“Tôi là mèo” – Chương 1 (hoàn thành)

(Link tổng hợp)

CHƯƠNG 1 – QUYỂN I

Người dịch: Reiko

TÔI LÀ MÈO. Nhưng tôi không có tên. Tôi không biết mình sinh ra ở đâu. Tất cả những gì còn nhớ được là tôi đang kêu “meo” trong một góc tối tăm bẩn thỉu, thì gặp được con người, lần đầu tiên. Con người ấy, sau này tôi được nghe, là thành viên của một trong những giống người hung dữ nhất; hắn là một shosei (chữ Hán Việt là Thư sinh, nhưng không phải nghĩa thư sinh bình thường), một học trò phải giúp các việc vặt cho ký túc để được nội trú. Thỉnh thoảng tôi còn nghe rằng, giống người này thậm chí bắt, luộc, và ăn thịt chúng tôi. Tuy nhiên lúc đó tôi chưa hiểu nhiều về loài sinh vật ấy, tôi không thấy sợ hãi gì. Tôi chỉ đơn giản thấy mình như trôi trong không trung khi người đó nhẹ nhàng nâng tôi lên. Khi đã quen với vị trí ấy, tôi nhìn vào khuôn mặt hắn. Chắc hẳn đó là lần đầu tiên tôi từng được nhìn một con người. Cảm giác kì quái mà lúc đó tôi cảm thấy, vẫn còn kéo dài tới tận bây giờ. Đầu tiên, khuôn mặt đáng ra phải có tóc thì lại hói, như một cái ấm nước. Tôi đã gặp rất nhiều mèo, nhưng chưa từng nhìn thấy sự dị dạng nào như thế. Phần giữa khuôn mặt lồi lên và thỉnh thoảng, từ giữa cái lỗ ở phần nhô lên ấy, khói lại bay ra từng làn từng làn nhỏ. Lúc đầu tôi có phần khó chịu vì khói, chúng làm tôi nghẹt thở, nhưng rồi tôi cũng biết đó là khói thuốc lá con người hay hút.

Có một lúc tôi ngồi vô cùng thoải mái trong bàn tay con người đó, nhưng rất nhanh chóng, mọi chuyện thay đổi với tốc độ kinh hoàng. Tôi không thể nói liệu “shosei” đó đang di chuyển hay chỉ mình tôi di chuyển; nhưng dù thế nào tôi cũng bắt đầu thấy choáng váng. Và ngay khi tôi nghĩ cơn choáng váng sắp giết mình đến nơi, thì tôi nghe được tiếng ngã của chính mình và nhìn thấy hàng triệu ngôi sao. Dù có cố gắng tới mức nào, tôi cũng không nhớ được những gì xảy ra sau đó.

Khi tỉnh lại, con người ấy đã đi mất. Tôi từng có hàng tá anh em, nhưng giờ không thể nhìn thấy ai hết. Ngay cả người mẹ yêu quý của tôi cũng không còn. Giờ tôi lại thấy bản thân ở một nơi sáng tới chói mắt, hoàn toàn khác với cái xó xỉnh tôi từng trú ẩn. Nơi này quả thực rất sáng, sáng tới mức không thể mở mắt ra được. Chắc chắn là có gì đó không ổn, tôi bắt đầu bò. Và thực sự rất đau. Tôi bị giật ra khỏi ổ rơm êm ái nhất, chỉ để bị quăng một cách thô bạo vào đống lá tre gai góc.

Sau nhiều nỗ lực, tôi cũng tìm được cách thoát ra khỏi đống lá và phát hiện ra một cái ao lớn trải dài bên ngoài. Tôi ngồi ở bờ ao, không biết nên làm gì tiếp theo. Chẳng nghĩ ra gì hữu ích. Một lúc sau tôi đột nhiên nghĩ rằng, nếu mình khóc, có lẽ “shosei” sẽ trở lại và đem tôi về. Tôi thử kêu meo meo một cách yếu ớt, nhưng không ai tới. Lát sau, một cơn gió nhẹ thổi ngang qua mặt ao, trời bắt đầu tối dần. Tôi thấy rất đói. Tôi muốn khóc, nhưng quá yếu để khóc được. Chẳng làm được gì hết. Nhưng rồi, thầm quyết định là cứ đi tìm thức ăn cái đã, tôi quay thân mình, rất chậm rất chậm, lết về phía bên trái bờ ao. Tôi thấy toàn thân đau rát. Thế nhưng, tôi vẫn kiên nhẫn tiếp tục bò trên mặt đất, cho tới tận khi chạm đến một nơi tôi ngửi thấy được mùi con người. Tôi lẻn vào một mảnh đất, qua lỗ hổng trên rào tre, nghĩ rằng có thể có gì đó khi vào bên trong. Chỉ là một cơ hội rất nhỏ; nếu hàng rào tre không bị hổng ở đúng chỗ đó, có thể tôi đã chết đói ngoài đường. Tôi nhận ra có một câu châm ngôn rất phù hợp bây giờ, đó là: cái gì đến sẽ đến. Cho tới tận ngày hôm nay, cái lỗ hổng ấy vẫn còn là đường tắt cho tôi sang nhà hàng xóm.

Vâng, dù đã lẻn được vào mảnh đất, tôi vẫn hoàn toàn không biết tiếp theo nên làm gì. Và trời tối hẳn rất nhanh. Tôi đói, và lạnh, mưa bắt đầu rơi. Không thể chịu đựng thêm nữa. Không có lựa chọn nào khác ngoài đi vào nơi ấy, nơi có vẻ sáng sủa và ấm áp hơn. Lúc đó tôi không biết gì, nhưng thực tế lại cứ thế lết vào trong nhà rồi, nơi mà giờ đây giúp tôi có cơ hội quan sát nhiều “mẫu loại” con người hơn. Người đầu tiên tôi gặp là O-san, người hầu nữ, một loài còn dữ tợn hơn cả shosei. Ngay khi nhìn thấy tôi, bà ta đã tóm cổ tôi và ném ra khỏi nhà. Chấp nhận là chẳng còn hi vọng, tôi nằm im như đá, mắt nhắm chặt và lòng thầm tin ông Trời. Nhưng cơn đói và cái lạnh thật quá mức chịu đựng. Chớp thời cơ khi O-san nơi lỏng cảnh giác, tôi bò lên lần nữa cố gắng lẻn vào bếp. Và rất nhanh, tôi lại bị ném ra ngoài. Bò lên, chỉ để bị ném ra. Tôi nhớ là mình cứ lặp đi lặp lại quá trình đó nhiều lần. Kể từ lúc ấy, tôi gần như hoàn toàn chán ghét con người gọi là O-san này rồi. Một ngày nọ, tôi cũng tự xóa bỏ được cảm giác chán ghét ấy, vì đã trả thù được bằng cách trộm bữa tối với cá thu của bà ta. Khi tôi chuẩn bị bị ném ra lần cuối cùng, chủ nhà xuất hiện, than phiền về tiếng ồn và yêu cầu một lời giải thích. Bà hầu nhấc tôi lên, quay mặt tôi về phía ông chủ và nói, “Con mèo lạc này đúng là phiền phức. Tôi cứ đẩy nó ra ngoài còn nó thì cứ bò lại vào trong bếp.” Ông chủ nhìn thoáng qua mặt tôi, xoắn những sợi lông đen dưới lỗ mũi. Sau đó nói, “Vậy thì, cứ để nó lại đi”; rồi xoay người đi vào trong nhà. Ông chủ có vẻ là người kiệm lời. Bà hầu ném tôi vào bếp một cách không cam tâm. Và kể từ đó tôi nhận nơi này làm chỗ ở.


Tôi ít khi gặp ông chủ. Nghe nói ông là giáo viên. Ngay khi từ trường trở về nhà, ông dành toàn bộ quãng thời gian còn lại của ngày trong căn phòng đóng kín cửa; và hiếm khi xuất hiện. Những người khác trong ngôi nhà nghĩ rằng ông rất chăm chỉ. Bản thân ông thì đang giả vờ chăm chỉ. Thực ra ông làm việc ít hơn tưởng tượng của bất kì ai trong nhà. Thỉnh thoảng tôi rón rén lại gần phòng học của ông nhìn trộm, và thấy ông đang ngủ. Có lúc nước dãi từ miệng ông đang chảy xuống những quyển sách mới đọc. Bụng dạ ông yếu ớt và làn da thì xanh mướt, không đàn hồi, thiếu sức sống. Tuy nhiên ông lại là người cực kì phàm ăn. Sau khi ăn rất nhiều, ông sẽ uống một ít takađiactaza (một loại men, giúp tiêu hóa tinh bột, chữa bệnh khó tiêu – ND), và rồi mở một quyển sách ra. Khi đọc xong vài trang, ông sẽ bắt đầu buồn ngủ. Ông lại ngủ và chảy dãi lên quyển sách. Đây là thói quen lặp lại đều đặn hàng tối. Có những lần khi mà ngay cả tôi, chỉ một con mèo tầm thường, cũng có thể nghĩ: “Làm giáo viên cũng đơn giản nhỉ. Nếu sinh ra là người, tốt nhất nên làm giáo viên. Có thể ngủ nhiều như vậy mà vẫn làm giáo viên được, thì chắc hẳn một con mèo cũng có thể dạy học chăng”. Tuy nhiên, theo như ông chủ, chẳng có gì khó hơn làm giáo viên cả, và mỗi lần bạn bè tới thăm, ông đều than thở như vậy.

Trong suốt những ngày đầu ở trong căn nhà ấy, tôi cảm thấy cực kì xa lạ với tất cả mọi người ngoại trừ ông chủ. Tôi không cảm thấy được chào đón, chẳng có chốn nào dung thân, và cũng không ai thèm đả đụng gì tới tôi. Cái sự thật rằng cho tới tận hôm nay, chẳng ai thèm bận tâm đặt tên cho tôi, cũng đủ để thấy được họ nghĩ về tôi ít tới mức nào. Tôi từ bỏ, và cố gắng dành nhiều thời gian nhất có thể ở cùng ông chủ, người đã cho tôi vào nhà. Vào buổi sáng, khi ông ấy đọc báo, tôi nhảy lên, nằm cuộn trong lòng ông. Sau khi ngủ trưa, tôi ngồi sau lưng ông. Không phải tôi có tình cảm gì đặc biệt với ông chủ, chỉ là vì tôi không có lựa chọn nào khác; chẳng còn ai để ở cạnh. Ngoài ra, sau nhiều lần thí nghiệm, tôi quyết định ngủ ở trong thùng đựng cơm, tới sáng nó vẫn còn ấm, nhờ cái đệm giữ ấm, và rồi tôi sẽ ra ngoài hiên khi trời đẹp. Nhưng tôi lại thực sự rất thích trườn lên giường của lũ trẻ, và rúc vào giữa chúng. Có 2 đứa trẻ, một đứa 5 tuổi và một đứa 3 tuổi: chúng ngủ chung giường trong phòng của riêng chúng. Tôi luôn có thể tìm thấy khoảng trống giữa 2 đứa, và tìm cách trườn vào trong yên lặng. Nhưng nếu quá xui xẻo, một đứa trẻ thức dậy, tôi sẽ gặp rắc rối. Vì bản tính nghịch ngợm của trẻ con, đặc biệt là đứa nhỏ. Chúng sẽ bắt đầu khóc rất to, bất kể thời gian, thậm chí là nửa đêm, và hét lên “Có con mèo!”. Rồi lúc nào cũng vậy, cái người mắc chứng khó tiêu và loạn thần kinh phòng bên cạnh sẽ tỉnh dậy và chạy vội vào. Chính thế, một ngày nọ, ông chủ đánh vào lưng tôi đến mức thâm tím bằng cái thước kẻ gỗ.

Sống với con người, càng quan sát họ, tôi càng buộc phải kết luận họ ích kỷ. Đặc biệt là bọn trẻ con. Tôi thấy các bạn chung giường với tôi hầu như thuộc dạng không còn gì để nói nữa. Khi họ vui, họ treo ngược tôi lên, nhét đầu tôi vào một cái túi, liệng tôi vòng quanh, rồi nhét tôi vào trong lò bếp. Và nếu tôi phạm phải dù chỉ là lỗi nhỏ nhất, tất cả thành viên trong nhà sẽ đuổi bắt và ngược đãi tôi. Một ngày nọ tôi vô ý mài móng trên chiếu rơm trong phòng, bà chủ nhà bỗng nhiên giận điên lên tới mức phải miễn cưỡng lắm bà mới có thể cho tôi vào phòng trải chiếu rơm thêm một lần nào nữa. Mặc dù tôi run rẩy trên sàn gỗ trong bếp, bà vẫn thờ ơ một cách tàn nhẫn. Shiro, cô mèo trắng sống đối diện, nàng mèo tôi vô cùng ngưỡng mộ, nói với tôi mỗi khi chúng tôi gặp nhau rằng: không có loài sinh vật nào tàn nhẫn hơn con người. Một ngày nọ, cô ấy sinh được 4 con mèo con xinh xắn. Nhưng chỉ 3 ngày sau, shosei nhà cô ấy đem cả 4 con đi và ném chúng vào cái ao sau vườn. Shiro, đã vượt qua nước mắt và nỗi đau sau chuyện đó, khẳng định với tôi rằng, nếu muốn giữ được tình yêu thương của cha mẹ và tận hưởng cuộc sống gia đình tốt đẹp, thì loài mèo phải tham gia vào cuộc chiến toàn diện chống lại con người. Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác hơn là tiêu diệt họ. Tôi nghĩ đó là lời đề xuất vô cùng hợp lý. Và con mèo tam thể sống bên cạnh thì đặc biệt phẫn nộ khi con người không hiểu bản chất của quyền sở hữu. Đối với giống loài chúng tôi, có một điều hiển nhiên được chấp nhận là, người tìm ra cái gì đầu tiên, ví dụ như đầu cá mòi hay thân cá đối, thì có quyền được ăn cái đó. Và nếu quy tắc này bị vi phạm, người bị xâm phạm quyền sở hữu có thể dùng tới bạo lực nếu cần. Nhưng con người có vẻ không hiểu được điều ấy. Mỗi khi chúng tôi có gì đó ngon để ăn, lần nào họ cũng cướp thứ đó khỏi chúng tôi. Dựa vào sức mạnh của mình, họ cướp những thứ mà rõ ràng chúng tôi có quyền được ăn. Shiro sống trong căn nhà của một người lính, và chủ của chú mèo tam thể là một luật sư. Nhưng vì tôi sống trong nhà một giáo viên, tôi nghĩ về những vấn đề kiểu thế một cách nhẹ nhàng hơn chúng. Tôi cảm thấy cuộc sống không vô lý lắm chừng nào mà người ta còn có thể lê bước sống ngày qua ngày. Vì chắc chắn là ngay cả con người cũng không thể thịnh trị mãi mãi. Tôi nghĩ tốt nhất là nên nhẫn nại đợi tới Ngày của loài Mèo.


Nói đến sự ích kỷ, tôi lại nhớ đến việc ông chủ luôn tự biến mình thành trò cười vì thất bại trong đủ mọi việc. Để tôi kể cho bạn. Trước hết phải thừa nhận rằng ông chủ tôi không đủ tài năng để đạt trên mức trung bình trong bất cứ lĩnh vực nào; nhưng ông ấy không thể ngừng việc thử đụng tay vào mọi thứ. Ông luôn cố gắng viết thơ haiku rồi nộp cho tờ Hototogisu (Cuckoo), thử gửi thơ tự do đến cho Myōjō ( 明星 – Minh tinh), thậm chí là viết văn tiếng Anh, dĩ nhiên là với một đống lỗi; ông từng say mê bắn cung, từng học cách gieo vần vào các câu văn; và đôi lúc ông tỏ ra rất chuyên chú trong việc tạo ra những âm thanh kỳ cục với cây đàn violin. Nhưng, tiếc thay, phải nói rằng không có việc nào trong số chúng đem lại kết quả khả quan cả. Tuy nói thế, mặc dù bản tính vốn hay chán nản, ông ấy lại rất chuyên tâm một khi bắt đầu việc gì đó. Ông từng có biệt danh là “Nhà soạn nhạc của Toa-lét” vì thường làm thơ ở trong đó, thế nhưng ông không hề để tâm và chúng tôi vẫn có thể nghe được những câu-nói-có-vần như “Tôi là Taira-no-Munemori”. Những lúc như thế, chúng tôi đều nói: “Munemori đến rồi kìa”, và cười khúc khích vì trò hề của ông chủ.

Còn có một chuyện như sau, không hiểu tại sao nhưng, một ngày đẹp trời (một ngày có lẽ là cái giá tôi phải trả cho khoảng thời gian 4 tuần tôi lấy nơi này làm chỗ trú chân), ông chủ tôi vội vã về nhà với một bọc lớn trong tay. Tôi không biết ông mua gì. Hóa ra là, ông mua màu nước, cọ vẽ và một số loại giấy “Whatman” đặc biệt (Giấy whatman là một loại giấy vẽ kĩ thuật). Tôi thấy ngay rằng thơ haiku và các bài thơ vần trung cổ sắp bị bỏ đi rồi, khi mà ông chủ đã có màu nước. Y như rằng, kể từ ngày sau đó và tất cả các ngày khác trong một khoảng thời gian dài, ông chẳng làm gì ngoài vẽ tranh trong phòng học. Ông thậm chí còn không cần ngủ trưa. Tuy nhiên, không ai có thể biết được ông vẽ gì khi nhìn vào “tác phẩm”. Có lẽ tự bản thân ông cũng ít khi nghĩ đến tác phẩm của mình, vì một ngày nọ khi bạn ông đến thăm, mà ông này chuyên về các lĩnh vực liên quan tới thẩm mỹ, tôi nghe được đoạn đối thoại sau:

“ Ông có biết nó khó thế nào không? Khi nhìn người khác vẽ, thì nghĩ là dễ lắm; nhưng chỉ đến lúc tự cầm cọ vẽ, thì mới nhận ra khó như thế nào. “ Ông chủ khiêm tốn của tôi đã nói vậy, và nó cũng đúng đấy chứ.

Bạn của ông chủ, nhìn vào ông qua cặp kính gọng vàng, chăm chú: “Chỉ có một sự thật, ấy là một người không thể vẽ tốt ngay khi mới bắt đầu. Ngoài ra, người ta không thể ngồi trong nhà mà vẽ chỉ với trí tưởng tượng. Chuyên gia người Ý Andrea del Sarto đã nói rằng, nếu bạn muốn vẽ một bức tranh, cần phải miêu tả tự nhiên như những gì vốn có. Những ngôi sao trên bầu trời. Những giọt sương lấp lánh trên mặt đất. Chim muông bay lượn. Động vật chạy nhảy. Cá vàng bơi lội trong ao. Những con quạ trên cành cây già mùa đông. Tự nhiên tự bản thân nó đã là một bức tranh khổng lồ đầy sống động rồi. Ông có hiểu không? Do vậy, nếu ông muốn vẽ một bức tranh đẹp, sao không thử vẽ phác trước?”

“Ồ, vậy ra Andrea del Sarto đã nói thế sao? Tôi không hề biết đấy. Nghĩ lại thì thấy cũng khá đúng. Đúng, rất đúng đấy.” Ông chủ hoàn toàn bị ấn tượng còn tôi thì thấy một nụ cười giả tạo đằng sau cặp kính gọng vàng.

Ngày hôm sau, khi tôi đang tận hưởng giấc ngủ trưa như thường lệ trên hiên, ông chủ xuất hiện từ phòng học (vốn đã là một hành động bất thường rồi) và bắt đầu làm gì đó sau lưng tôi. Lúc đó tôi tình cờ tỉnh dậy, băn khoăn không biết ông đang tính làm gì, tôi mở mắt ti hí, chỉ khoảng vài ly. Và ông ấy ở đó, gần như cố gắng vật lộn làm theo Andrea del Sarto. Tôi không thể ngừng cười. Ông ấy bắt đầu phác họa tôi chỉ vì bị một người bạn trêu chọc. Tôi ngủ đủ rồi, và đang rất muốn ngáp. Nhưng nhìn thấy ông chủ cố gắng phác họa mình nhiệt tình như thế, tôi không nỡ động đậy, dù tôi thấy chán lắm. Sau khi xong các đường cơ bản, ông bắt đầu vẽ mặt tôi. Tôi phải thừa nhận rằng, nếu coi mèo là tác phẩm nghệ thuật, thì còn lâu tôi mới lọt vào mắt xanh của các nhà sưu tập. Tôi hoàn toàn không nghĩ là hình dáng, bộ lông, hay các đường nét của tôi đẹp hơn đồng loại. Nhưng phải nói dù tôi có xấu thế nào thì cũng chẳng có sự liên hệ nào giữa tôi và cái thứ kì quặc mà ông chủ đang vẽ.

Đầu tiên, màu sắc sai. Bộ lông của tôi, như màu da người Ba Tư, có các dấu khoang trên nền xám vàng. Đó là sự thật không thể chối cãi. Nhưng màu mà ông chủ tôi tô vào thì chẳng phải màu vàng cũng không phải màu đen, không phải xám cũng chẳng phải nâu, cũng không phải bất kì sự pha trộn nào của 4 màu sắc ấy. Tất cả những gì có thể nói là, cái màu được sử dụng là một loại màu. Hơn nữa, khá kỳ cục, là mặt tôi không có mắt. Sự thiếu hụt này có lẽ là do nền của bức tranh, đó là bức phác họa một con mèo đang ngủ; nhưng suy cho cùng, chẳng ai thấy bất cứ dấu hiệu gì về vị trí của đôi mắt, chẳng thể biết được bức phác họa là về một con mèo đang ngủ, hay một con mèo mù. Tôi nghĩ thầm trong lòng rằng chẳng có ích gì, ngay cả với Andrea del Sarto. Tuy nhiên, tôi không thể không thấy ngưỡng mộ quyết tâm sắt đá của ông chủ. Nếu chuyện này hoàn toàn do tôi quyết định, tôi sẽ vui lòng giữ nguyên tư thế cho ông chủ, nhưng Tự nhiên đã lên tiếng gọi tôi một lúc rồi. Các cơ trên cơ thể tôi đã bắt đầu thấy bồn chồn và bứt rứt. Khi cảm giác ngứa ngáy đạt tới đỉnh điềm, tôi buộc phải giải phóng bản thân. Tôi duỗi chân trước, hạ thấp cổ, ngáp một cái thật dài. Làm xong tất cả những việc đó, chẳng còn ý nghĩa gì khi nằm im tiếp. Bức phác họa của ông chủ đằng nào cũng hỏng rồi, nên có lẽ tốt nhất tôi nên đi loanh quanh sau vườn và làm việc của mình. Với ý nghĩ đó, tôi bắt đầu bò đi một cách uể oải. Ngay lập tức, từ phòng trong tôi nghe ông chủ thốt lên “Đồ ngu !”, với sự pha trộn của tức giận và thất vọng. Ông có thói quen nói câu “Đồ ngu !” bất cứ khi nào chửi rủa ai đó. Ông không thể ngừng nói vậy vì ông không biết câu chửi rủa nào khác. Tuy vậy, tôi nghĩ có lẽ phần xấc xược trong ông không kiểm soát được nên đã gọi tôi là “đồ ngu”. Nhưng tôi đã kiên nhẫn đến thế cơ mà. Tất nhiên, nếu không phải do thói quen tỏ ra vui vẻ – dù là những biểu hiện nhỏ nhất của ông chủ – mỗi lần tôi nhảy lên lưng ông, thì tôi đã không thể chịu đựng những câu chửi ấy; dù vậy, bị gọi là “đồ ngu” bởi người chưa từng một lần làm gì tốt đẹp cho tôi thì thực quá quắt, nên tôi đứng lên và bỏ đi theo tiếng gọi nơi hoang dã. Sự thật rõ ràng là tất cả con người đều dương dương tự đắc với sự tự mãn cực đỉnh của bản thân về quyền năng hung ác của họ. Trừ phi một số loài vật khác có nhiều năng lực hơn con người xuất hiện trên Trái đất để bắt nạt lại họ, nếu không thì sẽ chẳng thể biết được sự tự phụ ngu ngốc của con người cuối cùng có thể dẫn họ tới vực sâu khủng khiếp cỡ nào.


Mức độ ích kỷ như thế kia thì người ta vẫn chịu đựng được, nhưng có những chuyện về sự đáng khinh của con người mà tôi từng được nghe, còn xấu xa và tồi tệ hơn sự ích kỷ rất nhiều.

Phía sau nhà tôi có một đồn điền chè nhỏ, khoảng 6 thước vuông. Mặc dù không rộng lắm, nhưng nó khá gọn gàng và đón nhiều nắng. Tôi có thói quen đến đó mỗi khi cần lấy lại tinh thần; ví dụ như khi lũ trẻ tạo ra quá nhiều tiếng ồn thay vì yên lặng ngủ, hay khi sự chán chường ùa đến giữa bữa ăn. Một ngày, nóng khủng khiếp, khoảng 2 giờ chiều, tôi tỉnh dậy sau giấc ngủ trưa yên bình và đi thong thả vào đồn điền chè như một cách tập thể dục. Cứ đánh hơi liên tục, từ gốc cây chè này đến gốc cây chè khác, tôi đến chỗ hàng rào cây bách ở góc tây đồn điền; và ở đó tôi nhìn thấy một con mèo lớn ngủ quên trên đống hoa cúc đã héo tàn, hoa bị cân nặng của con mèo đè bẹp. Dường như con mèo không để ý tôi tiến gần. Hoặc có lẽ để ý nhưng không thèm quan tâm. Dù thế nào, hắn vẫn ở đây, duỗi thẳng người và ngáy rất to. Tôi cũng phải ngạc nhiên vì sự dũng cảm của một kẻ xâm phạm như hắn, có thể ngủ một cách bất cần đến như vậy trong vườn người khác. Hắn là một con mèo đen tuyền. Mặt trời trên đầu chiếu những tia nắng sáng chói nhất lên người hắn, cứ như thể các ngọn lửa vô hình đang cháy lên trên bộ lông bóng nhoáng của hắn. Hắn có vóc dáng to lớn, mà chúng ta có thể nói là, vóc dáng của Chúa tể vương quốc Mèo. Chắc hắn phải to gấp đôi tôi. Vừa tò mò vừa ngưỡng mộ, tôi quên luôn bản thân mình. Tôi đứng như trời chồng, bị mê mẩn, 2 mắt nhìn chằm chằm vào hắn. Những cơn gió nhẹ của mùa hè làm cành cây ngô đồng bên trên hàng rào khẽ đung đưa, một vài chiếc lá rải rác trên thảm hoa cúc bị đè bẹp. Chúa tể thình lình mở cặp mắt to tròn của mình. Cho tới tận ngày hôm nay tôi vẫn nhớ giây phút đó. Đôi mắt hắn lấp lánh, đẹp hơn nhiều so với ánh mắt mờ đục màu hổ phách mà kì lạ thay loài người vẫn thích. Hắn nằm im. Tập trung phát ra những ánh sáng dữ tợn từ bên trong mắt lên cái trán ngắn ngủn của tôi, hắn nhấn từng chữ, “Mi là đứa quái nào?”

Tôi nghĩ rằng cách dùng từ ấy có chút không trang nhã đối với một Chúa tể, nhưng giọng của hắn trầm và đầy uy quyền, cảm giác như có thể đàn áp được một con chó bun ấy chứ. Tôi chết lặng trong sự kính nể thuần túy. Nhưng sợ rằng mình sẽ gặp phải rắc rối nếu không tỏ ra lễ độ, tôi trả lời một cách lạnh nhạt, bằng cái giọng giả tạo nhất tôi có thể dùng “Thưa ngài, tôi là một con mèo. Nhưng tôi vẫn chưa có tên.” Lúc đó tim tôi đập nhanh hơn bình thường rất nhiều.

Bằng giọng cực kì khinh miệt, Chúa tể quan sát tôi, “Một con mèo? Hừm, chết tiệt ! Mà thôi kệ đi, mi ở chỗ quái nào ra thế?”. Tôi nghĩ là con mèo này ăn nói thật lỗ mãng.

“Tôi sống ở đây, trong nhà của ông giáo.”

“Huh, ta cũng nghĩ vậy, thảo nào trông mi gầy gò thế.”, hắn nói bằng cái giọng mạnh mẽ như một Chúa tể thực thụ.

Xét theo cách nói, hắn không thể là một con mèo có xuất thân đáng nể. Tuy nhiên, hắn lại có vẻ được chăm bẵm chu đáo và cực kì béo tốt, gần giống như béo phì, trong lớp lông bóng nhoáng óng ả. Tôi hỏi hắn “Còn ngài, xin hỏi quý tính đại danh của ngài?”

“Ta? Ta là Kurumaya Kuro.” Hắn trả lời bằng sự tự hào, vì Kurumaya Kuro nổi tiếng trong khu này là một vị khách thô lỗ. Tính cách không có gì làm lạ ở những kẻ lớn lên trong một ga-ra xích lô (nguyên bản tiếng Anh chỉ rickshaw, một loại xe 3 bánh, hay xe kéo, chở được người, có mui, dùng nhiều ở Ấn Độ và Viễn Đông, đại khái gần giống cái xích lô – ND), hắn gan góc nhưng có vẻ vô giáo dục. Do đó hầu như không ai trong chúng tôi qua lại với hắn, và có một luật lệ ngầm là “biết điều thì tránh xa hắn ra”. Vì thế khi nghe tên hắn, tôi cảm thấy đôi chút hốt hoảng và không thoải mái nhưng đồng thời cũng thấy một chút khinh khỉnh. Và rồi, để cho thấy hắn kém hiểu biết tới mức nào, tôi tiếp tục cuộc nói chuyện bằng câu hỏi “Vậy ngài nghĩ ai tốt hơn, một người chủ tiệm xích lô, hay một giáo viên?”

“Sao chứ, đương nhiên là ông chủ tiệm xích lô rồi. Ông ấy mạnh hơn. Cứ nhìn ông chủ ngươi xem, toàn da bọc xương.”

“Ngài là một con mèo của ông chủ tiệm xích lô, đương nhiên là cũng phải rất khỏe mạnh. Trông ngài béo tốt vậy cơ mà.”

“Ah uhm, về ta thì, ta không bao giờ đòi hỏi có bữa ăn tươm tất ở bất cứ nơi nào ta đến cả. Cả mi nữa, thay vì rón rén quanh đồn điền chè, sao không theo ta? Trong vòng 1 tháng, đảm bảo mi sẽ béo tới mức chẳng ai nhận ra nữa đâu.”

“Tôi sẽ đến và xin theo ngài khi nào đúng lúc. Nhưng có vẻ nhà của ông giáo rộng hơn nhà ông chủ ngài mà.”

“Đồ ngu ! Một ngôi nhà, dù to đến thế nào cũng không thể lấp đầy cái bụng rỗng được.” Hắn nhìn tôi một cách giận dữ. Mắt hắn giật giật đầy dữ tợn, đôi tai nhọn như đốt thân tre cắt vát, và rồi hắn bỏ đi một cách ồn ào.

Đó là lần đầu tiên tôi gặp Kurumaya Kuro, và kể từ ngày đó tôi cứ bắt gặp hắn nhiều lần. Mỗi khi chúng tôi gặp nhau, hắn đều nói chuyện rất to, như thể chắc chắn một con mèo của ông chủ tiệm xích lô sẽ nói kiểu đó; và câu chuyện tồi tệ về con người mà tôi có nhắc tới dưới đây là một câu chuyện mà hắn kể với tôi.


Một hôm Kuro và tôi đang nằm tắm nắng trong vườn chè như thường lệ. Chúng tôi tán gẫu về đủ thứ chuyện, Kuro rất hay khoác lác và lần nào cũng nói như thể còn mới tinh vậy. Rồi hắn hỏi : “Rốt cuộc thì mi bắt được bao nhiêu chuột rồi?”

Tôi cố gắng bao biện, tâng bốc bản thân rằng kiến thức chung của tôi rộng và sâu hơn của Kuro, nhưng phải thừa nhận thể lực và lòng can đảm của tôi không thể so được với hắn. Lần nào cũng thế, câu hỏi chả có mục đích gì của hắn đều tự dưng làm tôi thấy có chút băn khoăn. Tuy nhiên, sự thật thì vẫn là sự thật, và ai cũng phải đối diện sự thật. Nên tôi trả lời “Thực ra, dù luôn nghĩ tới chuyện bắt một con nhưng tôi vẫn chưa bắt được con nào hết.”

Kuro cười lớn, bộ ria cứng nhắc quanh miệng hắn rung lên. Kuro, đúng là một tên vô tích sự, một tên đần độn. Khi bạn chú ý lắng nghe, giả vờ bị ấn tượng bởi những lời khoác lác của hắn, thì hắn sẽ trở thành một con mèo dễ bảo. Ngay sau khi biết nhau, tôi đã học được cách này để đối xử với hắn. Do đó trong tình huống này, tôi cũng nghĩ nếu cứ mãi bao biện thì chỉ càng nhấn mạnh điểm yếu của bản thân và cách đó thật không khôn ngoan, sẽ tốt hơn nếu lẩn tránh vấn đề này bằng cách dụ hắn khoe khoang về những thành công của mình. Tôi cố gắng dẫn dụ hắn: “Xét về tuổi tác, chắc ngài đã bắt được vô số con chuột rồi đấy nhỉ?”. “ Tất nhiên rồi”, hắn nhai miếng mồi với sự khoái trá.

“Uh thì, không quá nhiều, ta chỉ mới bắt được tầm ba bốn chục gì đó”, hắn trả lời đầy hân hoan. Hắn tiếp tục, “Ta có thể xử lý một trăm hay hai trăm con chuột, bất cứ lúc nào, dù chỉ một mình. Nhưng còn chồn thì ta chịu. Ta từng có thời gian như ở địa ngục chỉ vì một con chồn.”

“Thật thế sao?” Tôi hỏi một cách ngây thơ. Kuro nháy mắt và kể.

“Đó là vào năm ngoái, ngày tổng vệ sinh nhà cửa. Khi ông chủ ta đang quỳ trên sàn với một túi chanh, thì một con chồn to lớn bẩn thỉu thình lình nhảy vào.”

“Thật à?” Tôi cố tỏ ra bị ấn tượng.

“Ta tự nói với mình, ‘Thế chồn là con gì chứ? Chỉ to hơn chuột chút thôi mà.’ Nên ta đuổi theo, cảm thấy rất phấn khích và cuối cùng cũng dồn được nó vào một góc tường.”

“Ồ thật là giỏi,” Tôi ca ngợi hắn.

“Không đâu. Cuối cùng nó phải dụng đến cách cuối cùng, nó nhấc đuôi lên, và xì ra một hơi hôi thối bẩn thỉu. Ugh! Cái mùi kinh tởm đó! Kể từ dạo ấy, mỗi lần nhìn thấy chồn là ta lại thấy khó ở.” Nói đến đây, hắn giơ móng trước, khua khua trước mũi, như thể là hắn vẫn còn ngửi thấy cái mùi đó.

Tôi cũng thấy thương thương hắn, và trong nỗ lực làm hắn vui vẻ hơn, tôi nói, “Nhưng nếu nói về bọn chuột, tôi nghĩ rằng, ngài là một chuyên gia đại tài. Nhờ cái tài đó mà ngài mới to lớn béo tốt được như thế này.” Dù những lời này là để tâng bốc Kuro, nhưng thật lạ là nó lại có tác dụng hoàn toàn ngược lại. Hắn nhìn rất chán nản và đáp lại bằng một tiếng thở dài.

“Thật đáng buồn,” hắn nói, “…thử nghĩ mà xem, dù ta có cố gắng, nỗ lực tìm bắt chuột như thế nào…thì trên khắp thế giới rộng lớn này, chẳng có loài nào tráo trở hơn con người. Tất cả những con chuột ta bắt được họ đều tịch thu và mang hết tới sở cảnh sát. Cảnh sát không thể biết ai là người bắt được những con chuột đó, nên họ chỉ trả 1 đồng cho mỗi con khi bất cứ ai mang chuột tới. Ví dụ như, ông chủ ta có khi đã kiếm được đến một nửa cái vương miện rồi, hoàn toàn do nỗ lực của ta, nhưng ông ta chẳng bao giờ cho ta một bữa ăn tử tế. Sự thật đơn giản chính là, con người, ai cũng thế, trong thâm tâm đều chỉ là những tên trộm không hơn không kém.”

Dù Kuro còn lâu mới được gọi là sáng dạ, nhưng chẳng ai có thể đổ lỗi cho hắn khi đưa ra kết luận như vậy được. Hắn bắt đầu trở nên giận dữ, lông trên lưng dựng ngược lên. Nghe câu chuyện và chứng kiến phản ứng của Kuro, tôi kiếm cớ quay về nhà. Và kể từ đó tôi quyết tâm sẽ không bao giờ bắt chuột cả. Nhưng tôi cũng không chấp nhận lời mời trở thành bạn đồng hành của Kuro để đi lang thang kiếm những cao lương mỹ vị, chuột là đủ rồi. Tôi thích cuộc sống ấm cúng hơn, và rõ ràng, ngủ thì luôn dễ hơn đi săn tìm đồ ăn ngon. Sống trong nhà ông giáo, dường như đến cả con mèo cũng thành ra có những đặc điểm của giáo viên. Tốt nhất là tôi cần phải cẩn thận hơn, nếu không một ngày nào đó, tôi cũng sẽ dính bệnh khó tiêu mất.


Ông chủ tôi hít một hơi hờ hững và trả lời, “Ờ thì, tôi nghe theo lời khuyên của anh và bây giờ đang vẽ phác họa suốt. Và phải nói rằng khi vẽ phác họa, người ta dường như hiểu rõ hình dáng của những vật mình vẽ, những sự thay đổi màu sắc tinh tế, mà trước đó không nhận ra. Tôi cho rằng phác họa đã phát triển ở phương Tây tới mức tinh hoa như ngày nay tất cả là nhờ cách vẽ tôn vinh sự ấn tượng, thay vì chỉ vẽ những thứ quan trọng như trước đây. Đúng như những gì Andrea del Sarto đã nói.” Mặc dù không trực tiếp viết trong nhật ký nhưng ông chủ có vẻ đồng tình với Andrea del Sarto.

Lão chuyên về thẩm mỹ gãi gãi đầu, và cười, “Thực ra thì cái đoạn về del Sarto là tôi bịa ra thôi.”

“Cái gì cơ?” Ông chủ tôi gần như tắc thở khi biết mình bị lừa, bị biến thành một thằng ngốc suốt thời gian qua.

“Tất cả những điều về Andrea del Sarto mà ông ngưỡng mộ, đều là tôi bịa ra đấy. Tôi không nghĩ là ông sẽ coi trọng mấy lời đó thế.” Lão cứ cười và cười, tỏ vẻ thích thú với chuyện này.

Tôi nghe lỏm cuộc nói chuyện đó từ chỗ của mình ngoài hiên và tôi không thể không tò mò là ông chủ sẽ viết gì vào nhật ký cho ngày hôm nay. Người bạn của ông chủ hóa ra là loại người mà niềm vui duy nhất chính là đi lừa người khác bằng mấy lời bịp bợm. Có vẻ không thèm nghĩ tới ảnh hưởng của mấy lời nói láo về Andrea del Sarto gây ra cho ông chủ tôi, lão vẫn tiếp tục ba hoa, “Thỉnh thoảng tôi lại nghĩ ra vài câu chuyện linh tinh và mọi người ai cũng tin sái cổ, phản ứng của mọi người thật vô cùng hài hước, mà bản thân tôi cũng thấy thích. Có lần, tôi đã nói với một cậu sinh viên mới tốt nghiệp rằng ‘Nicholas Nickleby thực ra đã khuyên Gibbon dừng dùng tiếng Pháp cho tuyệt tác của mình là cuốn Lịch sử Khởi nghĩa Pháp, và thuyết phục được Gibbon xuất bản cuốn đó bằng tiếng Anh. Cậu sinh viên này có trí nhớ bằng thị giác, và thật thích thú khi thấy cậu ấy cứ lặp đi lặp lại những gì tôi nói một cách rất nghiêm túc, không sai một từ trong một Cuộc bàn luận của giới Văn đàn Nhật Bản. Và ông biết đấy, có tới cả trăm người trong khán phòng, và tất cả họ đều chăm chú ngồi nghe những lời nói ngốc nghếch của hắn. Thực ra , tôi vẫn còn một chuyện hay hơn nữa cơ. Một hôm, khi tôi đang đi cùng vài người bạn, một trong số họ tình cờ nhắc đến Theofano, tiểu thuyết lịch sử về cuộc Thập tự chinh của tác giả Ainsworth. Tôi nhân cơ hội nói rằng đó là một tác phẩm lãng mạn tuyệt vời, và nhận xét thêm là cái chết của nhân vật nữ anh hùng đúng là trung tâm của câu chuyện.  Gã ngồi đối diện tôi, vốn chỉ ấp úng được 3 chữ “tôi không biết”, ngay lập tức trả lời rằng những đoạn văn mô tả cảnh đó thực sự được viết rất hay. Kể từ đó, tôi nhận ra, hắn cũng chả hơn gì tôi, đều chưa từng đọc cuốn sách đó.”

Với đôi mắt mở to, ông chủ hay phiền muộn của tôi hỏi lão, “Được rồi, thế ông sẽ làm gì nếu gã kia đã đọc cuốn đó rồi?” Có vẻ ông chủ tôi không buồn vì bị lừa dối, chỉ bận tâm tới sự  xấu hổ có thể xảy ra nếu bị phát hiện nói dối. Câu hỏi ấy gần như không làm lão ta lúng túng gì.

“À, nếu vậy thì, tôi sẽ nói là tôi nhầm tên sách hoặc cái gì đó đại loại thế,” hắn lại tự cười lớn.

Mặc dù cái kính gọng vàng hay đi lừa người ta, nhưng về bản chất thì hắn cũng chả khác Kurumaya Kuro là mấy. Ông chủ tôi không nói gì, nhưng thổi ra những vòng tròn khói như thể đang tự thú nhận mình không thể trơ tráo đến thế. Lão thẩm mỹ (ánh mắt lão sáng lên như đang nói rằng, “Không nghi ngờ gì cả; ông, chính ông, cũng không thể xử lý được màu nước đâu !”) tiếp tục nói rất mạnh miệng. “Nhưng, nói nghiêm túc, thì vẽ tranh đúng là khó khăn. Leonardo da Vinci từng bảo những học trò của mình vẽ lại một vết ố bẩn trên tường của một Nhà thờ. Quả là một người thày vĩ đại. Kể cả trong phòng vệ sinh, nếu người ta say sưa nghiên cứu quy luật của nước mưa ngấm trên tường, chắc chắn sẽ phát hiện ra một hình dạng đặc sắc, một sự sáng tạo nào đó của thiên nhiên. Ông cần mở to mắt và cố vẽ những thứ từ tự nhiên. Tôi tin là ông có thể tạo ra cái gì đó thú vị.”

“Lại là một trò lừa bịp nữa của ông hả?”

“Không, điều tôi vừa nói, xin thề là sự thật. Thực ra, tôi nghĩ rằng ví dụ về phòng vệ sinh dí dỏm đấy chứ. Nếu là da Vinci chắc cũng sẽ nói vậy.”

“Vâng, đúng là sự dí dỏm “tế nhị”,” ông chủ tôi hơi do dự thừa nhận. Nhưng tôi không nghĩ là bản thân ông ấy sẽ đi vẽ tranh trong phòng vệ sinh.


Kuruyama Kuro gần đây trở nên rất tệ hại. Bộ lông óng mượt của hắn mỏng hơn và dần tối màu. Mắt hắn, đôi mắt tôi từng ca ngợi là đẹp hơn cả đá hổ phách, giờ thì lờ mờ đùng đục toàn chất nhầy. Tôi để ý nhất là hắn mất hết sức sống và thể lực sa sút hẳn. Lần cuối nhìn thấy hắn trong vườn chè và hỏi hắn có ổn không, hắn trả lời một cách buồn bã : “Ta đã chán ngấy lũ chồn với mùi của chúng, và chán việc bị mấy lão bán cá quật ngang lưng bằng sào rồi.”

Lá cây mùa thu rải thành từng hàng đỏ tươi trên hiên giữa những cây thông xanh, lá thu rơi như trong những giấc mơ xa xưa. Cây sơn trà hoa đỏ và trắng trong vườn, thả rơi từng cánh hoa, lúc thì cánh trắng, lúc thì cánh đỏ, cuối cùng cũng gần như trụi hết. Mặt trời mùa đông trải dài 3m về phía nam từ hàng hiên lặn sớm hơn ngày hôm qua. Hiếm khi một ngày trôi qua mà không có những cơn gió lạnh buốt thổi qua. Thế là những giấc ngủ trưa của tôi cũng dần bị cắt bớt , thật đau đớn.

Ông chủ ngày ngày đến trường, và khi về đến nhà, là vào phòng học khóa cửa lại. Ông nói với tất cả mọi người rằng mình đã chán làm giáo viên. Ông hiếm khi vẽ. Ông ngừng uống takađiactaza, vì nó chả ích gì. Lũ trẻ, những đứa trẻ con, giờ cũng héo hon, ngày qua ngày ở trường mẫu giáo; được cái khi về, chúng hát, nô đùa chơi bóng, và thỉnh thoảng túm đuôi tôi treo ngược lên.

Vì không được bồi bổ bằng những đồ ăn bổ dưỡng , tôi không béo lên được; nhưng tôi cố gắng chống chọi qua ngày để giữ mình khá cân đối, ít nhất là không bị tàn tạ. Tôi không bắt chuột. Tôi vẫn ghét bà hầu O-san đó. Vẫn không ai thèm đặt tên cho tôi, khóc lóc kêu than cũng chả ích gì, thế nên tôi chọn cách làm một con mèo không tên cho suốt phần đời còn lại của mình trong ngôi nhà của ông giáo.

chap 1

HẾT CHƯƠNG 1

(còn tiếp)

7 thoughts on ““Tôi là mèo” – Chương 1 (hoàn thành)

    • Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã quan tâm đến cuốn truyện này. Thú thực là mình rất muốn dịch nhanh, 1 tuần 1 chương hoặc 2 chương ấy chứ, nhưng mà nhân lực có hạn, hiện tại chỉ có một mình mình dịch và quản lý web, thời gian cũng hạn hẹp nên truyện mới lâu không được update như thế. Mong bạn thông cảm. Nhưng chắc chắn mình sẽ không drop dự án này nên mong bạn tiếp tục theo dõi blog, chờ các kì tiếp theo nhé.

      Thích

  1. Pingback: “Tôi là mèo” – Chương 2 (part 1) | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi

Để lại bình luận

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.