Như các bạn đã biết, người Nhật khác với người Việt Nam là họ gọi người khác chủ yếu theo họ (family name) chứ ít khi gọi theo tên (chỉ gọi tên đối với những người thân). Xoanh quanh tên họ của người Nhật còn có rất nhiều điều thú vị mà các bạn có thể tìm thấy ở phía dưới về lịch sử hình thành các tên họ của người Nhật cũng như các họ gia đình có ý nghĩa rất kỳ lạ ở Nhật Bản.
Nhật Bản có bao nhiêu họ?
Ở Nhật Bản, có rất nhiều họ. Theo như Đại Từ Điển Tên Họ Nhật Bản 日本苗字大辞典, được biên soạn bởi Motoji Niwa (1979 – 2006), người đã dành cả cuộc đời nghiên cứu tên họ, tên địa danh và gia huy Nhật Bản, chỉ ra rằng ở Nhật Bản có đến 300 000 họ khác nhau. đồng nghĩa với việc có nhiều lối viết kanji khác nhau và các cách đọc kanji khác nhau. Trong cuốn sách cũng có nói rằng khoảng 7000 trong số họ đó chiếm đến 96% dân số, nghĩa là 4% còn lại được cho là hiếm và kì lạ.
Mặt khác, 10 cái tên phổ biến nhất Nhật Bản cũng đã chiếm đến 10% dân số. Dân số của Nhật Bản vào khoảng 130 triệu người thì chừng đó họ cũng là rất nhiều. Một nhà nghiên cứu tên họ khác là Hiroshi Morioka, chỉ ra rằng một vài trong số những họ trên là tưởng tượng, thậm chí không có ghi chép nào về chúng. Ông ta gọi chúng là “tên ma” (nghĩa đen) 幽霊苗字. Ông nghĩ rằng thật ra chỉ có 150 000 họ (chưa kể các biến âm, biến thể kanji) là được sử dụng (không tính “tên ma”).

Ảnh một gia đình truyền thống của Nhật Bản
Hãy thử làm một phép so sánh. Cái tên phổ biến nhất trên thế giới là Lee (李). Nó được sử dụng ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam. Tất cả đều đọc là “Li” (trừ tiếng Hàn đọc là Yi). Nếu như người Trung Quốc, Hàn Quốc và cả Việt Nam luôn luôn lấy họ của tổ tiên (nghĩa là đời sau có họ y hệt đời trước) thì người Nhật lại thay tên đổi họ rất nhiều lần. Ước tính có khoảng 80 – 90 % họ người Nhật được đặt theo tên địa danh. Còn lại đươc đặt theo ngành nghề, theo tên nghệ nhân, và 氏 (uji) (tên gia tộc)
Ngay cả bây giờ, những họ mới cũng luên tục ra đời, trong bối cảnh người nước ngoài đến và nhập quốc tịch Nhật Bản, và lấy chữ kanji cho tên mình. Ví dụ cầu thủ bóng đá Santos Alessandro sẽ đổi tên thành 三都主 アレサンドロ (santosu aresandoro) hay guitarist Claude Ciari đổi tên thành 智有 蔵上人 (chiari curoudo).
Tóm tắt lịch sử Họ người Nhật Bản
Khi nhìn lại lịch sử Nhật Bản, họ được lấy từ rất nhiều nguồn.
Ngày xưa, Nhật Bản là một hệ thống các Gia tộc (氏族/shizoku), tên các gia tộc (氏 / uji) được lấy theo ngành nghề và thiên nhiên, như sông, núi, thung lũng, v.v…
Sau đó, khi chế độ Yamato thống nhất Nhật Bản (250 TCN),họ sử dụng một hình thức đặt tên mới gọi là 氏姓制度 (ujikabane-seido/shisei-seido). Đây là tên được Triều đình đặt cho quý tộc và những Gia tộc quyền lực trong khu vực, kèm theo đó là danh hiệu tùy vào mức độ cống hiến của người đó cho Triều đình.
Vào thời Heian (794-1185), các quý tộc và samurai bắt đầu sử dụng các họ khác để dễ phân biệt với nhau. Cuối cùng, đã có không biết bao nhiêu họ được sản sinh.
Đến tận thời phong kiến Nhật Bản (1603–1868) cũng chỉ có quý tộc, samurai, thương gia là có họ riêng (đặc biệt là có thêm 姓/kabane – một loại họ được dùng để phân biệt đẳng cấp trong xã hội).

Ảnh một gia đình thời Minh Trị
Sau đó, đến thời Minh Trị (1868-1912), lệnh được ban bố rằng tất cả mọi người đều phải có họ. Năm 1875, tất cả công dân Nhật Bản đều có tên riêng và họ cho mình (名字/myouji). Vào thời gian này, rất nhiều người đã tự nghĩ họ cho riêng mình (và đây là lí do chính dẫn đến việc người Nhật có rất nhiều họ như ngày nay).
Cần nói thêm rằng, 氏 và 姓 là họ bắt nguồn từ Trung Hoa. Và như vậy, đời sau sẽ mang họ y hệt đời trước, từ đời này qua đời khác. Gọi ai đó bằng tên 氏姓 được cho là bất lịch sự, vì vậy người ta sử dụng 名字 như một biệt danh (nickname) nhằm tránh thô lỗ. Ở các nước châu Á khác như Việt Nam hay Trung Quốc, 氏姓 đã tồn tại từ lâu đến tận ngày nay và không có thay đổi gì, chính vì thế các nước này có rất ít họ. Trong khi đó ở Nhật Bản, 氏姓 và 名字 tồn tại song song trong lịch sử. Do 名字 không hẳn là tên thật nên họ có thể liên tục thay đổi nó tùy vào nơi sinh sống, ngành nghề hay bất cứ thứ gì họ thích. Trải qua một thời gian, những nickname này dần trở thành họ chính thức nên ít người đổi họ sau đó.
Những họ phổ biến

Trung uý Sato (Meitantei Conan)
Theo một nghiên cứu năm 2013 của Công ty bảo hiểm nhân thọ Meiji Yasuda, 3 họ phổ biến nhất Nhật Bản là 佐藤 (Satou), 鈴木 (Suzuki) và 高橋 (Takahashi). Chúng còn trở nên phổ biến hơn nữa nếu bạn nhìn vào từng khu vực trên Nhật Bản. Ở vùng Kanto và xung quanh Tokyo,鈴木 (Suzuki) là họ phổ biến nhất. Ở phía Đông Bắc (bao gồm cả Hokkaido) 佐藤 (Satou) lại là phổ biến nhất. Tại khu vực Kansai và một vài vùng ở Kyuushuu, 田中 (Tanaka) và 山本 (Yamamoto) mới là những cái tên phổ biến nhất. Một số vùng như Okinawa chẳng hạn, 20 họ phổ biến nhất chỉ nằm độc nhất ở Okinawa, không có ở nơi nào khác.
Thậm chí còn có số liệu chỉ ra những họ “cổ đại” phổ biến nhất. 4 trong số đó là 源 (Minamoto), 平 (Taira), 藤原 (Fujiwara), và 橘 (Tachibana). Trong đó, 3 họ đầu tiên được đặt theo tên của Thiên hoàng, chứng tỏ nó có từ rất lâu rồi.
Cũng nói luôn là Thiên hoàng không có họ. Thiên hoàng được coi như hiện thân của Thần, do đó không thuộc về một gia tộc nào mà phải có họ.
Những họ “độc” ở Nhật Bản
Ở Nhật Bản hiện đại, có ít nhất 10 000 họ khác nhau được không quá 100 người sử dụng. Đây là những họ rất hiếm, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng. Sau đây là một vài thống kê:
- 回り道 (mawarimichi), mang nghĩa “đường vòng”, có 3 gia đình
- 東京 (toukyou), tất nhiên là thủ đô “Tokyo” , 1 gia đình duy nhất ở Osaka (chứ không phải Tokyo (!)
- 辺銀 (pengin), đọc y hệt như “penguin” trong tiếng Nhật (nghĩa là chim cánh cụt), 1 gia đình
- 鰻 (unagi), nghĩa là “lươn”, 2 gia đình
- 猫屋敷 (nekoyashiki), nghĩa là “nhà mèo” , 5 gia đình

Gia đình nhà mèo
Một số họ độc khác thì lấy theo chữ kanji 神 (thần) hay 鬼 (quỷ). Chữ 神 (thần) có các cách đọc như: Kami, Kanae, Jin, Shin, Kou, Miwa, Koo, Kan.
龍神 thường được đọc là Ryuujin hay Tastsugami. 鬼 thì có các cách như: Oni, Ki, Kisaragi, or Kiin. Đặc biệt 百目鬼 có đến 6 cách đọc : Doumeki, Domeki, Momomeki, Hyakumeki, Todomeki, Momeki.
Thần linh, ma quỷ thì còn dễ hiểu, nhưng thậm chí còn có những họ lấy theo số hoặc ngày tháng trong năm. Ví dụ 正月一日 (shougatsu-tsuitachi) nghĩa là ngày 1 tháng giêng, có thể đọc là “Ara” hay “Ao”. Ngày Cá tháng tư 四月一日 (shigatsu tsuitachi) cũng có thể trở thành họ, là Tsubomi hoặc Watanuki. Thậm chí “123”, viết là 一二三 cũng có thể trở thành họ dưới tên gọi Hifumi. Một ví dụ khác là “753″ (七五三) đọc là “Shime” hoặc “Nagomi”.
Đây mới chỉ là những ví dụ rất nhỏ về sự phong phú về tên người Nhật.
Những họ “dễ hiểu” và “không thể hiểu nổi”
Một vài họ có phần dễ hiểu.
Ví dụ : 福岡 (Fukuoka), 京都 (Miyako, nghĩa là Kyoto), 東京 (Tokyo) được đặt theo tên địa danh. Họ theo nghề nghiệp thì có 鍛 (Kaji = thợ rèn), hay 膳夫 (Kashiwade = bếp trưởng). Một vài cái tên biểu thị những đức tính, đức hạnh tốt như 千寿 (Senju), nghĩa là 1000 lời khen; hay 幸福 (Koufuku) nghĩa là Hạnh phúc. Cũng có những cái tên như 塩 (Shio/En) Muối , 砂糖 (Satou) Đường, 味噌 (Miso) miso và 醤油 (Shouyu, tương Nhật).
Bên cạnh đó cũng có những họ kì lạ, thậm chí là “lố bịch”, nhiều khi bạn sẽ nghĩ là đây hẳn là trò đùa của ai đó.
Điển hình như 牛糞: Ushikuso (Phân Bò) hay 馬尻: Umajiri (Mông Ngựa) và 猪股: Inomata/Imata (Háng Lợn ). Cam đoan đây hoàn toàn là những họ có thật. Nếu muốn có một cái tên “độc” và dễ nhớ thì chính là đây, tuy nhiên hãy thử tưởng tượng con bạn vào lớp với những cái tên kể trên thì sẽ như thế nào.
Nguồn:
“Tofugu – The History of “Cow Poop” Become A Real-life Japanese Family Name“, by Mami on Tofugu, September 3, 2014
Pingback: Những rắc rối với họ tên của người Nhật – Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi
Pingback: Nippon Kiyoshi tròn 1 tuổi | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi
Pingback: Tiếng Nhật – Tên và những khó khăn… | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi