Mục này không phải là những lời khuyên do mình đưa ra, mà là sưu tầm trên mạng, đọc thấy hữu dụng nên share ở post này. Hầu hết là những lời khuyên áp dụng cho ngành Kinh tế, nhưng nhìn rộng ra thì cũng sẽ có những thứ có ích cho các ngành khác nữa. Bài viết này cũng là để mình tự nhắn nhủ với bản thân trước những thử thách sắp tới vì kỳ học Ph.D. đã bắt đầu từ hôm nay rồi.
Từ Matthew Pearson của UC Davis

Tinh thần tốt, cam kết mạnh mẽ, và rất nhiều cà phê
Nhiều người có tham gia coursework, hay đọc các bài báo, nhiều khi sẽ dần cảm thấy có ác cảm với những gì mình đang học, bởi vì nó quá “mệt mỏi”. Dù bạn chuyên về lĩnh vực nào của kinh tế (vi mô, vĩ mô, lượng, v.v..) thì bạn vẫn sẽ phải học những môn có thể mình không thích (toán, lịch sử, tài chính, lý thuyết hợp đồng, lý thuyết trò chơi hay đại số tuyến tính). Rất nhiều người sẽ bảo “Đây không phải thứ mà tôi muốn học”, “Đây không phải thứ làm tôi thích học kinh tế” hay thậm chí “cái này mà gọi là kinh tế học?”, v.v… Nhưng coursework là cần thiết để chúng ta học về những kiến thức cơ bản. Chúng không hào nhoáng, nhưng rất cần thiết vì là những công cụ mà mọi nhà kinh tế học đều sẽ cần. Nên hãy học cách thích, tận hưởng những gì mình học được.
Đối phó với Imposter syndrome
Còn gọi là “hội chứng kẻ mạo danh”, là một hiện tượng tâm lý xảy ra khi bạn cảm thấy mình kém cỏi, không đạt yêu cầu, giống như chỉ là một tên mạo danh. Hiện tượng tâm lý này xảy ra rất phổ biến ở môi trường học thuật, khi mà các bạn tiếp xúc với các tài liệu học thuật, cảm thấy bị choáng ngợp trước độ khó hay phức tạp của nó, và bắt đầu nghi ngờ bản thân mình. Trong một lớp khi thấy các bạn cùng trang lứa giải được bài khó, có funds, ra báo, bạn lại thấy mình nhỏ bé, không tài năng, không xứng đáng.
Nếu bạn có suy nghĩ, hoặc bị người khác nhồi vào suy nghĩ đó, thì hãy nhớ rằng, bạn ở đây vì có lý do của nó. Hãy nhớ rằng, người ta đã tuyển bạn vì bạn có tiềm năng, đã chuẩn bị tốt. Bằng không thì hội đồng đã không chấp nhận bạn rồi. Những suy nghĩ tự ti kiểu này sẽ chỉ khiến bạn ngày càng không hiểu những gì bạn làm, bởi vì bạn luôn luôn nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ hiểu được. Kéo theo đó là thói quen học tập cũng sẽ bị ảnh hưởng. Có rất nhiều những Ph.D thành công cũng đã lâm vào tình trạng này, và bạn không phải người duy nhất. Cách tốt nhất là hãy sống tích cực hơn, nói chuyện với bạn bè, mentor để tâm trí bạn được thanh thoát. Có thể hồi tưởng lại những vinh quang dành được trong quá khứ hay làm gì đó khác, đọc sách, đọc báo không chuyên ngành để não bộ đỡ căng thẳng. Hãy luôn suy nghĩ về phía trước, đặt kế hoạch cụ thể và tìm cách vươn lên. Một khi đã có những thành quả đầu tiên, mọi thứ sẽ đâu vào đấy.
Đừng bỏ cuộc
Suy nghĩ này phải công nhận là phổ biến. Và dù có thoáng suy nghĩ như vậy, bạn cũng phải kìm nó lại. Bạn phải khao khát Ph.D. thậm chí là nhiều hơn cả mạng sống của mình, sẵn sàng làm tất cả, đánh đổi tất cả để có được nó. Những năm đầu có coursework, có thể bạn sẽ cảm thấy mình như một tên ngốc khi học toán hay phân tích lý thuyết trò chơi. Nhưng coursework được đưa ra để chúng ta rèn luyện chính những thứ ta không biết. Nó không liên quan đến việc bạn là thiên tài hay không, hay bạn có đam mê hay không, mà thứ quan trọng nhất là sự cam kết và bền bỉ của bạn. Kiến thức nền tảng, dù khó, nhưng kiên trì, rồi bạn sẽ dần dà lĩnh hội được. Quan trọng là không được bỏ cuộc. Khao khát có được Ph.D của bạn phải thật mạnh mẽ, để có thể vượt qua tất cả những suy nghĩ bỏ cuộc sinh ra.
Về các bài cuối kỳ hoặc prelims
Tin tưởng vào bản thân là bạn làm được!
Điều kiện cần đầu tiên là bạn phải tin là mình sẽ làm được và đậu. Như đã đề cập, không có chuyện bạn thi trượt vì bạn không có đủ trí thông minh để lĩnh hội những tài liệu học thuật bày ra trước mặt. Quá trình tuyển chọn đã khẳng định bạn xứng đáng. Niềm tin sẽ quyết định chất lượng học của bạn.
Tác giả nhớ lại rằng, khi học về Lý thuyết vi mô, ông quả quyết tin rằng chẳng có gì gọi là intuition ở đây hết. Intuition ở đây là trực giác, là cảm nhận là tính đúng đắn mà chưa cần xét đến việc chứng minh nó. Với niềm tin như vậy, trực giác kinh tế đã không được hình thành. Thay vì học để HIỂU, để nắm bắt được cái trực giác, thì ông lại sa đà vào ghi nhớ công thức và bài giảng một cách máy móc. Trong khi đó, một người tin vào trực giác, học để hiểu sẽ bắt đầu đặt ra những câu hỏi như “tại sao lại cần chứng minh cái này”, “cái gì đã được chứng minh” và “tại sao cách giải này lại chứng minh cái cần được chứng minh”.
Chuẩn bị từ sớm
Ôn tủ có thể có hiệu quả hồi đại học, nhưng ở Cao học thì không có chuyện đấy đâu. Nếu bạn muốn đậu một kỳ thi nào đó hay có điểm tốt, cần phải lên kế hoạch sớm. Và học chăm.
Một trong những chiến thuật hay được sử dụng, đó là dành ra ngày thứ bảy hoặc một nửa buổi ngày thứ bảy để review. Hãy xem lại những tài liệu, ghi chép, ghi chú của bạn, làm bài tập, làm lại các bài kiểm tra trước đó. Bạn có thể lên kế hoạch với nhóm bạn học cùng cho hiệu quả. Điều quan trọng là phải bám vào kế hoạch đã đề ra.
Rèn trực giác
Thày hướng dẫn của mình luôn nhắc đến tầm quan trọng của trực giác (ít nhất là trong kinh tế học). Bởi vì nó là sợi dây liên kết giữa mô hình và diễn giải. Dù bạn có một biểu thức toán, mô hình phức tạp đến đâu, mà nó không kể được một câu chuyện “hợp lý” hay không có ý nghĩa, thì sẽ rất khó để phát triển.
Một trong những lầm tưởng về cách học để lấy trực giác, hay sự thấu hiểu, là đi đọc thật nhiều tài liệu nói về cùng một thứ. Khi đó bạn sẽ bị khủng hoảng vì có quá nhiều thứ để đọc. Cách hiệu quả hơn là bám lấy một tài liệu thôi (thường là tài liệu mà thày giáo bạn recommend) và đọc, hiểu, nghiền nát nó, ghi nhớ nội dung mà không cần học thuộc lòng, trước khi muốn nhảy sang đọc tài liệu khác.
Học nhóm
Học nhóm có 2 lợi ích: (1) là giúp bạn học tốt hơn trong trường hợp bạn bị tắc. Ngồi giải hàng tiếng đồng hồ không ra, chi bằng hỏi bạn hỏi bè còn tiết kiệm được thời gian và hiểu ra nhiều hơn. Hãy tận dụng việc học nhóm mọi lúc có thể. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, đôi khi bạn phải hi sinh sự kiêu hãnh của bản thân để đi hỏi người khác những câu hỏi tưởng chừng rất ngốc nghếch. Thế nhưng, đó chỉ là một sự hi sinh nhỏ nhoi nếu so với những gì bạn thu được. (2) là xây dựng khả năng bàn luận, lý luận, phản biện và giải thích. Chắc ai cũng biết về Feymann method rồi: bạn học được thông qua dạy người khác. Có người giỏi về giải bài tập, nhưng lại kém về khoản diễn giải hoặc ngược lại. Việc hỏi nhau và giải thích cho nhau hiểu sẽ giúp các thành viên trong nhóm rèn luyện được tư duy phản biện. Không ít lần, chỉ qua việc nói cho ngừoi khác biết research plan của bạn mà chính bạn có thể tạo ra những khoảnh khắc “Eureka!”
Nghỉ ngơi
Chúng ta cũng cần có những khoảng thời gian thư giãn, nghỉ ngơi khi cần thiết. Đó hoàn toàn không phải là lãng phí thời gian. Cũng cần chú ý là không nên nghỉ quá nhiều, vì sẽ làm mất đi động năng học tập của các bạn. Tuy nhiên thì phần lớn Ph.D. nghỉ quá ít chứ không phải nghỉ quá nhiều. Đừng hành hạ bản thân mình nếu bạn cần đánh một giấc, hay gấp sách lại và lên giường đi ngủ biết rằng đọc từng đó thôi vẫn chưa đủ, nhưng đã đến giờ nghỉ ngơi rồi. Thỉnh thoảng ra ngoài, hóng gió, làm những việc mình thích, đi chơi với bạn bè, v.v.. là những thứ chắc chắn bạn sẽ cần để có thể học hiệu quả hơn sau này.
Nếu bạn thích vận động, tập thể thao, thì hãy tiếp tục duy trì nó. Nếu bạn không phải tuýp người ưa vận động, thì cũng nên tìm cách để có được nó bằng cách này hay cách khác: đi bộ, đi xe đạp, chạy bộ, v.v.. Rèn luyện nhịp tim rất có ích khi chúng ta bị stress. Đừng quên gia đình, người yêu, vì đó là những đồng minh không bao giờ quay lưng với bạn. Sự ủng hộ từ họ có ý nghĩa tích cực rất nhiều với bạn.
Ngoài ra, bạn cần hướng tới trở thành một công dân có ích, một con người làm việc hiệu quả. Hãy cắt giảm những chất béo thừa thãi ra khỏi khẩu phần ăn, tránh những quãng nghỉ ngơi không hiệu quả như ngồi hàng giờ xem vô tuyến, chơi game … Thay vào đó, nên dành thời gian đó vào học tập, gia đình, bạn bè, tập luyện thể thao, đọc sách. Bạn có thể coi những việc trên là điều hiển nhiên ai cũng biết, nhưng không phải cứ biết là sẽ làm được đâu. Bạn cần xây dựng thời gian nghỉ một cách thông minh, bởi vì đôi khi, nếu không nhận thức được sự phí hoài thời gian của những quãng nghỉ ngơi không hiệu quả đó, chúng sẽ gây ảnh hưởng tới khả năng làm việc, và cả những quãng nghỉ có ích của bạn.
Nguồn: https://law.vanderbilt.edu/phd/How_to_Survive_1st_Year.pdf
Từ Reddit
Rèn thói quen đọc paper hằng ngày
Mục tiêu của Ph.D là ra báo, đồng thời hoàn thành dissertation (khoá luận). Chúng ta mới chân rướt chân ráo vào ngành, do đó cần tham khảo không chỉ kiến thức, mà còn cả cách viết của những bậc đi trước. Hãy rèn luyện thói quen đọc paper hằng ngày, MỖI NGÀY 1 PAPER. Không được bỏ qua bất cứ chi tiết gì trong bài báo đó, có nghĩa là phải đọc kỹ sau khi đã skim và quyết định đọc. Ai đọc được qua iPad thì tốt, còn không thì tốt nhất là cứ in ra mà đọc. Ra quán cafe, công viên, trong thư phòng, bất cứ đâu bạn thấy thoải mái, và đọc chúng, luôn mang theo mình bút chì, highlighter. Bạn nên note lại số trang trong paper mà bạn thấy thú vị, kèm theo comment của mình trong đó (chỗ này đúng chưa, chỗ này khó hiểu ở đâu).
Điểm mấu chốt của cách làm này là xây dựng một thói quen tốt nhằm thúc đẩy bạn đi xa hơn, đồng thời giúp bạn duy trì cái nhìn sắc sảo, luôn luôn cập nhật về lĩnh vực của mình. Thậm chí phải mất nhiều hơn 1 ngày để đọc, thì bạn vẫn nên phấn đấu với mục tiêu mỗi ngày 1 paper, bởi vì bạn thực sự muốn hiểu, muốn học và làm cho ra nhẽ những gì trong ngành của bạn. Bạn muốn trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực của mình, và một trong những cách tốt nhất là đọc thường xuyên. Lâu dần, bạn sẽ quên đi cảm giác stress, áp lực khi cầm mỗi bài báo.
Đồng thời, cũng nên đọc các bài khoá luận về trước, và nên đọc của những ai làm cùng chuyên ngành với bạn. Những bài khoá luận này có thể được tìm thấy trên mạng, hoặc trong thư viện của trường (chắc chắn có lưu trữ, yên tâm).
Duy trì việc gặp giáo sư thường xuyên và tin tưởng họ
Việc duy trì gặp giáo sư thường xuyên sẽ thúc đẩy bạn luôn luôn làm việc để có thể trình bày, cho giáo sư của bạn thấy những gì bạn đã làm. Đó sẽ là một động lực vô hình để giúp bạn tránh làm những việc vô bổ, tập trung cho nghiên cứu, và giúp bạn hoàn thành các mục tiêu đề ra một cách đúng hạn.
Bạn cũng cần phải tin tưởng vào kiến thức và định hướng của giáo sư bạn đã chọn. Nếu bạn có nhiệt huyết, duy trì được mối quan hệ tốt và làm việc năng động cùng giáo sư, chắc chắn bạn sẽ không thất bại. Đúng hơn là giáo sư sẽ không để bạn thất bại. Và từ đó đưa ra những lời khuyên hữu ích cho bạn. Nếu bạn chẳng may có quan hệ xấu với giáo sư, tốt nhất là nên nói chuyện với ai đó có khả năng giúp bạn, tư vấn nên làm lành hay chuyển giáo sư. Bởi vì giáo sư gần như là mạng sống của bạn, là một trong những nhân tố quan trọng nhất trong sự nghiệp và con đường học của bạn.
Tiếp thu feedback và biết cách góp ý với người khác
Bạn nên bảo vệ ý kiến của mình nhưng không nên bảo thủ, cố chấp. Trong nghiên cứu, thì feedback là thứ cực kỳ quan trọng để đưa bài nghiên cứu của bạn, từ một bản nháp thành một publication hoàn chỉnh. Tất nhiên, không phải ai cũng biết cách góp ý. Có người thẳng thắn nói bài bạn không ra gì và chỉ ra một loạt lỗi sai. Có người góp ý nhẹ nhàng dễ nghe hơn. Có người không những chỉ chỉ trích không, mà còn bày cách cho bạn nữa. Điều quan trọng không phải là cách người khác góp ý, mà là nội dung mà họ góp ý. Bạn có thể cảm thấy hổ thẹn, bị xúc phạm, nhưng nếu ý kiến feedback đó là đúng, hãy gạt qua kiêu hãnh của mình để hứơng đến viết một bài tốt hơn.
Cũng nên học cách đóng góp ý kiến, nhất là với đồng nghiệp và giáo sư của bạn. Bạn không muốn trở thành một a*shole đâu vì khi đó, sẽ chẳng ai muốn làm việc cùng bạn cả. Trong môi trường quốc tế thì cũng nên tìm hiểu về văn hoá của người khác, để tránh xảy ra những hình ảnh xấu không đáng có.
Ưu tiên của Ph.D. là gì?
- Nghiên cứu
- RA/TA
- Class
Đừng đánh giá thấp sức khoẻ tinh thần
Sức khoẻ tinh thần là rất quan trọng. Nếu ở trọng tình trạng mệt mỏi, căng thẳng triền miên, bạn rất dễ rơi vào tình trạng mất phương hướng. Khi đó, đề tài nghiên cứu cũng như sinh hoạt, sức khoẻ có thể bị ảnh hưởng. Đã có rất nhiều trường hợp sinh viên quá áp lực, nhưng không biết cách giải quyết vấn đề sức khoẻ tinh thần nên sinh ra trầm cảm, dẫn đến những quyết định không sáng suốt.
Để có sức khoẻ tinh thần tốt, hãy tích cực vận động. Xây dựng một nhóm bạn nơi bạn có thể chia sẻ những ưu tư, phiền muộn. Tìm cho mình một sở thích lành mạnh. Những ai còn độc thân thì cũng nên tìm đến một chỗ dựa tinh thần nơi người khác giới. Sức khoẻ tinh thần là rất quan trọng, nó chi phối toàn bộ những quyết định và hành động của bạn, nên đừng đánh giá thấp điều đó.
Work-life Balance và những lời phàn nàn
Có một sự thật là, work-life balance gần như rất khó tồn tại khi bạn học Ph.D. và đó cũng không phải ưu tiên số một của bạn. Nếu bạn muốn một cuộc sống rành rẽ về thời gian làm việc, và sinh hoạt cá nhân xã hội (phần life) thì hơi nhầm nếu chọn Ph.D. Dù bạn có rời phòng nghiên cứu rồi, thì những thí nhiệm bạn đang làm, đề tài bạn đang nghiên cứu sẽ không rời khỏi đầu bạn một phút nào hết. Cái bạn cần là kết quả nghiên cứu, liên tục làm việc, học tập để cho ra paper, tất nhiên là vẫn phải nghỉ ngơi, vẫn phải có cuộc sống xã hội nhưng đó không phải là ưu tiên hàng đầu. Hãy học cách chấp nhận thực tế đó. Thay vì cố gắng làm việc ít đi và chơi nhiều hơn thì hãy cố gắng trân trọng những giây phút nghỉ ngơi, những giây phút nhỏ nhoi cùng bạn bè, gia đình, người yêu và cống hiến thời gian, sinh lực còn lại của bạn vào công việc nghiên cứu.
Chắc chắn bạn sẽ nghe thấy rất nhiều những lời phàn nàn bên cạnh như ai đó bị thày giáo, labmate đối xử tệ bạc, chương trình Ph.D. tệ như thế nào, v.v.. Hãy để ngoài tai những lời phàn nàn đó, và đừng trở thành người suốt ngày đi phàn nàn. Việc phàn nàn không giúp ích gì cho con đường học vấn hiện tại của bạn, mà nó chỉ có tác dụng đưa nhiều ý kiến tiêu cực vào đời sống của bạn.
Suy nghĩ tích cực, làm việc khoa học, duy trì thói quen tốt, luôn khát khao sẽ giúp bạn vượt qua Ph.D. thành công!
Nguồn
Ảnh bìa:

Đại học Tohoku, Kawauchi Campus. Nhìn từ phòng nghiên cứu khoa văn.