Dân số Nhật Bản: bùng nổ, bong bóng và suy thoái

Đã lâu không đăng gì cho các bạn đọc. Hôm nay bất ngờ đọc được một bài báo rất thú vị viết về lịch sử dân số Nhật Bản, lý giải một phần cho tình trạng dân số già hiện nay.

Thế hệ Bùng nổ Dân số (Baby Boom): sinh từ 1947 – 49

Đây là thế hệ bùng nổ dân số đầu tiên, được sinh ra ngay sau Thế chiến II. Thế hệ này trải qua cả thời kỳ phát triển kinh tế nhanh chóng của Nhật Bản ngay sau thế chiến và bong bóng kinh tế cuối những năm 90s. Đây cũng là thế hệ vào đại học những năm 1960s và tham gia vào phong trào phản đối Hiệp ước Mỹ-Nhật. Hiệp ước Mỹ-Nhật sẽ tăng cường mối quan hệ phụ thuộc của Nhật Bản vào Mỹ khi cho phép Mỹ can thiệp quân sự khi an ninh nội địa Nhật bị đe doạ, đồng thời tiếp tục duy trì các căn cứ quân sự của Mỹ tại Okinawa vốn đã được thành lập từ năm 1951. Điều này khiến Đảng xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ rất bất bình, kéo theo một phong trào phản đối được các tổ chức sinh viên dẫn dắt.

Thế hệ này còn được gọi là dantai no sedai (団体の世代). Thời kỳ này tính đoàn thể rất cao, và có nhiều ảnh hưởng rộng lớn lên việc làm, chi tiêu và chính sách quốc gia. Hiện tại thì những người của thế hệ này đã bước vào tuổi 70 và vô tình gây ra gánh nặng lên ngân sách dành cho an sinh xã hội.

Thế hệ Mới: Sinh ra vào những năm 60s.

Tên cho thế hệ này là  shinjinrui(新人類), nghĩa đen là “giống loài mới”, dựa trên lối suy nghĩ mới, khác biệt so với thế hệ ở trên. Khi thế hệ này bước vào cánh cổng trường đại học thì các phong trào sinh viên đã thoái trào, sinh viên thời kỳ này cũng không còn mặn mà với các hoạt động chính trị như trước đây nữa.

Thế hệ này lớn lên khi nền kinh tế đang tăng trưởng rất mạnh mẽ, họ không phải trải qua thời kỳ chiến tranh, không trải qua những thiếu thốn xảy ra ngay sau khi chiến tranh kết thúc, và thường bị chỉ trích bởi thế hệ trước là “hư hỏng”, “dễ từ bỏ”, “không biết điều”… Đến lượt họ, hiện tại đang ở tuổi 50, lại quay sang chỉ trích giới trẻ bây giờ là thế hệ “giáo dục ung dung” (ゆとり教育).

Thế hệ Bong Bóng: sinh ra trong khoảng 1965 – 1969

Thế hệ này tham gia vào thị trường lao động đúng vào thời kỳ kinh tế Nhật Bản đang tăng trưởng nóng (bong bóng) về cuối những năm 80s và 90s. Đây là thời kỳ mà những quảng cáo về nước tăng lực đang hô hào những khẩu hiệu “Bạn có thể chiến đấu suốt 24h không?”. Làm việc không quản ngày đêm trong thời kỳ này không những được chấp nhận, mà còn là một việc vô cùng bình thường, làm việc nhiều tiếng, rồi đi nomikai (ăn uống sau khi làm việc xong) và tận hưởng những thú vui giải trí xa xỉ như chơi golf hay mahjong.

Cũng thời kỳ này, Đạo luật Cân bằng cơ hội việc làm (男女雇用機会均等法) có hiệu lực vào năm 1986, mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho phụ nữ, thay vì nghỉ việc sau khi cưới và sinh con để ở nhà chăm con như phần lớn thế hệ trước.

Thế hệ Băng Hà: sinh ra trong thời kỳ 1971 – 1982

Đây còn được biết đến là “Thế hệ đã mất” (Lost Generation).

Băng Hà ở đây được hiểu là cơ hội việc làm bị đóng băng. Lý do là bởi khi những người của thế hệ này còn đang ngồi trên giảng đường đại học, chuẩn bị tốt nghiệp thì bong bóng kinh tế vỡ, dẫn đến sự suy thoái nhanh chóng của nền kinh tế. Các công ty giảm hoặc dừng tuyển dụng, khiến cho những sinh viên rất khó tìm được những công việc chính thức và bị buộc phải làm những công việc thời vụ hoặc nhân viên tạm thời (làm dự án). Ngay cả những người tìm được các công việc chính thức cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn vì nền kinh tế suy thoái và xu hướng cắt giảm chi phí.

Thế hệ này hiện tại mặc dù đang ở tuổi 30s hoặc 40s nhưng vẫn có rất nhiều người đang sống trong nghèo khó hoặc làm những công việc không chính thức hoặc bị cô lập bởi xã hội. Đây cũng là thế hệ cần nhiều sự trợ giúp từ chính phủ để đảm bảo có được một công việc và cuộc sống ổn định hơn.

Thế hệ Bùng nổ dân số thứ hai: sinh ra trong những năm 1971 – 1974

Đây là thế hệ bùng nổ dân số thứ hai sau thế hệ bùng nổ đầu tiên thời hậu chiến.

Thế hệ Giáo dục Ung dung: sinh ra trong những năm 1987 – 2004

Đây là thế hệ đến trường khi mà nền giáo dục đang chuyển từ dạng “cày cuốc” sang “yutori”, tức là ung dung, thư giãn. Việc học trong trường đại học của thế hệ sinh ra trong thời kỳ này không căng thẳng như trước, lượng giờ học và kiến thức được giảm tải. Khác với các thế hệ trước, thế hệ này đặt “cân bằng giữa công việc và cuôc sống” lên hàng đầu thay vì cố sống cố chết “leo cao” nơi công sở và làm việc cho đến chết. Họ muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè, và cũng dũng cảm hơn trong việc từ chối khi sếp mời đi uống.

Thế hệ này cũng được xem là ít theo chủ nghĩa vật chất hơn, không đòi hỏi những thương hiệu đắt tiền hay xe hàng hiệu như thế hệ trước, thậm chí còn thích sử dụng đồ second-hand. Chính tính cách dễ hài lòng và dễ thoả hiệp này gây ra sự khác biệt lớn trong suy nghĩ của thế hệ này với thế hệ Bùng nổ dân số trước đây.

Thế hệ thiên niên kỷ mới: Sinh ra sau 1980

Thế hệ thiên niên kỷ mới được hiểu là thế hệ sẽ bắt đầu đi làm vào sau năm 2000. Thế hệ này nhìn chung khá giống với thế hệ Giáo dục ung dung, việc đi học, đi làm, đời sống cân bằng và ít căng thẳng hơn các thế hệ trước đó.


Nguồn:

Japanese Generations: Boom, Bubble and Ice Age, nippon.com, đăng ngày 12/09/2019

Advertisement

One thought on “Dân số Nhật Bản: bùng nổ, bong bóng và suy thoái

Để lại bình luận

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.