Những sự kiện xã hội nổi bật của Nhật Bản năm 2014

Năm 2014 đã qua đi với nhiều sự kiện xã hội tại đất nước xứ sở hoa anh đào. Sau đây là những sự kiện nổi bật, có sự ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội người dân Nhật Bản.

Số người trên trăm tuổi ở Nhật Bản tăng kỷ lục

Số người già ngày càng gia tăng khiến dân số già hóa vẫn là vấn đề cấp bách mà Nhật Bản phải đối mặt. Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, tính đến ngày 1/9/2014, số người từ trăm tuổi trở lên ở Nhật Bản đạt mức kỷ lục là 58.820 người, tăng 4.423 người so với năm ngoái, và phụ nữ chiếm gần 90% tổng số.

Người cao tuổi nhất của Nhật Bản là cụ bà Okawa Misao 116 tuổi ở thành phố Osaka. Cụ được Kỷ lục thế giới Guinness công nhận là người cao tuổi nhất thế giới.

Theo điều tra của chính phủ Nhật Bản, lần đầu tiên cứ trong 8 người Nhật thì có một người từ 75 tuổi trở lên. Theo số liệu của Bộ Tổng vụ Nhật Bản, hiện có khoảng 33 triệu người trên 65 tuổi, tức tăng 1 triệu 100 nghìn người so với một năm trước, chiếm 26% tổng số dân. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay. Bộ này cũng cho biết có 15 triệu 900 nghìn người từ 75 tuổi trở lên, chiếm 12,5% trong tổng số dân. Số người và tỷ lệ người già tại Nhật Bản vẫn tiếp tục gia tăng kể từ khi chính phủ Nhật Bản thống kê về con số này từ năm 1950 đến nay.

Xưởng tơ Tomioka và giấy “Washi” của Nhật Bản được công nhận là di sản văn hóa

Ông Teizo Takano, chủ một xưởng làm giấy washi ở Higashi

 

Ngày 21/6/2014, Xưởng sản xuất tơ Tomioka, một công trình mang tính lịch sử ở Nhật Bản được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Tại cuộc họp ở Qatar, Ủy ban Di sản Văn hóa Thế giới của UNESCO quyết định công nhận xưởng tơ được xây dựng từ thế kỷ 19 này và 3 cơ sở có liên quan ở tỉnh Gunma là Di sản Văn hóa Thế giới.

Cũng trong năm 2014, ba loại giấy của Nhật Bản, tiếng Nhật gọi là “washi” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Đó là các loại giấy “Sekishuban-shi” của tỉnh Shimane, “Honmino-shi” của tỉnh Gifu và “Hosokawa-shi” của tỉnh Saitama. Nguyên liệu để tạo ra giấy Washi là vỏ của một số cây bản địa. Ngày nay, sản xuất giấy thông thường trở nên rẻ hơn nên đã tác động mạnh đến nghề sản xuất giấy truyền thống Washi, vốn là một quá trình tốn nhiều công sức và thời gian. Washi là kỹ thuật làm giấy truyền thống, có thể đạt chất lượng tốt nhất thế giới, đặc biệt dùng trong in ấn, hội họa. Người dân Nhật Bản rất vui mừng khi nghề làm giấy Washi được bổ sung vào danh sách di sản cần bảo vệ.

Ba nhà khoa học nhận giải Nobel Vật lý

Ba nhà khoa học sinh ra ở Nhật Bản đoạt giải Nobel Vật lý năm 2014. Giáo sư Akasaki Isamu của trường đại học Meijo, Giáo sư Amano Hiroshi của trường đại học Nagoya, và Giáo sư Nakamura Shuki của trường đại học California, Santa Barbara đã được trao giải Nobel vì những đóng góp vào việc phát triển đèn đi-ốt phát ánh sáng xanh, còn gọi là LED. Những nỗ lực kiên trì của họ và một chút may mắn để tạo ra tinh thể gallium nitride, giúp tạo ra ánh sáng xanh cho đèn LED. Giờ đây đèn LED có mặt ở khắp nơi, trên đường phố, trong các gia đình, thắp sáng thế giới và thân thiện với môi trường. Ngày 10/12/2014, Nhà Vua Thụy Điển Carl Gustaf trao huân chương cho 3 nhà khoa học tại một buổi lễ tổ chức ở trung tâm Stockholm. Ngoài ra, Giáo sư Amano Hiroshi của Đại học Nagoya, và Giáo sư Nakamura Shuji của Đại học California, Santa Barbara được chọn trao Huân chương Văn hóa, giải thưởng tôn vinh văn hóa cao quý nhất của Nhật.

Tận dụng sức mạnh phụ nữ để phát triển kinh tế

Ngày 24/6, Nội các Nhật Bản đã quyết định thông qua chiến lược tăng trưởng. Chiến lược này đặt phụ nữ ở vị trí quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản, và đề ra các chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn để phụ nữ gia nhập lực lượng lao động.
Các chuyên gia cho rằng dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản (từ 15 đến 64 tuổi) tiếp tục giảm, nên việc nâng cao tỷ lệ lao động nữ có thể giúp tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Chính phủ không chỉ coi phụ nữ là lực lượng lao động mà điều quan trọng là phải cố gắng tận dụng được các ý tưởng của người phụ nữ.

Trong năm tài chính 2013, Cục Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Bộ Công nghiệp đã phát động chương trình thực tập dành cho các bà nội trợ ở độ tuổi 30 và 40. Trong chương trình này, hơn 3.000 phụ nữ đã thực tập ở các công ty và hơn 1.300 người đã tìm được việc.

Ngân hàng Phát triển Nhật Bản đánh giá các ý tưởng và quan điểm của phụ nữ rất cần thiết cho sự tăng trưởng của Nhật Bản, và đã tổ chức một cuộc thi ý tưởng kinh doanh mới dành cho các nữ doanh nhân. Ngân hàng cung cấp hỗ trợ tài chính và các hỗ trợ khác cho những người chiến thắng cuộc thi.

Tháng 10 năm 2014, Chính phủ Nhật Bản soạn thảo dự luật nhằm tạo dựng một xã hội giàu mạnh và năng động hơn, bằng cách đề cao vai trò của phụ nữ. Dự luật được tán thành tại cuộc họp Nội các, theo đó, chính phủ phải thiết lập chính sách cơ bản về gia tăng tuyển dụng và thăng chức cho phụ nữ, tạo môi trường mà phụ nữ có thể cân bằng giữa công việc và gia đình. Dự luật yêu cầu nhà nước, các thành phố, các công ty có hơn 300 lao động soạn thảo các mục tiêu bằng số về tỷ lệ phụ nữ giữ các vị trí quản lý và tỷ lệ tuyển dụng lao động nữ.

Núi lửa Ontake phun trào

Núi lửa Ontake ở miền Trung Nhật Bản, cao 3.067 m, là ngọn núi cao thứ hai ở Nhật Bản. Đây là nơi yêu thích của những người thích leo núi, trượt tuyết và ngắm phong cảnh. Ngọn núi này đã phun trào vào trưa ngày 27/9/2014 mà không hề có cảnh báo trước, khiến 57 người chết, và 6 người mất tích. Thảm họa này gây ra hậu quả nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân địa phương bởi nhiều người dân ở đây có việc làm nhờ vào các ngành dịch vụ cho khách du lịch.

Nhận thức về việc phòng chống thảm họa tăng cao ở Nhật Bản sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3/2011. Nhưng gần đây không có vụ việc phun trào núi lửa nào gây thương vong lớn, và vụ núi lửa Ontake phun trào khiến người ta đặt vấn đề rằng các biện pháp phòng chống thảm họa núi lửa chưa kịp thời. Chính quyền trung ương và các địa phương sẽ cần phải xem xét lại và tăng cường các biện pháp phòng chống này hơn nữa.

Thúc đẩy giải quyết vấn đề làm việc quá nhiều giờ

Karōshi (過労死) – Chết do làm việc quá sức

Người lao động tử vong vì nguyên nhân liên quan đến làm việc quá nhiều giờ đang trở thành một vấn đề xã hội ở Nhật Bản. Trong năm tài chính 2013, hơn 300 người bị đột quỵ, tim mạch và những bệnh khác do làm việc quá nhiều giờ, và được bảo hiểm tai nạn lao động công nhận bồi thường. Trong số đó, 133 người đã qua đời. Hơn 400 người bị suy nhược thần kinh và các triệu chứng khác do căng thẳng liên quan đến công việc, cũng được công nhận.

Mặt khác, chính quyền của Thủ tướng Abe Shinzo đang muốn áp dụng “Chế độ lương và giờ làm mới”. Số giờ làm việc quy định theo pháp luật là 8 tiếng 1 ngày, và 40 tiếng 1 tuần. Chế độ mới sẽ không ấn định giờ làm theo quy định, mà nhân viên thuộc chế độ này sẽ có thể làm việc linh hoạt hơn. Nhân viên sẽ được trả lương dựa trên kết quả công việc, chứ không theo số giờ làm việc. Những nhân viên này cũng sẽ không được trả tiền làm ngoài giờ. Nhưng nếu doanh nghiệp không phải trả tiền làm việc ngoài giờ, thì có thể họ sẽ ép buộc người lao động làm việc nhiều giờ. Mặt khác, bản thân người lao động có thể nghĩ làm bao nhiêu giờ cũng được sao cho công việc có kết quả. Công đoàn và các chuyên gia đang lo ngại điều này có thể dẫn tới số người tử vong do làm việc quá nhiều giờ sẽ gia tăng.

Tháng 10 năm 2014, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thành lập một tổ công tác đặc biệt để giải quyết vấn đề này. Đứng đầu tổ công tác đặc biệt là Bộ Trưởng Shiozaki Yasuhisa. Ông đã đề nghị Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) hợp tác áp dụng các biện pháp hiệu quả để các doanh nghiệp giảm giờ làm thêm. Bộ này cũng có kế hoạch tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp bị nghi ép buộc nhân viên làm việc quá nhiều giờ.

Cuối cùng “Luật ngăn ngừa tử vong do làm việc quá nhiều giờ” ra đời, đáp ứng mong muốn của gia đình những người đã khuất, nhằm cải thiện tình hình nghiêm trọng này. Ủy ban chuyên gia của Quốc hội đã thảo luận điểm này, với đại diện từ cả phía công đoàn và doanh nghiệp. Đại diện công đoàn đưa ra ý kiến áp dụng một số quy định tương tự như các biện pháp đang được áp dụng ở Liên minh châu Âu. Trong đó có quy định giới hạn tối đa về thời gian làm việc ngoài giờ, và cái gọi là “quy định giờ giải lao”. Quy định này đòi hỏi người lao động sau khi kết thúc công việc phải nghỉ giải lao khoảng 11 tiếng trước khi bắt đầu công việc tiếp theo.

———————–

Nguồn:

” NHỮNG SỰ KIỆN XÃ HỘI NỔI BẬT CỦA NHẬT BẢN NĂM 2014“, by Phan Cao Nhật Anh, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Advertisement

Để lại bình luận

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.