Thần đạo Shinto (P10): Thần đạo trong đời sống người Nhật

Giống như bao tôn giáo khác, Thần đạo cũng có mặt và là một nhân tố quan trọng trong những sự kiện quan trọng của đời một con người: sinh ra, trưởng thành, kết hôn và chết đi.

Miyamairi 宮参り

Khi mới chào đời, đứa trẻ được tiếp nhận sự che chở và bảo hộ của các vị Thần. Khi đứa trẻ được 1 tháng tuổi, cha mẹ chúng đưa đứa trẻ đó đến ngôi đền của địa phương, phong tục này gọi là miyamari. Khi đó, đứa trẻ sẽ trở thành ujiko, kiểu như đứa trẻ sẽ theo Thần đạo và chịu sự bảo vệ của vị thần của ngôi đền đó. Theo truyền thống thì đây là nơi đầu tiên đứa trẻ ghé thăm khi mới chào đời (sau 1 tháng ở cữ). Cũng theo đó, cha mẹ thay mặt cho đứa bé trách nhiệm tín ngưỡng với ngôi đền và có thể tham gia vào các lễ hội cũng như các nghi lễ khác. Miyamairi đánh dấu sự liên hệ và gắn bó giữa con người với các vị thần, kể từ khi được sinh ra.

Lễ hội bé trai và bé gái

Theo truyền thống, ngày 3/3 hằng năm là ngày bé gái, hay là lễ hội búp bê (Hina Matsuri). Vào ngày này, các bé gái trưng bày các con búp bê lên một chiếc bục (hầu hết các búp bê được truyền lại từ đời trước trong gia đình), sau đó mời bạn bè đến ngồi chơi, ngắm búp bê và uống trà. Ngày xưa, đây từng là ngày thanh tẩy, mọi người làm những con hình nhân giấy, chà vào người để lấy đi điểm xui, sau đó họ đem những hình nhân này đi và vứt xuống biển. Tuy nhiên, tục lệ này giờ không còn.

Ngày bé trai (Tango no Sekku) diễn ra vào ngày 5/5 hằng năm. Vào ngày này, người ta sẽ bày các bộ giáp võ sĩ samurai ngày xưa, hay các búp bê samurai ở ngoài cửa ra vào để đuổi quỷ dữ đi. Các bé trai sẽ vận những bộ trang phục truyền thống mà các samurai ngày xưa hay mặc, biểu tượng cho sức mạnh và lòng dũng cảm và treo diều cá chép, biểu tượng của sinh khí và sức mạnh.

Ngày nay các ngày bé gái, bé trai không còn mang tính tôn giáo tín ngưỡng nữa, tuy nhiên đây vẫn là những ngày quan trọng để giúp những đứa trẻ nhận ra tầm quan trọng của bản thân và nhắc nhở chúng nhứ đến các vị thần bảo hộ cho mình. Đây cũng là ngày để gia đình tụ tập và dành thời gian bên nhau.

Shichigosan

Một người mẹ đang dẫn con gái mình đến một ngôi đền trong ngày Shichigosan

Shichigosan, hay là bảy-năm-ba là ngày cầu phúc cho trẻ em. Phong tục này thường diễn ra vào tháng 11. Các bé gái lên 3 và 7, cac bé trai lên 5 vận những bộ trang phục truyền thống và đi lễ ngôi đền bảo hộ chúng. Tại đó các đứa trẻ sẽ cầu mong các vị thần sẽ bảo vệ mình và phù hộ cho chúng lớn lên khỏe mạnh.

Lễ thành nhân

Các bạn nữ trong Lễ thành nhân

Lễ thành nhân ngày xưa được tổ chức theo nghi lễ Thần đạo vào ngày rằm tháng giêng (15/1), tuy nhiên bây giờ được tổ chức vào ngày thứ 2 tuần thứ 2 tháng giêng và cũng không còn giữ những phong tục của Thần đạo xưa nữa. Lễ thành nhân là lễ mừng các thanh niên nam nữ bước sang tuổi 20 (trong năm đó), đánh dấu bước trưởng thành của họ, và có thể kết hôn mà không chịu sự kiểm soát của cha mẹ. Ở nông thôn, nam thanh niên sang tuổi 20 có vinh dự được mời làm chân khiêng kiệu trong các lễ diễu hành ở các lễ hội.

Đám cưới

Trong quá khứ, các lễ cưới của Thần đạo được thực hiện tại nhà, tuy nhiên ngày nay, các khoảng sân rộng ở các ngôi đền là nơi lý tưởng để tổ chức đám cưới “có Thần chứng giám”, và nhiều cặp đôi cũng chọn đám cưới truyền thống này thay vì tổ chức theo kiểu phương Tây.

Ở Nhật Bản, tháng mười là mùa cưới. Cô dâu có thể chọn mặc váy theo kiểu châu Âu hoặc vận bộ váy cưới truyền thống gồm có một bộ kimono màu trắng đặc biệt gọi là shiromaku và nổi bật là mũ cưới chùm đầu màu trắng. Theo truyền thuyết, chiếc mũ này nhằm giúp cô dâu che đi “cái sừng” sinh ra từ sự ghen tuông của phụ nữ. Các chú rể có thể mặc kimono và hakama truyền thống của nam, hoặc phổ biến ngày nay là bộ vét Âu phục.

Hình ảnh cô dâu và chú rể tiến vào đền để làm lễ cưới tại một ngôi đền

Lễ cưới truyền thống cũng như nhiều nghi lễ trong Thần đạo khác được bắt đầu bằng một nghi lễ thanh tẩy nơi làm lễ. Chủ lễ sẽ dâng gạo và muối cùng những vật tế khác lên trước bàn thờ trước khi cầu nguyện với thần linh. Tất cả mọi người sẽ đứng dậy lắng nghe những lời chúc phúc cho đôi bạn trẻ đang làm lễ thành hôn. Tiếp theo là nghi lễ san san kudo (三々九度), trong đó cô dâu và chú rể cùng uống rượu sake. Đây là một trong những nghi thức cổ nhất trong lễ cưới Thần đạo, được bắt đầu từ thế kỷ thứ 8. Bộ chén uống rượu được đưa ra gồm ba chiếc chén gọi là sakazuki có kích thước tăng dần. Chú rể sẽ bắt đầu với chiếc nhỏ nhất, nhấp 3 ngụm rượu trước khi chuyển sang chiếc lớn hơn. Cô dâu cũng làm theo tương tự. Ba lần ba là chín, nó tượng trưng cho hạnh phúc trường tồn, cầu chúc cho cặp vợ chồng sẽ mãi mãi bên nhau. Hai người sẽ thề trước thần linh và dâng một nhánh cây sakaki gọi là Tamagushi lên cho các thần. Nếu có nhẫn cưới thì đây chính là lúc trao nhẫn.

三々九度

 

Sau nghi thức này, gia đình hai bên sẽ cùng nâng chén để đánh dấu sự hoà hợp không chỉ của hai vợ chồng mới cưới mà còn là của hai gia đình. Các nhạc công được mời đến sẽ chơi những bản nhạc truyền thống trên các nhạc cụ cổ như đàn và sáo để chúc mừng cho đám cưới. Sau khi các nghi lễ này kết thúc, hai vợ chồng sẽ thực hiện công việc cuối cùng là tiếp đón bạn bè, khách khứa đến dự bữa tiệc cưới.

Đám tang

Thần đạo ngày xưa không có tang lễ, vì tang lễ là nghi thức của Phật giáo. Hầu hết người Nhật là “sinh theo Thần, chết theo Phật” nên họ chọn nghi lễ Phật giáo để tổ chức tang lễ. Lễ tang dánh dấu một cuộc đời mới cho người đã khuất, họ sẽ kết thúc cuộc sống dưới dương gian, trở thành “tổ tiên” cho thế hệ sau và tiếp tục ý chí của các vị Thần, tiếp tục phù hộ và bảo vệ cho con cháu đời sau.

Khi trong nhà có người qua đời thì mọi người trong gia đình và họ hàng thường tụ tập trong nhà để canh xác chết suốt đêm. Suốt đêm người ta thắp nến và đốt hương trầm. Ngày hôm sau thì đám tang sẽ được cử hành tại nhà hoặc tại các ngôi chùa. Thường thì gia đình có tang lễ sẽ đảm nhận việc tiến hành tang lễ tuỳ theo tình hình tài chính của gia đình và ước nguyện của người đã mất. Một lễ tang bao gồm lễ cầu nguyện cho linh hồn người đã chết siêu thoát và một buổi tiệc để những người tham dự chia tay người đã khuất. Trong đám tang thì quan tài được đặt ở chính điện, những người thân ngồi bên cạnh thắp hương và nghe các thầy tu tụng kinh niệm Phật.

Tại Nhật thì vì lý do vệ sinh công cộng, hơn phân nửa các khu vực của Nhật cấm chôn xác người chết xuống đất. Nếu người chết là người theo đạo Hồi hoặc vì những lý do tôn giáo đặc biệt thì người chết sẽ được chôn ở một khu vực mộ phần đặc biệt đã được cho phép. Nếu như người nước ngoài mất tại Nhật thì sau khi xác minh được người chết thì cảnh sát sẽ báo cho đại sứ quán và thân nhân của người đã mất. Sau khi người thân nhận được xác của người đã mất thì họ có thể xin phép để chôn xác của người đã mất hoặc chuyển xác chết về nước mai táng. Trong trường hợp không có ai nhận xác của người đã mất thì người đứng đầu của khu vực, thành phố đó sẽ có trách nhiệm hoả táng xác chết.

Thần đạo và đời sống người Nhật

Các lễ hội được tổ chức nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau, có thể là cầu cho thịnh vượng, làm ăn tấn tới, cầu sự trợ giúp của thần linh hoặc kỉ niệm hương hồn tổ tiên. Nhờ đó, họ mong sẽ thu hoạch được nhiều hơn, tránh mất mùa đói kém và thiên tai không ập đến. Các lễ hội như ngày bé trai và bé gái nhằm mục đích gắn kết con người với nhau, giữa gia đình, hàng xóm láng giềng với nhau. Lễ thanh tẩy nhằm mục đích xóa đi những vận xui, vết bẩn ngăn cách giữa người ta với thần linh, tổ tiên. Các lời khấn cổ là cầu nối giúp thần linh thấu hiểu tâm tư của con người. Trong lễ hội người ta tổ chức nhiều hoạt động như đua ngựa, đua thuyền, sumo, bắn cung, nhảy múa,…


 

(còn tiếp)

Đọc phần 9: Thần đạo và Tết

—————-

Nguồn:

World Religions – Shinto, by Paula R.Hartz, 3rd Edition, 2009

Đám cưới truyền thống Nhật Bản“, by Du học Nhật Bản Viet-SSE, January 2010

Tang lễ ở Nhật Bản“, by Le Van Hoan, Tiếng Nhật 24h, May 13, 2014

Bài post được dịch dựa vào cuốn World Religions – Shinto của Paula R.Hartz không vì mục đích thương mại

4 thoughts on “Thần đạo Shinto (P10): Thần đạo trong đời sống người Nhật

  1. Pingback: Tổng hợp loạt bài viết về Thần đạo | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi

  2. Pingback: Shinto (phần 11): Kiến trúc đền | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi

  3. Pingback: Shinto (phần 9): Thần đạo và Tết | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi

Để lại bình luận

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.