Như các bạn đã biết thì kể từ năm 1873, Nhật Bản đã không còn đón năm mới theo âm lịch mà chuyển sang đón Tết theo dương lịch. Tuy vậy không vì thế mà các phong tục đón Tết của người Nhật bị thay đổi. Thật may mắn là vừa qua Kiyoshi đã được ở Homestay tại nhà thầy giáo của mình tại Hiroshima, và trải nghiệm trọn vẹn không khí đón Tết của người Nhật. Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Oomisoka (大晦日)
Thu dọn nhà cửa
Cũng giống như người Việt Nam, để đón năm mới và chia tay năm cũ, người Nhật cũng quét dọn nhà cửa. Thông thường nó diễn ra vào ngày 31 tháng 12, và được gọi là Oomisoka (大晦日).
Ngoài việc thu dọn, quét nhà như thường lệ thì người Nhật còn chú ý đến việc thu dọn sạch sẽ Washitsu (phòng kiểu Nhật) vì đây thường là phòng để đặt lễ và thờ thần. Vì thế, chúng ta sẽ tiến hành thay giấy cho Shouji (loại cửa kéo của Nhật làm bằng gỗ có dán các miếng giấy washi.
Công đoạn thay giấy này khá kì công, vì bạn phải quét nước hết tấm cửa Shouji để gỡ hết giấy ra. Sau đó bôi hồ vào từng thanh song chắn cửa, và trải giấy washi lên. Một căn phòng kiểu Nhật bình thường làm chắc cũng phải mất cả sáng hì hục liên tục.
Sau đó đến giờ nghỉ trưa. Thông thường các quán ăn ở Nhật sẽ bắt đầu nghỉ từ chiều ngày 31, và bắt đầu mở cửa trở lại sau ngày mùng 3 tháng 1. Hôm đó thì mình đã được ăn trưa ở một quán Okonomiyaki gần đó. Đây là Okonomiyaki theo phong vị Hiroshima, với các lớp bột, rau cải, mì udon, thịt, giá, trứng,… chồng lên nhau chứ không có trộn hết lên rồi mới nướng như vùng Kansai.
Quét dọn đền
Ở Nhật có rất nhiều đền. Xung quanh nhà nào, xóm nào cũng phải có ít nhất 1 ngôi đền để bảo vệ gia đình. Vào sáng sớm ngày Oomisoka, người dân xung quanh đền sẽ tự động đến để thu dọn, lau chùi sạch sẽ cho đền, thu dọn lá vụn để làm thông thoáng cảnh khí. Công việc này gọi là jinja-souji (神社掃除) và hoàn toàn tự nguyện.
Đây là một việc làm hết sức có ý nghĩa trong ngày đón năm mới.
Nấu nướng, chuẩn bị Osechi (お節)
Bữa ăn ngày Tết của người Nhật được gọi là osechi. Đây là một tổ hợp rất nhiều món ăn được chế biến khá công phu, cầu kì. Các món ăn này sẽ được bày lên các hộp hình vuông giống như hộp Bento (còn gọi là Juubako). Mình sẽ giải thích nguyên liệu và ý nghĩa từng món ăn ở phần sau.
Việc chuẩn bị Osechi cũng ngốn hết cả buổi chiều, vì phải làm một lượng tương đối nhiều cho các ngày hôm sau. Người Nhật quan niệm nấu ăn 3 ngày Tết có thể sẽ đem lại những điều không may mắn. Và thông thường sau khi nấu ăn xong người ta sẽ đi tắm bồn, thư giãn xem chương trình Kouhaku để chờ năm mới đến.
Chương trình Kouhaku
Giống như chương trình “Chiều cuối năm” hay phát trên VTV, ở Nhật đài NHK cũng có một chương trình đặc biệt để đón năm mới, đó là chương trình Kouhaku Uta Gassen (hay còn được biết đến đơn giản là Kouhaku). Chương trình được chiếu từ khoảng 7h30 tối cho đến gần nửa đêm.
Nội dung: Có 2 đội. Đội đỏ (赤 – kou) gồm các ca sĩ là nữ hoặc các girlband (kiểu AKB48). Đội trắng (白 – haku) gồm toàn các ca sĩ là nam hoặc các boyband. 2 đội thay phiên nhau hát liên tục và đội nào giành được nhiều vote nhất từ khán giả sau khi chương trình kết thúc sẽ là đội thắng cuộc.
Chương trình không chỉ là sân khấu của những ban nhạc trẻ nổi tiếng trong năm qua mà còn có cả những tên tuổi cạo gội của showbiz Nhật. Thế nên nó mang một sức hút rất lớn với cả già lẫn trẻ.
Giao thừa
Vào khoảng 11h đêm (tức là còn 1 tiếng trước khi giao thừa), mọi người trong gia đình sẽ quây quần lại bên nhau để ăn món ăn cuối cùng tiễn năm cũ, đó là mì soba (hoặc udon), gọi là toshikoshi-soba (年越しそば). “toshikoshi” nghĩa là “qua năm cũ”. Thông thường thì đó là một bát mì soba đơn giản như mình được ăn, tuy nhiên nhiều người có thể thêm tempura hoặc thịt vào nếu muốn.
Sau khi ăn xong mì soba tiễn năm cũ. Mình cùng thầy sửa soạn quần áo để ra lễ đền. Phong tục thăm đền đầu năm này gọi là “hatsumoude” (初詣). Vào ngày này thì không có tiếng countdown (ở các thành phố lớn thì có) và không có tiếng pháo hoa (thật kì lạ là người Nhật không bắn pháo hoa vào thời khắc giao thừa như các đất nước khác), thay vào đó chúng ta sẽ nghe thấy 108 tiếng gõ chuông chùa. Gọi là jouya-no-kane (除夜の鐘), 108 tiếng chuông tượng trưng cho 108 tội lỗi của con người theo Phật giáo, và 108 tiếng chuông ngân lên đêm giao thừa nhằm thanh tẩy hết những tội lỗi đó trong năm cũ.
Theo chân thầy giáo đến một ngôi đền lớn trong vùng để “hatsumoude” (chú ý là đi sang 2 bên trái hoặc phải, không được đi ra giữa vì đó là lối đi của thần). Tại đây các bạn sẽ thấy người ta đang đốt những đồ vật của năm cũ, trong đó có cả kadomatsu. Vì nó làm bằng tre nên khi đốt sẽ gây ra những tiếng nổ “đốp”, “đốp” tựa như pháo rang.
Vào thăm chùa các bạn sẽ đến trước gian thờ, tung xu (bao nhiêu cũng được) vào thùng, cúi đầu 2 cái, vỗ tay 2 cái, rồi cầu chúc cho năm sau. Trong lúc đó thì các kannushi (người bảo hộ của đền) và miko (các vu nữ giúp việc cho đền) sẽ phẩy cây gậy phép haraegushi lên đầu chúng ta, để thanh tẩy điều xấu của năm cũ, xong đâu đấy bạn sẽ cúi chào ra về.
Trước khi ra về, người ta thường không quên mua các món bùa năm mới, gọi là omamori (お守り), thông thường là các túi bùa may mắn, con giáp,… Một trong những vật bảo hộ không thể thiếu là mũi tên Hamaya dùng để xua đổi tà ma, đón tài đón lộc. Người ta cũng thường hay bốc quẻ đầu năm, omikuji để xem năm đó có gặp nhiều may mắn không. Nếu được quẻ cát (kichi 吉) thì là tốt, còn nếu rủi phải quẻ hung (kyou 凶) thì gấp lại, treo lên cành cây để nhờ thần xóa đi.

hamaya
Về đến nhà, mọi người trao nhau những lời chúc năm mới và lên giường đi ngủ.
Mùng 1
Sáng mùng 1 thì cả nhà quây quần ăn sáng.
Trước khi ăn sáng, thường chủ nhà (người bố hoặc ông) sẽ bắt đầu “chúc mừng năm mới” cả nhà. Hỏi mọi người kì vọng và mục tiêu trong năm mới là gì, sau đó lì xì cho các con và cháu (lì xì tiếng Nhật gọi là otoshidama お年玉) nhằm khích lệ và động viên các thành viên nhỏ tuổi nỗ lực hơn trong năm mới.
Bữa sáng là osechi (đã làm từ hôm trước) và món zouni (雑煮) có thành phần chính là bánh mochi.
Về zouni. Đây là một món ăn của samurai từ thời xưa trước khi ra trận, ngày nay đã là một món ăn truyền thống ngày Tết, dùng để dâng lên các vị thần. Thành phần chính gồm có mochi, với nước hàng dashi. Như trong hình thì có thêm một lát củ cải trắng cùng ít rau thơm. Cái màu vàng là vỏ một loại cam gọi là Dai Dai.
Về osechi, tổ hợp các món ăn truyền thống ngày Tết của người Nhật.
Tazukuri: cá mòi khô sốt nước tương shoyu và đường. Viết bằng từ kanji 田作り có nghĩa đen là “người khai khẩn ruộng lúa”, vì trong lịch sử, cá đã được sử dụng để làm giàu đất ruộng. Món này tượng trưng cho vụ mùa bội thu.
Kamaboko: Một loại chả cá của Nhật. Màu trắng hoặc hồng, có ghi chữ 寿 (thọ) ở trên. Ở đây bác chủ nhà đã nhét thêm một ít umeboshi (mơ muối) vào trong cùng với rau thơm. Vì màu trắng cộng với màu hồng của umeboshi là 2 màu may mắn, và còn là biểu tượng của nước Nhật.
Renkon: Rễ cây sen. Cây sen là biểu tượng của Bồ tát.
Kuro-Mame: Đậu đen Nhật. Mame nghĩa là “khỏe mạnh”. Từ này đọc gần giống từ “majime”, nghĩa là “chăm chỉ” (trong năm tới)
Matsumaezuke: Một món làm từ mực, tảo bẹ Nhật (cái dài dài màu nâu xanh) và trứng cá trích. Vì trứng cá trích là kazunoko 数の子. Kazu có nghĩa là “số” và “ko” nghĩa là “đứa trẻ”. Món này tượng trưng cho lời chúc con đàn cháu đống dịp năm mới.
Kinton: Khoai lang nghiền. Vì ngày xưa có ít đồ ngọt nên đây là một món ăn rất ý nghĩa ngày tết. Màu vàng của nó cũng tượng trưng cho hi vọng giàu có.
Konbu: Tảo bẹ Nhật. Từ này liên quan tới từ yorokobu, nghĩa là “vui vẻ”.
Cà rốt, khoai sọ, củ ngưu báng: các loại rau củ điển hình của Nhật Bản
Ngoài ra còn có trứng cuộn, thịt lợn, nấm, … tùy từng gia đình
Và tất nhiên là không thể thiếu rượu Sake hoặc Shochu !
Sau khi ăn xong, người Nhật thường nghỉ ngơi, xem ti vi, chơi Karuta, đi thăm họ hàng thân thích, đọc thiệp chúc mừng năm mới, gọi điện hỏi thăm nhau, …
Cảm nhận chung về Tết của người Nhật là khá thanh bình, không ồn ào náo nhiệt và có nét gì đó rất riêng, gắn liền với Shinto. Họ đề cao việc nghỉ ngơi là chính, chứ không quá tất tả bận bịu đi thăm đó đây bạn bè gần xa bà con cuối phố như Việt Nam. Thực tế nhiều người Nhật coi dịp nghỉ Tết dài ngày là dịp để đi du lịch.
Mùng 1 và 2 thầy mình cũng chỉ đi ra thăm đền một lần rồi lại về nghỉ ngơi. Các công ty thì nghỉ hết ngày mùng 3 là đi làm. Còn các dịch vụ như mua sắm, konbini thì thường là không có ngày nghỉ, hoặc nghỉ rất ít.