Nhật ký Sendai (P7): Ngày thứ hai ở Kyoto

Nhật kí ngày thứ hai ở Kyoto. Trong ngày hôm nay, chúng ta sẽ ghé thăm chùa Vàng Kinkaku-ji cực kì nổi tiếng tại Nhật Bản, tham quan Vườn Đá ở chùa Ryoan-ji, sau đó tạt qua Lâu đài Nijo, nơi từng một thời là nơi ở của các đời Tướng quân Tokugawa. Đặc biệt, bên cạnh lâu đài Nijo còn có một cửa hàng bán kiếm Nhật nữa, hãy cùng nhau khám phá nào.

Chùa Vàng Kinkaku-ji

Trên đường vào thăm chùa Kinkaku-ji có khá nhiều điều thú vị.

 

Đầu tiên phải kể đến ngọn núi có hình chữ Đại (大), tên núi là Daimonji. Vào đêm 16/8 hằng năm, người ta sẽ đốt lửa lên chữ 大 đó, tạo ra khung cảnh rất đẹp.

Lối vào bên trong. Phí vào thăm chùa Vàng là 400 Yên. Mặc dù vậy, đây là số tiền hoàn toàn xứng đáng để vào thăm chùa và có những bức ảnh để đời.

Quần thể chùa được xây vào năm 1393 và dùng làm nơi nghỉ ngơi cho Tướng quân Yoshimitsu Ashikaga (1358- 1408).

Chùa Vàng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên, từ năm 1950 một tiểu tăng bị ám ảnh bởi nó đã đốt cháy toàn bộ chùa cùng với 6 di sản văn hóa quan trọng trong chùa. Năm 1955 chùa được xây dựng lại nhưng cũng từ đó không còn được coi là Quốc bảo nữa. Diện mạo hiện nay của Chùa Vàng có từ năm 1955 và được dát lại vàng trong lần tu phục vào năm 1987.

Có nhìn tận mắt mới thấy hết vẻ đẹp của ngôi chùa. Với màu vàng quyền quý, phản chiếu lên mặt hồ xung quanh. Những tán cây và hòn non bộ như làm nên một phông nền tự nhiên tuyệt đẹp tôn lên vẻ đẹp của ngôi chùa.

Ảnh nhìn từ mặt sau của ngôi chùa. Trên đỉnh là hình một con phượng hoàng.

Trong hồ cũng có nuôi cả cá chép. Con nào con nấy trông rất bự 🙂

Người người đến quần thể này để cầu chúc.

Nếu như bạn ném đồng xu của mình trúng vào cái bát ở giữa thì điều ước của bạn sẽ thành hiện thực.

Kết thúc chuyến đi tốt đẹp, Chùa Vàng thực sự đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong mình. Rời khỏi Kinkaku-ji, điểm đến tiếp theo của mình là chùa Ryoan-ji, cũng là một danh thắng nổi tiếng, cách Chùa Vàng khoảng 20 phút đi bộ.

Chùa Ryoan-ji

Đây là cổng chùa. Hiện giờ đang là cuối thu đầu đông nên vẫn còn sót lại một vài cây lá đỏ, còn lại như các bạn thấy, lá cây đã rụng gần hết.

Ngay khi vừa đặt chân vào đây, các bạn có thể thấy ngay một cái hồ với bao nhiêu là cây xung quanh, nom rất đẹp. Nếu như đến đây vào khoảng tháng 10, tháng 11, khi mà thời tiết đang vào thu và lá cây ướm đỏ thì có lẽ còn đẹp hơn nhiều.

Đi tiếp vào bên trong ta sẽ thấy điện chính của ngôi chùa Ryoan-ji. Một lần nữa, các bạn có thể thấy lá cây đã rụng trơ trọi hết (vì bây giờ đang là cuối tháng 12). Nếu như đến đây vào mùa thu – lá đỏ, hoặc khi trời đông có tuyết thì đẹp không còn gì bằng. Chúng ta vào đây để xem vườn đá nổi tiếng.

Đây là vườn đá nổi tiếng của chùa, để được nhìn cảnh này, ta phải cời giày, đi vào bên trong chùa. Thực tế thì không phải con nhà phật, thời gian cũng không ủng hộ mà tâm hồn cũng không được trong sáng lắm nên mình cũng không cảm thấy nét gì sửng sốt ở vườn đá này. Thực tế thì nó không ấn tượng bằng Chùa Vàng. Tất nhiên, các bạn có thể thấy được sự cầu kì trong cách bài trì những viên đá, viên sỏi và trông nó khá độc đáo.

Hình ảnh bên trong điện chính với dãy thảm tatami thẳng tắp và cửa trượt trang trí với tranh thủy mặc. Bên phải trông ra vườn đá.

Phí vào chùa là 500 Yên. Mặc dù là một ngôi chùa nổi tiếng nhưng mình thấy cũng không có gì quá đặc sắc, hoặc là đi không đúng mùa nên chưa thấy hết được vẻ đẹp của nó. Dù sao thì cũng đã biết được vườn đá thật ra trông nó như thế nào, và biết được background của một số hình ảnh tìm thấy trên Google.

Tiếp đến chúng ta sẽ ghé thăm địa điểm cuối cùng của ngày, đó là Lâu đài Nijo.

Lâu đài Nijo

Cổng phía đông của Lâu đài

Là một lâu đài nổi tiếng ở Kyoto mà bạn phải ghé thăm.

Hình ảnh một góc tường thành bao quanh lâu đài. Xung quanh là hào ngăn bộ binh của địch.

Năm 1601, Tokugawa Ieyasu, người sáng lập Mạc phủ Tokugawa đã ra lệnh tất cả các lãnh chúa phong kiến ở miền Tây Nhật Bản (vùng Kansai) phải đóng góp vào việc xây dựng lâu đài Nijo. Lâu đài được hoàn thành trong thời cai trị của Tokugawa Iemitsu vào năm 1626. Mạc phủ Tokugawa lấy Edo làm thủ phủ nhưng Kyoto vẫn là nơi ở của Hoàng gia, do đó bên trong là quần thể cung điện bề thế.

Cổng vào Karamon. Chỉ cần nhìn cái cổng này là cũng biết được các Shogun giàu có đến mức nào.

Bước vào trong, trước mắt các bạn là cung điện Ninomaru. Tổng thể rộng 3300 mét vuông bao gồm năm tòa nhà riêng biệt kết nối nhau và được xây dựng gần như hoàn toàn bằng cây bách. Trang trí bao gồm số lượng lớn các lá vàng và các chạm khắc gỗ tỉ mỉ , với dự định gây ấn tượng cho các vị khách về sức mạnh và sự giàu có của các shogun (tướng quân). Các cánh cửa trượt và tường của mỗi phòng đều được trang trí bằng tranh ukiyo-e của các danh nghệ thời xưa.

Ảnh bên trong (lấy từ Google)

Thực tế thì khi vào bên trong, các bạn tuyệt đối không được phép chụp ảnh, do sự nghiêm ngặt trong việc bảo quản các bức tranh có từ lâu đời bên trong. Không gian bên trong rất rộng lớn và thể hiện chế độ phong kiến thời xưa. Như phòng dành riêng cho Shogun để tiếp các quan nhiếp chính”và samurai, có phòng để tiếp những nhân vật “quan trọng” như lãnh chúa các vùng, phòng chờ dành cho những người muốn đến yết kiến Shogun, hay thư phòng dành cho các thê thiếp của Shogun,…

Các bức bích họa vẫn được bảo quản rất tốt cho đến ngày nay, thậm chí nhiều phòng còn có các hình nộm diễn tả những hoạt động thời xưa.

Bên ngoài cung điện là khu vườn để vua chúa thưởng lãm.

Hình ảnh quần thể cung điện khi nhìn xuống từ trên cao.

 

Phí vào cửa của lâu đài là  600 Yên. Khá đắt nhưng bù lại được tham quan cung điện Ninomaru là một trải nghiệm vô giá. Lâu đài Nijo đóng cửa khá sớm (4h chiều) nên ai muốn tham quan nơi này cần để ý thời gian.

Cửa hàng bán kiếm (!)

Không liên quan lắm nhưng gần lâu đài Nijo có một cửa hàng bán kiếm Nhật.

Mình không rõ là bán kiếm thật hay kiếm giả, nhưng có vẻ như đây là cửa hàng bán kiếm thật. Tất nhiên, giá một cây cũng xắt ra miếng.

Khá là thú vị 🙂

Đến đây thì hoạt động ngày thứ hai tại Kyoto cũng đã kết thúc.

Ngày hôm sau – ngày cuối cùng tại đây, mình sẽ ghé thăm các thắng cảnh nổi tiếng còn lại như Chùa Thanh Thủy (Kiyomizudera), Chùa Tây Honganji. Sau đó ghé qua thành phố Osaka để ghé thăm lâu đài Osaka nổi tiếng.

Advertisement

Để lại bình luận

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.