Cần chuẩn bị những gì trước khi sang Nhật du học

Dạo gần đây số lượng học sinh, sinh viên sang Nhật Bản để học và làm ngày càng tăng. Ngắn hạn cũng có mà dài hạn cũng có, vậy thì trước khi sang Nhật chúng ta cần chuẩn bị những gì? Dưới đây là một số gợi ý.

Nên chọn mang theo 1 vali loại to (6 – 7 tấc), 1 balô, 1 túi đeo chéo nhỏ để đựng giấy tờ hải quan, 1 túi rút nhỏ nhét trong vali phòng khi cần.

Giấy tờ cần thiết

  • Hộ chiếu, visa, COE (在留資格認定証明書)
  • Giấy báo nhập học, giấy báo của kí túc xá, giấy cử đi học…
  • Giấy khám sức khỏe
  • Địa chỉ, bản đồ (nếu cần)
  • Ảnh nền trắng cỡ 3×4 và 4×6, mỗi loại 10 tấm.
  • Biên lai vé máy bay, vé tàu đã đặt trước
  • Tất cả các loại giấy tờ khác mà bạn nhận được từ bên Nhật và được họ yêu cầu mang đi (ví dụ như Bảng điểm…)

Các giấy tờ này các bạn nên cho tất cả vào một cái clearbag/ folder để tránh thất lạc. Tốt nhất là nên kiếm một chiếc túi nhỏ (đeo chéo), cho tất cả giấy tờ vào đó và luôn đeo bên mình.

Ngoài ra, các bạn cũng nên photocopy lấy 2 bản tất cả các giấy tờ trên, 1 bản mang đi phòng thân, 1 bản thì để lại ở nhà để phòng khi cần ở bên Việt Nam (ví dụ như trong trường hợp bạn ra Ngân hàng vay tiền với lãi suất ưu đãi dành cho diện lưu học sinh hoặc khi muốn người thân chuyển tiền từ Việt Nam sang Nhật Bản thì cũng cần một số giấy tờ chứng minh như giấy báo nhập học, kê khai học phí, sinh hoạt phí dự tính, …)

Một điều nữa là tất cả, từ hộ chiếu/ visa cho đến các thể loại giấy tờ, bảng điểm, thành tích học tập, ảnh,… các bạn nên scan và copy vào trong 1 chiếc USB để đem đi, hoặc cẩn thận hơn thì up lên Cloud (SkyDrive, Google Drive…) để lưu lại.

Ngoài ra thì những giấy tờ như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh hay CMTND thì không cần đem theo.

Quần áo

Các bạn chú ý là với visa du học, khi đi mua/ đặt vé máy bay sẽ được hưởng giá vé ưu đãi của Vietnam Airlines.

Hành lý ký gửi dành cho lưu học sinh là 40kg (nếu mua thêm cân thì mất 20USD/ 5kg)

Hành lý xách tay là 7 kg.

Về quần áo thì các bạn chú ý là dù cho đi vào kì mùa xuân (tháng 4) hay kì mùa thu (tháng 10) thì thời tiết cũng lạnh, nhất là những bạn đi mấy vùng ở phía Bắc như Kanto, Sendai hay Hokkaido thì cần chuẩn bị áo rét rất kĩ. Mình đi Sendai, là vùng có khí hậu quanh năm tương đối thấp nên mình chuẩn bị:

  • Áo phao (1 – 2 cái, loại dày dày chút)
  • Áo jacket (2 cái) hoặc Măng-tô/ Áo dạ
  • Khăn quàng cổ, găng tay
  • Áo giữ nhiệt (3 cái)
  • Áo len, áo sơ-mi (khoảng 3 cái mỗi loại)
  • Giày thể thao (vừa bền vừa ấm)

Chiếc áo phao nếu để không mà xếp vô vali thì sẽ rất rất tốn diện tích, các bạn nên mua thêm cái túi hút chân không để đựng áo phao. Sẽ tiết kiệm hơn được rất nhiều.

Về quần thì tùy mỗi người, các bạn nên chuẩn bị từ 2 chiếc quần trở lên (không kể quần mặc trên người) quần kaki cũng được mà quần bò cũng được, tùy sở thích. Nếu chịu lạnh kém thì có thể chuẩn bị thêm quần len mặc lót bên trong. Giày thì bạn cũng nên chuẩn bị một đôi giày thể thao và một đôi giày thường.

Một số quần áo cá nhân như:

  • tất
  • quần lót
  • áo lót
  • pajama

thì các bạn nên chuẩn bị nhiều nhiều một chút, đủ dùng trong 1 tuần hoặc 5 ngày mà không cần thay (tức là khoảng 4 – 5 bộ). Vì chúng nhẹ, không tốn quá nhiều diện tích mà lại cần kíp hằng ngày. Sang Nhật khỏi cần mua vì mấy đồ này có thể không hợp cỡ với bạn.

Để chuẩn bị cho mùa hè bên Nhật, các bạn cũng nên chuẩn bị:

  • Áo phông (khoảng 3 – 4 cái)
  • Quần đùi/ ngố (cũng khoảng 3 – 4 cái)
  • Dép tông/ Sandals
  • Quần bơi/ kính bơi (nếu bạn nào có ý định bơi lội 🙂 )

Ngoài ra, đối với các sinh viên sang học đại học, cao học, các sinh viên trao đổi thì cần đem theo:

  • Một bộ vest (đối với nam)
  • Áo dài Việt Nam (đối với nữ)

Vì nhiều khi trong những dịp lễ, đi kiến tập, hội họp trang trọng… ở trường bên Nhật thì nam sinh cần vận comple. Trong khi đó áo dài thì cần cho những buổi giao lưu văn hóa… Những món đồ này thường phải may/ hoặc mua đúng cỡ mà ở Việt Nam chắc chắn sẽ không mắc như ở Nhật, áo dài thì đương nhiên ở Nhật không có chỗ nào bán.

Đồ dùng học tập

Đây là cái rất khó nghĩ, vì không biết nên đem cái gì sang, nên bỏ cái gì ở lại.

Ở đây có một số vật dụng cần thiết nên đem theo:

  • Laptop (tất nhiên, đây là phương tiện liên lạc gần như chủ yếu của bạn khi ở bên Nhật, Skype, Facebook, NipponKiyoshi,…. không thể sống mà thiếu laptop được)
  • Smartphone (một số smartphone có băng tần dùng được ở Nhật có thể kể đến là iPhone 4-5, Blackberry thì có thể mang sang, đăng kí thuê bao của Docomo hoặc Softbank là sử dụng được (các bạn sẽ được hướng dẫn kĩ càng khi làm thủ tục nhập trường). Tuy nhiên dù là dùng được hay không thì vẫn nên mang theo smartphone để chụp ảnh, xài app liên lạc bằng wi-fi, tra từ điển, check lịch, note,…). Cùng lắm mua một cái điện thoại bên Nhật để xài, cũng không quá mắc đâu, loại rẻ có, loại xịn cũng có.
  • Máy tính bỏ túi
  • Đồng hồ đeo tay (những ai chưa có thì nên mua ngay lặp tức, mua loại tốt tốt một chút, có chống nước. Nhật Bản rất coi trọng vấn đề giờ giấc nên đồng hồ đeo tay sẽ là vật bất li thân của bạn)
  • Sổ tay, vở ghi (1 – 2 quyển), bút (bút bi, bút chì, tẩy, gọt), từ điển
  • Vở ghi (nếu tâm đắc và có liên quan đến môn học mình sắp học)
  • Sách học tiếng Nhật (chỉ nên mang theo 2 – 3 cuốn thôi, không nên tham) Nếu sợ nặng và cồng kềnh thì các bạn có thể đem đi scan và nhét vào máy tính
  • USB (nên mang 2 cái, một dùng để backup dữ liệu (kiểu như muốn cài lại win chẳng hạn) và một cái để copy dữ liệu), sạc điện thoại, sạc máy tính, tai nghe, pin dự phòng, gậy tự sướng,…
  • Bộ đổi nguồn (từ 110V sang 220V do ở Nhật xài nguồn điện 110V, mà các loại sạc ở VN xài loại 220V)

Ngoài ra tùy nhu cầu mà các bạn bố trí thêm hoặc có thể bỏ bớt một số vật dụng.

Tiền

Tất nhiên là bạn cần phải đem một lượng tiền mặt nhất định khi sang Nhật Bản để xài. Các bạn có thể ra ngân hàng để đổi tiền (nhưng sẽ cần thủ tục rất lằng nhằng), hoặc không thì ra các tiệm vàng để đổi tiền. Ở đây mình xin đề cập đến phố Hà Trung, là nơi đổi đủ các loại tiền tệ sang VND và ngược lại. Việc giao dịch diễn ra nhanh chóng, và bạn có thể yên tâm về chât lượng tiền Yên mà bạn đổi được.

Địa chỉ rất có uy tín là Tiệm vàng Quốc Trinh ở số 29 Hà Trung, Hà Nội.

Điều thứ hai là bạn cần một chiếc thẻ tín dụng thanh toán quốc tế như VISA, Mastercard. Bạn có thể đăng kí làm ở Vietcombank, VIB, BIDV hoặc Vietinbank. Thẻ thanh toán quốc tế giúp bạn có thể sử dụng thẻ để mua hàng trực tiếp tại Nhật Bản thay vì rút tiền mặt (vì sẽ tính phí khá cao) và hỗ trợ bạn những khi cháy tiền mặt. Dù vậy, khi sang Nhật ở trong thời gian dài (trên 6 tháng) bạn nên mở một tài khoản ngân hàng nội địa ở Nhật để tiện trong việc thanh toán, rút tiền, và tất nhiên người thân có thể chuyển khoản từ ngân hàng ở Việt Nam sang tài khoản ngân hàng của bạn ở bên Nhật.

Đồ dùng vệ sinh cá nhân

  • Kem đánh răng loại tuýp nhỏ, bàn chải, bông ngoáy tai, dao cạo râu, nước hoa
  • Xà phòng và dầu gội nên mua loại dây (đủ xài 2 – 4 tuần)
  • Khăn mặt, khăn tắm, khăn mùi-xoa
  • Thuôc ho, thuôc cảm cúm, thuôc đau bụng/ đi ngoài, thuốc hạ sốt, Vitamin C
  • Nhiệt kế
  • Bát/cốc nhựa/đũa có thể mang đi (nếu vali còn slot) hoặc không

Đồ ăn và thức uống

Đồ ăn chủ yếu là chuẩn bị cho 1 – 2 ngày đầu chưa quen thôi, còn sau đấy thì bạn phải đi chợ nấu ăn. Có người chả cần đem gì sang vẫn OK.

  • Mì gói (mang theo một lượng đủ để bạn dùng trong khoảng 2-3 ngày đầu, đa vị, chắc 10 gói là đủ)
  • Gạo (cũng không cần nhiều, đựng đủ 2 ống bơ sữa Ông Thọ)
  • Cá khô, ruốc, lạc muối
  • Nước mắm (chai nhỏ thôi)

Quà tặng

Cà phê (Trung Nguyên, G7, Highlands Coffee…), bánh đậu xanh, hạt điều,… là những đặc sản của Việt Nam mà bạn có thể chuẩn bị theo để tặng thầy cô, bạn bè, gia đình homestay…

Ngoài ra thì ở Nhật có các cửa hàng 100 yên (nổi tiếng nhất là Daisho), cái gì cũng có, giá phải chăng, thế nên chỉ nên đem sang những đồ cần thiết. 

Tham khảo:

Sang Nhật du học mang gì?“, Takahashi, saromalang

Chuẩn bị hành trang gì khi sang Nhật du học“, Ân Việt, gakumoto, October 4, 2011

 

Advertisement

9 thoughts on “Cần chuẩn bị những gì trước khi sang Nhật du học

  1. Thực ra không cần thiết phải mang đổi nguồn đâu, bởi vì những sạc laptop và sạc đt bây giờ đều chạy được trong cả khoảng 100V – 240V (có ghi trên thân sạc), mà đây lại là 2 thứ chạy điện duy nhất chúng tâ cần mang đi, còn những đồ điện gia dụng thì sang đó ta mới cần mua. Mình thấy các trang du học Nhật và Mỹ khác cũng bảo vậy 😀

    Thích

    • Dùng được là vì điện của lap là 220V, nên nếu cắm vô ổ 110V mặc dù vẫn xài được nhưng nó sẽ chạy yếu hơn. Dù sao thì cục đổi nguồn cũng nhỏ thôi, cứ nên cẩn thận.

      Thích

      • lol làm gì có chuyện yếu hơn. Yếu hơn hay không là do công suất chứ không phải hiệu điện thế.
        Nếu điện của lap là 220 thì cắm vào ổ 110 cũng không thể chạy được ấy. Nhưng sạc lap bayh toàn ghi là “100V – 240V” tức là nó chạy kiểu ăn tạp, miễn là ổ từ 100 đến 240 nó đều chạy được. Lý do các hãng sản xuất ra sạc ăn tạp chính là để sử dụng được tại nhiều nước khác nhau.
        Còn nếu sử dụng cục đổi nguồn mới chính là làm cho điện yếu hơn. Vì những loại đổi nguồn càng nhỏ thì càng cho ra công suất nhỏ, chỉ cắm các thiết bị tiêu hao ít điện vào được thôi.

        Thích

  2. Chúc Kiyoshi lên đường bình an, học tập nhiều thành công và cố gắng giữ gìn sức khỏe! Tụi mình ở Việt Nam vẫn ngày đêm trông chờ vào các bài viết của bạn! Cố gắng viết thêm nhiều bài hay về đất nước Nhật Bản nhé!

    Đã thích bởi 1 người

Để lại bình luận

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.