Truyện kể Kanji số 4: dấu 々

Đối với những ai đang học tiếng Nhật thì dấu 々 (dấu nháy lặp lại) không có gì là quá xa lạ, khi mà ta có thể bắt gặp nó trong một số từ quen thuộc như 人々、日々… Tuy nhiên thì có nhiều lúc chúng ta cũng không biết gọi cái dấu này như thế nào cho đúng, cái dấu này từ đâu mà ra… Kì số 4 của “Truyện kể Kanji” sẽ giải đáp những thắc mắc này.

Công năng

Dấu 々 là dấu chỉ sự lặp lại của chữ Hán đằng trước nó. Trong tiếng Nhật thì có một số từ sử dụng cái dấu này, ví dụ như 人々 (hitobito) = “mọi người/ người người”. Hoặc từ 日々 (hibi) = “ngày qua ngày” hay 山々(yamayama) = “nhiều núi”.

人々

Qua các ví dụ trên thì các bạn có thể thấy thường nếu thêm dấu này vào sau thì sẽ mang ý nghĩa là “nhiều”. Tuy nhiên có vài từ sẽ bị thay đổi ý nghĩa, ví dụ:

個 (ko) là “cái” => 個々(koko) là “từng cái một”

時 (toki) là “lúc (thời gian)” => 時々 (tokidoki) là “thỉnh thoảng”

翌日 (yokujitsu) là “ngày hôm sau” => 翌々日 (yokuyokujitsu) là “2 ngày sau”

Ngoài ra còn có tên người, ví dụ:

佐々木 Sasaki

代々木 Yoyogi

Dấu 々 chỉ được áp dụng nếu cách đọc của 2 chữ Hán phải hoàn toàn giống nhau (mặc dù sau khi ghép lại thì sẽ có biến âm, như 日々 đọc là hibi chứ không phải hihi :). Điều này khiến cho những từ, mặc dù 2 chữ Hán là giống nhau, nhưng cách đọc khác nhau không thể sử dụng dấu này mà phải viết hẳn ra.

Ví dụ: 日日 là hinichi (“ngày trong tuần”), 湯湯婆 là yutanpo (“túi chườm nước nóng)

Tên gọi

Thực tế thì cái dấu này có khá là nhiều tên gọi. Người ta thường gọi nó là 繰り返し記号  (kurikaeshikigō) hoặc 反復記号 (hanpukukigō) đều có nghĩa là “kí hiệu lặp lại”. Một cái tên ngắn gọn hơn là “noma-ten”. Đơn giản bởi vì nếu chúng ta ghép 2 chữ cứng no「ノ」và ma 「マ」lại thì sẽ thành dấu lặp lại này.

ノ +  マ = 々

Để cho tiện thì từ giờ chúng ta sẽ gọi dấu này là dấu noma.

Gõ dấu noma

Thường thì chúng ta gõ hitobito là nó ra luôn rồi. Tuy nhiên ở đây vẫn muốn giới thiệu tới mọi người cách gõ dấu noma một cách trực tiếp, đó là các bạn gõ おなじ hoặc くりかえし rồi nhấn dấu “cách” để chọn trong list từ gợi ý.

Nguồn gốc

謝々(謝謝) nghĩa là “Hảo Hảo” (hình chụp trong 1 quán ăn ở Đài Loan)

Giờ mới đến phần thú vị nè. Cũng như mọi chữ Hán khác, dấu noma được lấy nguyên gốc từ bên chữ Hán.

Từ xưa tít từ thời nhà Chu (khoảng thế kỉ 10 TCN), người Trung Quốc đã sử dụng chữ Hán 二 để chỉ “sự lặp lại”, khi đó nó sẽ xuất hiện dưới dạng kí tự bé bé như dấu “=” nằm dưới chữ Hán (do hồi đó viết dọc) và chữ Hán vẫn theo dạng cổ theo đúng nghĩa “tượng hình”, chứ chưa mang dáng vẻ như bây giờ.

1 văn tự thời nhà Chu

 

Về sau khi chữ Hán phát triển thì người ta cách điệu dấu này thành 々 như ta thấy ngày nay. Và rồi bắt đầu từ thế kỉ I SCN, các chữ Hán lần lượt được du nhập vào Nhật Bản, dấu 々 cũng vậy.

 

Không chỉ có chữ Hán mà rất nhiều các ngôn ngữ khác cũng lấy “số 2” làm ý tưởng để tạo ra dấu lặp lại. Người Ai Cập cổ đại dùng dấu 2 sọc \\ để kí hiệu lặp lại. Gần gũi hơn như trong các ngôn ngữ hệ latin (dùng bảng chữ cái ABC) thì ta có dấu ditto (″), hình 2 cái sọc nhỏ, dùng để lặp lại từ tương đương ở dòng trên. Hoặc nhiều trường hợp là dấu _

Không chỉ có Kanji

Cá biệt với ngôn ngữ có 3 bảng chữ cái như tiếng Nhật thì kí hiệu lặp lại không chỉ có trong kanji mà còn có trong bảng chữ cái Kana bình thường (mặc dù sẽ không viết là 々).

Với hiragana thì dấu lặp lại có kí hiệu là ゝ và bên katakana là ヽ (mặc dù hầu như không được sử dụng và thường thấy trong tên người).

Ví dụ: さゝき là Sasaki, hoặc おゝの là Oono

Chú ý như từ Isuzu (いすず) khi viết kiểu này phải thêm dấu tenten いすゞ

Ngày nay những kí tự kiểu này chỉ có thể bắt gặp trong các văn tự cổ, hoặc các tiểu thuyết đã có từ lâu. Còn trong tiếng Nhật hiện đại thì bạn gần như không hề bắt gặp chúng (có chăng thì trong thư tay), thay vào đó chỉ thấy nhiều dấu 々 thôi.

Nguồn:

5 interesting facts about the kanji iteration mark 々“, by Reuben L., tokyofromtheinside, March 14, 2015

Iteration Mark“, Wikipedia

Advertisement

3 thoughts on “Truyện kể Kanji số 4: dấu 々

Để lại bình luận

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.