Sốc (shock) văn hóa (P4): Cúi đầu

Tiếng Nhật là Ojigi (お辞儀). Nhắc đến người Nhật, người ta nghĩ ngay đến cúi đầu. Văn hóa cúi đầu đã ăn sâu vào tâm thức và xã hội Nhật Bản, nó thường xuyên đến nỗi người ta cúi đầu như thể một phản xạ tự nhiên vậy. Với những người nước ngoài như chúng ta thì cúi đầu là một cái gì đó rất lạ, đôi khi còn thấy hơi kì cục vì Việt Nam mình không có cúi đầu. Tuy nhiên, nhập gia thì tùy tục, để tránh lâm vào những tính cảnh bối rối và có những ứng xử thích hợp với văn hóa giao tiếp của người Nhật thì chúng ta cũng nên tìm hiểu một chút về văn hóa cúi đầu của họ.

Cúi đầu phải tự nhiên

Ohayou !

Nhiều bạn gặp người Nhật thường hay cúi đầu 45 độ rồi giữ một lúc. Hay có nhiều ông, chắc ngộ manga hay anime, lại cúi đầu theo kiểu, đứng nghiêm, đợi một lúc rồi cúi đầu cái rụp thật mạnh và cứ tưởng rằng người Nhật ai cũng cúi đầu chào nhau như thế.

Không phải đâu, các bạn cần hiểu rằng hầu hết việc cúi đầu chào nhau là rất nhẹ nhàng và phổ thông, có nghĩa là chỉ cúi đầu nhẹ nhàng thôi, nhiều khi chỉ cần gật đầu là ổn. Về sau chúng ta sẽ tìm hiểu thêm cúi bao nhiêu là đủ và trong trường hợp nào, nhưng cáu này cũng rất đơn giản thôi.

Ý nghĩa của việc cúi đầu

Ý nghĩa của những cái cúi đầu tùy thuộc vào hoàn cảnh, độ sâu và thời gian của việc cúi. Việc cúi đầu thể hiện sự kính trọng mà bạn dành cho người hay một vật đằng trước. Và điểm này thì phù hợp với sự phân cấp xã hội của Nhật Bản. Nếu như bạn là một người có địa vị xã hội cao, như giám đốc hay là các chính trị gia hoặc là cấp trên của ai đó, bạn sẽ thấy rằng người có địa vị thấp hơn sẽ ăn nói rất lễ phép và lịch sự với mình, cúi đầu thấp hơn và có khi, nếu đi ăn nhà hàng, họ sẽ order món ăn y hệt với bạn (để khỏi làm bạn phật ý).

Nói như vậy để cho thấy rằng, cúi đầu chỉ là một cách để thể hiện lòng kính trọng và khiêm nhường của mình trước một ai đó. Bạn có thể cúi đầu khi chào một ai, nói lời cảm ơn, xin lỗi, chúc mừng, v.v…

Cúi như nào ?

Quy tắc chung là cúi đầu về phía trước, mắt nhìn xuống đất để tránh eye-contact, khi cúi đầu hoặc cúi cả người, tay thẳng ép sát hông, chân giữ thẳng, không cong.

  • Gật đầu, 5 độ: Chỉ đơn giản là gật nhẹ đầu một cái (nhớ là gật về đằng trước chứ đừng gật gật hất gáy về sau 🙂 ). Thường là khi gặp bạn thân hoặc bạn cũ đã lâu không gặp, hoặc có thể là người thân thích. Còn một trường hợp nữa. Nếu bạn là một người có địa vị xã hội cao hơn người kia, bạn cũng có thể gật nhẹ để chào. Điều đó thể hiện sự khiêm nhường và nhã nhặn của bản thân, và thể hiện rằng mình cũng coi trọng người kia mặc dù họ có địa vị thấp hơn. Một trường hợp nhỏ nữa là khi đang đi trên đường mà lỡ va phải ai đó hay vào phòng quên gõ cửa, bạn cũng nên cúi đầu khoảng 5 – 10 độ để xin lỗi, kèm theo câu “sumimasen”. Nếu muốn nhờ vả bạn bè làm gì cũng nên cúi nhẹ (gật đầu), chắp hai tay và liên tục “onegai, onegaishimasu” 🙂

  • Cúi chào – Eshaku (会釈), 15 độ – 20 độ: Thường là khi chào với những người quen hoặc “bằng vai”. Những người này bạn có quen biết nhưng không thân mật đến mức chỉ cần gật đầu là xong (ví dụ như đồng nghiệp, người cùng công ty, cô dì chú bác). Một số trường hợp nữa là trong khi thi đấu ở một số môn thể thao và võ thuật, đối thủ khi chào nhau sẽ chỉ cúi khoảng 15 độ và mắt sẽ nhìn thằng vào nhau. Khi đến thăm các đền Thần để cầu an, bạn cũng chỉ cần cúi đầu tầm 15 – 20 độ và chắp tay cầu khấn. Tương tự trong kinh doanh khi người Nhật luôn coi “khách hàng là thượng đế”, bạn nên cúi chào khoảng 20 độ, có thể kèm theo câu nói “irasshaimase” thường gặp trong các nhà hàng.

  • Cúi đầu trang trọng – Keirei(敬礼), 30 độ: Đây là lúc thể hiện nhiều sự kính trọng và trang trọng khi cúi đầu. Thường là khi gặp sếp, giám đốc hoặc ai đó có địa vị xã hội cao hơn, bạn sẽ gật đầu tầm khoảng 30 độ. Với những người bạn mới gặp lần đầu tiên thì thường nên cúi khoảng 30 độ, (người thân trong gia đình hay bạn bè thì không cúi đầu kiểu này). Đặc biệt là khi nhận danh thiếp từ ai đó, bạn nên nhận bằng 2 tay, cúi đầu 30 độ và giữ tầm 1 giây.

  • Cúi đầu cực trang trọng (最敬礼), 45 độ: Thường là khi bạn muốn xin lỗi ai đó. Ví dụ như phóng xe quá tốc độ, làm hỏng việc gì đó… Với những lỗi thông thường, như chậm deadline hay làm phật lòng ai đó, hãy cúi đầu 45 độ, thậm chí là cúi cả người 45 độ và giữ như vậy trong 5 giây, đồng thời nói “sumimasendeshita”. Với những lỗi lầm nghiêm trọng hơn, ví dụ như Công ty của bạn bị tố cáo gian lận hay các quan chức chính phủ bị cáo buộc tham nhũng, ăn hối lộ,.. sẽ có một buổi họp báo và họ thường sẽ cúi cả người 45 độ và giữ trong 15 đến 20 giây và nói moushiwake gozaimasen deshita hoặc makoto ni moushiwake gozaimasen deshita.

Nếu có xem truyền hình đợt sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima, bạn sẽ để ý các điều hành viên nhà máy của TEPCO ở đó còn phải cúi đầu xin lỗi (hơn 45 độ) trước người dân, và giữ trong mấy chục giây lận.

Nếu như gặp một nhân vật vô cùng quan trọng như nguyên thủ quốc gia hay nghị sĩ nào đó, lúc cúi chào (45 độ) không bao giờ được phép vừa cúi đầu vừa bắt tay. Lỗi này người Mỹ và Âu hay gặp vì họ có thói quen bắt tay nhau thay vì cúi đầu như Nhật.

Hành động “không chuẩn” của tổng thống Mỹ Obama khi tiếp Nhật hoàng Akihito, tuy nhiên đó là điều bình thường với người ngoại quốc.

  • Cúi đầu sát đất: Trong giao tiếp thông thường thì không bao giờ có chuyện đó, trừ phi bạn đang lạc ở thời phong kiến. Tuy nhiên, kiểu cúi đầu sát đất này có thể được gặp ở một số môn võ, ví dụ như môn Kenjutsu (Kiếm thuật) người ta sẽ cúi đầu sát đất trước thanh kiếm, hay trong môn Kendo (Kiếm đạo), Karate, trò thường cúi đầu sát đất trước thày, trong Trà đạo hay một số nghệ thuật truyền thống khác như geisha cũng vậy.

Nếu như không biết, chưa quen hoặc quá bối rối, phân vân không biết cúi đầu như nào cho đúng thì phao an toàn của bạn là cúi 30 độ. Với người ngoại quốc như chúng ta mới chân ướt chân ráo đến Nhật, bao nhiêu bỡ ngỡ, việc làm quen với cúi đầu như nào cũng cần thời gian và người Nhật, tất nhiên, cũng thấu hiểu và thông cảm điều này. Cần nhất là bạn nên tỏ ra tự nhiên và vui vẻ khi cúi đầu, nhất là khi chào (trừ trường hợp phải cúi vì xin lỗi 😦 )

Cúi đầu đáp lại

Người ta cúi đầu chào mình thì mình cũng nên cúi đầu chào lại chứ 🙂

  • Nên cúi đầu đáp lại khi có người cúi chào mình (trừ một số trường hợp như nhân viên cửa hàng cúi chào bạn hoặc những người phát tờ bướm trên phố).
  • Khi đưa danh thiếp, người đưa cũng có xu hướng cúi nhẹ (tầm 30 – 45 độ) và khi nhận bạn cũng cần cúi đầu khi nhận.
  • Hầu hết khi gặp người già thì nên chủ động cúi chào.

Fun Facts

Cúi nhiều quá thành quen, và có một số thói quen của người Nhật liên quan đến việc cúi đầu khá là thú vị.

  • Cúi đầu khi nghe điện thoại: Mặc dù chỉ nói chuyện qua điện thoại, không thể nhìn thấy nhau nhưng cứ vài câu họ lại gật một cái. Nhiều người còn gật lia lịa khi nghe điện thoại cơ, cứ “はい、はい” kèm theo mấy cái gật. Nếu thấy bản thân mình nghe điện thoại mà cũng gật thì chúc mừng, bạn thành người Nhật rồi đấy 🙂

  • Nhân viên bán hàng cúi chào với bạn: “Khách hàng là thượng đế kiểu Nhật” là đây chứ đâu, yên tâm là bạn không phải cúi chào lại họ đâu, dù gì họ cũng được trả lương để làm vậy mà.
  • Cúi tiễn: Thỉnh thoảng ở bến tàu, bạn sẽ thấy ai đó đi tiễn người thân, và cúi chào khi con tàu lăn bánh hoặc nhổ neo. Có người còn giữ nguyên tư thế như vậy cho đến tận khi con tàu đã đi khuất tầm mắt. Nhưng trường hợp này hiếm lắm, quá xúc động hay rất trang trọng mới làm vậy thôi.

Cúi và cúi liên tục

Nhiều khi bạn sẽ thấy cảnh (hoặc tự mình trải nghiệm) một người cúi chào người kia, xong người kia cúi đầu chào lại, xong cứ thế cứ thế (với độ cúi thấp dần), như kiểu: “A, anh ta cúi chào mình, mình cũng nên cúi chào lại”, “Ồ, anh ta lại cúi chào mình, mình cũng nên cúi chào lại”… (khá là kì cục phải không 🙂 )

Kết

Đó là tất tần tật những gì về văn hóa cúi chào của Nhật Bản. Cá nhân mình thấy đây là một văn hóa rất hay và thú vị, thể hiện sự kính trọng người khác và khiêm nhường của người Nhật, luôn giữ sự hòa hảo trong các mối quan hệ. Mong rằng các bạn sẽ rút ra được nhiều điều bổ ích và không bị sốc văn hóa cúi chào khi sang Nhật :).

Shock văn hoá

Sốc văn hoá


Nguồn:

Bowing in Japan [Japanese Etiquette]“, by Koichi, Tofugu, July 12, 2010

14 Reasons You Should Bow in Japan” by John Spacey, Japan Talk, July 21, 2014

Strange? or Mysterious? Japanese 9 Distinctive Gestures and Styles“, by UCHACA, mcha-jp.com, June 09, 2014

Để lại bình luận

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.