Dành cho những người thấy việc học là khó, nhưng không muốn từ bỏ …

Đôi khi, chúng ta cần làm điều gì đó để lấy lại động lực làm việc.

Học tiếng Nhật, học môn chuyên ngành, nghiên cứu, lập trình, v.v.. Bất cứ hoạt động nào yêu cầu sự sáng tạo, tích luỹ tri thức đều sẽ có những giây phút khiến bạn muốn bỏ cuộc. Khi đó bạn cần …

Làm việc chăm chỉ

Trong học tập, nghiên cứu chuyên sâu, đòi hỏi chúng ta lĩnh hội kiến thức và tạo ra sản phẩm mới, thì gần như không có chuyện thành công ở những phút cuối đâu. Chúng ta phải đọc và viết rất nhiều, viết là suy nghĩ, suy nghĩ là viết. Trong nghiên cứu khoa học, những giây phút “Eureka” như của Ác-si-mét là gần như là không có, thành tựu khoa học đến chủ yếu từ sự bền bỉ tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm, làm việc chăm chỉ, không từ bỏ.

Mượn ý từ Ira Glass, đăng trên trang của terrytao.

Chúng ta là những người bắt đầu, những kẻ tay mơ, làm những công việc sáng tạo.

Chúng ta đến với nghề này bởi vì chúng ta có khẩu vị tốt (good taste), có đam mê.

Nhưng rồi chúng ta sẽ phát hiện ra có một KHOẢNG CÁCH rất lớn!

Trong những năm đầu tiên, bạn làm ra một sản phẩm, viết được một bài báo nào đó, nhưng nó chưa thực sự tốt (nếu đem so với sản phẩm của người khác). Mặc dù bạn đã cố gắng nhất có thể, nó có tiềm năng, nhưng nó đơn giản là chưa thực sự tốt.

Tuy nhiên, khẩu vị của bạn, cái thứ đã thôi thúc bạn lao vào trò chơi này từ đầu, thì vẫn còn đủ sự tinh tế. Bằng chứng là chính vì thế nên bạn mới cảm thấy THẤT VỌNG về bản thân.

Rất nhiều người không bao giờ vượt qua được giai đoạn này. Họ từ bỏ.

Thậm chí, những người mà tôi quen biết, cũng làm những công việc sáng tạo, viết lách, có khi phải trải qua hàng năm trời như vậy. Chúng ta hiểu rằng, sản phẩm của chúng ta chưa có gì đặc biệt như ta đã muốn nó phải có.

TẤT CẢ đều trải qua chuyện này.

Nếu như bạn bắt đầu cảm thấy, hoặc vẫn đang trong giai đoạn này, thì bạn cần biết rằng điều đó hoàn toàn bình thường. Điều quan trọng nhất bạn có thể làm khi phải đối mặt với điều đó là:

HÃY LÀM THẬT NHIỀU

Tạo ra cho mình một deadline để mỗi tuần bạn phải hoàn thành một sản phẩm, một câu chuyện, một chương, một phần nghiên cứu gì đó.

LÀM VIỆC/ HỌC TẬP thật nhiều, chăm chỉ, bền bỉ, với khối lượng lớn. Đó là cách duy nhất để thu hẹp cái KHOẢNG CÁCH kia.

Và rồi sản phẩm bạn làm ra sẽ được tốt như kỳ vọng của bạn.

Điều này sẽ mất thời gian. Trên thực tế, mất thời gian là điều bình thường.

Vấn đề là bạn phải chiến đấu và đừng bao giờ từ bỏ.

Trong học tập, nghiên cứu thì càng cần chăm chỉ

Mượn ý từ “The Cult of Genius

Chúng ta hay mắc phải bệnh so sánh. Trong mỗi chuyên ngành học tập đều tồn tại những huyền thoại, những ông tổ trong ngành. Ví dụ như trong vật lý thì có Feynman, Einstein, Hawking, trong ngôn ngữ học có Chomsky, Pinker, trong kinh tế có Acemoglu, Keynes, Aghion, Romer, nhiều vô kể. Đấy là chưa kể các trường đại học nổi tiếng, MIT, Harvard, Yale, Oxford, v.v.. Không ai có thể phủ nhận đó đều là những thiên tài, và những trường đại học danh tiếng kia chắc chắn cũng không phải tự dưng mà có nhiều người giỏi quy tụ đến vậy, nhưng điều này tạo ra cho chúng ta một vấn đề.

Đó là gì? Đó là phần lớn chúng ta đâu có phải là thiên tài như vậy. Ví dụ như MIT hằng năm chỉ lấy có 7% số thí sinh đăng ký (Grad School). Coi như 7% đó là thiên tài đi, vậy 93% còn lại không phải thiên tài, nhưng nó có đồng nghĩa với việc 93% còn lại là đồ bỏ đi không? Hay có những người sẽ nói với bạn rằng: “Ồ, nếu không được giỏi như người A, người B, tiến sĩ C, giáo sư D, thì tốt nhất là nên thôi đi”.

Không ai trong chúng ta có thể tránh được việc tự so sánh hoặc bị so sánh. Thậm chí, chắc chắn bạn sẽ phải trải qua những giây phút đối mặt với một sự thực là “Tôi không giỏi như họ”. Vấn đề là nếu biết như vậy, bạn sẽ làm gì? (1) là bạn sẽ đối mặt với nó, (2) là bạn sẽ đành nốt sự nghiệp còn lại của mình cố gắng che đậy đi thực tế là bạn không xứng đáng (tức là làm việc nhưng luôn luôn đi so sánh và cảm thấy tự ti), và (3) là bỏ.

Nếu bạn không muốn chọn số (3) vì lòng tự trọng, vì vẫn còn đam mê, thì đừng rơi vào tình trạng số (2), luôn nghĩ mình tự ti, mà phải hướng tới quyết định số (1). Và một khi bạn đã chọn số (1) rồi, thì điều đó có nghĩa là bạn cần làm việc chăm chỉ. Trong giới học thuật, cái từ có sức nặng nhất trong các lá thư giới thiệu, có lẽ là từ “đây là một sinh viên cực kỳ chăm chỉ”.

Tất nhiên là phải có một chút thông minh (nếu không thông minh thì đã không qua được vòng hồ sơ rồi), nhưng bạn không cần phải là một thiên tài. Nếu bạn có khẩu vị tốt, có cái nhìn nhạy bén về các vấn đề đang xảy ra trên thế giới, bạn muốn (và bạn hạ quyết tâm) tự học, thui rèn trí tuệ, bạn biết tận dụng cơ hội, thì chắc chắn bạn sẽ tiến được xa, và rất rất có thể sẽ có những đóng góp vào ngành bạn đang nghiên cứu.

Khi bạn gặp một vấn đề nào khó trong nghiên cứu, và bạn nghĩ rằng “Phải thiên tài như thày A, thày B thì mới giải được bài này” và vì thế mà từ bỏ thì hãy suy nghĩ lại. Thay vì từ bỏ, cảm thấy thất bại, cách duy nhất là phải làm việc chăm chỉ hơn, làm việc với khối lượng nhiều hơn, đọc thêm tài liệu tham khảo, chưa giải được thì làm và hiểu các vấn đề dễ hơn, đi dần dần lên cao.

Bộ não con người cũng giống như cơ bắp thôi. Luyện tập nhiều, nó sẽ tốt lên, cứng cáp hơn. Vấn đề là sự chăm chỉ và bền bỉ.

Thung lũng tuyệt vọng

Để khép lại bài viết, chúng ta sẽ đến với “Valley of Despair”.

Mỗi khi cảm thấy chán chường, tuyệt vọng, có thể bạn sẽ rơi xuống “vực tuyệt vọng”. Bạn sẽ cảm thấy tự tin ở mức thấp nhất, trong khi kiến thức thì chỉ hơn người không biết gì một chút. Những người muốn từ bỏ thì sẽ mãi mãi ở lại đó. Những người như chúng ta thì cần chăm chỉ làm việc (và làm việc hiệu quả) để dần dần leo lên trên con dốc “enlightenment” kia. Càng leo lên bạn sẽ thấy tự tin hơn một chút, khôn ra một chút. Nhưng nên nhớ con đường vẫn còn dốc. Nghĩa là nếu bạn cảm thấy “competence”, hay thoả mãn quá sớm mà chểnh mảng, rất có thể bạn sẽ lại tụt xuống vực kia.

Chỉ có sự bền bỉ, kiên trì, LÀM VIỆC CHĂM CHỈ qua năm tháng mới giúp bạn lên được đỉnh con dốc, lĩnh hội tri thức.

2 thoughts on “Dành cho những người thấy việc học là khó, nhưng không muốn từ bỏ …

Để lại bình luận

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.