Nam và nữ nói tiếng Việt có khác nhau không? Khẳng định là không luôn… Nhưng nam và nữ nói tiếng Nhật thì khác nhau rất rõ ràng, “thế thì nó khác nhau ở những chỗ nào?” bài viết hôm nay sẽ cố gắng trả lời câu hỏi đó. Với tư cách là những người học tiếng Nhật, biết được sự khác nhau giữa cách nói chuyện, cách dùng tiếng Nhật của 2 giới sẽ giúp cho chúng ta nói tiếng Nhật được tự nhiên và trôi chảy hơn, tất nhiên là cả việc hợp với giới tính thật nữa.
Thật ra mà nói thì học nói “theo đúng giới tính” trong tiếng Nhật là không khó, tuy nhiên trước khi bắt đầu tìm hiểu, chúng ta nên hiểu rằng sự khác nhau này hình thành dựa trên một nền tảng tiếng Nhật chuẩn. Chuẩn ở đây có nghĩa là giới nào cũng dùng được hết và đó là tiếng Nhật phổ thông, bất cứ vùng nào cũng phải hiểu được. Tiếng Nhật chuẩn đó chính là tiếng Nhật mà các bạn đang học qua giáo trình Mina, Genki… Những sự khác nhau dưới đây được hình thành trên cơ sở đó, qua thói quen ngôn ngữ đã phân hóa thành một kiểu tiếng Nhật mà đàn ông hay dùng và một kiểu phụ nữ hay dùng và được duy trì cho đến ngày nay. Do đó, bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, và nếu các bạn có thể áp dụng được vào giao tiếp tiếng Nhật thì quá tốt, nhưng bên cạnh đó cũng cần nắm vững tiếng Nhật chuẩn mà mọi người đang được học nữa.
Khác nhau trong cách kết thúc câu
Đây là một trong những biểu hiện rõ nét trong sự phân hóa giới tính của tiếng Nhật. (xanh là nam mà nữ là đỏ)
Nam | Nữ |
---|---|
日本人だ | 日本人 |
日本人だ | 日本人だわ |
日本人だよ | 日本人だよ・日本人だわよ |
高い | 高いわ |
高いよ | 高いわよ |
高いんだ | 高いの |
行く | 行くわ |
行くよ | 行くわよ |
行くね | 行くわね |
行くんだ | 行くの |
Ngoài những trường hợp trên, các bạn cũng sẽ để ý thấy một số từ kết thúc câu khác như さ, ぞ, ぜ,… Vậy thì chúng xài như nào ?
- さ, giống như よ được dùng để gây sự chú ý hoặc nêu lên tính quả quyết, rất suồng sã và được dùng chủ yếu bởi đàn ông. Ví dụ: “さ!行くぞ” (nào! đi thôi) , “これは本当さ” (Cái này là thật đó mậy)
- ぞ là một tình thái từ chỉ cảm xúc rất mạnh và “cục súc”, hầu như chỉ nam giới dùng, trong các tình huống suồng sã với bạn bè. Ví dụ: “お前のせいだぞ” (Lỗi của mày đó!”) hoặc “行くぞ” (Đi nào!)
- ぜ chả khác gì ぞ ở trên, chỉ khác là ぜ thân thiện hơn và có thể được dùng kèm với thể “rou” (mang ý rủ rê, cùng làm gì đó). Ví dụ: “おどろうぜ” (cùng nhảy nào!) hoặc “その仕事、君にたのんだぜ” (vụ này nhờ mày đó).
- な có cách sử dụng y hệt ね nhưng nghe nam tính hơn, thế nên thường được đàn ông sử dụng. Ví dụ: “それはいいな” (Tốt nhỉ) hoặc “お前合格したんだよな” (Mày đỗ rồi nhỉ)
- Ngoài ra な còn có một cách dùng nữa là thể cấm chỉ, ví dụ nếu phụ nữ hay dùng ないで thì đàn ông hay dùng Vるな. Ví dụ: “なくな” (đừng khóc nữa !)
Tham khảo thêm bảng dưới đây:
Chuẩn (cả nam và nữ) | Nam | Nữ |
んです | んだ | の/んです/わ |
んですよ | んだよ | のよ/だわ |
です | だ/さ | だわ/わ |
ですね | だな | (だ)わね/ね |
ですよ | だよ/だぞ/だぜ | ですよ/だわよ |
あのう | あのさ/よし | あのね |
Bạn nào xem anime/drama/nghe mainichikikitori chắc sẽ thấy mấy cái này quen quen 🙂
Khác nhau trong cách hỏi
Cách đặt câu hỏi trong tiếng Nhật không phải chỉ có mỗi thêm か vào cuối câu là xong đâu. Tất nhiên, khi mới bắt đầu là như thế, nhưng khi học lên nữa, các bạn sẽ thấy có những khác biệt sau đây : (xanh là nam mà nữ là đỏ)
Nam | Nữ |
---|---|
日本人? | 日本人? |
日本人かい? | 日本人ですか? |
日本人なのかい? | 日本人なの? |
高い? | 高い? |
高いかい? | 高い? |
高いのかい? | 高いの? |
行く? | 行く? |
行くかい? | 行くの? |
行かないか? | 行かない? |
何? | 何? |
何だい?(nandai) | 何なの?(nannano) |
どんな人なんだい? | どんな人なの? |
いつ行くんだい? | いつ行くの? |
Vậy là gần xong phần tiếng Nhật theo giới rồi đó. Chỉ cần một phần nho nhỏ nữa thôi, đó là cách xưng hô.
Khác nhau trong cách xưng hô
Tiếng Nhật cũng có nhiều cách xưng hô giống như tiếng Việt (tôi tao tớ …), hãy xem nam và nữ chọn những cách xưng hô nào nhé. (xanh là nam mà nữ là đỏ, đen là cả hai giới – trung tính)
Xưng | Giải thích |
---|---|
わたし | (私)”Tôi”: Dùng trong hoàn cảnh thông thường, lịch sự, trang trọng. Ví dụ khi bạn gặp người lạ, hoặc với người lớn tuổi hơn. Số nhiều là: 私たち(watashi tachi) |
あたし | Là cách xưng “tôi” mà phụ nữ hay dùng. Giống “watashi” nhưng điệu đà hơn. |
わたくし | “Tôi” ở dạng lịch sự hơn “watashi”, dùng trong các trường hợp buổi lễ hay không khí trang trọng. Số nhiều: 私ども (watakushi domo). Đây là cách xưng hô khiêm tốn nhất cho nhân xưng thứ nhất. |
ぼく | (僕)”Tôi”: Dùng cho nam giới trong các tình huống thân mật, ví dụ trong gia đình (“con”, “cháu”), với thầy giáo (“em”), với bạn bè (“tôi”, “tớ”), với bạn gái (“anh”). Nữ bây giờ cũng dùng. Chú ý là đây là dạng thân mật nhưng không hề suồng sã. |
おれ | (俺)”Tôi, tao, tớ”: Dùng cho trường hợp thân mật giữa bạn bè, với người thân thiết ít tuổi hơn hay dùng như “tao” là cách xưng hô ngoài đường phố. Đây là cách mà những kẻ đấm đá ngoài đường hay xã hội đen thường xuyên nói, được coi là cách nói không lịch sự. Tuy nhiên trong tiếng Nhật bạn trai có thể dùng “ore” với bạn gái và gọi bạn gái là “omae” |
自分 | “Tôi”. Rất nam tính. Thường dùng trong quân đội. |
あなた | Nghĩa: Anh, chị, bạn, ông, bà. “Anata” là cách gọi lịch sự người mà bạn không thân thiết lắm, hoặc là cách gọi thân mật của người vợ với chồng. Đây là cách gọi lịch sự với người mới quen, trong văn viết thì sẽ dùng chữ kanji là 貴方 (quý phương, anata) cho nam và 貴女 (quý nữ, anata) cho nữ. Chú ý là trong văn viết bạn không nên dùng chữ hiragana あなた trừ khi muốn gọi thân mật. Số nhiều dạng lịch sự: 貴方がた(あなたがた、anatagata)= Quý vị, quý anh chị Số nhiều dạng thân mật hay suồng sã: あなたたち(anatatachi)= Các bạn, các người Các bạn cần chú ý là anata là dạng hết sức lịch sự, nhất là dạng số nhiều “anatagata” |
あんた | Dùng bởi phụ nữ (thân mật) khi nói với nam |
きみ | “Em”: Cách gọi thân ái với người nghe ít tuổi hơn. Bạn trai gọi bạn gái, thầy giáo gọi học sinh, người lớn tuổi hơn gọi đàn em. Ngày xưa chỉ nam dùng, giờ cả nữ cũng dùng. |
おまえ | (お前)”Mày”, “cậu” (bạn bè): Dùng khi nói với bạn bè, hoặc bọn xã hội đen, đầu gấu nói chuyện với nhau. (“Mae” là trước mặt, omae tạo thành danh từ chỉ người đứng trước mặt). Còn gọi chệch là おめえ (omee). Bạn trai có thể gọi bạn gái không lịch sự là “omae”. |
てまえ | “Mày” ở dạng còn mạnh hơn hơn “omae”, đôi khi đọc chệch thành てめえ. Không nên dùng từ này trừ trong tình huống chửi bới. Đây là cách xưng hô bất lịch sự nhất đối với nhân xưng thứ hai. |
こいつ | “Thằng này”: Gọi người nghe một cách khinh miệt |
あいつ | “Thằng đó”, “hắn”: Chỉ người thứ 3. Đây là cách gọi khinh miệt. Số nhiều: あいつら (aitsura) bọn nó |
あのひと | (あの人)”người đó” |
あのかた | (あの方)”vị đó”, có nghĩa là người đó, cách chỉ rất lịch sự và tôn trọng. |
あのこ | (あの子)Được dùng bởi phụ nữ khi nói đến người khác. Thân mật. (giống như “nhỏ đó”) |
Có thể nói nữ luôn xưng hô lịch sự, nhã nhặn hơn, không như nam 😦
Kết luận
- Cách phụ nữ dùng tiếng Nhật làm cho câu trở nên mềm mại và dễ nghe hơn. Đàn ông thuộc dạng “cứng cỏi” nên có nhiều câu và cách xưng hô cộc cằn hơn
- Phần quan trọng hơn cả là xưng hô, không nên chỉ biết mỗi “watashi” với “anata”
- Hãy để ý tiếng Nhật theo giới khi nghe các đoạn hội thoại, khi xem anime/drama và khi học tiếng Nhật, qua đó bạn sẽ có cái nhìn tổng quát và dễ dàng hơn về vấn đề này
- Đây là phần khá quan trọng trong văn nói, hội thoại xã giao thường ngày.
- Ở mức độ sơ cấp thì bạn chưa cần quan tâm đến tiếng Nhật theo giới. Nhưng khi học lên cao từ trung cấp trở lên, có thể chat chit và nói chuyện bằng tiếng Nhật với người Nhật thì nên sử dụng tiếng Nhật theo giới cho tự nhiên, thân mật.
- Dùng cái này rất vui. Bạn bè gọi nhau xưng “ore” với “omae” chứ có ai xài “watashi” với “anata” đâu 🙂 (nam nhé)

ảnh bonus từ Phim Ooku (2010). Phim rất hay.
—
Nguồn:
“Japanese Gendered Language“, by Koichi, Tofugu, 2014
“Nhân xưng trong tiếng Nhật“, Saromalang, September 5, 2011
“Sentence-final particles: yo, ne, no, sa, zo, ze, na and wa” by Let’s learn Japanese, Facebook, April 24, 2010
Reblogged this on Her world from the inside.
ThíchThích
Hay quá ạ
ThíchThích
bài này quen quen nhể :v
ThíchThích
Bài này đầy đủ và kĩ càng hơn 😀
ThíchThích