Truyện kể Kanji số 11: Tuổi tác và vì sao tuổi 20 lại được gọi là Hatachi?

Từ suốt bấy lâu nay học tiếng Nhật, trong mình luôn tồn tại một thắc mắc là tại sao, 20 tuổi tuy có thể đọc là nijussai nhưng lại thường được dạy và sử dụng là hatachi. Không chỉ vậy, trong tiếng Nhật còn có rất nhiều biệt danh ứng với mỗi mức tuổi khác nhau của con người, và tất nhiên, kanji đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đó.  Hãy thử tìm hiểu qua bài viết này nhé (bài viết sử dụng hiragana)

Hifumi

Trong tiếng Nhật, các chữ số từ 1 đến 10 thì ai cũng nhớ sẽ đọc là :
いち(1)・に(2)・さん(3)・し(4)・ご(5)・ろく(6)・しち(7)・はち(8)・きゅう(9)・じゅう(10) đúng không.
Tuy nhiên, đó đều là cách đọc theo âm Hán, còn một cách đọc theo âm Nhật nữa là:

ひ(1)・ふ(2)・み(3)・よ(4)・い(5)・む(6)・なな(7)・や(8)・ここの(9)・とお(10)

Tương ứng với các chữ Hán:
一(1)・二(2)・三(3)・四(4)・五(5)・六(6)・七(7)・八(8)・九(9)・十(10)

Thế nên 123 viết là 一二三 còn có thể đọc là hifumi (ngoài cách đọc ichi-ni-san như thông thường).

Hãy ghi nhớ những cách đọc trên nhé. Bây giờ chúng ta sẽ xem trong tiếng Nhật có những cách gọi tuổi nào nào.

Level 1:歳(さい)

Đây là cái mà hầu như bạn nào học tiếng Nhật cũng đều biết và thuộc ngay từ những buổi vỡ lòng đầu tiên. 歳 nghĩa là tuổi, ghép với số đằng trước (đọc theo âm Hán) sẽ ra số tuổi.
1 tuổi là 一歳(いっさい)
3 tuổi là 三歳(さんさい)
20 tuổi là 二十歳(にじゅっさい)v.v..

Về chữ Kanji, thì chữ 歳 này được cấu thành bởi 3 bộ: ở trên có chữ 止 (dừng), bên dưới là chữ 戉 (cái rìu) và trong lòng nó là chữ 少 (một chút). Thế thì 3 cái này liên quan gì đến năm, đến tuổi cơ chứ?

歩  + 戉 = 歳

Hượm đã nào. Đây là chữ Hán hội ý. Có nghĩa là trong một chữ có nhiều phần, mỗi phần có một nghĩa, hợp các nghĩa của từng phần sẽ có nghĩa của toàn chữ. Chữ 止 ghép với chữ 少 sẽ thành chữ 歩 (bộ – đi bộ), ám chỉ “sự trôi đi của thời gian, giống như con người đi bộ trên đường vậy”. Còn chữ 戉 chỉ cái rìu, hay cái liềm, là công cụ mà người nông dân xưa dùng để gặt lúa, khi đó ám chỉ 1 năm – 1 vụ mùa đã qua. Như vậy, ghép hai chữ này lại sẽ thành “lớn thêm một tuổi là khi một năm vụ mùa đã qua đi 戉, như thể đời người đã tiến thêm một bước 歩” và do đó được dùng để chỉ tuổi tác.

Level 2: 十路(そじ)

Level 2 cao thủ hơn. Đây là cách đọc cổ của người Nhật chuyên dùng để đọc những năm tuổi tròn chục. Người xưa dùng chữ lộ (路) nghĩa là con đường – để chỉ đời người trôi đi giống như trên một con đường vậy, và khi đó nó sẽ được đọc là じ。Từ này ghép với chữ thập đằng trước thành 十路 và đọc là soji, tức là chỉ “chục tuổi”.

Nên ta sẽ có:

20 tuổi → 二十路 → ふたそじ
30 tuổi → 三十路 → みそじ
40 tuổi → 四十路 → よそじ
50 tuổi → 五十路 → いそじ
60 tuổi → 六十路 → むそじ
70 tuổi → 七十路 → ななそじ
80 tuổi → 八十路 → やそじ
90 tuổi → 九十路 → ここのそじ

Level 3: Chơi chữ

Chà chà, level 3 này mới thực sự gọi là thú vị, vì nó sẽ liên quan đến cách người ta sử dụng rất sáng tạo, thậm chí hack não ở một số chữ kanji.

48 tuổi là 桑年 (そうねん), âm Việt là “tang niên”. “Tang” ở đây là dâu tằm, “niên” là tuổi. Sở dĩ 桑 là 48 vì chữ Hán cổ của 桑 là 桒 . Từ chữu này ta có thể nhìn thấy 4 chữ 十(10) và 1 chữ 八(8), ghép lại là 48 🙂

50 tuổi là 艾年(がいねん), âm Việt là “ngải niên”. Ngải trong cây ngải cứu. Sở dĩ dùng chữ 艾 vì trông nó giống kiểu tóc bạc của các cụ lão thành.

61 tuổi là 華寿 (かじゅ), âm Việt là “hoa thọ”. Nếu nhìn kỹ chữ 華 các bạn sẽ thấy nó bao gồm 6 chữ 十 kèm theo một chữ 一, ghép lại là 61 🙂 Năm này cũng đánh dấu hết một vòng 60 năm của can chi (12 con giáp) và bắt đầu một vòng mới, nên các cụ còn được gọi là 還暦(かんれき)- hoà giáp  (hoàn lịch).

Mừng thọ tuổi 61, các cụ vận trang phục màu đỏ

66 tuổi là 緑寿(ろくじゅ), âm Việt là “lục thọ”, xuất phát từ việc chữ 緑 và 六(6)có phát âm giống nhau (roku)

77 tuổi là 喜寿(きじゅ), âm Việt là “hỷ thọ”. Chữ này thì liên quan đến việc nếu thảo chữ 喜 (hỷ) theo nét thư pháp thì trông nó rất giống như được ghép lại từ 七 十 七

80 tuổi là 傘寿(さんじゅ), âm Việt là “tản thọ” trong đó “tản” là cái ô. Vì sao thì có thể mọi người cũng đoán ra, trong chữ này có xuất hiện chữ 八 và chữ 十 to đùng.

Mừng thọ tuổi 80, các cụ sẽ vận bộ trang phục màu tím

81 tuổi là 半寿(はんじゅ), âm Việt là “bán thọ” =)) Hãy nhìn chữ 半 sẽ thấy một chữ 八 lộn ngược (\ /) bên dưới là một chữ 十 và ー nên ghép lại là 81

88 tuổi là 米寿(べいじゅ), âm Việt là “mễ thọ” =)) Tương tự như 81 tuổi, chữ 米 (lúa) gồm 1 chữ 八 lộn ngược (\ /) bên dưới là chữ 十 và 八 nên ghép lại sẽ thành 88

Mừng thọ tuổi 88, các cụ sẽ vận trang phục màu vàng

90 tuổi là 卒寿(そつじゅ), âm Việt là “tốt thọ”. Chữ 卒 có chữu giản thể là 卆 gồm 九và 十

99 tuổi là 白寿(はくじゅ), âm Việt là “bạch thọ”. Sở dĩ như vậy là vì chữ 百 (100)mà bỏ đi nét 一 (1) ở trên đầu thì sẽ thành chữ 白. 100 – 1 = 99 nên suy ra chữ 白 tượng trưng cho 99 🙂

Mừng thọ tuổi 99 các cụ sẽ vận trang phục màu trắng

100 tuổi là 百寿(ももじゅ), “bách thọ” hoặc 紀寿(きじゅ), “kỷ thọ” lấy từ “thế kỷ” (世紀)

108 tuổi là 茶寿 (ちゃじゅ), âm Việt là “trà thọ”. Sở dĩ như vậy là vì bên trong chữ 茶 có 十、十、八十八 (cũng thắc mắc rằng lẽ ra ghép như vậy phải thành 188 nhưng chắc vì ko ai sống thọ dc đến thế nên lấy cho 108)

111 tuổi là 皇寿 (こうじゅ), âm Việt là “hoàng thọ”. Chữ Hoàng sẽ gồm chữ 白 là 99 ghép với chữ 十 kẹp bởi 2 chữ 一 ( 99+1+10+1=111)

Cuối cùng là 119 tuổi, có biệt danh là 頑寿(がんじゅ), âm Việt là “ngoan thọ”. Trong chữ 頑 ta thấy gồm có các chữ số 二 và 八 ở bộ bên trái(元), bộ bên phải (頁)có 百、一、八  (2+8+100+1+8=119). Đặc biệt, chắc người xưa có ẩn ý gì ở đây vì chữ 頑 (ngoan) kia là trong từ “ngoan cố, ngoan cường, bướng bỉnh” 🙂

Level 4: Lấy từ Kinh Lễ của Khổng Tử

Cái này thì chắc chẳng ai biết, mình cũng không biết. Kinh Lễ là cuốn rất nổi tiếng của Khổng Tử ghi chép các lễ nghi thời trước. Trong chương 1. Khúc Lễ Thượng có đoạn như sau:

Nhân sinh thập niên viết ấu, học;  nhị thập viết nhược, quán;  tam thập viết tráng, hữu thất;  tứ thập viết cường, nhi sĩ;  ngũ thập viết ngải, phục quan chính;  lục thập viết kỳ, chỉ sử;  thất thập viết lão, nhi truyền;  bát thập, cửu thập viết mạo;  thất niên viết điện. Điện dữ mạo truy hỏi tội, bất gia hình yên. Bách niên viết kỳ, di.

Nghĩa là:

Đời người ta lên mười gọi là thơ ấu. Hai mươi bắt đầu làm lễ quan (đội mũ, tức trưởng thành). Ba mươi là tráng kiện, có thể lập gia đình. Bốn mươi là tuổi mạnh nhất, ra làm quan. Năm mươi tóc đã bắt đầu bạc nên xin từ quan. Sáu mươi là già, có thể sai bảo người. Bảy mươi có thể dạy dỗ người. Tám mươi, chín mươi là già lắm, rất đáng thương, ở tuổi ấy dù có tội cũng không nên phạt. Trăm năm là kỳ hạn của đời người, phải nương cậy vào người khác gọi là “di” (trong di thư, di chúc).

Đó nên người Nhật cũng dựa vào những lời răn trên để đặt biệt danh

10 tuổi → ấu, học → 幼学(ようがく)
20 tuổi → nhược, quán →  弱冠 (じゃっかん)
30 tuổi → tráng, thất → 壮室(そうしつ)
40 tuổi → cường, sĩ → 強仕 (きょうし)

Nhưng từ tuổi 50 trở đi thì lại dùng chương 5. Vương Chế của quyển đó. Chú ý 杖 nghĩa là “trượng” , gậy chống của người già.

50 tuổi → 杖家(じょうか)→ được phép chống gậy đi khắp nhà
60 tuổi → 杖郷(じょうきょう)→ được phép chống gậy đi khắp quê hương
70 tuổi → 杖国(じょうこく)→ được phép chống gậy đi khắp quốc gia
80 tuổi → 杖朝(じょうちょう)→ được phép chống gậy đi khắp triều đình
Thật sự hại não 🙂

Vì sao tuổi 20 lại được gọi là hatachi?

Lan man một hồi, trở lại thắc mắc ở đầu bài. Vì sao 20 tuổi lại được gọi là hatachi?

Xung quanh cách gọi này có rất nhiều giả thiết khác nhau.

  1. Đó là hata là đọc chại đi từ futa và được dùng để chỉ hai chục. còn chữ chi là đọc chại đi của つ (đơn vị đếm) nên 20 cái (tuổi) là hatachi
  2. Đếm hết cả 2 bàn tay và 2 bàn chân thì vừa tròn 20. Hoàn thành trong tiếng nhật có từ はたす(果たす)đọc chại đi thành hatachi
  3. Liên quan đến thời samurai、旗乳(はたち)

Giả thiết thứ 3 này xem chừng thuyết phục nhất. Đó là chữ 旗 nghĩa là lá cờ, còn chi là trong chữ 乳(vú). Thời chiến quốc, các thanh niên mới lớn, tròn 20 tuổi, còn rất trẻ, người đời hay gọi là miệng còn hôi sữa 乳 nhưng đã có thể tham gia trận mạc. Thời chiến quốc thì các thanh niên này thường sẽ giắt một lá cờ có vẽ gia huy hoặc hiệu của chủ tướng đằng sau lưng và tiến ra chiến trường. Nó cũng hàm ý rằng, tuổi 20 là tuổi mà thanh niên trai tráng có thể tự đưa ra quyết định, theo con đường võ sĩ tức cầm cờ 旗 xông pha trận mạc, hay là tiếp tục ở nhà bấu váy mẹ nuôi 乳. Từ đó mới có lễ thành nhân ở Nhật, tức khi lên 20 tuổi thì người ta có thể tự đưa ra những quyết định quan trọng và tự làm chủ cuộc sống của mình.

Kết

Theo Kiyoshi thì chúng ta chỉ cần biết dùng ở level 1 và biết vì sao hatachi lại là hatachi thôi. Còn những level 2,3,4 kia chắc cũng chẳng còn tồn tại trong tiếng Nhật hiện đại nữa, có chăng là được dùng trong những lễ mừng thọ. Tuy nhiên, biết thêm được những điều mới mẻ này cũng quả thực là thú vị.

Hẹn gặp lại trong các số “Truyện kể Kanji” tiếp theo 🙂


Tham khảo:

Kanji – Fun Facts! (Reddit)

年齢とその呼称 (Wikipedia)

漢字の覚え方 歳

Kinh Lễ, người dịch: Nguyễn Tôn Nhân

十路, kotobank

はたちの語源・由来

Advertisement

3 thoughts on “Truyện kể Kanji số 11: Tuổi tác và vì sao tuổi 20 lại được gọi là Hatachi?

  1. 還暦 có vẻ như là chữ “hoàn lịch” chứ bậu. Chữ trước rõ ràng là chữ Hoàn òi, còn chữ sau là một dạng của chữ lịch.
    Qua nghĩ hoàn lịch là quay lại lịch theo vòng can chi mới, nôm na là một vòng hoa giáp (60 năm) mới. Bậu lại chú nghĩa là “hòa giáp”, qua tra từ điển mãi mà không “chộ”

    Thích

Để lại bình luận

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.