tuy nhiên chùa nhiều lần bị cháy. Năm 1633, Tokugawa Iemitsu cho xây dựng lại ngôi chùa và duy trì diện mạo của nó cho đến ngày nay. Không có chiếc đinh nào được sử dụng trong toàn bộ cấu trúc của chùa. Kiyomizu-dera được lấy tên dựa theo thác nước đơn lẻ chảy ra khỏi ngọn núi gần đó, trong đó, Kiyomizu mang nghĩa thanh thuỷ – dòng nước tinh khiết.
Sảnh chính có mái hiên lớn, được đỡ bởi những cây cột cao, nhô ra trên sườn đồi, tạo một cảnh quan ấn tượng cho thành phố.
Lối lên thăm chùa. Hai bên đường là các dãy nhà vẫn còn mang dáng dấp từ thời xưa.
Mặt trước của chùa là một số cổng và điện thờ Thần đạo Shinto. Đây là điểm đặc biệt của quần thể chùa Thanh Thủy vì mặc dù chùa Thanh Thủy bản thân nó là một công trình kiến trúc Phật giáo, nhưng đằng sau và xung quanh nó vẫn có những công trình Thần đạo. Điển hình là đền Jishu, thờ thần Ookunikushi – thần tình yêu đôi lứa. Bên trong đền còn có đặt 1 viên đá tình yêu (tiếc là mình không vào 😦 )
Rời chùa Kiyomizudera, điểm đến tiếp theo của chúng ta là chùa Tây Honganji.
Chùa Tây Honganji
Chùa Tây Honganji, hay còn gọi là Nishi Honganji, là một cặp với chùa Đông Honganji (Higashi Honganji) mà mình đã ghé thăm ở ngày thứ 2, tạo thành cặp ngôi chùa Phật giáo lớn nhất Nhật Bản.
Chùa Nishi Honganji (Chùa Honganji Tây) được vua Toyotomi Hideyoshi xây dựng vào năm 1591, ngay sau khi ngôi Chùa đầu tiên – Ishiyama Honganji – ở Osaka bị tướng Oda Nobunaga phá hủy vì bị nghi ngờ có liên quan đến một số vấn đề chính trị thời đó. Higashi Honganji (Chùa Honganji Đông) được xây dựng sau chùa Nishi Honganji 11 năm, và cách đó vài con phố theo hướng đông.
Đây là một ngôi chùa cực kì rộng lớn, với các điện thờ to, bề thế. Bên ngoài là vườn cây và sân rải sỏi. Chùa Tây Honganji có khá nhiều điểm tương đồng với chùa Đông Honganji.

Hình ảnh bên ngoài
Vậy là chúng ta đã ghé thăm được hầu hết những đền chùa danh thắng nổi tiếng nhất của Kyoto rồi (tiếc là chưa có thời gian đi thăm Chùa Bạc Ginkaku-ji cho đủ bộ).
Tiếp theo mình sẽ có 1 buổi chiều nghỉ chân ở Osaka trước khi lên máy bay về lại Sendai. Và điểm đến mà mình muốn hướng tới nhất không gì khác ngoài lâu đài Osaka.
Lâu đài Osaka
Lâu đài Osaka, hay Osaka-jo là thành quách còn sót lại từ thời chiến quốc. Ngày nay, lâu đài Osaka, hay thành Osaka nằm trong khuôn viên của Công viên Osakajokoen. Nếu như lần đầu tiên đến đây, ngắm nhìn lâu đài từ xa, và thấy từng đàn từng đàn quạ bay lượn và đậu xung quanh nóc của tòa lâu đài, bạn sẽ cảm thấy có chút gì đó kính nể nơi này.
Lâu đài Osaka là một chứng nhân lịch sử quan trọng của Nhật Bản. Nó được xây dựng vào cuối Thế kỷ 16 bởi Toyotomi Hideyoshi, một vị lãnh chúa nổi tiếng đã cai trị toàn bộ đất nước Nhật Bản trong những năm 1590. Lâu đài này đã từng bị thiêu hủy và xây dựng lại nhiều lần, lần đầu tiên là vào năm 1620, sau hàng loạt các trận chiến và lần thứ hai là vào năm 1931, sau khi tòa nhà chính của lâu đài bị sét đánh trúng và thiêu rụi vào năm 1665.
Lâu đài Osaka mới vừa được sửa chữa lại một cách toàn diện vào năm 1997, tất cả các bức tường bên ngoài đều được tu bổ lại, vật dụng trang trí được khôi phục và các lá vàng đều được dát mới. Tất cả điều đó đem lại một diện mạo mới hùng tráng như nó ngày nay.
Bên trong đã được hiện đại hóa hoàn toàn để dành cho khách tham quan, nên cảnh quan nột thất bên trong sẽ không giống thời xưa như nhiều người tưởng, và đó là một điều duy nhất mà mình hơi thất vọng về lâu đài này. Mặc dù vậy, tòa lâu đài này là một biểu tượng kiến trúc không chỉ của Osaka mà còn của cả Nhật Bản. Nó thực sự cho thấy uy quyền và quyền lực của Tướng quân khi sống ở đây.
Du khách sẽ được leo lên tầng 8, tầng cao nhất của tòa lâu đài và từ đó bạn có thể trông ra 4 phía của thành phố Osaka. Đó là một trải nhiệm rất tuyệt vời.
Rời thành Osaka, mình bước chân lên máy bay để quay về thành phố Sendai thân yêu.
Tạm biệt Kansai, hẹn ngày gặp lại !
Kiyoshi-san có thể làm 1 bài viết về phương ngữ địa phương được không? chẳng hạn như Kansaiben. Mình nghe 1 số bạn học tiếng nhật nói đi du lịch gặp người Kansai nói chuyện dùng phương ngữ nên khó nghe lắm 😥
ThíchThích
Anh Kiyoshi ơi, anh có thể làm 1 bài viết về phương ngữ địa phương không ạ? chẳng hạn như là Kansaiben. Học tiếng nhật không có nói về mấy cái này, nhiều khi đi du lịch gặp người Kansai, nói khó nghe mà không hiểu nữa ạ 😥
ThíchThích