(Tiếp theo kì trước: Chương 1)
CHƯƠNG 2 – QUYỂN I (part 1)
Người dịch: Reiko
___
Từ ngày đầu năm mới, tôi đã phần nào cảm nhận được thế nào là nổi tiếng và vì thế, dù chỉ là một con mèo, tôi vẫn cảm thấy thầm tự hào về bản thân. Cảm giác không có gì là khó chịu cả.
Vào sáng mùng 1, ông chủ tôi nhận được một tấm bưu thiếp ảnh, là một chiếc thiệp chúc mừng năm mới từ người bạn họa sĩ của ông chủ. Phần trên tô màu đỏ, phần dưới tô màu lục sẫm; và ngay chính giữa là một con vật đang cúi mình màu lam nhạt. Ngồi trong phòng nghiên cứu, ông chủ lật xuôi lật ngược nhìn bức tranh ấy. “Màu đẹp thật!” ông nhận xét. Sau khi bày tỏ sự ngưỡng mộ, tôi nghĩ là ông chủ đã xong với bức tranh rồi. Nhưng không, ông tiếp tục nghiên cứu nó, hết xoay ngang lại xoay dọc. Để kiểm nghiệm vật thể đó, ông còn xoay người, duỗi tay như thể một người tối cổ đang nghiên cứu cuốn Sách Thần học, và rồi quay mặt hướng về phía cửa sổ, ông chủ đem bức tranh đặt lên trước mũi. Tôi ước gì ông ấy mau sớm kết thúc màn diễn tò mò này, vì nó đang làm hai đầu gối ông tách nhau ra, làm tôi khó mà giữ nổi thăng bằng. Một lúc lâu sau, sự hiếu kỳ bắt đầu giảm dần, và tôi nghe ông chủ lẩm bẩm, “Chẳng biết đây là hình gì nhỉ”. Dù vô cùng ngưỡng mộ màu sắc trên bưu thiếp, ông ấy vẫn không tài nào nhận ra con vật vẽ ở giữa là con gì. Điều đó giải thích tại sao ông chủ lại làm mấy trò kì quặc như vừa rồi. Khi vừa thoáng thấy, tôi không nghĩ nó có thể khó hiểu đến thế. Tôi cố gắng hé mắt và nhìn bức tranh một cách bình tĩnh. Không còn nghi ngờ gì nữa: đó là tranh vẽ tôi mà. Tôi không cho rằng người vẽ nghĩ bản thân mình là một Andrea del Sarto, như ông chủ tôi; nhưng, là một họa sĩ, những gì ông ấy vẽ, xét về hình dáng hay màu sắc, đều vô cùng hài hòa. Bất kỳ gã ngốc nào cũng có thể thấy đó là một con mèo. Cách vẽ khéo léo tới mức bất kỳ ai có mắt trên đầu và dù khả năng nhận biết có kém cỏi tới đâu cũng dễ dàng nhận ra đó là tranh vẽ chính tôi chứ chẳng phải con mèo nào khác. Nghĩ tới việc có người phải suy nghĩ sâu xa và lâu lắc tới mức này chỉ vì một vấn đề đơn giản và hiển nhiên đến thế. . . Tôi thấy thật thương thay cho loài người. Tôi cũng rất muốn cho ông chủ biết đó là tôi. Dù làm ông nhận ra được điều đó có khó khăn thế nào, tôi cũng vẫn rất muốn giúp ông chủ biết đó là một con mèo. Nhưng vì ông trời không ban cho loài người khả năng nghe hiểu tiếng mèo, tôi cũng đành ngậm ngùi kệ ông chủ như vậy.
Tiện thể, tôi cũng muốn nhân chuyện này để khuyên các độc giả của tôi là, cái thói quen của loài người nói về tôi bằng giọng khinh miệt như thể tôi chỉ là một “con mèo” tầm thường, thực sự là một thói quen cực kỳ xấu. Có vẻ họ luôn nghĩ rằng bò và ngựa được tạo nên từ những thứ con người bỏ đi, và mèo thì được tạo nên từ phân của bò và ngựa. Những ý nghĩ như thế, công bằng mà nói, thật sự vô cùng hạ cấp; đến cả các giáo viên, những người thậm chí còn không nhận ra được sự ngu dốt của bản thân, thường tỏ ra thỏa mãn với những ý tưởng cổ quái họ tự bịa ra về sự quan trọng không hề có của bản thân mình. Dù là mèo đi chăng nữa cũng không nên bị đối xử tàn tệ hay bị coi không ra gì. Dưới con mắt người thường, có vẻ tất cả các con mèo đều là như nhau, là những bản sao về hình dáng và thân thể, cũng khó phân biệt như thể các hạt đậu trong rổ; và mèo thì tất nhiên không thể tự lên tiếng nói rằng mình khác biệt được. Nhưng một khi đã sống trong xã hội mèo, dù là người bình thường cũng sẽ rất nhanh nhận ra rằng mọi thứ không hề đơn giản như thế; nếu như con người hay nói “ai cũng khác biệt” thì trong thế giới mèo cũng thế. Mắt, mũi, lông, móng chúng tôi—tất cả đều khác biệt. Từ độ nghiêng của râu, tới cái tai, rồi tới đuôi, mỗi giống mèo chúng tôi rất rất khác nhau. Dù chúng tôi ưa nhìn hay không ưa nhìn, dù chúng tôi thích gì hay không thích gì, dù chúng tôi tao nhã hay cục cằn, thì ai cũng có thể thấy là loài mèo rất đa dạng. Mặc kệ cái sự thật hiển nhiên đó, con người, với cặp mắt luôn hướng lên trời chỉ vì họ tự tâng bốc bản thân hoặc những thứ rác rưởi tương tự thế, lại không thể nhận ra những sự khác biệt hiển hiện ở vẻ ngoài của chúng tôi, có thể tính cách của chúng tôi nằm ngoài tầm hiểu biết của họ. Thật đáng tiếc, lúc này tôi mới hiểu và đồng ý với ý nghĩa đằng sau câu nói “an phận thủ thường”. Thực ra thì, những thứ của loài mèo thì thuộc loài mèo. Và nếu bạn muốn hiểu về loài mèo, thì chỉ có một con mèo mới có thể nói cho bạn đc. Loài ng, dù có thông minh cỡ nào cũng chẳng thể nói cho bạn biết gì về vấn đề đó. Trên thực tế, vì con người chẳng thông minh, tiến bộ như họ vẫn hay tự ảo tưởng về bản thân mình, họ sẽ gặp vô vàn khó khăn nếu muốn tìm hiểu về loài mèo. Và với một con người đáng thương như ông chủ tôi thì, thậm chí còn chẳng có chút hi vọng nào. Ông ấy không hiểu rằng tình yêu thương sẽ không thể phát triển trừ phi ít nhất cả đôi bên có sự thấu hiểu hoàn toàn lẫn nhau. Như một con sò ốm bệnh, ông ấy nhốt mình trong phòng kín, và không bao giờ mở mình ra với thế giới bên ngoài. Nhìn ông chủ như vậy, như thể chỉ một mình ông cũng có thể làm bản thân khai sáng, thật sự làm một con mèo như tôi cũng phải bật cười. Bằng chứng cho việc ông chưa đạt được sự tự khai sáng, chính là, dù đặt bức tranh trước mũi rồi, ông vẫn chẳng thể nào nhận ra đó là tôi, mà còn đưa ra một nhận xét hết sức điên rồ, “Có thể đây là năm thứ hai của cuộc chiến chống Liên Xô, chắc là bức tranh vẽ một con gấu đây.”
Mắt nhắm nghiền, tôi ngồi trong lòng ông chủ với những ý nghĩ đó, và rồi bà hầu mang vào tấm bưu thiếp thứ hai. Đó là bức tranh in hình một hàng 4 hay 5 con mèo châu Âu gì đó, con thì đang say sưa nghiên cứu, con thì đang cầm bút, con thì đọc sách. Một con tách ra khỏi hàng, nhảy một điệu nhảy phương Tây đơn giản, ở góc một cái bàn. Trên bức tranh là ghi dòng chữ “Tôi là mèo” viết bằng mực đen của Nhật. Và bên tay phải, có cả thơ haiku nói rằng “vào ngày xuân mèo đọc sách hoặc nhảy.” Tấm thiệp là của một trong những học sinh cũ của ông chủ và ý nghĩa của nó rõ như ban ngày đối với bất cứ ai nhìn vào. Tuy nhiên ông chủ chậm hiểu của tôi dường như vẫn không nhận ra, vì ông nhìn nó bối rối và thầm nói, “Hay năm nay là năm con mèo?”. Ông không hiểu rằng những tấm bưu thiếp là minh chứng cho sự nổi tiếng dần lên của tôi.
Và ngay lúc đó người hầu mang vào tấm bưu thiếp thứ 3. Lần này thì bưu thiếp không có tranh, nhưng bên cạnh những câu chúc năm mới cho ông chủ, người gửi còn viết thêm những dòng này, “Hãy đối xử tốt và gửi lời chúc của tôi tới chú mèo.” Dù ngu ngốc đến mấy thì ông chủ dường như cũng bắt đầu hiểu thông điệp khi nó được viết rõ rành rành ra như vậy, ông ấy nhìn xuống mặt tôi, và như thể cuối cùng cũng hiểu được tình hình, ông nói, “hmm~.” Và cái nhìn của ông lần này khác hẳn mọi khi, có vẻ ẩn chứa một chút sự tôn trọng. Mà cũng đúng thôi khi đó là tôi, một người vốn dĩ còn “vô danh tiểu tốt” hơn cả ông chủ, lại đột ngột được biết đến và được chú ý.
Chuông cửa reo. Có lẽ là một vị khách. Người hầu sẽ mở cửa. Tôi chẳng bao giờ cất công đi tìm hiểu xem ai gọi cửa, trừ phi đó là thằng nhóc chạy việc của người bán cá, nên tôi cứ nằm im trong lòng ông chủ. Tuy nhiên, ông chủ thì lại chạy vội vàng tới lối ra như thể có chủ nợ ở cửa. Tôi suy ra là ông chủ không thích tiếp khách đầu năm, rồi lại phải cùng uống mấy chén rượu. Một cách thật hay làm sao. Sự cố chấp đó còn có thể đi xa tới đâu? Nếu không thích khách thăm, ông chủ có thể tự đi ra ngoài, nhưng ngay cả dũng khí làm điều đó ông còn không có. Cái bản tính cố chấp như con trai ngậm miệng càng ngày càng trở nên rõ rệt. Một lúc sau người giúp việc vào thông báo rằng Ông Kangetsu (寒月 – Hàn Nguyệt) đến. Tôi hiểu rằng cái người tên Kangetsu này là học trò cũ của ông chủ, và sau khi tốt nghiệp, ông ta đã nổi tiếng khắp thế giới, hơn hẳn ông giáo của mình. Tôi không biết tại sao, nhưng anh bạn này đến thăm để nói chút chuyện. Mỗi lần đến thăm ông ta lại lảm nhảm, nào là về những câu chuyện khủng khiếp, về việc đang yêu hay không yêu cô này cô nọ; về việc ông ta vui vẻ với cuộc sống, hay đang chán ghét mệt mỏi với nó đến mức nào. Và rồi ông ta đi. Kỳ cục thật, vì bàn luận những chuyện như thế ông ta lại tìm đến một con người già nua như ông chủ, nhưng còn kỳ cục hơn nữa là ông chủ tôi vẫn thêm thắt nhận xét thêm vào những lời than vãn sướt mướt của Kangetsu.
“Em e sẽ không có điều kiện đến thăm thầy thường xuyên. Thực ra thì dạo này em cũng khá bận, suốt từ cuối năm ngoái, dù em cũng nghĩ tới chuyện sẽ đi thăm nhiều người nhưng không hiểu sao công việc cứ đến tới tấp.” Và cứ thế, lật qua lật lại dây thắt của cái áo khoác ngắn, Kangetsu tiếp tục lảm nhảm.
“Việc gì thế em??” ông chủ tôi hỏi bằng ánh mắt nghiêm túc khi ông giật mạnh gấu tay cái áo khoác đen đã sờn của mình, để lộ ra khoảng 2 phân lớp vải lót mỏng bằng lụa trắng khỏi gấu tay áo.
“Vài việc linh tinh thôi ạ,” Kangetsu đáp rồi cười lớn. Tôi để ý là hắn bị mất một cái răng cửa.
“Răng em làm sao thế?” Ông chủ đổi chủ đề.
“À, thực ra, tại em ăn nấm.”
“Em ăn cái gì cơ?”
“Một ít nấm ạ. Khi em cố cắn một cái nấm bằng răng cửa, thì nó vỡ.”
“Gãy răng vì nấm nghe có vẻ là triệu chứng của tuổi già. Một hình ảnh có lẽ phù hợp với thơ haiku nhưng hẳn là không thích hợp khi theo đuổi tình yêu,” ông chủ nhận xét, khi vỗ vỗ nhè nhẹ lên đầu tôi.
“Ah! Đó là con mèo ạ? Trông bụ bẫm đấy! Nhìn cứng cáp như vậy, chắc đến Kurimaya Kuro cũng không đánh lại đc, mặc dù trông nó cứ như một con quái vật vậy.” Kangetsu tỏ ra nể trọng tôi.
“Gần đây nó cũng béo lên kha khá,” ông chủ đáp, và tự hào gõ hai lần lên đầu tôi. Tôi đang được tâng bốc bằng những lời khen có cánh, chỉ tội cái đầu thì hơi đau thôi.
“Đêm hôm kia, có một buổi hòa nhạc nho nhỏ,” Kangetsu quay lại câu chuyện.
“Ở đâu thế?”
“Chắc là thầy cũng không cần biết nó ở đâu đâu ạ. Điều thú vị là ở buổi diễn có 3 cái violin với 1 đàn piano hòa tấu. Dù kỹ năng không nhiều, nhưng khi 3 bọn họ cùng diễn, tiếng violin nghe khá hay. 2 người trong số họ là phụ nữ và em đã tìm được cách xen vào giữa. Bản thân em thấy mình chơi cũng khá tốt.”
“Ồ, vậy những người phụ nữ đó là ai?” ông chủ hỏi với vẻ ghen tỵ. Nhìn thoáng qua thì ông chủ có vẻ lạnh lùng và khắt khe; nhưng, nói thật thì, ông ấy không hề thờ ơ với phụ nữ. Ông đã từng đọc trong một cuốn tiểu thuyết châu Âu câu chuyện về một người đàn ông không ngừng đem lòng yêu hầu như bất kỳ người phụ nữ nào ông ta gặp. Một nhân vật khác trong cuốn sách đó thi có vẻ quan sát việc đó một cách mỉa mai, rồi tính toán chi li, rằng anh bạn kia đem lòng yêu 7/10 người phụ nữ anh ta bắt gặp trên đường. Lúc đọc cuốn đó, ông chủ tôi bị ấn tượng với sự thật quan trọng đó và vẫn còn ấn tượng cho tới tận bây giờ. Sao người ta lại có thể sống như vậy được nhỉ? Một con mèo như tôi không thể hiểu nổi. Một vài người nói đó là kết quả của hàng loạt các mối tình sai lầm; người thì nói là do dạ dày yếu; trong khi những người khác chỉ đơn giản cho rằng anh ta thiếu tiền và có thừa sự trơ lì. Dù sự thật là thế nào đi chăng nữa cũng không quan trọng vì hắn là một người hoàn toàn chẳng ảnh hưởng gì tới lịch sử thế giới. Có một điều chắc chắn là ông chủ đã hỏi một cách đầy ghen tỵ về những người phụ nữ của Kangetsu. Kangetsu, vẻ hiếu kỳ, lấy một ít pa tê cá chín trên đũa, rồi cắn một miếng bằng cái răng cửa còn lại. Tôi cứ lo lắng là nó sẽ rơi rụng ra, may mà cũng ổn cả.
“Xem nào, cả hai cô đều có gia thế tốt. Thầy không biết họ đâu,” Kangetsu trả lời lạnh nhạt.
Ông chủ kéo dài giọng “Ồ – thật – vậy –“, nhưng cố tình bỏ qua từ “sao” ở cuối câu.
Kangetsu chắc hẳn nghĩ rằng cũng tới lúc rời đi rồi, ông ta nói, “Thời tiết thật tuyệt vời. Nếu thầy không bận gì, hay là thầy trò mình đi dạo một chút? Nhân dịp sự kiện Cảng Arthur sụp đổ,” ông ta còn nói thêm bằng vẻ cổ vũ, “thị trấn bỗng dưng tấp nập lạ thường.” (Cảng Arthur tức cảng Lữ Thuận ở tỉnh Liêu Ninh Trung Quốc, một khu vực chính trị tranh chấp của Nga-Nhật-Trung. Năm 1904, trận chiến Cảng Lữ Thuận mở đầu cho chiến tranh Nga-Nhật đã diễn ra tại đây. Hải quân Nhật đánh úp bất ngờ, và chiếm được cảng Lữ Thuận từ quân đội Nga. Sự tranh chấp còn kéo dài tới khi chiến tranh Nga-Nhật kết thúc.)
Ông chủ tôi có lưỡng lự đôi chút, như thể ông thà nói về cách nhận biết con cua cái còn hơn là nói về vụ Cảng Arthur sụp đổ. Nhưng có vẻ cuối cùng cũng quyết định được, ông quả quyết đứng dậy và nói, “Vậy thì đi thôi.” Ông vẫn mặc áo khoác cotton đen, và ở trong là bộ kimono may chần làm từ lụa dệt tay, ông đã mặc suốt 20 năm để tưởng nhớ anh trai mình. Ngay cả loại lụa dệt bền chắc nhất cũng không thể nào chịu được việc mặc liên tục đằng đẵng, năm này qua năm khác như vậy. Chất lụa này được dệt rất mỏng, đến mức mà nếu để dưới ánh sáng, người ta còn có thể thấy được đường dệt ở bên trong. Ông chủ chỉ mặc một bộ suốt từ tháng chạp đến tháng giêng, còn không buồn thay trang phục Tết truyền thống. Thực ra, ông cũng không phân biệt trang phục đi làm và trang phục mặc ngày Chủ nhật. Khi ra khỏi nhà, ông tha thẩn đi tản bộ với bất kì trang phục nào đang mang trên mình. Tôi cũng không biết đó là vì ông không có bộ quần áo nào khác hay là vì ông có nhưng không buồn đổi. Mặc kệ lí do là gì, tôi cũng không hiểu được thói quen kì quặc này thì có liên quan gì đến chuyện thất tình.
Sau khi hai người đi, tôi được tự do ăn món pa tê cá chín mà Kangetsu bỏ lại. Những ngày này, tôi đã không còn là một con mèo già tầm thường. Tôi tự thấy rằng bản thân ít nhất cũng phải được như những con mèo được ca tụng trong truyện của Momokawa Joen hoặc như con mèo của Thomas Gray, giăng lưới đánh cá vàng. Những kẻ hay gây gổ như Kurumaya Kuro bây giờ tôi cũng thấy không đáng quan tâm. Tôi không nghĩ rằng sẽ có người làm loạn lên nếu tôi lén ăn một chút pa tê cá đâu. Với lại, thói quen bí mật ăn chút điểm tâm giữa các bữa ăn cũng chẳng phải một tập tính của riêng loài mèo. Ví dụ như O-san, bà luôn luôn nhón lấy một ít bánh hay đồ ăn, rồi lén lút ăn khi bà chủ ra khỏi nhà. O-san không phải kẻ phạm tội duy nhất: ngay cả lũ trẻ, được nuôi dưỡng trong nhung lụa (như bà chủ vẫn hay khoe khoang), cũng có những hành động kiểu thế. Chỉ một vài ngày trước, 2 đứa con cưng tỉnh dậy vào một buổi đêm, thời điểm mà phụ huynh của chúng còn đang say ngủ; chúng tự mình ngồi xuống bàn ăn, mặt đối mặt. Bây giờ ông chủ có thói quen ăn cả ổ bánh mỳ mỗi sáng, rồi cho lũ trẻ vụn bánh ăn kèm với đường. Thật tình cờ là ngày hôm đó, hũ đường lại ở sẵn trên bàn, thậm chí còn có thìa cắm trong hũ. Chẳng ai ở đó để lấy đường cho lũ trẻ, nên đứa lớn lấy một thìa đầy, đổ vào đĩa của nó. Đứa nhỏ bắt chước tấm gương sáng của chị mình, cũng lấy một thìa tương tự đổ vào một cái đĩa khác. Rồi, hai đứa trẻ đáng yêu duyên dáng chỉ ngồi đó và nhìn nhau, trong giây lát. Chị gái lại lấy thìa đường thứ hai đổ vào đĩa, rồi đứa em gái cũng tiếp tục làm tương tự để cân bằng thế trận. Đứa lớn lấy thìa thứ ba và đứa nhỏ, trong tâm thế đối địch tuyệt đối, cũng làm theo. Và cứ tiếp diễn đến khi hai cái đĩa đầy ắp đường và không còn chút nào trong hũ. Ngay sau đó ông chủ đi ra từ phòng ngủ, dụi dụi đôi mắt ngái ngủ và cần mẫn đem đống đường mà 2 đứa con gái tận tình đổ ra trút lại vào trong hũ. Sự việc này cho thấy rằng, dù chủ nghĩa quân bình vị kỉ coi cái tôi là số một phát triển trong xã hội loài người hơn là loài mèo, nhưng mèo vẫn là loài thông minh hơn. Lời khuyên của tôi cho mấy đứa trẻ chính là chúng nên liếm hết sạch đường đi trước khi chúng chất đống thành kim tự tháp, nhưng vì 2 đứa không hiểu những gì tôi nói, nên tôi cũng chỉ có thể đơn thuần quan sát chúng trong im lặng, từ chỗ ở ấm áp buổi sáng của tôi – trên nắp thùng giữ ấm cơm.
Ông chủ đêm qua về nhà muộn sau buổi đi dạo cùng Kangetsu. Có trời mới biết ông đi đâu, nhưng lúc ông ngồi xuống bàn ăn sáng thì đã là hơn 9h. Từ chỗ nằm quen thuộc của mình, tôi nhìn ông chủ ủ rũ ăn từng chút từng chút món ăn sáng truyền thống ngày Tết – món canh nấu với bánh gạo và rau (Tên gọi là món Zouni).

Zouni
Ông ăn hết bát này đến bát kia. Dù phải thừa nhận là bánh gạo cũng khá nhỏ, nhưng ông chủ lại ăn đến 6, 7 cái lận, rồi tự dưng bỏ lại 1 cái trong bát. “Thôi không ăn nữa,” ông nói và đặt đũa xuống. Nếu có người cư xử tệ như ông vừa làm, chắc hẳn ông đã kịch liệt phản đối; tuy nhiên, trên cương vị nho nhỏ của mình là một người chủ gia đình, bỏ lại một cái bánh gạo đối với ông chắc cũng chẳng có gì to tát. (Việc bỏ thừa thức ăn được coi là một hành động khó có thể chấp nhận ở Nhật, nhất là trong thời kì khó khăn trước đây. Chúng ta chắc đã từng nghe đến câu: Người Nhật sẽ mang theo chai nước uống dở của họ, vì họ sẽ tự buộc mình phải uống cạn chai nước ấy).
Khi vợ ông mang lọ takađiactaza đằng sau chạn bếp ra và đặt trên bàn, ông chủ liền nói, “Tôi không uống cái thứ vô dụng ấy đâu.”
“Nhưng bác sĩ nói thuốc này rất tốt cho dạ dày sau khi ăn tinh bột. Tôi nghĩ là mình nên uống một chút đi.” Vợ ông chủ kiên quyết thuyết phục ông uống.
“Có tinh bột hay không thì thuốc này cũng đâu giúp ích gì.” Ông vẫn một mực nhất quyết không chịu uống.
“Người đâu mà tính khí thất thường,” bà chủ lẩm bẩm như tự nói.
“Không phải tôi thất thường mà là cái thuốc này nó không có tác dụng đấy chứ.”
“Nhưng cho đến tận hôm trước, mình vẫn luôn miệng nói thuốc rất tốt và vẫn uống hàng ngày còn gì?”
“Đúng thế, nó vẫn có tác dụng cho đến ngày hôm đó, nhưng kể từ đấy trở đi thì chẳng thấy tác dụng gì nữa rồi,” Thật là mâu thuẫn làm sao.
“Nếu mình vẫn cứ cố chấp, cứ uống rồi ngừng, uống rồi ngừng, thì có là thuốc tiên cũng chẳng tác dụng gì đâu. Mình phải kiên nhẫn thêm một chút. Chứng khó tiêu của mình đâu như các bệnh khác, làm sao mà ngày một ngày hai là có thể khỏi ngay được, có khi cả đời cũng chẳng khỏi ấy chứ.” rồi bà quay về phía O-san đang dọn bàn.
“Vâng, bả chủ nói đúng đấy. Nếu không uống thường xuyên, thì không thể nào biết thuốc có tác dụng hay không.” O-san lập tức đứng về phía bà chủ.
“Tôi không quan tâm. Tôi không uống, vì tôi không uống. Phụ nữ làm sao hiểu được chuyện này cơ chứ? Mình im lặng đi.”
“Được thôi. Tôi là phụ nữ đấy,” bà nói và đẩy lọ thuốc về phía ông, khá kiên quyết rằng ông thua rồi. Ông chủ đứng lên, không nói gì, và đi vào phòng nghiên cứu. Vợ ông và bà hầunhìn nhau cười khúc khích. Thỉnh thoảng tôi đi theo ông và nhảy lên đùi ông, nhưng lần nào cũng vậy, tôi phải trả giá đắt cho hành động ngu xuẩn ấy. Vì thế, tôi im lặng đi vòng qua vườn và nhảy lên hang hiên ngoài phòng nghiên cứu. Tôi lén nhìn vào phòng qua khe hở giữa hai cánh cửa trượt bằng giấy và thấy ông chủ đang xem một cuốn sách của người tên là Epictetus. (Epictetus là một triết gia lỗi lạc của Hy Lạp cổ đại). Nếu ông thực sự hiểu những gì mình đang đọc, chắc hẳn ông cũng xứng đáng để được ca tụng ấy chứ. Nhưng sau khoảng 5 hay 6 phút gì đó, ông gập sách lại, đúng như tôi dự đoán. Và khi tôi ngồi đó quan sát, ông lấy nhật kí ra và viết một đoạn như sau.
Đi dạo với Kangetsu quanh Nezu, Ueno, Ikenohata và Kanda. Ở Ikenohata, các geisha vận trên mình những bộ kimono mùa xuân sang trọng và chơi cầu lông trước Ochaya (お茶屋 – nơi các geisha làm việc). Trang phục của họ đẹp, nhưng gương mặt thì cực kì đơn giản. Và tự nhiên tôi nghĩ rằng họ có vẻ giống với con mèo đang ở nhà mình.
Tôi không hiểu tại sao ông lấy tôi ra làm ví dụ cho sự “đơn giản”. Thậm chí nếu tôi đến tiệm hớt tóc, cạo hết lông trên người đi thì đảm bảo là cũng không khác loài người các ông là mấy. Nhưng mà, bạn biết đấy, con người vẫn luôn tự phụ, và đó là việc của họ.
Khi chúng tôi đến phố Hotan, một geisha xuất hiện. Nàng mảnh mai, vóc dáng đẹp và bờ vai thuôn nhỏ rất đẹp. Cái cách nàng mặc bộ kimono màu hoa cà khiến nàng nhìn thật tao nhã. “Đêm qua, thật xin lỗi quá Gen-chan à, em bận quá …” Nàng cười và hàm răng trắng thoáng hiện ra. Giọng nàng khô khan, y như một con quạ lang thang, đó là điểm làm lu mờ vẻ ngoài thanh mảnh, nhã nhặn của nàng. Đến mức mà tôi còn không mảy may muốn quay lại nhìn xem Gen-chan này là người thế nào, mà tiếp tục tản bộ đến Onarimachi, hai bàn tay rúc sâu vào vạt áo kimono. Nhưng Kangetsu dường như lại trở thành một tên rỗi việc đầy bồn chồn.
Không có gì khó hơn việc tìm hiểu tâm lý con người. Tôi không thể nhìn ra trạng thái tâm lý của ông chủ hiện nay; ông đang giận dữ hay vui vẻ, hay đơn giản ông đang tìm kiếm sự an ủi từ những dòng viết nguệch ngoạc của mấy nhà triết gia đã chẳng còn sống. Thật sự thì chẳng ai biết được ông đang giễu cợt cuộc đời hay đang mong mỏi được những thành phần phù phiếm của xã hội chấp nhận; chẳng ai biết được ông đang giận điên lên vì những thứ vặt vãnh hay đang tự tách rời bản thân ra khỏi những thứ vật chất trần tục. So với mấy thứ phức tạp của con người, loài mèo quả thật đơn giản. Muốn ăn, chúng tôi sẽ ăn; muốn ngủ, chúng tôi sẽ ngủ; giận dữ, chúng tôi tỏ ra hoàn toàn giận dữ; rồi khi khóc, chúng tôi khóc bằng tất cả sự thất vọng tột cùng của nỗi đau buồn. Vì thế chẳng bao giờ chúng tôi có nhật kí hay cái gì tương tự. Để làm gì cơ chứ? Còn loài người, giống như ông chủ 2 mặt của tôi, chắc chắn là cần viết nhật kí rồi, để cái con người thật được cẩn thận cất giấu và chỉ có thể lộ diện ra trong căn phòng tối om thiếu sáng. Trong thế giới mèo, tất cả 4 công việc chính (đi, đứng, ngồi, nằm) và những hoạt động ngẫu nhiên như là bài tiết chất thải, chúng tôi đều tự do làm theo ý mình. Chúng tôi sống như chính nhật kí của mình, và do đó chẳng cần phải có ghi chép hàng ngày để lưu giữ bản tính thật làm gì. Nếu có thời gian viết nhật kí, tôi thà dung thời gian ấy cho những việc hữu ích hơn; nằm ngủ trên hàng hiên chẳng hạn.
Chúng tôi ăn tối đâu đó quanh Kanda. Tôi có uống vài ba chén sa-kê (mà lâu rồi tôi không đụng tới), nên cảm thấy dạ dày sáng nay rất tốt. Có thể rút ra kết luận rằng phương thuốc tốt nhất cho bệnh dạ dày của tôi là rượu sa-kê vào bữa tối. Takađiactaza thì chẳng tác dụng gì. Dù nói gì đi chăng nữa, đơn giản là nó không có tác dụng. Những thứ không hữu dụng thì vẫn cứ vô dụng.
Với cây bút của mình, ông chủ tiếp tục nói xấu takađiactaza. Cứ như thể ông tự cãi nhau với bản thân vậy, và qua đoạn nhật kí này, người ta có thể thấy được cảnh tượng của buổi sáng tâm trạng xấu ấy. Những đoạn nhật kí tương tự thế này có lẽ là đặc điểm nổi bật nhất của phần đông loài người.
Một ngày nọ, Ông X khẳng định rằng không ăn sáng tốt cho dạ dày. Và vì vậy, tôi không dùng bữa sáng 2 hay 3 ngày gì đó, nhưng hiệu quả duy nhất chỉ là làm dạ dày tôi sôi lên. Ông Y thì nhất quyết nói tôi phải tránh ăn các đồ ăn muối chua. Theo ông nói, dạ dày hoạt động không tốt, tất cả là vì đồ ăn muối chua. Lý luận của ông là kiêng ăn những thứ đồ này sẽ giúp loại bỏ tất cả nguồn gốc bệnh dạ dày, và phải tuân theo một liệu pháp điều trị toàn diện. Ít nhất 1 tuần sau đó, tôi không ăn chút đồ ăn muối chua nào, nhưng rồi, tất cả những sự kiêng khem này chẳng mang lại tác dụng gì, tôi tiếp tục ăn trở lại. Theo như Ông Z, chỉ có một liệu pháp chữa trị duy nhất hữu dụng, ấy là mát xa bụng. Nhưng mát xa bình thường thì không đủ. Cần phải mát xa kết hợp với các phương thức cổ xưa của Học viên Minagawa. Chỉ cần mát xa 1 lần, cùng lắm là 2 lần, dạ dày sẽ hết bệnh. Các học giả thông thái nhất, như là Yasui Sokuken, hay những anh hùng xuất chúng nhất, như là Sakamoto Ryoma, cũng đều dựa vào cách thức chữa trị này. Vì vậy tôi đến Kaminegishi để mát xa ngay. Nhưng phương thức họ sử dụng ở đây quả thật là tàn ác một cách bất ngờ. Ví dụ, họ nói rằng sẽ không có tác dụng nếu không mát xa xương; và rằng có lẽ sẽ rất khó để loại bỏ hoàn toàn bệnh của tôi trừ phi nội tạng của tôi phải được đổi ngược hoàn toàn, ít nhất 1 lần. Sau tất cả những chuyện đó, chỉ một chuyến trị liệu, đã biến toàn thân tôi thành mềm oặt như len, và tôi thấy giống như thể mình đã nhiều năm chịu đựng chứng mất ngủ. Tôi không bao giờ đến đó nữa. Một lần là quá đủ. Sau đó Ông A đảm bảo rằng không nên ăn đồ cứng. Vì thế cả ngày tôi chỉ uống sữa. Và bụng tôi cứ thế réo liên tục như thể bị ngập nước, cả đêm tôi không ngủ được. Ông B thì khẳng định rằng luyện tập cho hệ đường ruột bằng cách thở bằng cơ hoành sẽ làm cho dạ dày khỏe mạnh và ông khuyên tôi nên nghe theo ông. Tôi cũng thử làm thật. Một lần. Nhưng rõ ràng là không ích gì trong việc làm bụng tôi khá lên. Bên cạnh đó, dù tôi luôn tự nhủ phải điều khiển cơ thể thở bằng cơ hoành, nhưng cứ 5 hay 6 phút sau là tôi lại quên mất việc ép buộc các cơ bắp của mình. Và nếu tôi tập trung duy trì trạng thái điều khiển cơ thể ấy, thì đầu óc tôi lại chỉ toàn cơ hoành, chẳng đọc hay viết được nữa. Meitei (迷亭), một nhà thẩm mỹ bạn tôi, từng thấy tôi hít thở như vậy trong nỗ lực cố gắng có được một cái dạ dày khỏe mạnh, thì có nói thẳng thừng với tôi rằng, “Hãy làm một thằng đàn ông, và bỏ cái kiểu đau như đang lâm bồn kia đi”. Và chính thế việc thở bằng cơ hoành giờ cũng là chuyện quá khứ rồi. Bác sĩ C khuyên tôi ăn kiêng với bột kiều mạch. Có nhiều cách ăn, ăn với súp hoặc là để nguội sau khi đun sôi. Cũng chẳng có tác dụng, trừ việc làm dạ dày tôi đỡ co thắt. Tôi đã thử mọi cách có thể để chữa trị cho chứng bệnh lâu năm của mình, nhưng mà cách nào cũng vô dụng. Thế mà 3 chén sa kê tối qua uống cùng Kangetsu lại có ích. Từ giờ, tôi quyết định sẽ uống vài ba chén mỗi tối.
Tôi đồ rằng liệu pháp sake này rồi cũng chẳng kéo dài lâu. Ông chủ thay đổi xoành xoạch như thể mắt mèo thay đổi từ ngày sang đêm vậy. Ông không hề có lấy chút kiên nhẫn nào hết. Điều ngu ngốc hơn cả là mặc dù ông ta liệt kê ra đủ mọi loại phương pháp trị liệu vô dụng trong nhật kí nhưng rốt cuộc vẫn phải cố gắng tỏ ra mạnh mẽ cứng rắn khi chường mặt ra đường, cố cắn răng mà chịu đựng.
(còn tiếp)
Pingback: “Tôi là mèo” – Natsume Souseki, Người dịch: Reiko | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi
Pingback: “Tôi là mèo” – Chương 2 – Quyển I ( part 2/3 – chưa hoàn thành) | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi
Pingback: “Tôi là mèo” – Natsume Souseki, Người dịch: Reiko | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi