San, Sama, Kun, & Chan khác gì nhau ?

Như mọi người đã biết, trong giao tiếp tiếng Nhật, trên tivi, ở bất cứ phương tiện truyền thông nào, chúng ta thường xuyên nghe đến những hậu tố đứng đằng sau tên người, mà cụ thể là san, sama, kun, chan,... (còn nhiều nữa, tuy nhiên đây là những trường hợp phổ biến nhất). Chúng ta cần nắm rõ, hoặc ít nhất là biết khi nào nên sử dụng cái nào, để tránh gây bất lịch sự khi giao tiếp.

San ( -さん)

Đây là hậu tố phổ thông nhất. Dùng để chỉ nam hay nữ đều được. Đây là một cách nói khá lịch sự và đặc biệt hữu dụng khi bạn không biết nên dùng hậu tố nào, khi đó cứ nhồi -san cho chắc. Hầu như sẽ không ai  có ác cảm gì nếu bạn gọi tên của họ kèm với san.

Tuyệt đối không được sử dụng [tên bạn]+san, nói cách khác, khi muốn đề cập tới bản thân thì không được dùng -san. Nó được coi là rất thô lỗ. Chỉ nên dùng khi muốn chỉ người khác. Thêm nữa, không được dùng -san để chỉ con cái người khác hay với khách hàng của bạn.

Ngoài cách sử dụng -san để gọi ai đó, san còn được gắn vào sau danh từ, thường là nghề nghiệp. Ví dụ, người bán sách sẽ được gọi là honya-san, bác bán thịt sẽ được gọi là nikuya-san, lưu ý là không phải công việc nào cũng dùng được.

4072615749

Các bạn có để ý thấy rất nhiều nickname của người Nhật trên mạng có số “3” ở cuối không ? Lí do là vì số 3 trong tiếng Nhật cũng đọc là “san”, vì thế nhiều người sử dụng số 3 ở cuối nickname của mình. Một điều nữa, đó là ở vùng Kansai (nơi nổi tiếng với hệ thống âm bản địa đặc trưng), một số người dùng -han thay vì dùng -san ở sau tên người khác.

Sama ( -さま = 様)

126251a5

客様

Trong giao tiếp bình thường hiếm khi bạn sẽ dùng đến sama. Chỉ có 2 trường hợp mà bạn sẽ dùng đến nó:

1. Khi bạn nói chuyện với khách hàng (okyaku-sama = quý khách)

2. Khi bạn muốn bày tỏ niềm ngưỡng mộ hay kính trọng với ai đó (thường là trong những dịp trang trọng, những buổi nói chuyện với đông người nghe). Ví dụ những người dẫn chương trình hay nói “mina-sama” khi muốn chỉ những người đang nghe trong khán phòng

Ngoài 2 trường hợp trên, tuyệt đối không được dùng -sama bừa bãi, cái này các bạn otaku cần lưu ý vì các bạn dùng -sama với hầu hết tất cả thần tượng của mình (!)

Sama cũng có một cách nói khác là “chama“. Thực ra cách nói chỉ nên dùng khi người đó hơn tuổi hình.

Kun ( -くん)

Đây là cách nói phổ thông, thân mật. Kun chỉ được dùng cho con trai (ngày nay thì có vài “chị” cũng thích minh được gọi là kun -_- ), kun thường được người trên nói với người dưới, ví dụ điển hình là khi cô giáo muốn gọi tên học sinh trong lớp học, ” Tarou-kun, lên bảng kiểm tra bài cũ !”

Không nên dùng -kun với những người có địa vị cao hơn (lúc này ta dùng -san), trừ phi là ai đó rất thân mật như anh em một nhà chẳng hạn.

Chan ( -ちゃん)

Chan thường được sử dụng đối với trẻ con, thành viên nữ trong gia đình, người yêu, bạn bè. Giống như kun, đây cũng là một cách nói rất thân mật. Thông thường, tên một người sẽ được rút ngắn rồi sau đó mới thêm -chan. Ví dụ thì có rất nhiều trên anime, Mugi-chan (Tsumugi), Ai-chan (Aiko), Ryu-chan (Ryuzaki), Yu-chan (Yukiko)… Hầu hết các trường hợp, cái gì đi với chan nghe cũng rất dễ thương. Thế nên những con gì dễ thương, những cái tên dễ thương cũng có thể dùng -chan, ví dụ như Neko-chan (mèo), Usagi-chan (thỏ)… hay Momo-chan, Yuki-chan…

Chirimen-momo-4

Đến móc khóa cũng có Chan

Một lần nữa, không nên dùng -chan với những người có địa vị cao hơn. Chỉ nên dùng -chan với những ai mình quen biết, thân mật, những ai nhỏ hơn…

Khác với những trường hợp khác, bạn cũng có thể dùng -chan để nói về bản thân. Bọn trẻ con rất hay nói vậy, nhưng người lớn cũng có không ít. Thêm -chan vào sau tên mình đôi khi tạo thành một nickname và dùng để giao tiếp giữa bạn bè với nhau.

Một điều thú vị nữa là -chan khi nói tới ông bà, ojii-chan obaa-chan. Lí giải cho điều này có lẽ là khi ông bà già đi, đã đi đến cuối đời người (luân hồi), nếu mất đi sẽ đầu thai làm đứa trẻ ở kiếp sau, và thế nên từ -chan được sử dụng.

Bonus

Shi (-し 氏)

Hậu tố cuối cùng sau tên người được đề cập là -shi. Nếu dịch sang tiếng Việt có thể dịch là vị/ngài/anh/chị/ông/bà… (nói chung là không phân biệt tuổi tác và giới tính như những hậu tố trên)  và các bạn sẽ thường xuyên chỉ thấy chúng trên các văn bản. Trong các văn bản chính thức báo đài, luận văn thì tên của những người được đề cập thường có hậu tố 氏 đứng sau. Ví dụ như “ông Yamada” thì sẽ là 山田氏 hoặc nhà toán học Cauchy (Cô-si) thì sẽ được ghi là コーシー氏.

 

Nắm rõ và hiểu cách sử dụng san, sama, kun, chan là rất quan trọng nhằm tạo ấn tương tốt với người đối diện, cũng như trở nên thân mật/ lịch sự hơn khi giao tiếp, nhất là với những người nước ngoài như chúng ta.

 


Nguồn:

“What’s the difference between San, Sama, Kun and Chan?”, by Koichi, Tofugu, June 28, 2008

Japanese Hononorifics, Wikipedia

2 thoughts on “San, Sama, Kun, & Chan khác gì nhau ?

  1. Pingback: Senpai, Kohai và Sensei | Khám phá Nhật Bản cùng Kiyoshi

Để lại bình luận

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.