Ở kì trước, chúng ta đã tìm hiểu khá nhiều điều thú vị liên quan đến Kanji của một số loài động vật tiêu biểu. Đến với kì 6, cũng là nói về Kanji của các loài vật, nhưng mà sẽ chủ yếu xoanh quanh “tiếng gọi nơi hoang dã”. Để biết nó là gì, mời các bạn đọc bài 🙂
Chim bồ câu 鳩(hato)
Hầu hết các chữ Hán liên quan đến chim chóc đều có bộ Điểu (鳥) như các bạn có thể nhìn thấy phía bên tay phải của chữ Hán. Tuy nhiên vì sao lại là cửu (九). Số 9 thì có liên quan gì đến chim bồ câu cơ chứ ? Câu trả lời là có, nhưng chỉ có người Nhật mới thấy liên quan. Số 9 trong tiếng Nhật còn được đọc là “ku” và đây cũng chính là âm thanh mà bồ câu phát ra kuu kuu (thực ra nghe giống kruc kruc hơn). Loài chim nào mà kêu kuu kuu như số 9 ? Bồ câu 🙂 Tất cả được gói gọn trong 1 chữ Hán.
Qua ví dụ trên thì các bạn đã phần nào biết được rằng “tiếng gọi nơi hoang dã” mà bài viết này muốn nhắm đến rồi phải không? Đó chính là tiếng kêu của các loài vật, và nhờ đó mà chúng đã có được chữ kanji cho riêng mình.
Ngỗng 鵞鳥 (gachou)
Hãy nhìn vào bộ 鵞 (ga) ở bên trái. Cái bộ phía trên là 我 (âm Nhật đọc là ware, nghĩa là Tôi), ghép với bộ Điểu 鳥 bên dưới, “Tôi là Chim”? Không phải đâu. Thực ra thì cũng giống như bồ câu, sự xuất hiện của 我 chỉ đơn giản là thể hiện âm thanh của ngỗng. Ngỗng kêu “gaa gaa“, và âm Hán của 我 cũng đọc là “ga“.
Hải âu 鴎 (kamome)
Với một đảo quốc như Nhật Bản, bốn bề bao bọc bởi biển thì Hải âu là một loài động vật hết sức quen thuộc và có rất nhiều tại đây. Với việc là chim, Hải âu “được ban cho” bộ Điểu ở bên phải. Thực ra thì âm thanh của hải âu nghe như “kưua kưua” chứ không hẳn là “ku” như 区. Tuy nhiên, đối với người Nhật thì nó nghe như là “kư kư“, và thế là chữ Hán cho Hải âu ra đời.
Quạ 鴉 (karasu)
Loài chim cuối cùng trong số ngày hôm nay, quạ. Quạ có rất nhiều ở Nhật Bản, bay tứ tung khắp ngoài đường phố, các lâu đài, công viên cho đến các khu nghĩa địa, đến nỗi mà số lượng của chúng nói không ngoa thì chắc chỉ đứng sau gà. Quạ cũng mang trong mình bộ Điểu ở bên phải và bên trái của nó là bộ Nha (牙) có nghĩa là răng nanh hoặc ngà voi (đọc là kiba trong tiếng Nhật). Nhưng Quạ thì làm gì có răng nanh cho cam ?! Một lần nữa, cũng là do tiếng kêu mà chúng phát ra, GAA GAA, trùng với âm Hán của 牙. Mà quả thực chữ 牙 cũng hợp với quạ, nếu bạn nhìn vào cái mỏ khoằm của chúng, trông như một cái răng nanh khổng lồ.
Muỗi 蚊 (ka)
Muỗi, loài vật mà đi đâu cũng được người ta “vỗ tay” chào đón. Nếu các bạn nghe thấy những tiếng “vù vù” xung quanh, bạn biết rằng đó là muỗi, và bạn cần ra tay trước khi chúng làm thịt mình 🙂 Đó là lý do mà chữ Hán của muỗi có từ 文 (nghĩa là Văn – âm Nhật đọc là bun). Tất nhiên, chữ Văn 文 không có ý nghĩa gì liên quan đến muỗi hết, chẳng qua là tiếng đập cánh của muỗi nghe giống như “bun bun” nên người ta tặng cho nó chữ 文, bên cạnh bộ trùng 虫 bên cạnh.
Mèo 猫 (neko)
Loài vật cuối cùng trong bài viết ngày hôm nay và rất quen thuộc với chúng ta, mèo. Mèo trong tiếng Nhật kêu nian nian trong khi hầu hết các nước trên thế giới thì đều là meo meo. Tuy nhiên người phát minh ra chữ Hán là người Trung Quốc chứ không phải người Nhật. Trong tiếng Trung, chữ 苗 (bộ bên phải chữ mèo) đọc là Myou, gần giống với tiếng kêu Meo meo, ghép với bộ Khuyển 犭dùng để chỉ súc vật, thú nuôi (đã nói ở phần 1), ta được chữ Mèo như ngày nay. Ngoài ra thì vì sao mèo trong tiếng Nhật đọc là neko, có lẽ là cách đọc từ 寝子 (寝る là ngủ, còn 子 là con/bé). Cái con vật mà suốt ngày chỉ biết nằm ườn ra ngủ, chả là mèo thì là gì 🙂
—
Nguồn:
“Spotting the hidden meanings hiding within Animal Kanji“, by Koichi, Tofugu, August 14, 2012
今日はこのブログを知っています、特別に漢字を覚えにくいのに、面白いと思いますね。有り難うございます
ThíchThích