Thần đạo Shinto (P11): Kiến trúc đền

Một nét độc đáo của Thần đạo đó là kiến trúc của các đền thờ, một nét kiến trúc độc đáo chỉ có thể được tìm thấy ở Nhật Bản. Những đặc điểm kiến trúc không những là điểm thu hút khách du lịch đến thăm, thu hút các nhiếp ảnh gia mà còn trở thành biểu tượng cho văn hóa Nhật Bản.

Cấu trúc đền

Một ngôi đền truyền thống được xây dựng bằng các vật liệu tự nhiên như gỗ, rơm, và đá. Các ngôi đền không nhất thiết phải to, chỉ cần đủ rộng để thần chủ làm lễ bên trong, những người khác sẽ đứng bên ngoài cầu khấn. Bên trong ngôi đền là một bệ thờ chính và thần điện, nơi linh thiêng nhất, chứa vật biểu tượng cho vị thần của ngôi đền.

Bên trong ngôi đền không có các hình trang trí hay tượng đá minh họa các vị thần. Thường chỉ có các vật dụng như đá, cung và tên, kiếm, hạt cườm hay gương, tuy nhiên chúng không thực sự quan trọng vì người ta tin rằng bản thân các vị thần luôn ở trong ngôi đền, cụ thể là trong thần điện, nên những vật trang trí trên không thật sự cần thiết.

Những ngôi đền nhỏ thường nằm một mình, tuy nhiên những ngôi đền lớn hơn thường có cấu trúc phức tạp với nhiều điện thờ và các công trình kiến trúc phụ. Một đền thờ lớn thường bao gồm nhà nguyện, một sảnh đường gần nguồn nước để thực hiện nghi thức thanh tẩy, một phòng ban quản lí đền, một khu để mọi người đặt đồ lễ, một gian để mọi người đến cầu nguyện, hoặc ngày nay thì có nhiều hơn những gian hàng hoặc cửa hàng nhỏ chuyên bán các loại quẻ, bùa cầu may cho khách đến thăm .v.v…

4 kiểu kiến trúc đền truyề thống

Các ngôi đền thường được xây dựng gần nguồn nước, nhiều ngôi đền có các dòng suối, hồ, lạch nước nhỏ ngay trong khuôn viên của mình. Ngày xưa, những người đến thăm đền sẽ múc nước từ biển hoặc các dòng suối, lạch nước đó để rửa tay và rửa miệng trước khi vào đền, ngày nay, các ngôi đền thường thiết kế một khu đựng nước với một cái bồn bằng đá có nước được dẫn từ bên ngoài vào, để khách đến thăm tiện làm nghi thức tẩy rửa trước khi vào đền.

Chigi và Katsuogi có gia huy của hoàng gia Nhật Bản

Kiểu dáng của mái đền cũng là một nét độc nhất vô nhị của đền thờ Thần đạo. Phần hình chữ X nhô lên khỏi mái đền như trong hình được gọi là chigi (千木) còn những thanh ngang nằm trên mái, giữa 2 đầu chigi được gọi là katsuogi (鰹木), với vai trò trang trí cho mái đền thêm đẹp. Những đặc điểm kiến trúc của mái đền này không thể được tìm thấy ở các công trình tôn giáo tín ngưỡng khác, đó là một nét kiến trúc nổi bật và điển hình của Thần đạo.

Khuôn viên xung quanh đền

Khuôn viên, vùng đất đặt đền thờ bản thân nó đã rất linh thiêng. Nơi đặt đền thờ là những nơi người ta cho là gần với thần linh nhất và đem lại một cảm giác thanh bình – đó chính là thiên nhiên, vì vậy từ xa xưa đã có rất nhiều ngôi đền được xây dựng gần ngọn núi, dòng sông, biển, rừng… những nơi có vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, một số ngôi đền được xây dựng ở những nơi gắn liền với các sự kiện lịch sử, hoặc những nơi gắn với một vĩ nhân nào đó.

Nói tóm lại, người ta sẽ cố gắng tạo cho ngôi đền một vẻ đẹp thanh bình và tĩnh tâm. Ngay cả các ngôi đền ở thành phố lớn, người ta cũng dành ra những khoảng đất rộng để trồng cây, vườn tược xung quanh ngôi đền.

Các ngôi đền được xây dựng quay về hướng Nam hoặc đôi khi là hướng Đông; Bắc và Tây được coi là những hướng không may mắn.

Cổng đền Torii

Khách đến thăm sẽ vào đền sau khi đi qua cổng đền, torii, tượng trưng cho cánh cổng ngăn cách giữa thế giới con người với vùng đất của thần linh, hàm ý rằng con người đang đi đến một vùng đất thánh. Cổng đền có rất nhiều kiểu khác nhau nhưng đều có chung một đặc điểm cơ bản như, một chiếc cổng torii có màu đỏ, bao gồm 2 cột trụ với 2 thanh ngang trên đỉnh (thanh ngang bên dưới thường ngắn hơn thanh ngang bên trên), ngày xưa chúng được làm bằng gỗ, đến bây giờ có nhiều cổng đền được làm bằng bê-tông hoặc sắt.

một số kiểu torii

Cá biệt có đền Fushimi Inari Taisha ở Kyoto có đến hơn 10 000 cánh cổng torii nối liền từ chân núi đến ngôi đền, trải dài 4 km.

Fushimi Inari Taisha Sembon Torii

Con đường từ cổng torii đến ngôi đền được gọi là sando (参道 – tham đạo), thường là một con đường đất có lèn cát và được rắc sỏi, nhằm tạo nên không khí thiên nhiên. Thông thường con đường sẽ đưa khách đến thăm đi qua khuôn viên ngôi đền, có rất nhiều cây và bụi 2 bên đường, tuy nhiên nếu như có ít khoảng trống thì thường sau cổng đền là vào đến đền luôn.

Lửa cũng được coi là một nguyên liệu thanh tẩy trong Thần đạo, nên dọc sando thường có đèn lồng được làm bằng đá, một số loại đèn lồng phức tạp hơn có mượn kiến trúc của Phật giáo.

Đèn lồng bằng đá

Ngoài ra còn có những bia tưởng niệm ghi lại các sự kiện lịch sử, những cây thần sasaki có dây thừng và shide (dải giấy trắng hình zigzag), những tảng đá thần hoặc hyakudo ishi (百度石)…

Hyakudo Ishi 百度石(Bách Độ Thạch): Theo truyền thống, khi có lời khẩn cầu gì đó gấp, người ta sẽ di chuyển qua lại từ tảng đá Hyakudo Ishi đến ngôi đền 100 lần, và mỗi lần như vậy đều khấn lời khẩn cầu kia, để điều ước thành sự thật.

Cây thần Sasaki

Hộ vệ

Ở các ngôi đền lớn thường có các tượng thần hộ vệ có hình dạng người với dáng điệu và vẻ mặt hung dữ, để dọa và xua đuổi quỷ dữ. Những tượng thần hộ vệ này có nguồn gốc từ Phật giáo, tuy nhiên do từ xa xưa Phật giáo và Thần đạo đã đi đôi với nhau tại Nhật Bản nên các tượng thần này cũng được sử dụng làm hộ vệ tại các đền thờ Thần.

Tượng Cáo ở đền Fushimi Taira

Tượng động vật hộ vệ cũng rất thông dụng. Phổ biến nhất là cặp chó hoặc sư tử đực và cái. Ở đền Fushimi Inari Taisha, con vật hộ vệ cho Thần là một con cáo. Ở đền Kasuga là nai, một vài tượng vật hộ vệ khác gồm có  ngựa, khỉ hoặc sói. Đây đều là minh chứng cho sự ảnh hưởng của Phật giáo đến Thần đạo.


Bên trong Đền

Bên trong điện chính của một ngôi đền thường có một buồng nhỏ hơn với 2 cánh cửa trượt luôn được khóa và chỉ được mở ra vào những khi cần làm lễ (thần điện). Trong buồng đó có chứa một bệ thờ hoặc một chiếc bục có chứa thần thể (shintai), vật thiêng liêng nhất của một ngôi đền. Thần thể được gói trong một tấm lụa và được cất vào trong một chiếc hộp được khóa lại và không bao giờ được mở ra. Một tấm mành làm bằng tre sẽ che chiếc hộp khỏi ánh mắt người trần. Tuy nhiên, không phải ngôi đền nào cũng có thần thể, mà thay vào đó là mitamashiro, coi như là một vật thay thế tượng trưng cho thần thể. Mitamashiro có thể là gương hoặc kiếm. Nếu như thần thể hoặc mitamashiro rời ngôi đền, thì ngôi đền đó sẽ mất thiêng.

Bàn dâng lễ

Trước thần điện là một bàn để thần chủ đặt lễ (trong các nghi thức). Ở trên bàn thường có đặt gohei (mộ chiếc gậy có gắn shide – mấy dải giấy trắng hình zigzag) tượng trưng cho sự linh thiêng của thần. Chiếc gậy thanh tẩy, còn gọi là Onusa (đôi khi gọi là haraegushi) cũng được đặt bên cạnh. Trong nghi lễ thì thần chủ sẽ gỡ những gậy này ra và vẩy trên đầu khách đến thăm, còn bình thường nó sẽ được đặt trên bàn dâng lễ. Thân gậy thường được làm bằng các cành cây sasaki.

Trong cuốn Kojiki đã nói rằng, Izanagi đã đưa cho con cháu của mình một cái đĩa bạc và dặn chúng nhìn vào đó để chắc chắn rằng gương mặt phản chiếu bên trong có linh hồn trong sáng. Nói như vậy, gương là một bảo vật rất quan trọng, gắn liền với truyền thuyết Nhật Bản, có tác dụng như “kính chiếu yêu” và là một vật rất quan trọng trong Thần đạo cũng như trong các ngôi đền. Gương thường được đặt ở trước cửa những thứ “được khóa và không bao giờ được mở ra”, những bàn thờ linh thiêng. Bên cạnh đó là đôi biểu ngữ ở 2 bên, một phong tục mượn từ Phật giáo. Một thanh kiếm hoặc một chuỗi ngọc cũng thường được treo, đặt bên cạnh biểu ngữ, biểu tượng cho sức mạnh của thần nhằm bảo vệ và phù hộ người dân. Người ta quan niệm rằng chiếc gương biểu tượng cho sự thông thái, ngọc quý tượng trưng cho tâm hồn nhân từ, luôn cho nhiều hơn nhận và thanh kiếm biểu trưng cho lòng dũng cảm.


Kamidana

Người Nhật không chỉ đi đến một ngôi đền nào đó để cúng bái mà họ còn làm điều đó ở nhà, thông thường trong nhà ở sẽ có một cái bàn thờ (giống của Việt Nam) dành cho Thần, gọi là kamidana (神棚).

Theo truyền thống, mỗi ngày các thành viên trong gia đình sẽ đến cầu nguyện và đặt lễ lên kamidana, sau đó cúi đầu, vỗ tay để “gọi” linh hồn tổ tiên và thần bảo hộ cho gia đình lên nhận lễ, sau đó lại cúi đầu (giống như khi mình đi đến một ngôi đền vậy). Lễ được đặt lên kamidana thường là hoa quả, bánh gạo và rượu sake, hoặc là hoa tươi. Ở kamidana chúng ta cũng có thể nhìn thấy dây thừng và shide được treo lên trên, những thứ này được mua từ các quầy hàng ở ngôi đền mà họ hay lui tới. Ngày xưa, vào cái thời mà Phật giáo phát triển cực kì mạnh mẽ tại Nhật Bản, bàn thờ Phật (giống như ở Việt Nam ngày nay) và bàn thờ Thần thường đặt cạnh nhau và có vai trò quan trọng như nhau trong mỗi gia đình Nhật Bản. Mặc dù ngày nay, cuộc sống hiện đại gấp gáp và chật chội khiến nhiều căn hộ không còn lưu giữ kamidana nữa, nhưng hầu hết các căn nhà truyền thống, rộng rãi hoặc những gia đình ở nông thôn đều có kamidana trong nhà mình.

(còn tiếp)

Đọc phần 10: Thần đạo trong đời sống người Nhật

———————–

Nguồn:

World Religions – Shinto, by Paula R.Hartz, 3rd Edition, 2009

Bài post được dịch dựa vào cuốn World Religions – Shinto của Paula R.Hartz không vì mục đích thương mại

 

Advertisement

2 thoughts on “Thần đạo Shinto (P11): Kiến trúc đền

  1. Pingback: Tổng hợp loạt bài viết về Thần đạo | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi

  2. Pingback: Shinto (phần 12) : Một số ngôi đền nổi tiếng | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi

Để lại bình luận

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.