Tự luyện thi JLPT N2: Sách luyện thi (Update 2020/06/29)

[Đã được cập nhật lần cuối vào ngày 29/06/2020]

Bài viết hôm nay sẽ là về các sách học ôn thi JLPT N2 dành cho những ai muốn tự học. Về cơ bản thì sách luyện thi cấp độ N2 và N3 khá là giống nhau. Mình chỉ dựa trên những sách đã học hồi N3 để xác định xem sẽ dùng sách gì để ôn N2. Việc tự ôn từ N3 lên N2 là rất khó khăn, vì theo mình thấy thì nội dung kiến thức của N2 là rất rộng, lát nữa coi giới hạn thì sẽ thấy. Do đó, nếu có thể tìm được chỗ nào để ôn thi thì là tốt nhất. Mình học vì sở thích là nhiều nên không muốn đi luyện thi, vì như thế mất vui 🙂 Như đã nói, những sách dưới đây chỉ là ý kiến cá nhân để các bạn tham khảo, vì có sách hợp với người này nhưng không hợp người kia, nếu biết sách nào học hay hay các bạn hãy comment xuống dưới nhé.

Vì lý do bản quyền nên ad không thể đăng trực tiếp link download tại đây. Mong các bạn thông cảm. Tuy vậy, tất cả các sách bên dưới các bạn đều có thể download được tại đây.

Xem thêm: Cấu trúc đề thi N2

Giới hạn của trình độ N2

Do trình độ N2 cũ và mới là như nhau, nên giới hạn của JLPT N2 trước và sau 2010 là không khác nhau. Theo trang tanos.co.uk thì giới hạn kiến thức của N2, Kanji là xấp xỉ 1000 chữ, Từ vựng là khoảng 6000 từ, nếu so với N3 (kanji = 650, từ vựng = 3700 ) thì lượng kiến thức là gần gấp đôi.

Đạt được trình độ N2 có nghĩa là bạn có thể đọc hiểu các tài liệu, văn bản chung chung, về cuộc sống thường ngày… và có thể nghe bản tin, các cuộc nói chuyện thông thường ở tốc độ tự nhiên (thật không ta 😮 )


Sách luyện thi N2

Tất cả các sách này các bạn đều có thể mua được ở cửa hàng sách ngay gần cổng trường Đại học Hà Nội

Địa chỉ: Số 8A Cổng trường Đại học Hà Nội (SĐT: 0438547999 – 0903202242)

Các link download bản mềm mình chỉ tìm được của một số sách mà thôi, do mình không scan hay upload tài liệu mà chỉ dẫn link mình tìm thấy được từ các trang khác (những sách màu lục là có link download còn màu đỏ là không có, mình sẽ update nếu tìm được). Những sách không có link download thì các bạn qua nhà sách ở địa chỉ trên hỏi mua, vì ở đấy sách gì cũng có cả. Đối với những bạn không ở Hà Nội hoặc không thể đến trường ĐHHN được thì các bạn có thể ra hỏi các khu vực gần các trường tiếng (có tiếng Nhật) hoặc các trung tâm dạy tiếng Nhật tại địa phương, mình nghĩ cũng sẽ có.

______________________________

Ngữ pháp

  • Shinkanzen Master N2 Grammar
  • TRY N2
  • Từ điển mẫu câu tiếng Nhật (vô cùng quan trọng)

Nghĩ đến việc học ngữ pháp để ôn thi là nghĩ ngay đến 2 sách này. Nếu phải so sánh giữa 2 sách thì sách Shinkanzen có giải thích kĩ càng và nhiều ví dụ hơn (đáng tiếc là giải thích bằng tiếng Nhật), tuy nhiên đó cũng là một điều tốt vì chúng ta sẽ được tập luyện việc đọc giải thích bằng tiếng Nhật cho mẫu ngữ pháp nào đó. Số lượng ngữ pháp mà Shinkanzen đưa vào là khoảng 211, được chia làm 26 bài, mỗi bài có từ 4 đến 6 mẫu ngữ pháp (có liên quan về mặt ý nghĩa). Về phần bài tập, có thể nói là khá phong phú, thường là chọn dạng đúng của một mẫu ngữ pháp nhất định, rồi thì chọn mẫu ngữ pháp thích hợp. Đặc biệt có 2 phần cuối là bài tập áp dụng, có đầy đủ các dạng sẽ gặp trong đề thi. Có thể nói Shinkanzen là sự lựa chọn hàng đầu.

Ngoài Shinkanzen ra còn có cuốn TRY N2 cực cực kỳ hay. Nó giúp các bạn học ngữ pháp nhưng có ứng dụng vào nhiều dạng bài tập, nhất là đọc hiểu để có ngữ cảnh, hiểu khi nào thì có thể sử dụng được. (về review của sách xem ở đây: REVIEW SÁCH TRY) Học xong Shinkanzen rồi học TRY N2 là rất thích hợp nhé. Các bạn có thể mua sách này qua tiki theo link dưới.

Còn sách từ điển mẫu câu thì là đương nhiên phải có rồi. Mặc dù ở trình độ này, chúng ta đã đủ khả năng để tra và sử dụng từ điển Nhật-Nhật rồi, tuy nhiên, để xác nhận rằng mình đã hiểu hết nội dung của một chủ điểm ngữ pháp nào đó thì cuốn sách này vẫn là đầy đủ và chuẩn xác nhất. (Dùng mazii cũng được nhưng chú ý là Mazii có nhiều lỗi sai lắm, tra bằng cái này là chuẩn nhất)


Từ vựng (Update)

  • N2 Speed Master Goi
  • Peade Oboeru Iroirona Kotoba
  • N2 Shinkanzen Goi
  • Shinbun de Manabu Nihongo (học tiếng Nhật qua đọc báo)

Sách Speed Master N2 Goi thì đã quá quen thuộc với những ai đang luyện thi rồi. Sách được chia thành 45 chủ đề, tương đương với 45 bài, mỗi bài các bạn sẽ được học khoảng 40 – 50 từ. Như vậy tính trung bình ra thì sẽ là tầm 2000 từ. Như vậy cũng là tương đối đủ (vì N3 là khoảng 3700 từ, lên N2 là xấp xỉ 6000 từ). Tất nhiên, chẳng ai thừa hơi đi đếm lượng từ vựng để học cả, hơn nữa, từ vựng là một kĩ năng có tính lặp lại cao, nghĩa là phải luyện tập thường xuyên, không thể hôm nay nhớ là nhớ mãi mãi về sau luôn được. Đối với một người học như mình thì từ vựng trong sách này là hữu dụng và đầy đủ, còn việc học được hay không thì không biết được.

Có một cách hiệu quả để luyện tập từ vựng, đó là viết. Với việc chia thành các chủ đề như thế này, bạn hoàn toàn có thể tự sáng tạo ra một chủ đề và viết dựa trên đó, sử dụng các từ vựng có trong bài, sẽ là một cách học từ vựng rất hay và hiệu quả.

Một sách học từ vựng nữa mà dạo gần đây mình để ý đến đó là sách Pea de Oboeru Iroirona Kotoba. Đúng như tên gọi (Pea = ペア = pair (cặp) ), tư tưởng của sách này đó là học từ vựng theo cặp, ví dụ như các cặp từ đồng nghĩa nhưng có cách diễn đạt khác nhau, hoặc một số danh từ thì chỉ đi với động từ này, động từ này thì lại hay đi với chỉ một số các danh từ, hay các cặp từ trái nghĩa… Có nghĩa là sách này bổ sung thêm không chỉ học từ vựng chay, mà còn học cách sử dụng, cách diễn đạt từ vựng và liên kết các từ vựng có liên quan với nhau (đồng nghĩa, trái nghĩa). Sách sẽ giới thiệu chủ điểm của mỗi bài qua một đoạn văn (tốt, tiện thể luyện đọc luôn), sau đó đưa ra list các từ vựng (có cùng mối quan hệ) và sau đó là các bài tập drill (ドリル) nhằm đào sâu thêm. Cá nhân mình thấy đây là một cuốn sách rất hay và thú vị. (Cập nhật: Sách này cũng hay nhưng trình độ thật ra không hẳn là của N2 lắm, mà nằm nhiều ở N3, học khá dễ và những ai có nền tảng từ vựng tương đối từ N3 thì sẽ thấy có khá nhiều từ lặp lại. Tất nhiên, học thêm thì vẫn được nhưng nó không hẳn nằm trong level N2 lắm nên xin phép không recommend).

Mình có bổ sung thêm 2 cuốn là Shinkanzen master và Học tiếng Nhật qua đọc báo. Sách Shinkanzen thì học hơi khó một chút, nhưng mà nó có phần Appendix rất hữu dụng, liệt kê các từ vựng quan trọng hay có. Nếu ôn tủ thì nên học cuốn này. Để đỡ bị quá tải thì hoặc chọn Shinkanzen, hoặc Speed Master. Còn tài liệu đọc tiếng Nhật qua báo ở trên cũng sẽ giúp bạn thêm được kha khá từ vựng chuyên môn. Mỗi bài báo cũng không dài lắm, nên dùng làm sách tham khảo rất tốt.


Kanji (Update)

  • Intermediate Kanji Book I & II
  • Kanji Tango Drill N2
  • Soumatome Kanji N2
  • Shin Kanzen Master N2 Kanji

Intermediate Kanji Book là quyển sách trung cấp của 2 cuốn sách sơ cấp Kanji hay nhất mà mình từng học là Basic Kanji Book. Tuy nhiên, bản Intermediate làm mình có đôi chút thất vọng do sách đã đổi phong cách trình bày. Nếu như ở Basic Kanji, các chữ được trình bày theo từng bài, trực quan, có hướng dẫn viết và các bài tập bổ trợ thì lên trung cấp, trông nó khác hẳn. Mỗi bài học giờ đây là một bài học lớn, mỗi bài gồm có 20 chữ Hán mới (so với 500 chữ ở Basic) và được trình bày theo dạng như sau: Phần đầu là ôn lại các chữ Hán từ cuốn Basic (rất hữu ích), Phần thứ 2 là Luyện tập cơ bản, các bạn sẽ làm quen với các 20 chữ Hán mới, tuy nhiên để tra các chữ Hán này, các bạn phải giở phần cuối sách ra để coi (phần cuối sách liệt kê tất cả các chữ Hán có trong sách, nhưng không được xếp theo bài mà lại được xếp theo Bộ thủ). Đây là phần làm mình rất nản vì mỗi lần tra chữ Hán như một cực hình, mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên bù lại, phần bài tập của sách giống như 2 quyển sơ cấp trước đó, hết sức tuyệt vời. Các bài tập ứng dụng cơ bản như chọn chữ Hán thích hợp, điền từ, phân loại… bên cạnh đó là các bài Kadai 課題(các bài tập bổ trợ) và phần コラム (đã trở thành thương hiệu của sách) nơi chứa các bài đọc thêm, các thông tin mà bạn có thể áp dụng ngay các Kanji mới học. 2 quyển này sẽ cung cấp cho các bạn thêm 667 chữ Kanji mới, cộng thêm với 500 chữ từ Basic sẽ cho ta khoảng hơn 1100 chữ Hán. Đủ tiêu chuẩn N2 nhé >:D

Soumatome Kanji chẳng có gì đặc biệt nổi trội, chỉ đơn thuần là liệt kê và làm mấy bài tập đơn giản nên học quyển này khá chán. Cuốn bên cạnh, Kanji Tango Drill N2 thì thiên về hệ thống lại Kanji hơn. Nghĩa là nó sắp xếp lại các chữ hán một cách có hệ thống, ví dụ như chữ 安 thì sẽ có những chữ nào đi cùng với nó, ví dụ như 安全 安心 安定 目安 … Giống như một cuốn từ điển vậy.

Theo mình thì nên học theo sách Intermediate Kanji, sau đó dùng sách Kanji Tango Drill để ôn tập lại. 

Sau đó dùng sách Shin kanzen để ôn luyện kiến thức Kanji cho N2.

Update: Sách Kanji Tango Drill đã cũ lắm rồi, không còn phù hợp để học nữa. Còn Somatome thì học chán, buồn ngủ. Hai cuốn này thì mình sẽ không recommend cho những ai muốn tự học ôn N2. Sách Intermediate rất hay và nhiều bài tập bổ ích, nếu có thời gian mần được hai cuốn này thì cũng là tốt lắm rồi. Tuy nhiện, do hai cuốn này không được thiết kế dành cho việc luyện thi N2, nên để đi thi được hiệu quả cao, chúng ta nên ôn một quyển ôn Kanji mà cover kiến thức của N2. Ở điểm này thì chắc chỉ có mỗi Shin Kanzen là hợp lý nhất. Cái hay của Shin Kanzen là nó đã được tối ưu hoá cho người ôn luyện, ai có nhiều thời gian thì ngồi làm học từ đầu, ai không có thời gian thì vẫn có thể xem qua mục Appendix và “ôn tủ” nếu cần. Các bạn có thể không tin nhưng JLPT ôn tủ không hề khó chút nào.


Đọc hiểu

  • N2 Dokkai Mondai 55 +
  • Speed Master N2 Dokkai
  • Shinkanzen N2 Dokkai
  • Tham khảo: Intermediate Japanese Reading Skill Builder

Sách N2 Dokkai Mondai 55+ thì đã quá quen thuộc với chúng ta từ hồi ôn thi N3 rồi. Sách có thiết kế đơn giản, đưa ra các bài đọc và bài tập, đáp án, không quá đặc biệt nhưng hữu dụng.

Còn sách Speed Master N2 Dokkai thì là một cuốn rất tuyệt vời. Vì sao lại thế. Thứ nhất, đầu sách có phần hướng dẫn cách đọc khi làm bài, các chiến thuật khi đọc, như kiểu làm sao để đọc cho nhanh, làm sao đê phân biệt được thông tin nào cần, thông tin nào không cần… tất cả bằng tiếng Nhật nhé. Phần thứ hai là keyword, các từ thông dụng hay lặp lại nhiều lần, được chia theo các chủ điểm (ví dụ như liên quan đến chủ đề 会社 thì có những từ nào hay gặp). Một cái hay nữa của sách đó là thời gian. Như các bạn đã biết thì thời gian rất quan trọng, nên căn thời lượng đọc cho mỗi phần thế nào, thì trong sách Speed Master đều có cả. Ví dụ phần đọc ngắn, mấy bài đầu quy định 4 phút, về sau rút ngắn dần thành 3 phút, bài đọc dài cũng thế, bài đầu 10 phút về sau còn 9 chẳng hạn… Về phân bổ thời gian phần đọc, các bạn xem ở đây nhé.

Cũng chưa có cơ hội học đến sách Shinkanzen Master N2 Dokkai (nhưng mọi người bảo hay), đọc qua thì mình thấy nó cũng khá giống với sách 55+ . Đọc thì “càng nhiều càng ít” phải không 😀 Nói chung về luyện đọc thì nếu các bạn luyện theo phương pháp “mô phỏng phòng thi”, tức là mỗi lần luyện làm y nguyên số lượng như trong một đề thi bình thường, thì 1 quyển sách đôi khi chỉ mất 1 tuần là đọc xong hết. Do đó, luyện đọc thì càng nhiều càng tốt.

Quyển Intermediate Japanese Reading Skill Builder ở trên không liên quan gì đến thi thố cả, mà nó chỉ là quyển đọc thêm trong đó chủ yếu là các bài đọc dài. Mình xếp nó vào mục sách tham khảo.

Về một số tips đọc hiểu, các bạn có thể coi một số video của Sempai Dinh Hung


Nghe hiểu (Update)

  • Speed Master N2 Choukai
  • Mimikara Oboeru Choukai Training N2
  • Mainichi kikitori Trung cấp 上 & 下
  • Một số kênh Youtube thời sự bổ ích

2 quyển Mimikara Oboeru Choukai Training N2Speed Master N2 Choukai thì cũng quen thuộc với nhiều người từ hồi ôn N3 rồi. Mình vẫn đánh giá cao 2 cuốn này do lượng bài tập nhiều, các dạng bài y hệt form đề thi và giọng đọc dễ nghe. Cũng chưa thử Shinkanzen vì vẫn cay giọng đọc của nó từ hồi N3. (chắc chỉ có mình là dị ứng với giọng đọc của Sách nghe Shinkanzen 😡 )

Mainichi kikitori Trung cấp 上 & 下 (上 là quyển I còn 下 là quyển 2 nhé). 2 sách này cũng không liên quan đến việc thi thố mà chỉ là sách luyện nghe thông thường. Tuy nhiên, mình tin là nếu chỉ nghe luyện nghe hiểu trong 2 sách Mimikara và Speed Master thực sự là quá ít, luyện nghe cần nhiều hơn thế và Mainichi kikitori là sách đáp ứng điều đó. Ngày nào cũng nghe 1 bài, trong 50 ngày, đó là ý tưởng của Mainichi kikitori, tốc độ nói của băng là tốc độ nói bình thường, tựu nhiên ở Nhật. Nếu chăm chỉ luyện nghe Mainichi kikitori mỗi ngày, chắc chắn bạn sẽ nhận đượ phần thưởng xứng đáng 😀

Update: Riêng về mục nghe hiểu, để giúp chúng ta hoà vào môi trường tiếng Nhật hiệu quả hơn, dưới đây là 3 kênh Youtube của 3 hãng phát thanh mà mình hay coi.

日本経済新聞 (nikkei) | Hay nhất là mục Morning Briefing, mỗi sáng nghe 10 phút về tin tức chính trị, kinh tế Nhật Bản và thế giới.

FNNプライムオンライン | Luôn có video tổng hợp tin tức mỗi ngày お昼ニュース với thời lượng khoảng 5 – 15 phút, người dẫn chương trình xinh đẹp

ANNnewsCH (nhiều loại tin tức đa dạng)


Luyện đề

Sau khi ôn luyện tất cả các kĩ năng, giờ là lúc bước vào trận chiến 🙂

Khi luyện đề, các bạn cố gắng đảm bảo về mặt thời gian và mạnh dạn chấm điểm để biết mình đang ở đâu, làm tốt những phần nào và những phần nào cần cải thiện để phấn đấu nhé. Cái quyển Bộ đề thi thử kia mình mua ở chỗ nộp mua hồ sơ (bên trường ĐHNN ĐHQG), nhưng hình như ở tiệm sách chỗ ĐH Hà Nội cũng có bán thì phải.

Trên trang chủ chính thức của jlpt cũng có đề thi mẫu sample test, các bạn cũng nên xem qua và download về làm thử.


Chúc các bạn ôn luyện hiệu quả >:D

Xem thêm Sách luyện thi JLPT N3

—–

Nguồn tham khảo:

JLPT Level N2 Resources“, Jonathan Waller, tanos.co.uk, December 01, 2011

Tổng hợp tài liệu luyện thi JLPT 2kyuu“, Japan My Love, studyjapanese.net, September 16, 2013

Tài liệu học tiếng Nhật“, tailieuhoctiengnhat.com

http://yuki-nezumi.blogspot.com/

Japanese Language Proficiency Test

89 thoughts on “Tự luyện thi JLPT N2: Sách luyện thi (Update 2020/06/29)

  1. Pingback: Tự luyện N2 cùng nipponkiyoshi | nguyenthamsh

    • Quyển này hơi khó học hơn một chút. Em nên học theo trình tự sau nhé:
      復習 -> đọc phần 要点 (để biết được bài này dạy về cái gì) -> 学習漢字 (là những chữ hán có trong bài này, được ghi ở cuối phần 要点, tuy nhiên để học được nó thì phải tra ở 索引 cuối sách, người học sẽ phải tự tra và tự tổng hợp kiến thức kanji này) -> 基本練習 (luyện tập cơ bản) -> 応用練習 (luyện tập nâng cao) -> 課題 (là phần đọc thêm/ bổ trợ kiến thức ứng dụng từ bài kanji vừa học)
      Thân.

      Đã thích bởi 2 người

  2. Em chào anh ạ. Anh cho em hỏi, khi em tải cuốn Shinkanzen Master N2 Grammar về thì trong đó chỉ có 173 mẫu ngữ pháp chứ không phải là 211 mẫu như anh nói. Cả hình bìa sách cũng ko giống hình bìa trên ảnh của anh. Vậy thì link tải cuốn này có chính xác ko ạ ?

    ~ Cảm ơn anh ạ.

    Đã thích bởi 1 người

  3. Pingback: Update sách luyện thi N2 (Đọc hiểu) – Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi

  4. hình như quyển bạn đăng không phải là cuốn goukaku dekiru n2 mà là cuốn goukakudekiru 2kyuu, cuốn 2 kyuu này là cuốn ôn hồi xưa mà
    nếu có cuốn goukaku dekiru n2 thì tốt biết mấy

    Thích

  5. Bạn ơi cho mình hỏi hai quỷên sách đọc thêm Nihon no kurashi bunka mình dowload về rồi nhưng file này hình như bị khóa vì mình thấy có chữ này ở trong tên file mở ra trên trình đọc pdf “security”. Còn cuốn Nihon wo hanasou mình không thấy ở hiệu sách trường Đại học Hà Nội và tìm trên mạng cũng không có. Vậy làm thế nào vậy. Mong được bạn giúp đỡ. Cảm ơn bạn

    Thích

  6. Bạn ơi, nhiều sách và lượng kiến thức như vậy, bạn có thể chỉ cho mình cách phân bố thời gian học thật hiệu quả được không??? cảm ơn

    Thích

  7. Bạn ơi, nhiều sách và lượng kiến thức như vậy, bạn có thể chỉ cho mình cách phân bố thời gian học thật hiệu quả được không??? cảm ơn

    Thích

    • Bạn có thể học theo giai đoạn, ví dụ mỗi tháng học hết 1 quyển (tương đương với 1 kĩ năng)
      Hoặc bạn có thể học dàn trải, mỗi ngày 1 bài trong 1 sách và chia đều trong 1 tuần.
      Lượng kiến thức bạn muốn dung nạp trong 1 ngày là tùy mỗi người, bạn cứ chia sao cho phù hợp với mình là được.

      Thích

  8. Pingback: Tự luyện thi JLPT: Sách luyện thi | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi

  9. cảm ơn chia sẻ bổ ích của Kiyoshi nhé! mình vừa thi N3 đợt tháng 7 vừa rồi kết quả khá tôt. bây h cũng đang gấp rút ôn thi N2. Chúc bạn sẽ đạt kq tốt và tiếp tục chia sẻ thêm kinh nghiệm ôn thi.

    Thích

  10. Đọc bài mình cũng đã tưởng tượng được ôn lên N2 khó như thế nào rồi,chắc khó gấp mấy lần ôn từ N4 lên N3 nữa.Chắc tháng 7 năm sau mới dám thi quá,từ giờ tới tháng 12 có lẽ không đủ để nạp kiến thức N2 🙂

    Thích

  11. Pingback: Tự luyện thi JLPT N3 (P1): Sách luyện thi (có link download) | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi

  12. Thanks bạn Kiyoshi nhiều nhiều vì những chia sẻ của bạn. Nhưng mình thấy ở trong trang web studyjapanese có một số sách không có trong mục chia sẻ của bạn. Mà mình lại ở trong HCM. Nếu được bạn có thể giúp mình kiếm mấy sách mà trong studyjapanese không có được không? Thanks bạn

    Đã thích bởi 1 người

Để lại bình luận

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.