Thần đạo Shinto (P3): Thủy tổ của Thiên hoàng

Thiên hoàng đầu tiên của nước Nhật là ai ?

Như được kể trong cuốn Nihongi, hầu hết các hoạt động của Thần đều diễn ra trên Thiên đình, nơi Amaterasu ngự trị. Các vị thần khác chỉ khi có việc mới xuống hạ giới, xong việc lại lên trời. Những những Thổ thần (Thần cư trú tại địa phương) và con cháu của Susanowo thì lại muốn ở trên mặt đất, mặc dù một số thần thì không được thân thiện cho lắm.

Amaterasu từ trên trời nhìn xuống, thấy rằng mặt đất vẫn còn nhiều bất ổn. Hầu hết con cháu của Susanowo cư xử khá tử tế nhưng có một số thì không, các thần đánh nhau và các linh hồn xấu nhờ thế có dịp phát tán. Nhiều lúc đến cả cái cây hay hòn đá cũng có thể trở nên om sòm nếu chúng bàn về sự đời. Amaterasu quyết định phải xử lí việc này. Bà phái con trai của mình là Amano-Oshihomimi xuống hạ giới để cai quản. Nhưng lúc đến Cầu Vồng, nhìn xuống thấy có quá nhiều hỗn loạn và giao tranh, Amano-Oshihomimi vội vàng từ chối nhiệm vụ.

Amaterasu liền triệu tập các Thần lại. Họ thống nhất cử một sứ giả xuống xem tình hình hạ giới thế nào rồi báo lại, nhiệm vụ được giao cho Amano-Hohi. 3 năm sau mà không có tin tức gì, họ liền cử tiếp một sứ giả nữa, tên là Ame-waka-hiko, lần này được trang bị với bộ cung tên. Vị sứ giả đến hạ giới thì gặp ngay một cô gái, vẻ đẹp của nàng khiến anh ta rung động và quyết định kết hôn với cô ta. Thế là trên thiên đình, suốt 8 năm giời không nhận được bất cứ thông tin gì từ vị sứ giả nọ.

Dần mất kiên nhẫn, các vị thần tiếp tục gửi thêm một vị sứ giả nữa, lần này là một con chim. Ame-kawa-hiko vô tình bắn chết nó. Mặc dù con chim không quay về, nhưng các sứ giả có thể nhận ra mũi tên đã bắn nó, và họ hiểu rằng vị sứ giả thứ 2 đã không hoàn thành nhiệm vụ.

Quá tam ba bận, Amaterasu cử đi 2 vị thần xuống, Thần sấm Takemikazuchi và Thần lửa Futsu-nushi xuống hạ giới. Cả 2 theo lệnh của Amaterasu xuống thẳng Izumo, gặp lãnh chúa vùng Izumo là Oho-kuni-nushi và yêu cầu ông ta quy phục Amaterasu và làm theo những luật lệ bà đặt ra. Oho-kuni-nushi do dự trước lời yêu cầu đó, còn con trai ông ta thì nhất mực phản đối và đòi đánh trả lại 2 vị thần được phái đến. Và 2 vị thần dễ dàng đánh bại cậu ta. Ông bố đau đớn và nhục nhã phải xuống Yomi, vùng đất bóng tối, để tiếp quản nơi đấy, ngăn bọn linh hồn xấu xa làm bậy, nhường quyền kiểm soát hạ giới cho các thần.

2 vị thần nọ liền quay về báo cáo lại với Amaterasu. Một lần nữa bà kêu con trai mình Amano-Oshihomimi xuống hạ giới trị vì, nhưng cũng một lần nữa, ông không đồng ý và muốn nhường việc đó cho con trai mình

Ninigi, Ông tổ của Thiên hoàng

Ninigi, cháu trai của Amaterasu, đồng ý xuống trị vì hạ giới. Trước khi đi, Amaterasu đưa cho ông ta 3 món bảo vật, chiếc gương thần Yata no kagami (thứ đã lôi bà ra khỏi Thiên Nham Cung), ngọc bội Yasakani no magatama và thanh kiếm Kusanagi ( của Susanowo). “Hãy xem chiếc gương này như vật tượng trưng cho ý chí và danh dự của ta”, Amaterasu nói với Ninigi. Chiếc gương từ đó trở thành shintai của Amaterasu (神体 – từ giờ xin dịch shintai là “Thần thể”), nơi mà linh hồn của bà trú ngụ. Lời cuối cùng bà đã nói với Ninigi là :” Mong rằng vương quốc cháu trị vì sẽ luôn thịnh vượng và trường tồn”.

[Thần Thể] Một vật linh thiêng đại diện cho một vị thần nào đó mà ngôi Đền thờ phụng, người ta cho rằng có linh hồn của thần trú ngụ bên trong. Nó thường được bọc bằng vải trắng và đặt trong tủ hoặc hộp, không bao giờ được phép mở ra. Chiếc gương của Amaterasu trao cho Ninigi được truyền lại qua các đời Thiên hoàng, tương truyền ở đền Ise- ngôi đền linh thiêng nhất đất nước. Chiếc gương được bọc trong lụa, cho vào một chiếc tủ đặc biệt không bao giờ được mở ra, kể cả các Thần chủ canh giữ nó. Thanh Kusanagi cũng vậy, nó được che giấu khỏi ánh mắt phàm tục của người trần, và đang được lưu giữ tại một ngôi đền ở Atsuta, gần Nagoya

Với 3 vị thần và 5 người hầu cận , Ninigi xuống hạ giới. Ông đặt chân lên đảo Kyushu, lập nên tỉnh Satsuma. 5 người hầu cận đi cùng ông được giao những nhiệm vụ quan trọng và cũng chính những người này là tổ tiên của những gia đình thờ phụng Thần đạo và duy trì những nghi lễ thờ cùng. Mỗi người có một nhiệm vụ khác nhau. Một người bảo tồn các bài cầu khẩn; một người chăm lo cho các đền thờ và các vật thờ tự; một người lại chăm lo các điệu múa Thần đạo; một người chuyên làm gương và một người chuyên rèn kiếm.

Ninigi không lâu sau thì đem lòng yêu một người phụ nữ trẻ ở Satsuma và cầu hôn nàng. Cha cô gái thấy vậy thì khuyên Ninigi nên chọn cô chị lớn, vì cô ấy khỏe mạnh hơn cô em. Nhưng Ninigi vẫn một lòng chọn cô em vì cho dù cô ta có vẻ yếu ớt, nhưng cô ấy xinh đẹp hơn cô chị nhiều. Kojiki nói rằng quyết định của Ninigi cũng chính là lí do mà nhiều triều đại hoàng đế Nhật Bản không tồn tại được lâu.

Con cháu Ninigi

Sinh sống tại Satsuma, Kyushu, Ninigi và vợ sinh hạ được 3 người con. Người con trưởng, Ho-deri lớn lên là một người đàn ông cường tráng với bản tính thích sát sinh. Ông ta có một lưỡi câu thần kì giúp câu được rất nhiều cá. Một hôm, em trai của ông là Hoho-demi mượn lưỡi câu của người anh nhưng lại làm mất nó. Sợ ông anh nổi cơn lôi đình, Hoho-demi ngồi khóc trên bờ biển. Một vị thần dưới biển là Shiho-tsuchi xuất hiện và hỏi sao lại khóc. Nghe rồi, ông khuyên Hoho-demi đến vùng đất của Thần biển Ohowata-tsumi.

Hoho-demi lấy con thuyền của Shiho-tsuchi làm cho và chèo đến Cung điện của vị thần biển nọ. Khi đến cổng, ông trèo lên cái cây gần đó để nhìn vào bên trong, và nhìn thấy Toyo-Tama-bimi, con gái của Thần biển. Cô báo lại việc đó cho cha và mời chàng hoàng tử vào bên trong. Chẳng bao lâu sau thì 2 người lấy nhau.

Bằng 2 viên ngọc bố vợ tặng, Hoho-demi có thể tự do dâng mực nước trên đồng khi cấy và hạ mực nước khi gặt

Bằng 2 viên ngọc bố vợ tặng, Hoho-demi có thể tự do dâng mực nước trên đồng khi cấy và hạ mực nước khi gặt

Hoho-demi sống ở tại cung điện chẳng mấy chốc thì thấy nhớ nhà, trong khi cái lưỡi câu thì vẫn chẳng tìm thấy đâu. Vị thần biển Ohowata-tsumi liền triệu tập mọi con cá dưới biển lại, và ông nhìn thấy một con mồm sưng vêu, thế là cái lưỡi câu được tìm thấy. Ohowata-tsumi trả cái lưỡi câu lại cho con rể và cảnh báo cậu rằng người anh có thể vẫn chưa nguôi giận và sẽ tìm cách hãm hại cậu. Nhưng Ohowata-tsumi hứa rằng ông sẽ hết sức giúp đỡ chàng trai trẻ, ông hứa rằng cứ chỗ nào cậu trồng gạo, ông sẽ cho nước chảy đến đó. Ông đưa cho Hoho-demi 2 viên ngọc mà ông dùng để cai trị biển cả: viên manju giúp nước dâng lên và viên kanju giúp hạ nước xuống.

Hoho-demi nhìn trộm vợ sinh nở

Khi Toyo-Tama-bimi chuẩn bị có đứa con đầu lòng, cô thỉnh cầu Hoho-demi xây cho cô một cái lều riêng và để cô ở đó một mình. Hoho-demi làm như cô bảo nhưng khi cô đang sinh hạ đứa con, Hoho-demi lén nhìn vào trong và thấy người vợ xinh đẹp của mình đang chuyển mình thành một con quái vật biển. Hoho-demi bỏ đi và Toyo-Tama-bimi bị thất sủng, cô buộc phải bỏ lại đứa con mới sinh và trở về nhà dưới đáy biển sâu.

Jimmu Tenno, Thiên hoàng đầu tiên của Nhật Bản

Toyo-Tama-bimi cử em gái của mình đến Kyushu để chăm sóc cho đứa con mình bỏ lại. Khi người con lớn lên, ông ta kết hôn với chính người dì của mình và sinh ra 4 người con trai. Người con út tên là Toyo-mike-nu. Ông rời Kyushu và đến Yamato. Tại đó, ông trở thành Thiên hoàng đầu tiên của Nhật Bản và lấy tên là Jimmu Tenno. Sau đó, ông đã kết hôn với người chắt của Oho-kuni-nushi, cũng thuộc dòng dõi của Susanowo, một cặp đôi quyền quý, người chồng là hậu duệ Thần Mặt trời Amaterasu, còn người vợ là hậu duệ Thần Bão tố, Susanowo.

Jimmu Tenno trở thành người đầu tiên thiết lập nên đế chế Nhật Bản, đứng đầu là Thiên hoàng, ngai vàng được khai sinh vào năm 660 TCN và duy trì đến tận ngày nay. Ngày nay người ta coi rằng thủy tổ trực tiếp của Gia đình Hoàng thất Nhật Bản hiện tại chính là Ninigi, cháu trai của nữ thần Mặt trời Amaterasu.

Các Vị thần khác

Trong khi các vị thần trên thiên đình có quan hệ trực tiếp với việc hình thành Hoàng gia Nhật Bản, những vị thần khác lại đóng vai trò quan trọng trong đời sống những người dân thường Nhật Bản.

Thần Gió

Gió xen giữa mặt đất và bầu trời, giữ cho trời không đổ xuống dưới. Có 4 Thần gió, 1 Nam thần, 1 Nữ thần và 2 thần phụ tá. Người dân thường thờ Thần gió, cầu cho họ không làm gió gây bão phá hại mùa màng, từ đó xuất hiện nhiều đền miếu thờ Thần Gió, Thần Sấm và Thần Gió Xoáy.

Thần Mưa Taki-okami là một vi thần sống trên núi; Kura-okami là Thần Mưa và Tuyết trú ngụ trong thung lũng. Mỗi vị thần mang thân hình của rồng hoặc rắn. Thế nhưng Thần Thác nước Taki-tsu-hiko lại là thần đem mưa đến vào mùa hạn hán, thế nên khi muốn có mưa, họ sẽ cầu vị thần này đem mưa xuống.

Các vị thần suối và giếng nước là những vị thần giúp nước lưu chảy trên mặt đất. Các vị thần này cư ngụ tại các con sông và rất được người dân thờ khẩn, để họ giữ cho dòng nước không tràn lên bờ gây úng ngập.

Cây và Đá

Có rất nhiều Thần ruộng và Thần rừng cùng sinh sống với con người. Thần ruộng được trợ giúp bởi Thần thảo mộc. Nhưng cây và hoa trên mặt đất lại có vai trò đặc biệt quan trọng. Ở vùng quê, những cây nào được cuốn bởi một vòng dây trắng bện bằng rơm là những cây được cho là có thần linh trú ngụ. Cây thần sakaki (Cleyera japonica) thường được trồng ở quanh các điện thần. Tương truyền sakaki là cái cây mà các thần đã dùng để treo các vật trang sức lên nhằm dụ Amaterasu ra khỏi động, và các cành cây sakaki cũng thường có mặt trong các buổi lễ Thần. Cây Trắc Bá (Trắc Bạch Diệp), cũng được coi là một loại cây thần và sống rất lâu. Cây thường được chọn làm nơi trú ngụ của thần linh, một số bảo vệ thân cây, một số lại sống trên các cành lá; vì vậy, theo truyền thống, trước khi muốn chặt một cái cây, họ phải đi xin sự cho phép của Thần núi Yama-tsumi.

Đá, lớn và uy nghiêm, tượng trưng cho sự tôn kính. Thần Ohoiwa-Daimyo-jin có hình dạng là một tảng đá. Đá tảng cũng là thần thể của nhiều vị thần, trong đó có Taki-tsu-hiko – Thần thác nước.

Sấm, Chớp và Lửa

Thần Sấm (phải) và Thần Gió (trái)

Thần Sấm, đại diện cho cả Sấm và Chớp được gọi bằng 2 cái tên: Naru-kami (Thần sấm) và Kami-nari (vị thần hay càu nhàu). Thần Sấm là một hộ vệ với cung và tên, nên thường được cầu khấn trong các chiến tranh. Ông còn là thần bảo vệ cây cối và tạo ra những cơn bão lớn nếu có quá nhiều cây cối bị chặt. Những cây bị sét đánh tan tác là minh chứng cho sự hiện diện của Thần.

Có 8 vị Thần Sấm, gọi là Ika-zuchi, những thần canh giữ thân xác của Izanami và đuổi Izanagi ra khỏi Yomi-tsu-kuni. Họ đại diện cho những rung chấn từ lòng đất như Động đất hay Núi lửa.

Thần lửa, Homu-subi, đã gây ra cái chết cho Izanami sau khi bà sinh hạ ra ông. Mặc dù là người tạo ra lửa giúp giữ ấm và đóng vai trò quan trọng trong các lễ cầu, nhưng ông cũng hay gây ra các đám cháy và biến mọi thứ thành tro, chính vì thế các Thần chủ thường được mời để làm dịu tính khí này của Thần lửa.

Sau khi đến Yomi-tsu-kuni, Izanagi tạo ra Sae-no-kami, các thần đường sá. Những vị thần này bảo vệ các lữ khách và xua đuổi các linh hồn xấu muốn hãm hại những người này. Thần thể của họ là cây gậy, vật ông đã dùng để chống trả lại khi chạy trốn khỏi Yomi-tsu-kuni.

Thức ăn và nhà ở

Chén và bát trên bậc thềm trước đền. Trước khi vào thăm đền, mọi người phải rửa tay và nhấp một ngụm nước để tẩy sạch miệng của mình, nhưng không được để moi chạm vào nguồn nước.

Chén và bát trên bậc thềm trước đền. Trước khi vào thăm đền, mọi người phải rửa tay và nhấp một ngụm nước để tẩy sạch miệng của mình, nhưng không được để moi chạm vào nguồn nước.

Có nhiều vị thần thức ăn, nhưng Inari – Thần Gạo là vị thần được thờ phụng nhiều nhất, và có rất nhiều đền được xây nên dành cho vị thần này. Inari thường xuất hiện đang cưỡi một con cáo, biểu tượng của ngài, trên vai là một bao gạo; đôi khi Inari xuất hiện trong hình hài một chú cáo. Là một người bảo vệ cho lúa gạo, ông cũng được cho là người đem đến thức ăn và sự thịnh vượng. Ông cũng hay giúp những người gặp hoạn nạn, bảo vệ tình nhân và các đôi vợ chồng, ông còn hay tìm đưa các đồ bị mất trở về. Từ lâu, thần Inari đã được coi là hộ vệ cho các thợ rèn; bây giờ cả thương nhân cũng hay thờ phụng thần Inari.

[Senbon Torii] Cồng dẫn đến đền Fushimi Inar ở Kyoto Chữ hán trên các cột torii là tên năm và tên các công ty xây dựng nên các cổng này để cầu chúc làm ăn thuận lợi

Nhà thường là nơi người dân thực hành Thần đạo, nên mỗi gia đình thường có Thần riêng – Thần Bếp (giống Táo quân). Thậm chí có cả Thần Chạn tủ, Thần Phòng ngủ, Thần Nhà vệ sinh (chuyên xua đuổi tà ác và bệnh tật). Trong Thần đạo, Thần có ở khắp mọi nơi.

Thần đạo và văn hóa Nhật Bản

[ Hình rồng khắc trên bát hương] Rồng thường là linh vật đại diện cho Đại dương và Vua chúa. Thanh kiếm Kusanagi được Susanowo lấy ra từ bụng một con rắn 8 đầu mình có vảy như rồng.

[ Hình rồng khắc trên bát hương] Rồng thường là linh vật đại diện cho Đại dương và Vua chúa. Thanh kiếm Kusanagi được Susanowo lấy ra từ bụng một con rắn 8 đầu mình có vảy như rồng.

Thần đạo và các câu chuyện của nó đã giúp tạo ra một mối quan hệ sâu sắc, mật thiết giữa người dân Nhật Bản với thiên nhiên, vùng đất và lịch sử đất nước. Những câu chuyện về các Thiên Hoàng và các Thần theo năm tháng trong lịch sử ngày được bồi đắp và để lại một kho tàng đồ sộ như ngay này. Từ lâu, người Nhật luôn coi Izanami và Izanagi cùng con cháu là những thủy tổ của mình. Họ tôn trọng và muốn duy trì mối quan hệ đặc biệt với các thần, vì thế người Nhật rất coi trọng thiên nhiên và cố gắng gìn giữ vẻ đẹp của tự nhiên – nơi thần linh trú ngụ.

mnt

[Núi Phú Sĩ] Mỗi ngọn núi đều có một vị thần cho riêng mình. Hằng năm, nhiều người thường hành hương đến các ngọn núi lớn, để ngắm nhìn chúng từ xa hoặc leo lên trên đỉnh, trên rất nhiều ngọn núi có các đền miếu nhỏ. Núi Phú Sĩ, hay Fujiyama là ngọn núi cao nhất, nổi tiếng nhất và linh thiêng nhất Nhật Bản, và là nhà của Nữ Thần Sengen Sama


dòng dõi hoàng tộc

dòng dõi hoàng tộc



(còn tiếp)

Đọc phần 2: Truyền thuyết về các vị thần                               Đọc phần 4: Khởi đầu của Thần đạo

——————————–

Nguồn:

World Religions – Shinto, by Paula R.Hartz, 3rd Edition, 2009

Bài post được dịch dựa vào cuốn World Religions – Shinto của Paula R.Hartz không vì mục đích thương mại

4 thoughts on “Thần đạo Shinto (P3): Thủy tổ của Thiên hoàng

  1. Pingback: [11/2] Quốc khánh Nhật Bản | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi

  2. Pingback: Tổng hợp loạt bài viết về Thần đạo | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi

  3. Pingback: Shinto (phần 4) – Khởi đầu của Thần đạo | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi

  4. Pingback: Shinto (phần 2) – Truyền thuyết về các Vị thần | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi

Để lại bình luận

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.